Những chủ đề ít phổ biến thường mắc phải nhiều “tin đồn” không chính xác hay những định kiến, và trượt ván cũng vậy. Tôi cũng không thể loại trừ bản thân khỏi những mặc định phiến diện đó.
Tôi từng âm thầm nghĩ rằng trượt ván là bộ môn đường phố, gắn với văn hóa hip-hop, và chỉ dành cho những đứa con trai cởi trần nhễ nhại mồ hôi ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ và hay chửi thề. Cũng như những nhân vật đầy định kiến ở trên phim, tôi cũng bị “luật-hoa-quả” thử thách sau một lần cùng bạn đến tham dự một workshop dạy trượt ván vào mùa hè. Dù tôi không phải là con trai, không “phố” và chẳng biết gì về hip-hop, tôi đã hoàn toàn bị thu hút bởi lượng dopamine mà bộ môn này mang lại.
Một trong những mục tiêu cho năm 2024 của tôi là được trải nghiệm một môn thể thao mới. Trong đầu tôi đã mường tượng về những môn thể thao chính thống hơn, như cầu lông hay chạy bộ, nhưng không ngờ môn thể thao tôi mê mẩn lại là trượt ván (skateboarding). Nhưng ngay cả ở thành phố sôi nổi như Sài Gòn, bộ môn trượt ván này lại không hề phổ biến, bạn tôi còn thường nhầm lẫn rằng tôi chơi “lướt” ván chứ không phải trượt ván, mặc cho tôi có giải thích biết bao nhiêu lần.


Cầu lông, chạy bộ, hay bơi? Tôi chọn trượt ván.
Tìm hiểu sâu hơn về bộ môn này, tôi biết được rằng dù cùng du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, trượt ván lại không được phổ biến hơn so với người anh em cùng có bánh xe và cũng đòi hỏi thăng bằng là trượt patin, vốn có một cộng đồng đông đảo và nhiều cơ sở sân trượt hơn. Dù sân trượt giới hạn, các skater (người chơi trượt ván) vẫn giữ tinh thần lạc quan với môn thể thao này, họ tụ tập ở những địa điểm như công viên Gia Định, Khánh Hội, chân cầu Ba Son, trước chợ Bến Thành. Thế nhưng, những địa điểm này thường tiềm tàng rủi ro về giao thông, người đi bộ hay trật tự nơi công cộng, những rủi ro này khiến một người chơi nhút nhát như tôi có phần e dè, vậy nên tôi thường lui đến Saigon Skatepark, một sân trượt ván trong nhà tại Quận 7, mỗi 6 giờ tối thứ Hai hằng tuần.
Sân trượt ván trong nhà duy nhất
Saigon Skatepark là sân trượt ván trong nhà duy nhất tại Việt Nam, được thành lập bởi hai anh em cùng đam mê trượt ván, sau khi họ đã có gần 10 năm mở Saigon Skateshop — một cửa hàng phân phối ván trượt và phụ kiện. Hiện nay, Saigon Skatepark là tụ điểm cho cộng đồng skater của Sài Gòn và cả những skater đến từ nhiều quốc gia khác cùng kết nối. Khung giờ mà tôi chọn đến Saigon Skatepark là từ 6 giờ tối thứ Hai hằng tuần, không phải vì tôi rảnh vào khung giờ này, mà đây là khung giờ dành riêng cho những người chơi mới bắt đầu, đặc biệt là các bạn skater nữ.

Không gian trong nhà thoáng đãng của Saigon Skatepark.
Khi đến Saigon Skatepark lần đầu, bạn có lẽ sẽ hơi choáng ngợp bởi không khí sôi nổi của các skater trượt trên các địa hình có vẻ gai góc (dốc, rail, bậc thang, ramp v.v.) hay thực hiện các trick không phụ thuộc vào địa hình. Khi đến đây lần đầu tiên, tôi đã tưởng mọi người biết bay trên ván, chỉ khác Aladdin trên thảm thần, các skater sẽ nhễ nhại mồ hôi và khuôn mặt có phần căng thẳng. Nếu không quan sát bằng mắt, bạn cũng có thể cảm nhận sự chuyên tâm của mọi người đối với tấm ván qua những tiếng vang ầm ầm, âm thanh lách cách của tấm ván gỗ va đập vào các loại chất liệu khác nhau như kim loại hay bê tông, tùy thuộc vào địa hình và động tác mà skater đang thực hiện.

Cá tính của skater nằm ở thiết kế và hoa văn của griptape (miếng dán ở mặt trên ván).
Trò chuyện với anh Thông — đồng sáng lập và cũng là quản lý của Saigon Skatepark — tôi được biết rằng ý tưởng về ngày thứ Hai dành riêng cho những người chơi còn cập rập như tôi vốn không có từ ban đầu khi mới hoạt động sân, vì những người thành lập lúc bấy giờ đều là những người chơi lâu năm như anh Thông, đã gắn bó với trượt ván gần hai thập kỷ từ khi trượt ván mới du nhập về Việt Nam.
“Nếu cứ mãi đứng ở góc nhìn của những người chơi lâu năm, chắc chắn tụi anh sẽ không thể quan sát và nhận ra được tâm lý chung của những bạn mới chơi, thường các bạn rất dễ xấu hổ và ngại ngùng khi phải trượt trước mặt những người đã có kinh nghiệm hơn. Ngoài ra trượt với những bạn pro hơn cũng sẽ gây nguy hiểm cho người mới bắt đầu vì tốc độ và cường độ trượt khác nhau,” anh nói.


