Những ngọn neon xanh đỏ bám lên cơ thể người vũ công đang xoay quanh chiếc cột trong tiếng nhạc xập xình và tiếng thở đầy mời gọi. Vô hình trung, trong tâm trí của nhiều người, bộ môn múa cột đã trở thành đại diện cho những gì không đứng đắn của xã hội. Thế nhưng, hơn một thập niên trở lại đây, bộ môn này dần chứng minh vị thế của mình — không những là một hình thức biểu diễn nghệ thuật, mà còn là một môn thể thao đầy thử thách.
Saigoneer đã có dịp trò chuyện cùng Quân Bùi, một vũ sư múa cột và cũng là “vận động viên vàng” của Việt Nam ở các giải đấu múa cột cấp quốc tế. Những lời chia sẻ của anh đã giúp những người ngoài cuộc hiểu thêm về bức tranh đa dạng và “đầy chấn động” của bộ môn múa cột.
10 năm nhớ hoài những vòng xoay
Quân Bùi cho tôi xem chiếc video ghi lại bài thi đầu tiên của anh tại đấu trường quốc tế. Trên màn hình là một cậu trai có phần mảnh khảnh với những pha nhào lộn thót tim, nhưng vẫn giữ được sự nhẹ nhàng mỗi khi lên cột và đáp đất. Trái với người thanh niên lực lưỡng trước mặt, sự “bung lụa” trong video khiến tôi tò mò về hành trình của một nhà vô địch.
Quân chia sẻ anh đã đồng hành cùng chiếc cột ngót nghét đã 10 năm. Kể từ phần thể hiện đầy ấn tượng đó, Quân được mời làm giám khảo tại những cuộc thi quốc tế khác, đầu tiên là Nhật Bản, rồi đến Đức. Những cánh cửa cứ thế mở ra cho anh nhiều cơ hội được tiếp xúc với môi trường quốc tế, không chỉ để thể hiện tài năng, mà còn trau dồi thể chất và kỹ năng.
Anh chia sẻ: “Những lúc thi đấu, mình cần thể hiện những pha có độ khó cao, nhằm ghi điểm trong mắt giám khảo, cũng như tạo hiệu ứng phía khán giả. Thế nhưng giờ đây, mình ít khi có những buổi diễn ‘chiến’ như vậy nữa.” Từ khi quyết định trở thành giáo viên hướng dẫn múa cột, Quân Bùi cũng dường như điềm đạm hơn, kiên nhẫn theo chân những học viên của mình. Và những ai theo học anh đều gọi Quân với cái tên rất đỗi thân thương: “cô Bùi.”
Dù giành phần lớn thời gian cho việc huấn luyện, Quân Bùi chia sẻ anh không dừng lại trong việc trau dồi kỹ năng. Mỗi ngày, anh đều giành một khoảng thời gian riêng để tự tập luyện, bởi mỗi năm anh đều cố gắng tham gia một cuộc thi dẫu thời gian có phần eo hẹp hơn trước. Với tính tự giác đó, Quân không chỉ làm tốt ở vai trò huấn luyện viên, mà còn giữ vững được phong độ khi ngày càng nhiều tài năng mới xuất hiện trong bộ môn này.
Quân chia sẻ rằng học viên múa cột cần phải nắm vững các nguyên tắc và kỹ thuật cơ bản trước khi muốn “phiêu” theo nhạc. Học viên sẽ bắt đầu với chiếc cột tĩnh, làm quen với cột cũng như những động tác cơ bản. Sau, họ sẽ bắt đầu chuyển sang cột xoay. Nhờ đó, họ sẽ hiểu được cách đặt trọng tâm để không bị cuốn vào những vòng xoay.
