Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc cụ này để đón chào hoặc tiễn đưa. Việc chơi nhạc còn để cầu trời, cầu đất đem lại mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, con cháu vui vẻ, hạnh phúc." Đây là lời chia sẻ của ông Đức Dậu, một nhà sưu tập nhạc cụ truyền thống lâu năm, về mối liên hệ mật thiết giữa những nhạc cụ cổ xưa với con người Việt Nam.

Dành hơn 30 năm nghiên cứu và sưu tập các loại nhạc cụ của 54 dân tộc Việt Nam, ông Dậu hiện đang lưu giữ khoảng 2.000 hiện vật bao gồm các loại trống, bộ gõ, bộ dây, v.v. Chúng được cất giữ tại nhà riêng của ông tại một con hẻm trên đường Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp.

Không quá khó để tìm đến tư gia của ông Dậu. Ngay khi vào hẻm, chúng tôi đã bắt gặp ngôi nhà gỗ với thiết kế có lẽ dị biệt nhất khu phố, trước khuôn viên nhà là một chiếc trống to chiễm chệ. Khi chúng tôi bước vào trong, cánh cửa ra vào vừa được đóng lại, thì tiếng ồn của đường phố cũng đã biến mất. Không gian bên trong được tô điểm bởi những bộ trống cổ xếp chồng lên nhau và hàng trăm cây sáo, bộ gõ trưng bày khắp căn phòng.

Không chỉ đơn thuần là một người đi sưu tầm, ông Dậu còn là một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Do đó, cách bài trí không gian nơi đây “không giống như một bảo tàng bình thường,” ông chia sẻ. “Nó được sắp đặt để tôi có thể dễ dàng cầm [nhạc cụ] lên và sử dụng ngay.”

Ông Dậu có một mối liên kết đặc biệt với âm nhạc từ khi còn bé. Thuở ấy, ông sống ở Hà Nội trên Phố Huế và ngay đối diện nhà ông là một rạp hát. Ông được trải nghiệm “những cái âm hưởng, cái cọ xát, cái tiếng nói của những người hoạt động văn hóa nghệ thuật.”

Ông Dậu tin rằng hành trình đi với âm nhạc của mình là một cái duyên trời định. Cả gia đình ông đều theo đạo Phật. Trước đó, bố ông muốn hướng ông theo nghiệp bác sĩ thay vì âm nhạc. Tuy nhiên, trong một chuyến đưa tang ở Ba Vì, Sơn Tây, bố ông đã tâm sự với một sư thầy để xin lời khuyên về tương lai của con trai mình. Vị sư ấy đã nói rằng: “Không, cái mệnh của con ông không đi học bác sĩ được, con ông chỉ làm nghệ sĩ thôi.”

Giai đoạn thập niên 70, ông Dậu đã tham gia vào nhiều đoàn ca múa để có thể vừa trau dồi kỹ năng vừa kiếm kế sinh nhai. Mãi đến năm 1983, ông bắt đầu công tác tại Viện nghiên cứu Âm Nhạc và Múa ở Hà Nội và cũng bắt đầu sưu tầm nhạc cụ dân tộc. “Tôi được học hỏi từ những nhà có trí tuệ về văn hóa âm nhạc Việt Nam. Họ cũng là những người chuyên sưu tầm và nghiên cứu những công cụ này. Nên cái việc sưu tập của tôi nó đến từ công việc, sinh hoạt cộng đồng, và còn từ cái sự say mê âm nhạc nữa.”

Năm 1986, ông cùng gia đình chuyển lên Sài Gòn. Khoảng thời gian làm việc tại viện nghiên cứu đã giúp ông biết đến những lễ hội âm nhạc dân tộc khắp cả nước. Ông tận dụng tận dụng những kiến thức học được để đi trải nghiệm các lễ hội và nếp sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Để có thể sở hữu được mỗi loại nhạc cụ dân tộc, ông Dậu cũng phải trải qua nhiều khó khăn. “Đây những dụng cụ cha truyền con nối của họ, nên không phải cứ có tiền là sẽ mua được. Tôi thường sẽ xin phép những người ở đấy dạy cho tôi cách sử dụng một loại nhạc cụ và sự quan trọng của chúng đối với cộng đồng của họ. Rồi nếu họ quý thì họ sẽ để lại cho tôi lưu giữ cái hiện vật ấy.”

