Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Parks & Rec » Tôi đi nhảy đầm trong thế giới 'quẩy tung nóc' của jazz dance

Tôi đi nhảy đầm trong thế giới 'quẩy tung nóc' của jazz dance

Từ khi bắt đầu học nhảy jazz, câu tôi hay nghe nhất từ những người xung quanh là “Jazz mà cũng nhảy được á?”

Không quá bất ngờ vì trước khi học nhảy, tôi cũng như rất nhiều người luôn xem jazz là một thứ nhạc “để chill.” Jazz trong tôi là những bản tình ca ngọt lịm của Ella Fitzgerald, là giai điệu thê lương não nề của Chet Baker, những bản nhạc không lời trong các quán cafe, hoặc trong một chiếc Instagram reel trông rất “nghệ” nào đó. Tôi từng thấy người ta lắng đọng theo jazz, mở jazz để học, để nghỉ ngơi, để ngủ, nhưng chưa thấy ai tìm tới jazz để chuyển động cơ thể cả.

Để đáp trả sự hiếu kỳ của bạn bè, tôi thường mở cho họ xem những điệu nhảy tôi mới học được ở Xoay Studio. Những cú đá chân xoay vòng của mọi người trên giai điệu kèn trống dồn dập, cùng giọng ca mời gọi của Ella Fitzgerald, như chứng minh rằng "jazz hơi 'quẩy' luôn đấy nhé!"

Cô Xoay, giáo viên dạy nhảy jazz của tôi.

Jazz dance là một thế giới muôn màu muôn vẻ, nên thật khó để tìm một từ ngữ chung để giải thích “nhảy jazz” là như thế nào. Có những thể loại trong jazz dance chỉ có thể miêu tả bằng “điên” — chúng tôi đá cao, bật nhảy, phối hợp tay chân không ngừng nghỉ theo từng nhịp nhạc. Có những kiểu nhảy chậm và nhịp nhàng, đòi hỏi sự chính xác tỉ mỉ. Cũng có những kiểu nhảy lả lướt và xoay vòng trên nền giai điệu trữ tình. Có nhảy đơn cho những bạn thích trình diễn. Có nhảy đôi cho các cặp đôi. Có nhảy nhóm cho hội bạn cùng vui. Dường như đến với jazz, ai cũng có thể tìm được một điều và một điệu gì đó hợp với cá tính của mình.

Hội cùng lớp nhảy của tôi mỗi người mỗi hoàn cảnh, độ tuổi, hầu như không có điểm chung nào ngoài cùng tới đây học nhảy. Người lạc quẻ nhất trong số đó lại chính là giáo viên của chúng tôi — cô Xoay. Từ xuất thân là một B-girl, cô gầy dựng danh tiếng trong thế giới nhảy đương đại, và giờ dạy jazz dance tại Xoay Studio. Cô bén duyên với bộ môn này khi giao lưu với câu lạc bộ đam mê swing, một nhánh trong jazz dance đặc trưng bởi những động tác nhanh và phóng khoáng. Từ đó, cô đã dành nhiều năm du học ở Hàn Quốc để mang jazz dance phổ biến về Việt Nam.

“Mọi người có nhớ nguồn gốc của điệu này không đấy nhờ?” cô Xoay thường hay nhắc chúng tôi. Mỗi khi dạy một động tác mới, cô không quên nhắc đến lịch sử đằng sau nó để chúng tôi có cái nhìn chuyên sâu hơn về jazz. Vốn là một điệu nhảy truyền thống trong sinh hoạt thường nhật ở châu Phi, jazz dance sau đó được du nhập đến châu Mỹ theo làn sóng nô lệ da màu vào những năm 1600.

Những câu hát vui tai và những điệu nhảy dậm chân vỗ tay là cách người nô lệ châu Phi vượt qua nỗi cơ cực lúc bấy giờ, lâu dần đã trở thành một nét đặc trưng trên các đồn điền thời ấy. Người da trắng bắt đầu hứng thú và phổ biến phong cách nhảy này rộng rãi vào thế kỷ 19–20 ở các câu lạc bộ khiêu vũ.

