Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Một hôm nọ, gần nhà số 24C, Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, có hai chiếc xe vừa va chạm nhau. Mọi ánh mắt đều đồ dồn về phía vừa xảy ra tai nạn. Người qua đường thi nhau ngó nghiêng. Và làm nền cho khung cảnh hỗn độn đó: một bản remix tiếng trống solo đầy ngẫu hứng. Bạn có thể tự xem cảnh tượng kỳ lạ này ở phút 41:30 trong “Quện Mix Nhã Nhạc Vol 5” — một màn DJ đĩa than, quay ở trước một tiệm cắt tóc bình dân tại Đà Lạt. Khoảnh khắc đời thường như phim này, kết hợp với niềm đam mê âm nhạc, thể hiện rõ thần thái của dự án Quện Sound Collage.

Quện Sound Collage là dự án được khởi xướng bởi ba người bạn: Sơn, 30; Uyên, 25; và Phát, 27. Sơn đảm nhiệm sản xuất và thiết kế đồ họa cho nhóm, Uyên quản lý các tài khoản mạng xã hội, còn Phát, biệt danh DJ Ku Chẹo, chịu trách nhiệm phần kỹ thuật và âm thanh. Bộ ba trước đây làm việc trong các hộp đêm Đà Lạt, nhưng sớm chán chường môi trường dày đặc rượu bia, chất kích thích, và các mối quan hệ xã hội phức tạp. Do đó, ba người bạn đã quyết định tìm một con đường khác để đi với đam mê và đóng góp cho cộng đồng mình.

Vốn là một người con của Đà Lạt, Sơn mong muốn tìm lại những nét đẹp mà thành phố đã đánh mất từ việc phát triển du lịch quá mức. Cảnh quan thành phố đã thay đổi đáng kể, khi ngày càng nhiều công trình được tạo ra hoặc chuyển đổi mục đích nhằm phục vụ và tối đa hóa tiện lợi cho du khách. Khắc khoải về cái quá khứ đậm chất nghệ thuật của Đà Lạt — vùng quê của Khánh Ly, nơi bà gặp và hợp tác với Trịnh Công Sơn — bộ ba muốn chia sẻ những “viên ngọc quý” của phố núi, vẫn được sở hữu và điều hành bởi người dân địa phương.

“Cái nhìn về Đà Lạt bị tiêu cực đi, và bọn mình cảm thấy không thể tiếp tục kiểu này nữa. Nên là tập trung vào tìm những thứ còn hay và đáng chia sẻ của Đà Lạt,” Sơn nói. Khi dạo quanh thành phố, họ nghe theo cảm hứng và ghi lại những địa điểm tiềm năng. Sau đó, họ cùng thảo luận để chọn thể loại nhạc, DJ phù hợp, và sắp xếp sao cho khớp với bầu không khí.

Cắt tóc kèm giải trí miễn phí!

Setup cộp mác của Quện là những địa điểm đời thường, như một cửa hàng quần áo, trước chợ hoa, hay một tiệm cắt tóc bình dị, tương phản 180° với hình ảnh chiếc bàn DJ đánh live mà Quện dựng nên. Khung cảnh của nhiều sự trái ngược này được ghi lại một cách chân thực nhất bằng góc máy tĩnh. Như trong “Quện Mix Nhã Nhạc Vol 5,” bàn DJ được kê trên mấy cái ghế nhựa, ngay trước cửa một tiệm cắt tóc vẫn đang mở cửa đón khách. Dừng video ở bất cứ phút nào, bạn có thể thấy một khách hàng đang ngắm nghía kiểu tóc mới của mình, hay một người qua đường dừng lại ngó mấy cái đĩa than. Mọi thứ được hòa quyện trong giai điệu jazz du dương. Mới thành lập được dưới một năm nhưng kênh Youtube của Quện đã đầy ắp những set DJ “lạ thường trong đời thường” như vậy.

Setup đơn giản trong “Nhã Nhạc Vol. 5.”

Chiếc video đầu tiên được Quện sản xuất không chỉn chu như những sản phẩm hiện tại. “Set đầu tiên của bọn mình cực đơn giản, một góc quay, dùng [camera] iPhone 11, bị hết pin và hết bộ nhớ. Cái quán cà phê quay set đầu đấy chỉ có dân local mới biết, Cà Phê Chú Lộc, 20,000 đồng một cốc, mà không chắc có gì bên trong, concept [là] cà phê bẩn,” Sơn vừa kể vừa cười.

Khi được hỏi về trở ngại lớn nhất từng phải trải qua, Quện đáp ngay rẳng những bước đầu tiên là khó nhất. Ba người đã tranh cãi rất nhiều về ý tưởng, cố gắng chuẩn bị tốt nhất trước khi khởi đầu. Cả ba không thể thấy được tất cả những rào cản phía trước, và cũng không ngờ được sự ủng hộ nhiệt liệt mà dự án nhận từ cộng đồng.