Có lần, ông phải mất gần 4 năm tới lui giữa Sài Gòn và miền cao để học cách chơi thuần thục một loại nhạc cụ, cũng như tạo sự tin tưởng với người dân địa phương để xin phép mua lại hiện vật. “Lắm lúc tôi bỏ công sức ra để mang một hiện vật về nhưng người ta cuối cùng lại không đồng ý. Lúc ấy tôi cũng buồn nhưng mà thôi, trời đất đôi khi không thống nhất hết được,” ông nói.

Ông Dậu đồng thời cố gắng tìm mua những loại nhạc cụ không còn được sản xuất hoặc có nguy cơ bị tháo dỡ để lấy nguyên vật liệu nhằm ngăn chặn những hiện vật ấy bị thất truyền theo thời gian. Ông muốn bảo tồn những loại nhạc cụ này, câu chuyện đằng sau chúng, cách chúng được làm ra và vai trò của chúng trong cộng đồng người dân tộc.

Chúng tôi bắt đầu đi tham quan bảo tàng của ông Dậu và được nghe ông giải thích các cơ chế đằng sau những tạo tác được trưng bày. Các loại nhạc cụ truyền thống thường được chế tác từ các nguyên liệu thiên nhiên như gỗ, tre, lá, v.v.

Nổi bật nhất trong căn phòng có lẽ là bộ trống H’gơr có tuổi đời 300 năm từ vùng Tây Nguyên. Đây là loại trống được sử dụng trong các nghi lễ mừng đầy tháng hay lễ mừng thọ của người Ê-đê. Được làm bằng gỗ và bọc bởi da trâu, da voi và dường, bộ trống may mắn khi không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời gian. Ông Dậu bật mí rằng điều này là do bộ trống được bảo quản theo phương pháp đặc biệt của người Ê-đê. “Đó là một cái bí quyết của người dân tộc. Họ cho một loại lá cây vò lên nước rồi tưới vào bộ trống, làm cho nó có một cái vị đắng nào đó mà mối không vào. Đến ngày nay đã hơn 300 năm, nhưng nó chỉ cũ đi thôi chứ không hề bị mối mọt.”

Thế rồi ông Dậu ngỏ ý muốn biểu diễn một đoạn cho chúng tôi xem. “Các cháu phải xem qua một vở diễn để phần nào cảm nhận được cái linh khí của âm nhạc Việt Nam,” ông nói. Ông giới thiệu cho chúng tôi về cây đàn Chapi, một loại nhạc cụ dạng ống thường được chơi ở các lễ hội ở khu vực Kon Tum, Gia Lai. Đây là loại đàn 13 dây và dưới chân đàn được gắn nửa quả bầu khô rỗng ruột để tăng độ vang của âm thanh.

Ông bắt đầu biểu diễn bài ‘Đôi Chân Trần,’ một sáng tác của người Tây Nguyên. Chất âm tươi sáng của tiếng đàn cộng với nhịp điệu nhanh của bài hát khiến người nghe như đang được phiêu lưu trên một chuyến hành trình. Rồi ông bắt đầu cất tiếng hát đầy nội lực và tự tin, lời bài hát nói về những vất vả cũng như sự kiên cường của người Tây Nguyên qua một câu chuyện về một người cha nuôi nấng đứa con của mình. Dù đây là một phần trình diễn “acoustic”, nhưng tiếng đàn Chapi và giọng hát của ông Dậu vẫn có âm sắc rất đầy đặn, một trải nghiệm âm nhạc độc đáo.

