Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » 5 album cho những đêm vừa chạy xe về vừa tưởng tượng mình đang đóng MV

Sài Gòn, đồng hồ điểm 12:03 khuya. Bạn vừa xem xong một bộ phim chiếu vào suất cuối cùng của ngày. Bãi giữ xe buổi đêm tĩnh mịch, ai nấy yên lặng lấy xe ra về trong ánh vàng cam của đèn đường. Bạn đi lững thững đến xe, cơn gió nhẹ thổi qua se se lạnh. Đã đến lúc bắt đầu hành trình về nhà. Giờ nghe nhạc gì đây?

Mỗi người có thể tự chọn cho mình nhạc gì cũng được miễn thấy thích, nhưng chuyến xe đêm mang trong mình nỗi niềm riêng chỉ có những bài hát tự sự, hoang hoải, nhuốm màu đơn độc mới thể hiện hết được. Người ta hay gọi Sài Gòn là thành phố không ngủ, cho nên vào bất kì thời gian nào trong ngày, ta cũng ít khi thật sự một mình. Dẫu vậy, chỉ những canh giờ tối muộn mới đủ quyền năng bóc tách những nhiễu nhương đô thị khiến ta ngày một mệt mỏi: kẹt xe kéo dài hàng giờ, ô nhiễm tiếng ồn và không khí, và cái đông đúc ngột ngạt của hàng lớp người tranh nhau tồn tại. Khi chạy xe ở Sài Gòn ban đêm, tôi tự cho phép mình lùi lại, chạy chậm cho an toàn, và để ngắm nghía hình họa thành phố, những khía cạnh thường bị khỏa lấp bởi cái xô bồ ban ngày: như hàng cây chò nâu trầm mặc, kiến trúc nhà phố, hay chỉ đơn giản là cái cách cây cối và bờ kè ôm lấy con kênh theo từng đường cong uốn lượn.

Nhiều dòng nhạc tưởng chừng như được ra đời để đồng hành cùng những chuyến xe đêm, như synthwave, lo-fi, R&B hay dream pop — nhờ con beat đều mượt và cách hòa âm với chủ đích tạo không gian thay vì để trưng bày kĩ thuật thanh nhạc vi vút. Ngoài ra, city-pop thậm chí còn thành hình vào thập niên 1970 và 1980 với chính mục đích cố gắng nắm bắt cái hồn thành thị không tên nào đó trong các đại đô thị ở Nhật. Tuy các dòng nhạc kể trên đều có xuất phát điểm quốc tế, trong vòng nửa thập kỷ đổ lại, các nghệ sĩ Việt đã và đang “chơi đùa” với những phong vị âm nhạc có phần mới mẻ như thế, và cho ra mắt nhiều tác phẩm với mỹ cảm rất hợp để làm nhạc nền cho những tối khuya chạy bon bon trên phố phường Sài Gòn.

CITOPIA (Album) | Phùng Khánh Linh

Sau khi tạo được ấn tượng mạnh với album đầu tay — cũng là một trong những album Saigoneer yêu thích nhất 2020 — Phùng Khánh Linh đã chứng minh được rằng mình miễn nhiễm với “lời nguyền album thứ 2” qua CITOPIA. Được nhiều fan ưu ái gọi là “album city-pop đầu tiên của Việt Nam,” CITOPIA không chỉ đơn giản lấy cảm hứng từ dòng nhạc xuất xứ từ Nhật Bản, mà còn thỏa thích vẫy vùng trong văn hóa, thẩm mỹ đặc trưng của thế giới city-pop mạng. Người ta có thể gọi đây là chiêu trò, và đúng là chiêu trò thật, nhưng “chiêu” này được áp dụng và đón nhận một cách hoan hỉ, đem đến cho khán giả trải nghiệm đa phương tiện khá thích thú. Mỗi bài hát đều có lyric video hay MV riêng, sử dụng hình ảnh lấy cảm hứng từ anime vintage từ thập niên 1980 — Thủy Thủ Mặt Trăng và Ranma phiên bản lo-fi. Lời hát da diết đi kèm hòa âm hoài cổ xuyên suốt CITOPIA hợp với mọi tâm trạng khi chạy xe, thất tình hay hân hoan. Đặc biệt, video của ‘năm ngoái giờ này’ đã có sẵn nhân vật nữ chạy xe đêm, hợp quá đi chứ.


Shimmer (Album) | Tuimi

Album đầu tay của Tuimi, “softcore | hardshell,” là một trong những bản thu âm tôi nghe đi nghe lại hồi 2020 — một album khắc họa rõ cá tính mạnh, tính thấu cảm bản thân, và con mắt nhìn đời xác đáng của cô gái sinh năm 1994. Đến với “Shimmer,” Tuimi tiếp tục thỏa thích bay nhảy trên “sân nhà” mình: R&B, trap và soul — những dòng nhạc cực hợp để nghe ban đêm. Như ‘Smile’ chẳng hạn, đây là một bản ballad khá “mộc” vì phần lớn bài chỉ có tiếng hát ray rứt và tiếng đàn piano. Về mặt chủ đề, tình yêu và những phiên bản đa đoan của tình yêu là trái tim của “Shimmer,” đây chính là điểm khác biệt nhất giữa 2 album,  đồng thời cũng khiến album thứ hai rất ngọt khi ta cần nghe thanh âm gì đó để át tiếng lòng thổn thức.