Chất lượng của một ván trượt đến từ từng bộ phận: mặt ván, trục, bánh xe, v.v.
Sau vài lần tự mình tham gia buổi trượt vào ngày thứ Hai, tôi nhận thấy mình có đủ “tư cách” của một người mới bắt đầu để nhận xét rằng đây là môi trường lý tưởng dành cho những ai mới tập trượt ván. Nơi này đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cần thiết.
Về độ an toàn, không gian trong nhà được thiết kế rất thân thiện với người mới chơi. Ở đây có dịch vụ cho thuê đồ bảo hộ như nón bảo hiểm, đai bảo vệ khớp gối, khuỷu tay và cổ tay, và luôn có nhân viên túc trực sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp nếu có. Về chi phí, chỉ với “một đĩa cơm tấm” tương đương 50.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu một tấm vé trượt không giới hạn thời gian trong ngày tại Saigon Skatepark, và bạn có thể trượt đến khi đốt hết lượng calorie của “đĩa cơm tấm” đó. Cuối cùng, tiêu chí này có lẽ là quan trọng nhất đối với tôi: không mắc cỡ. Ở đây, ai cũng như bạn — đều là người mới bắt đầu, nên cảm giác ngại ngùng gần như không tồn tại.

Đồ bảo hộ bao gồm mũ bảo hiểm, đệm gối, đệm khuỷu tay và cổ tay.
Ai cũng từng là “ma mới”
Có một điều mà tôi đã không thể nhận ra sớm hơn: trượt ván cũng được công nhận là một môn thể thao. Bộ môn này là một hạng mục được săn đón trong đại hội thể thao Olympics và còn từng xuất hiện tại SEA Games 30 (dù chỉ xuất hiện một lần duy nhất), và như mọi môn thể thao khác, trượt ván sẽ vui hơn nếu ta gắn bó với một cộng đồng. Có lẽ tôi đã sớm bỏ cuộc nếu không có những người bạn và đặc biệt là một không gian thân thiện như Saigon Skatepark.

Các skater ở Saigon Skatepark khởi động trước khi trượt.
Bạn Nguyễn Phương Thảo (Quận Gò Vấp), một cạ cứng trên sân trượt của tôi, chia sẻ rằng: “Ở đây, chỉ cần bạn mạnh dạn hỏi, dù là những câu hỏi cực kỳ ngớ ngẩn, thì các bạn skater khác đặc biệt là team @chiemskateclub của các bạn skater nữ sẽ nhiệt tình hỗ trợ và kèm cặp bạn tập luyện.”
Điều khiến tôi đặc biệt cảm động về cộng đồng trượt ván là nếu bạn đã dành rất nhiều thời gian để tập một trick (kỹ thuật) nào đó và cuối cùng đã thực hiện được động tác đó, bất kỳ ai trong sân cũng sẽ cổ vũ cho bạn một cách chân thành, la hét và vỗ tay kể cả khi họ còn không kịp tận mắt nhìn thấy bạn thực hiện động tác đó.


Chỉ cần bạn hỏi, nhất định sẽ có người hỗ trợ bạn.
Một mục tiêu nữa của năm 2024 mà tôi đã hoàn thành được, là nhờ vào mục tiêu thể thao ban đầu của mình: tôi được kết bạn với nhiều người hơn. Không nhất thiết phải đi trượt ván, bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể kết nối con người với nhau, chỉ cần một cuộc hẹn định kỳ hàng tuần để duy trì cả thể thao và tình bạn, không cần quá nhiều ràng buộc và nỗ lực. Một người bạn trượt ván của tôi đã tự hứa rằng sẽ phải thực hiện được động tác ollie (dùng chân đạp mạnh xuống đuôi ván để tạo lực bật ván lên khỏi mặt đất) trước khi chị ấy đi lấy chồng, và chúng tôi cũng hứa với chị ấy rằng sẽ luyện tập để ollie được trong đám cưới của chị. Có lẽ động lực để tập thể thao cũng chỉ cần đơn giản thế thôi.


Trong trượt ván, té ngã là chuyện đương nhiên.
Trượt ván cũng như tất cả những môn thể thao khác, ta đều cần dành thời gian để tập luyện và phát triển. “Dù đã trượt ván chuyên nghiệp nhiều năm, nhưng nếu bây giờ bọn anh bước vào một sân cầu lông, bọn anh vẫn có thể cảm thấy xấu hổ và cần nhiều thời gian luyện tập. Đối với anh, việc land được một trick [thực hiện một động tác] trong trượt ván chỉ là vấn đề về thời gian, mình sẽ thực hiện được nó sau 50, 100 hay 1000 lần thực hiện,” anh Thông chia sẻ.
Cốt lõi của việc chơi thể thao vẫn là niềm vui và tinh thần cộng đồng nó mang lại, việc rủ rê bạn bè “Ê, hôm nay đi trượt không?” vẫn quan trọng với tôi hơn việc áp lực bản thân phải bằng mọi giá thực hiện được một động tác như đặt ra KPI.
Saigon Skatepark có khung giờ mở cửa thay đổi theo từng ngày, bạn có thể tham khảo fanpage hoặc tài khoản Instagram của sân để biết thêm chi tiết.