Vài giây trước khi nổ máy, tôi nhận ra mông mình chỉ cách mặt đường vài cen-ti-mét nhựa và kim loại.
Tôi đang ngồi trong chiếc xe go-kart, chờ hiệu lệnh bắt đầu cuộc đua. Từ năm ngoái, Saigoneer đã bàn chuyện viết về môn thể thao này. Phải đợi hết một mùa dịch chúng tôi mới có cơ hội đi thực nghiệm tới mấy trường đua ở Hà Nội.
"Chân trái phanh, chân phải ga"
Đồng hành cùng tôi là anh bạn nhiếp ảnh gia, tôi đã từng chứng kiến niềm đam mê tốc độ của anh vào một tối khi anh đèo tôi về nhà từ quán bar. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Go Kart Việt Nam, các bạn nhân viên ở đây đã dặn chúng tôi đến trước 15 phút để học cách lái xe. Thực tế, bài học này không tốn đến 10 giây: “Chân trái phanh, chân phải ga, đừng đạp cả hai cùng lúc.” Tôi nhẩm lại bài học này trong đầu, khác với anh bạn tôi, bởi đây là lần đầu tiên tôi lái một chiếc go-kart.
Tôi thắc mắc với bạn nhân viên rằng tại sao không có dây an toàn. Cậu ấy giải thích họ từng có dây trên xe, nhưng hầu hết người ta chẳng buồn thắt và kệ dây đai bị kéo lê trên đường đua. Vậy nên, họ tháo hết đai ra. Vả lại, trò này cực kỳ an toàn, tôi không cần phải lo lắng gì cả, cậu nhân viên đảm bảo với tôi vậy.
Ngoài chúng tôi ra còn có bốn “tay đua” khác. Sau khi chúng tôi đã sẵn sàng hết, cuộc đua bắt đầu. Tôi nhẹ nhàng đạp chân phải, bàn đạp rất nhạy và chiếc xe ngay lập tức dịch về phía trước. Tôi xuất phát đầu tiên nên được ở thứ nhất trong mấy giây trước khi bạn đồng nghiệp vượt lên và cho cả nhóm hít bụi.
Xe go-kart này có phân khối là 390cc, gấp ba lần chiếc xe máy 125cc của tôi. Dù vậy, tôi vẫn lái mấy vòng đầu tiên giống như cách tôi đi trên đường: chậm rãi và cẩn thận. Sau đó, khi đã bắt đầu quen xe, “ông già” lẫm chẫm trong tôi biến mất và con ma tốc độ, mà tôi chẳng ngờ là có trong mình, xuất hiện. Chân phải tôi đạp mạnh hết cỡ. Động cơ gầm rú và chiếc go-kart lao về phía trước. Như một cảnh lãng xẹt trong phim Hollywood, tôi rú lên đầy phấn khích.
Làm Mario ở đời thực
Chẳng mấy chốc, tôi đã tới gần một khúc cua. Tôi đạp phanh và vặn tay lái. Bánh sau chiếc xe bắt đầu trượt đi (drift), âm thanh của cao su kéo lê trên đường nhựa nghe thật sướng tai. Trong đầu, tôi nghĩ mình hẳn là ngầu lắm, chẳng ngờ rằng mình đang mắc phải một lỗi nghiêm trọng. Anh bạn nhiếp ảnh gia cũng đã đánh lái và vượt qua tôi "lần-thứ-n." Mũ bảo hiểm của tôi không có kính che mặt, hầu hết bụi trong mắt tôi đến từ xe của anh.
Khi cuộc đua kết thúc tôi mới biết tại sao mình lại ăn bụi nhiều như vậy. Thứ nhất là tôi đạp phanh tất cả tám lần rẽ trên đường đua, trong khi anh bạn chỉ phanh một lần. Tôi hình dung chân phải của anh ấy hiếm khi rời bàn đạp trong suốt cuộc đua. Thêm nữa, tôi học được rằng mình cần phải để ý khi nào đạp ga hay hãm lại.