32 (Album) | Thành Luke

Đã hơn một năm sau khi Cá Hồi Hoang tuyên bố tan rã, mỗi thành viên cũng bắt đầu phát triển hướng đi riêng. Đối với Thành Luke, 2024 có lẽ là một năm rất năng suất trên con đường solo của anh, với tận 2 album mới trình làng. “32,” con số để đánh dấu tuổi mới của Thành, không phải là bản thu âm với dòng nhạc hay hình ảnh đậm quốc tế như hai album trước trong list này. Thành Luke vẫn trung thành với guitar và nhiều thành tố classic rock trong cách anh kể chuyện bằng âm nhạc. Chất tự sự vẫn đậm đà trong cách Thành viết nhạc, dù cho Cá Hồi Hoang hay cho riêng mình; thậm chí anh còn thử nghiệm với văn học qua quyển sách đầu tay, For The Beginning. Ngồi xe nghe “32” của Thành Luke, chúng ta — những kẻ đi đêm — sẽ tìm thấy cho mình những mảnh ghép ấm áp, vỗ về, khuyến khích ta giảm ga để tự suy ngẫm thay vì chạy vèo ngay về nhà.


After Party (EP) | Vũ Thanh Vân

Bất cứ ai cần tìm vài chiếc nhạc để nghe trên xe buổi tối khuya chắc cũng sẽ bị cuốn hút bởi “After Party,” EP được Vũ Thanh Vân ra mắt cách đây vài năm — track cuối cùng cũng đã mang tên ‘Driving Music’ luôn rồi. Vân tìm được khán giả của mình đầu tiên qua những sáng tác pop mang đầy tính không gian và lời hát chân thành, hướng đến cảm xúc và “vibe” hơn là để khoe giọng. Tuy nhiên, EP này giở ra một trang mới trong câu chuyện của Vân, viết nên 5 bài hát tiết tấu nhanh, beat “cháy” hơn. Đơn cử như ‘Hmm..’ — hòa trộn phần hát có phần huyền bí với nhịp điệu lạ tai từ itsnk. Mỗi khoảng lặng, mỗi nhịp đập như kéo ta chìm sâu hơn vào giai điệu, vào con đường đêm thênh thang mở ra ngay trước mắt. Trong khi những sáng tác đầu tay có phần hơi mềm mại để nghe khi ngồi xe, “After Party” dường như tìm được cân bằng giữa “nhạc để quẩy” và “nhạc để suy,” hai phạm trù tưởng chừng khó hòa hợp.


Nghe Tiếng Đêm (Album) | KoQuet

So với 4 album trên, album đầu tay của ban nhạc indie KoQuet có lẽ được ít người biết đến hơn, nhưng đây lại là album có thể nói đã vô tình được đo ni đóng giày cho danh sách này, ngay từ cái tên “Nghe Tiếng Đêm.” Trong phần intro, người dẫn chuyện thì thầm: “Chúng ta cùng ngồi lại để nghe tiếng đêm, và nghe chính tiếng lòng của mình.” Những tâm sự này có mặt rải rác khắp album qua phần intro, interlude, và outro; khi nghe giọng đọc, tôi bất giác nhớ về những buổi chiều tối ngày bé, nằm nghe radio cùng ba. Xuyên suốt 45 phút nhạc, KoQuet đưa người nghe qua nhiều chặng đường cảm xúc, từ chiêm nghiệm, thống thiết, đến nhỏ nhẹ tâm tình. Các bài hát ít khi nào chệch ra khỏi quỹ đạo của chủ đề chính, buổi đêm, cho thính giả trải nghiệm nghe nhạc — và cả chạy xe đêm — liền mạch.


Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Homeland Artists: Mảnh 'đất nhà' để gieo trồng giấc mơ âm nhạc của nghệ sĩ trẻ

Kí ức của tôi về Homeland Artists bắt đầu từ một đêm Chủ Nhật ngồi nghe các thành viên trò chuyện.

in Quãng 8

Thành Đồng: 'Mình chỉ là người bình thường viết nhạc'

Lấy cảm hứng từ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, Thành Đồng đem đến cho người nghe sự gần gũi, chân thực và đậm chất tự sự trong từng bài hát của mình.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Một hôm nọ, gần nhà số 24C, Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, có hai chiếc xe vừa va chạm nhau. Mọi ánh mắt đều đồ dồn về phía vừa xảy ra tai nạn. Người qua đường thi nhau ngó nghiêng. Và làm nền cho khun...

in Quãng 8

Hành trình của Táo: Người làm nhạc và kẻ đi gieo mầm

Người nghệ sĩ đâu thể phản ánh cuộc sống nếu họ không sống?” 

Khôi Phạm

in Quãng 8

Hồ Trâm Anh và tiếng lòng thống thiết của tâm hồn thành thị say thiên nhiên

Ngay khi buổi phỏng vấn giữa tôi và Hồ Trâm Anh vừa chớm bắt đầu, một cơn mưa phùn nhẹ chợt bay ngang bầu trời xám não nề Sài Gòn. Sợ tiếng tí tách của mưa làm nhiễu cuộc gọi nên tôi vội mở lời xin lỗ...

Khôi Phạm

in Quãng 8

Limebócx, bộ đôi Hà Nội đọc thơ Nguyễn Khuyến trên nền nhạc điện tử

Bò gặm cỏ rau ráu, đôi uyên ương rối tung tăng trên nước, ván bài tam cúc ma mị, nàng thơ ngổ ngáo mặc áo tứ thân đi giày bata, mâm cơm đạm bạc. Đây chỉ là một vài hình ảnh lập lòe trong tâm trí khán ...