Điệu lindy hop tôi đang theo học được phát triển bởi một vũ công người da đen, Frankie Manning, vào giai đoạn 1920–1930, giai đoạn vàng của jazz music và jazz dance, và đây được xem là một trong những điệu cơ bản nhất cho người mới bắt đầu. Dù vậy, tôi cũng hao không ít năng lượng cho mỗi buổi tập, vì jazz không chỉ là học thuộc một tổ hợp những động tác vỗ tay, nhịp chân nào đó. Bạn cần thả mình vào âm nhạc để phối hợp cả tay và chân, vừa theo đúng nhịp, dồn lực chỗ này, tiết chế chỗ kia để duyên dáng “ra chất jazz.” Sau bốn tháng theo học, có chưa đến 50% sỉ số làm được những điều này.

Cô Xoay, trái lại, thì như lướt trên từng nốt nhạc. Khi cô nhảy, mọi người tụ lại nhìn theo đôi chân xoay và đá không trật nhịp nào của cô cùng đôi tay lả lướt cực duyên. Đến những đoạn nhảy khó nhằn, cô vẫn nhảy với nụ cười toe toét trên môi và hát đốc thúc chúng tôi trong lúc cả đám thở hồng hộc cố bắt kịp cô. Nhưng năng lượng tích cực của cô Xoay luôn trấn an chúng tôi rằng không sao, vui là chính.

Những kỹ năng chúng tôi học ở lớp được vận dụng ở những buổi “social dance” —  sự kiện khiêu vũ giao lưu với những bạn cùng đam mê. Những buổi “nhảy xã giao” như thế này thường được tổ chức bởi những nhóm nhảy lâu năm, ở Sài Gòn có Saigon Swing Cats, hay Hà Nội là Hanoi Swing Out.

Ở các buổi nhảy như thế này, luôn có một bộ quy tắc rất đáng yêu để đảm bảo rằng sàn nhảy là một nơi an toàn. Đó là “dĩ hòa vi quý” — chọn động tác phù hợp với trình độ nhảy của đối phương dù bạn thấy mình có “nhỉnh” hơn một chút. Nếu bạn nhảy thanh lịch và vui, ai cũng sẽ muốn nhảy với bạn bất kể trình độ. Ngoài ra, hãy khích lệ bạn nhảy nếu bạn thích một động tác nào đó vừa được thực hiện. Tế nhị hơn một chút, hãy đảm bao bản thân luôn sạch-thơm-khô trước khi lên sàn để cả bạn và đối phương có thể cùng bung xõa. Và quan trọng nhất, đừng độc chiếm một bạn nhảy cả đêm, vì ai cũng nên có cơ hội được bắt cặp với nhau.

Lần đầu tham gia một buổi “nhảy xã giao,” tôi vẫn nhớ mình đã bối rối đến mức suýt từ chối một bạn nam, vì không nghĩ có ai lại đi mời đứa nghiệp dư như mình. Chỉ khi kịp định thần lại, tôi mới dũng cảm cùng cậu ấy bước ra sàn nhảy để phô diễn những kỹ năng mà mình không hề có. Từ đó, câu cửa miệng của tôi để cảnh báo những người bạn nhảy là “mình nhảy 'gà' lắm nhé.” Nhưng điều đó không thành vấn đề — các bạn nhảy của tôi vẫn kiên nhẫn dẫn tôi đi từng bước và cười xòa mỗi khi tôi lỡ đạp vào chân hay ngã vào người họ.

Tôi nhận ra rằng không mấy ai ở đây quan tâm trình độ của mình, miễn là bạn “chịu chơi” và chịu nhảy. Người mới nhập môn không biết gì vẫn có thể hòa mình vào vòng tròn và bắt chước những bước cơ bản nhất từ trưởng nhóm. Những lão làng kinh có nghiệm hơn còn mở lời kéo ra bạn ra sàn nhảy cùng họ nếu thấy bạn đứng tần ngần bên lề.