Không phải cứ lên cột là ai cũng như nhau
Để giúp người chưa từng trải như tôi hiểu về tính đa dạng của múa cột, Quân giải thích có hai loại hình chính: pole sport/pole fitness và pole art. Ở loại đầu tiên, người múa đi chân trần, tập trung chủ yếu vào những pha nhào lộn đòi hỏi sức khoẻ và sức bền không thua gì một vận động viên thể hình. Cũng nhờ hiệu ứng thẩm mỹ khi tập mà ngày càng nhiều bạn trẻ chọn bộ môn này thay cho việc tập gym nhàm chán. Ở loại thứ hai, người múa sẽ tương tác với âm nhạc để tạo thành một màn trình diễn nghệ thuật. Tuỳ vào phong cách cá nhân mà họ sẽ theo đuổi những trường phái pole art khác nhau.
Trong đó, Quân liệt kê đến một số trường phái chính, bao gồm dramatic — phong cách gần với kịch nghệ và sân khấu, mang đến sự kinh ngạc cho khán giả; comedy — pha trộn yếu tố hài hước trong bài diễn khiến khán giả giải trí bằng những tràng cười; strip — “lột, lột hết, lột đến cả áo ngực cũng lột luôn!”; và exotic — một chút khiêu gợi với những kỹ năng đặc biệt trên đôi giày cao để tạo ra những màn trình diễn lạ mắt.
Với sự đa dạng của pole art, người vũ công có thể thoải mái và tự tin thể hiện phong cách của riêng họ, không chỉ giới hạn trong những bản nhạc “uốn éo” nhàm chán hay mở trong vũ trường. Người múa có thể kết hợp với các kỹ năng của các thể loại nhảy khác như đương đại, hip-hop để dựng nên một bài múa cho riêng mình. Thậm chí, có một học viên “rượu” của Quân còn toả sáng trên nền nhạc metal rock. Với tính linh hoạt của bộ môn múa cột, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người múa có sự tự do trong cách thể hiện để truyền tải nguồn năng lượng của mình đến khán giả, vốn cũng là tinh thần của mọi thể loại nghệ thuật.
Do tính độc đáo trong phong cách, exotic pole dance dường như là dòng được các bạn trẻ ngày nay quan tâm và yêu thích nhất. Không chỉ còn quay mình trên cột, người múa sẽ cần phô diễn những kĩ năng ở trên sàn (floor work) với đôi chân dẻo dai trên những đôi cao gót đậm chất “Lady Gaga.” Cái khó không chỉ là tìm cách tự chủ trên sức nặng của đôi giày cao gót, mà làm như thế nào để chúng trông nhẹ hơn cả lông hồng. Những tiết mục exotic pole hút hồn người xem nhờ sự gợi cảm, sự uyển chuyển trong vũ đạo của người biểu diễn. Bởi thế, ngoài việc cảm nhận cơ thể, người múa còn phải phải tập nhuần nhuyễn vũ đạo, kết hợp với những hiệu ứng như ánh sáng, âm nhạc để kể một câu chuyện thị giác mà khán giả không thể rời mắt.
Là một bậc thầy của exotic pole dance, Quân Bùi đã gây ấn tượng mạnh tại các buổi thi đấu quốc tế, cũng như những đoạn video ngắn trên TikTok và Instagram. Khi tôi tò mò về cái tên “exotic” — chỉ sự “thú vị vì lạ lẫm” — có vẻ như hàm chứa phần thị hiếu chủ quan từ công chúng, Quân giải thích đó là vì: “Phong cách này đã được biết đến nhiều ở phương Tây nhưng trong nước thì nó vẫn còn khá ‘lạ.’ Và Quân đã mang nó về Việt Nam với chút thay đổi để phù hợp hơn với người Việt mình hơn.”
@quan.buii Không cần phải nói nhiều - Pole dance @txinh #fyp#quanbuii#poledancing♬ original sound - Quan Bui
Bỏ lại sau lưng những định kiến về giới
Trái với vẻ ngoài thanh thoát và thần thái đầy quyến rũ, những vũ công múa cột có thể được xem là những “lực sĩ.” Thực chất, múa cột là loại hình vận động toàn bộ cơ thể, giúp rèn luyện cơ bụng, cơ hông và cơ tay, bởi khi dịch chuyển cơ thể quanh cột, người múa phải siết chặt cơ bụng để hoàn thành các động tác khác nhau.
