"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sài Gòn, chia sẻ với tôi niềm vui mỗi lần anh ấy cho chiếc tàu nho nhỏ của mình lăn bánh.
Đầu thập niên 2010, cộng đồng những người yêu thích mô hình tàu lửa tại Việt Nam bắt đầu xuất hiện, gặp gỡ nhau qua các diễn đàn mạng. Những hội nhóm như thế này thường có từ 10 đến 15 thành viên đến từ mọi vùng miền trên khắp cả nước. Theo thời gian, cộng đồng này ngày càng lớn mạnh, tạo nên một nhóm Facebook sôi nổi mang tên gọi Hội những người chơi mô hình xe lửa với hơn 2.000 thành viên. Mỗi “người chơi” theo đuổi đam mê của mình bằng một cách riêng, một số chỉ đơn giản sưu tầm mô hình để ngắm nghía, số khác sẵn đầu tư nhiều thời gian và công sức để xây dựng, chăm chút những mô hình đường ray tí hon chính xác đến từng chi tiết.
Xình xịch từ thế giới mạng sang đời thực
Tham gia nhóm từ những ngày đầu, Minh Tú vẫn dành phần lớn thời gian của bản thân để nuôi dưỡng niềm đam mê. Để tìm hiểu thêm về cộng đồng người chơi mô hình tàu lửa ở Sài Gòn, tôi đã đến gặp Tú tại một quán cà phê trên đường Alexandre de Rhodes. Khi đến nơi, tôi nhận ra rằng quán không phải là một quán cà phê thông thường, vì hầu như mọi ngóc ngách của không gian nơi đây đều được dành để trưng bày mô hình.
“Mình hay thích mấy cái mô hình nhỏ, trông nó bé bé xinh xinh, và những cái chi tiết nhỏ trông rất là hay,” Tú nói. Anh vẫn nhớ rất rõ giây phút “bị sét đánh” khi lần đầu được thấy những mô hình tí hon khi đang du lịch ở Úc. “Ở chỗ đó có những cái mô hình quy mô rất là lớn, như mô phỏng cả một khu phố, trông đã lắm.”
Tú bắt đầu hành trình tìm hiểu mô hình tàu lửa từ năm 2011. Dần dần, anh làm quen được với nhiều tâm hồn đồng điệu cùng sở thích khi gia nhập các diễn đàn trực tuyến dành cho những người chơi mô hình. Điều gì đã khiến loại hình sưu tầm này thu hút nhiều người chơi đến vậy? Tôi chưa kịp đặt câu hỏi cho Tú thì cuộc trò chuyện của chúng tôi đã bị gián đoạn bởi thông báo của nhân viên: chúng tôi có thể bắt đầu tham quan tầng 1 của quán.
Hiện ra trước mắt tôi là một tủ kính lớn chứa hơn 50 mô hình, hầu hết là tàu lửa thu nhỏ. Vô số bìa các tạp chí về đường sắt được đóng khung và treo trên bức tường màu hồng. Tú dẫn chúng tôi đi sâu hơn vào một căn phòng khác, nơi anh lưu giữ bộ sưu tập mô hình đầu máy — có lẽ là bộ phận bắt mắt nhất của một chiếc tàu. Những chiếc đầu máy đủ kích cỡ, màu sắc, nhiều đến mức phải mất cả diện tích một bức tường mới có thể trưng bày hoàn thiện được bộ sưu tập.
Để sở hữu một mô hình đầu máy như vậy, có thể cần phải bỏ ra từ 200 đến 600 đô la Mỹ. Mặc dù giá hơi cao, nhưng chỉ cần nhìn kỹ hơn bộ sưu tập của Tú là đã hiểu vì sao chúng được định giá như vậy. Những mô hình này rất tinh xảo, và đặc biệt nhất, “những cái chi tiết, kể cả những cái chữ in nhỏ nhỏ là đều làm theo hình dáng của chiếc tàu thật ngoài đời,” Tú chia sẻ.
Trước đây, quán cà phê thuộc sở hữu của một người bạn của Tú tên Tuấn Anh, cũng là một người đam mê mô hình đường sắt. Là một thành viên cốt cán, anh đã góp phần tổ chức những buổi gặp mặt trực tuyến đầu tiên của cộng đồng.
Sau khi Tuấn Anh chuyển đến Mỹ sinh sống, Tú đứng ra tiếp quản quán. Anh quyết định biến quán cà phê thành một không gian để thể hiện niềm yêu thích của mình đối với thế giới tàu lửa thu nhỏ. “Các thành viên trong hội chơi của bọn mình cũng đến từ nhiều nơi, Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng cũng có. Hồi đấy thì chủ yếu kết nối và chơi với nhau qua mạng thôi, Tú kể lại. “Nhưng tụi mình cũng tổ chức được buổi họp mặt và giao lưu các thành viên trong hội, lần đầu tiên là vào năm 2013, khoảng 10 năm trước. Và buổi đó diễn ra ở ngay chỗ này.”