Ông Dậu chia sẻ thêm rằng trong một phần trình diễn, ngoài nhạc cụ và người nghệ sĩ ra thì không gian nơi một bài hát được biểu diễn cũng quan trọng không kém. “Những bộ nhạc cụ này nó được dùng ở những không gian núi rừng, thiên nhiên. Vậy nên tôi mới làm căn nhà gỗ này để phần nào đó giữ lại được cái âm thanh, chứ gạch với bê tông thì không nói hết được cái hồn của loại âm nhạc này. Nói vậy thôi chứ muốn thấy được rõ hết thì phải lên từng cái địa phương đó để mà nghe,” ông chia sẻ.

Việc sưu tầm nhạc cụ của ông Dậu cũng để duy trì và lan tỏa tình yêu và sự trân trọng đối với âm nhạc dân tộc Việt Nam đến với mọi người. Hiện nay, bộ sưu tập của ông đã được dùng làm tư liệu nghiên cứu và giáo dục như cuốn sách ảnh mang tên Tiếng Vọng Ngàn Năm. Và từ những năm 80, ông đã thành lập Đoàn Nhạc gõ Phù Đổng để có thể biểu diễn với những hiện vật mà bản thân đã sưu tầm được. Qua thời gian, đoàn nhạc đã mang đam mê của mình đến với nhiều trường học, du khách, và các lễ hội âm nhạc trong và ngoài nước.

“Ông trời giao cho tôi sự nghiệp lưu giữ những món đồ giá trị này nên tôi phải trân trọng và có trách nhiệm với điều đó. Tôi muốn dòng nhạc đến với tất cả mọi người, để chúng ta có thể hiểu thế nào là giá trị văn hóa và tâm linh của âm nhạc truyền thống,” ông Dậu chia sẻ. “Những cái dụng cụ này nó được làm nên từ những chất liệu thiên nhiên ban cho, và người dân tộc đã dùng những cái nhã ý của trời đất để tạo ra những loại nhạc cụ phục vụ cho cộng đồng của họ. Nên nó mang bản sắc của Việt Nam, nó mang tính cộng đồng, tính tập thể và mỗi vùng miền nó có những cái tiết tấu, những cái âm hưởng riêng,” ông nói thêm.

“Trước đây đã có người hỏi mua bộ sưu tập của tôi với một khoảng tiền lớn, nhưng tôi cũng từ chối. Vì khi tôi suy nghĩ về cái hành trình đi sưu tập những báu vật này, thì tôi thấy rằng đây là quốc hồn quốc túy của âm nhạc Việt Nam, và điều này không thể mua bằng tiền được.”

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in In Plain Sight

Bảo tàng gốm Bát Tràng: độc đáo, tinh xảo, nhưng thiếu thông tin

Ở Bảo tàng gốm Bát Tràng, những di sản văn hóa của ngôi làng nghề trăm năm được lưu giữ và giới thiệu qua các tác phẩm đặc sắc của các nghệ nhân từ xưa đến nay.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Giai thoại về 2 ca khúc Giáng sinh kinh điển: 'Hai Mùa Noel' và 'Bài Thánh Ca Buồn'

Tuy Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở nước ta, người Việt dành tình cảm cho mùa Noel không kém cạnh bất kỳ dịp lễ nào khác. Đương nhiên, sẽ không thể nào ăn mừng Giáng sinh đúng nghĩa nếu thiếu...

in Quãng 8

Khi quan họ, bolero gặp disco trong vũ trụ nhạc remix của Olivier Flora

Qua thời gian, tiếng kèn saxophone mở đầu ca khúc ‘Careless Whispers’ của George Michael đã trở thành một hiện tượng internet, không chỉ vì lời ca hay tiếng hát, mà còn do những chiếc meme khó đỡ sinh...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Một hôm nọ, gần nhà số 24C, Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, có hai chiếc xe vừa va chạm nhau. Mọi ánh mắt đều đồ dồn về phía vừa xảy ra tai nạn. Người qua đường thi nhau ngó nghiêng. Và làm nền cho khun...

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...