Từ video Quện Đến Chơi Nhà.

Sau khi biết đến Quện, nhiều bạn trẻ dân creative trong vùng cũng muốn tham gia và hỗ trợ, từ cho mượn đồ nghề đến giúp dựng video và sản xuất. Chất lượng các video vì thế cũng ngày càng tốt hơn. “Làm sự kiện đều có sự cố không ngờ, nếu đã xử lý rồi thì những cái khác sẽ tốt hơn. Hồi làm sự kiện ở bờ biển, bọn anh mang theo đồ nghề, máy tính, mượn được. Rồi, vì ngoài biển, gió cát vào đĩa than dễ bị xước, nên bọn anh tuỳ cơ ứng biến, tìm mấy miếng bạt che. Còn cái máy tính vì nắng nên cứ tắt ngúm, nên phải tìm quạt để hạ nhiệt,” Sơn nhớ lại.

Nhưng kể cả với mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp trong ngành giải trí Đà Lạt, Quện vẫn thấy thiếu tính cộng đồng. Vậy nên họ đặt ra một mục tiêu nữa là tạo cơ hội để mọi người cộng tác và chia sẻ trải nghiệm. Bên cạnh những video Quện Mix, họ còn thử nghiệm với các show trực tiếp như Quện Block Party vào tháng 3/2023. Sự kiện chủ yếu hướng đến những người làm sáng tạo khác ở Đà Lạt như thợ ảnh, dancer, các DJ, nhưng những đối tượng khác cũng được chào đón.

Sự kiện Quện Block Party vào tháng 3/2023.

“Cái kệ để loa sụp, nên là bọn chị bị sự cố trong sự kiện đấy. Mất một tiếng đồng hồ mới cho chạy lại được. Mọi người lúc đấy không những không bỏ đi mà còn vào giúp, đợi rồi lại ‘party’ tiếp. Hôm đấy thấy rất cảm động vì cái cộng đồng đấy,” Uyên kể lại một giây phút đáng nhớ nhất với Quện. “Kể lại thì thấy buồn cười, nhưng anh Phát lúc đấy, vì có uống, nên khóc. Đến nỗi sau đấy không nhìn được bàn phím, không DJ được sau đấy.” Những thước phim ngắn về các sự kiện cũng được chia sẻ trên kênh của họ. Khác với khung cảnh đường phố đời thường của Quện Mix, series video tập trung nhiều hơn vào đời sống âm nhạc của người trẻ ở thành phố và cộng đồng đang săn sóc và nuôi dưỡng nó.

Các video Quện Mix vừa là cửa sổ để ta ngắm nhìn Đà Lạt, vừa là kho nhạc đa dạng cho những ngày ta cảm thấy thiếu thiếu thanh âm gì đó. Hy vọng rằng bộ ba này sẽ còn cho ra mắt nhiều hơn các sản phẩm để chúng ta được khám phá những địa điểm bình dị mà thú vị của thành phố này.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Homeland Artists: Mảnh 'đất nhà' để gieo trồng giấc mơ âm nhạc của nghệ sĩ trẻ

Kí ức của tôi về Homeland Artists bắt đầu từ một đêm Chủ Nhật ngồi nghe các thành viên trò chuyện.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Hanoi Rock City và hành trình lan toả cái đẹp của âm nhạc 'cây nhà lá vườn'

Hanoi Rock City là một địa điểm không thể nào quen thuộc hơn với giới trẻ Hà Thành, đặc biệt là những ai yêu thích văn hóa “Rock n Roll.” Sau 12 năm thành lập, HRC đã trở thành một không gian văn hóa ...

in Quãng 8

KURROCK: 'Chúng mình muốn tạo ra phong cách mà chỉ một ban nhạc Việt tại Nhật mới có'

Đến với những bài hát của KURROCK, khán giả có thể nghe và cảm nhận sự giao thoa đầy mạnh mẽ của hai nền âm nhạc cách nhau 4.000km.

in Uống

Ngõ Nooks: Nhâm nhi giai điệu Jazz tại câu lạc bộ Long Waits

Tự xưng là một câu lạc bộ jazz “be bé,” Long Waits là nơi tụ hội của nhiều giấc mơ với những hình hài khác nhau, mang đến cho Hà Nội một trải nghiệm jazz hiện đại mà duyên dáng.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Câu chuyện đằng sau khúc ca giao thừa ‘quốc dân’ của Việt Nam

Như một truyền thống không chính thức, ‘Happy New Year’ là ca khúc được các nhà đài và tiệc countdown ở Việt Nam chọn mặt gửi vàng làm nhạc nền vào đêm giao thừa.