Hoặc bạn có thể như tôi, sáng chế cả động tác miễn nó đúng nhịp và mời bất cứ ai tôi thấy đầu tiên nhảy cùng. Sau này, tôi tình cờ được nghe về profile khủng của những người tham gia “được” tôi mời nhảy: nào là giáo viên nhảy, quán quân một cuộc thi nhảy nào đó, v.v. Và vì một lý do nào đó, có lẽ là năng lượng “quẩy” bất chấp mà tôi mang lại, họ chấp nhận tôi.

Với những người muốn vận động mà không lết nổi tới gym như tôi, đi nhảy jazz chắc chắn sẽ là lựa chọn hợp lý. Tôi không thể chạy bộ quá 20 phút, nhưng có thể nhảy suốt một tiếng mà vẫn không thấy nản. Những nốt nhạc dồn dập vui tươi xâm chiếm lấy đầu óc, điều khiển tay chân tôi, thay vì nghe tiếng đếm nhịp gắt gao của PT hoặc tiếng thở phì phèo của chính mình. Chỉ khi kết thúc một liên khúc những bài nhảy, tôi mới nhận ra tay chân mình đã rã rời từ bao giờ.

Và cảm giác đó thật sự gây nghiện. Cứ tới tối giữa tuần, khi đã gói ghém xong hết công việc, tôi lại tỉ mỉ chọn một trang phục thật cổ điển, mang vào đôi giày Converse đã bung chỉ một phần đế để đi nhảy đầm. Được mặc đẹp và được đi nhảy có lẽ là điểm sáng duy nhất trong một tuần gõ máy tính tẻ nhạt của tôi. Một cuộc sống của riêng tôi bên ngoài văn phòng chuẩn mực.

Tôi nghĩ rằng ai cũng nên có một thú vui giữ riêng cho bản thân như này trong cuộc sống. Ít bạn bè hiểu tôi làm gì, bố mẹ không hiểu tôi đi nhảy gì mà đi hoài! Lại nghĩ mình giống như câu chuyện cổ Grimm về 12 nàng công chúa lén vua cha đi khiêu vũ vào mỗi đêm và để lại những đôi giày rách tả tơi vào mỗi sáng.

Độc giả có thể tìm hiểu thêm các hoạt động của Xoay Studio tại đây.

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Parks & Rec

Tìm bình yên trên hành trình 'săn mây' ở Đồi chè Cầu Đất Đà Lạt

Miền Bắc California, nơi tôi lớn lên, là vùng đất may mắn được tạo hóa ban cho thiên nhiên thanh bình. Những con đường mòn không tên, những đỉnh núi đầy sương mây bao bọc nơi đây được tôi xem như thiê...

in Parks & Rec

Về biển Đà Nẵng, tìm hội chiến hữu đam mê lướt sóng

Đà Nẵng không phải là một điểm lướt sóng quá nổi bật khi so với những thánh địa lớn trên thế giới về biển như Hawaii hoặc San Diego. Trên những bãi biển cát trắng của thành phố miền Trung, người ta ha...

in Parks & Rec

Đi xem ultimate frisbee để sống lại cảm giác được gắn kết với một tập thể

Hồi còn học cấp 3, tôi và những thằng bạn, từ những con người xa lạ, đã có dịp “kết nghĩa huynh đệ” qua những giờ tỉ thí trong các trận frisbee. Cứ ngỡ sẽ chẳng còn những giây phút đẫm mồ hôi với...

in Parks & Rec

Múa cột — Thử thách giới hạn của nghệ thuật và định kiến về giới

Những ngọn neon xanh đỏ bám lên cơ thể người vũ công đang xoay quanh chiếc cột trong tiếng nhạc xập xình và tiếng thở đầy mời gọi. Vô hình trung, trong tâm trí của nhiều người, bộ môn múa cột đã trở t...