Niềm vui lớn từ thế giới thu nhỏ
Những mô hình trong tủ của Tú nhỏ gần 87 lần so với phiên bản ngoài đời thực, gọi bằng từ chuyên ngành là tỉ lệ HO (1:87.1). Tỉ lệ này là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên các mô hình thu nhỏ chuẩn xác, bởi nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quá trình xây dựng các sa bàn đi kèm những mô hình này.
Sa bàn là các địa điểm hoặc khung cảnh 3D thu nhỏ. Tiêu chí hàng đầu khi xây dựng một sa bàn là yếu tố “siêu thực,” nên nếu người chơi sử dụng một mô hình tàu theo tỉ lệ HO, thì các phiên bản thu nhỏ của đường ray, cây cối, cầu, v.v. cũng cần tuân theo đúng tỉ lệ đó. Khi đường ray được kết nối với điện và con tàu bắt đầu lăn bánh, sa bàn sẽ lập tức trở thành một khung cảnh vô cùng sống động.
“Việc làm ra một cái sa bàn giúp mình được sáng tạo khi suy nghĩ về cách làm nên những cái cảnh quan,” Tú nói. “Nó là một quá trình vừa học vừa làm. Đôi khi mình nghĩ mình đã làm xong một cái sa bàn rồi, thì vài ngày sau mình lại muốn chỉnh sửa nó.” Tú đã tự tay xây cho mình một bộ sa bàn hoàn chỉnh, nhưng hiện không còn trưng bày nữa vì đã tháo dỡ để tiếp tục “tân trang.” May mắn thay, sa bàn do Tuấn Anh thực hiện và để lại vẫn còn ở đây để chúng tôi chiêm ngưỡng.
Sa bàn của Tuấn Anh là bản sao của một thị trấn châu Âu. Sa bàn đường sắt lấy cảm hứng từ phố phường châu Âu khá phổ biến trong giới, vì thị trường mô hình thu nhỏ phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức. Nhiều nhà sản xuất hàng đầu cho mô hình đường sắt nhỏ đến từ Đức, như Trix, Fleischmann, Piko, và Märklin — công ty sản xuất mô hình đường sắt lâu đời nhất trên thế giới. Đức cũng là nhà của mô hình đường sắt tỉ lệ HO lớn nhất thế giới, Miniatur Wunderland.
Tuy người chơi thường phải đầu tư vào nhiều mô hình khi xây dựng sa bàn, một số yếu tố như địa hình vẫn có thể được làm thủ công. “Riêng mình thì thích làm những khu vực địa hình có đồi núi. Những cái đấy phải dùng vôi để tạo nên hình dáng và kết cấu bên ngoài, rồi sau đó sơn lên. Những cái đấy nó thể hiện được nhiều kỹ năng của người làm sa bàn,” Tú nói.
Vì việc xây dựng sa bàn có thể ngốn rất nhiều thời gian, Tú dành hầu hết thì giờ rảnh rỗi của mình cho thú vui này: “Nó có thể kéo dài cả tháng hay cả mấy năm. Nhưng cũng không thể nào làm xong một cái sa bàn cả, tại vì nó mô phỏng cái thế giới xung quanh, mà thế giới xung quanh thì lúc nào cũng thay đổi. Cái sự hứng thú nó đến từ cái quá trình làm.”
Nhiều sở thích của người lớn bắt nguồn từ những ký ức tuổi thơ, đam mê của Tú với tàu lửa và mô hình thu nhỏ cũng không ngoại lệ. “Chắc là do mình được trải nghiệm tàu khi còn bé. Lần đầu mình đi tàu là với bố mình trên con tàu hơi nước chuyến Hải Phòng-Hà Nội,” Tú hồi tưởng. “Mình còn nhớ kỷ niệm vui là đi về bị đau mắt, tại khi ngồi trên tàu bụi với than trên tàu bay vào mắt.”
Khi còn là thiếu niên, Tú rời Hải Phòng để theo học ở Hà Nội. Khoảng thời gian này, cứ vài tháng Tú lại về Hải Phòng thăm gia đình bằng tàu lửa. “Những cái khoảnh khắc chia tay, khi mình chào tạm biệt người thân rồi lên tàu. Ngồi trên tàu nhìn qua cửa sổ thấy mọi người xa xa dần, cái cảm xúc lúc chia tay nó khó tả lắm. Chắc cũng có thể những cái cảm xúc của mình với tàu nó bắt đầu từ lúc đấy.”