Nếu xét trên định nghĩa này, múa cột có lẽ đã xuất hiện từ lâu ở nhiều nền văn hóa với mục đích thể thao và tạp kỹ. Ta có thể kể đến Mallakhamb, hình thức biểu diễn khởi nguồn từ Ấn Độ, kết hợp những màn nhào lộn với yếu tố yoga trên một chiếc cột gỗ, dây thừng hoặc vòng móc vào cột. Còn ở Trung Quốc, những màn nhào lộn trên cột cũng bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 12. Những nghệ sĩ xiếc sẽ tung ra những trò thách thức trọng lực trên những cây cột cao cả 5–9m.
Khi xem những buổi diễn của hai bộ môn trên, những ai từng học múa cột đề dễ dàng nhận ra những tư thế quen thuộc như Cupid, Inverted Crucifix hay tư thế bọ ngựa, chỉ là mang tính chất diễn xiếc hoặc yoga hơn. Với những đòi hỏi về thể chất, tinh thần và sự táo bạo, việc nam giới tham gia biểu diễn hai bộ môn trên cũng là cực kỳ phổ biến. Trẻ em từ nhỏ cũng có thể “tầm sư học đạo” nếu thích mà không gặp bất kỳ sự kỳ thị từ xã hội
Nhưng dù nam giới đã góp mặt trong những bộ môn liên quan đến cột cả trăm năm nay, định kiến về giới trong múa cột lại trở thành một "bóng ma” trong thời hiện đại. Nhờ vào việc đi làm dancer tại Singapore, Quân đã có cơ hội để khám phá bộ môn múa cột này. Từ đó, Quân cũng đã tham dự giải đấu đầu tiên Malaysian Pole Championship.
Tưởng chừng như cởi mở và cấp tiến hơn, Singapore vẫn thấp thoáng sự dị nghị xã hội dành cho những nam nhân trên cột. Một số bài viết trên The Strait Times và AsiaOne về nam giới múa cột đã bị gỡ khỏi trang nhất sau nhiều chỉ trích, cho thấy thái độ kì thị của một bộ phận đại chúng về việc nam giới tham gia bộ môn này.
Dù vậy, với lòng quyết tâm kiên trì, quyết định đó đã giúp Quân Bùi có thể sống trọn với đam mê như hôm nay. Những năm cuối của thập niên 2010 đã chứng kiến sự thay đổi trong số lượng nam giới tham gia múa cột ở Việt Nam. Những lớp học của Quân cũng dần có nhiều nam sinh hơn và năng lực không thua gì những nữ nhi. Tôi đã có dịp đến xem cuộc thi VietPole Championship 2022 tại Đà Nẵng, và rất ấn tượng khi cuộc thi có hạng mục dành riêng cho nam giới: Male Pole. Dù chỉ có 2 thí sinh nhưng màn trình diễn của họ rất khác biệt, về câu chuyện lẫn phong cách thể hiện.
Lời kết
Không khí của cộng đồng múa cột tại Việt Nam đã khác đi nhiều kể từ những ngày đầu tiên Quân Bùi bước chân vào bộ môn này. Phần định kiến hãy còn phảng phất đâu đây, nhưng sự cởi mở của thế hệ trẻ đã giúp cho bộ môn này được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Qua nhiều năm đứng lớp, Quân nhận thấy mỗi người tìm đến múa cột đều có những động lực khác nhau: muốn được thử sức ở loại hình mới hay muốn cải thiện vóc dáng. Dù mục đích là gì, Quân chia sẻ, yếu tố quyết định nên sự thành công của mỗi người nằm ở tính kiên trì. Và anh đã tạm gác lại công việc của một người giám khảo, để có thể toàn tâm là “cô Bùi” đồng hành cùng những “hạt giống” mới của bộ môn này.