Tuấn, Quản lý tại Go Kart Việt Nam, giải thích với tôi rằng đối mỗi khúc cua trên đường đua có ba yếu điểm: điểm phanh, nơi nhấn phanh hay điểm rẽ, chỗ bạn bẻ lái; và điểm ga, chỗ bạn nhấn ga. Càng thể hiện tốt ở những điểm này, xe bạn sẽ chạy càng nhanh.
Tuấn giải thích thêm: “Mình sẽ phải tính toán điểm đạp phanh để làm sao xe không bị mất cái tua máy [mô-men xoắn]. Và nếu mình chỉ đạp ga muộn hơn một tí thôi thì đối thủ đằng sau sẽ vượt lên ngay nếu họ không lúng túng.” Tôi không hiểu cơ chế hoạt động lắm, nhưng tôi biết cảm giác mất tua máy như thế nào. Sau mỗi lần trượt bánh, tôi luôn bị mất thời gian khi nhấn ga mà chiếc xe không phản ứng. Phải mất một lúc để lấy lại tốc độ, và đó là lý do tại sao anh bạn tôi vượt lên dễ dàng vậy.
"Đi nhẹ, nói khẽ"... nhưng vẫn đạp ga
“Nói thì dễ hơn làm” — Tuấn biết hơn ai hết bởi cậu đã chơi môn này từ những ngày đầu tiên: “Go-kart đến Việt Nam từ 2016. Anh Thịnh, Nhà sáng lập Go Kart Việt Nam và mình là những người đầu tiên mang môn này về đây. Hồi đó môn này chưa phổ biến như bây giờ, mọi người hoạt động với nhau ở các hội nhóm kín.”
Tuấn và Thịnh cũng không phải tên thật, đó chỉ là cái tên do những người trong nhóm gọi. Tuấn cho biết ngay từ đầu, bí mật đã là một phần của văn hóa đua xe go-kart vì những gì họ đang làm không hoàn toàn hợp pháp. Họ thường gặp nhau ở chân cầu Nhật Tân để tập luyện với những chiếc xe mình tự mua. “Hồi đấy bọn em có khoảng bốn, năm con xe. Mà mỗi câu lạc bộ có khoảng 10–15 người, đến thì anh em chia nhau ra đua thôi.”
Để duy trì đam mê, nhóm của Tuấn cũng phải học các kỹ năng bảo dưỡng cần thiết: “Bọn mình phải tự tay làm hết tất cả mọi thứ. Anh Thịnh là người đầu tiên vặn từng con ốc để lắp nên một cái xe go-kart chơi ở Hà Nội. Anh cũng tự tay thiết kế sân này.” Sau vài năm hoạt động ngầm, Tuấn và Thịnh mở đường đua xe go-kart cho công chúng. Nhóm của họ chưa bao giờ gặp rắc rối với chính quyền, nhưng người khác thì không may mắn như vậy.
Năm ngoái, khi lần đầu tiên nảy ra ý tưởng viết về xe go-kart, tôi đã nói chuyện với Lê Anh Cương, người đồng sáng lập Go Kart Hà Nội — một trong những đường đua xe đầu tiên của thành phố. Khi mới bắt đầu, công việc kinh doanh của Cương hoạt động trơn tru; nếu không muốn nói là phát triển mạnh mẽ. Nhưng chính sự nổi tiếng ấy lại đem lại hệ quả không lường trước.
Cương kể lại: “Có lần báo chí đưa tin về bọn tôi và để lộ địa chỉ. Thế là chính quyền đọc được thì cho quân xuống kiểm tra giấy phép. Nhưng môn này chưa được luật quy định thì làm gì có giấy phép mà xin.” May thay là Cương đã giải quyết được vấn đề với chính quyền, và phải thận trọng hơn kể từ đó. Họ xóa địa chỉ khỏi fanpage, ai muốn thử môn thể thao này phải gửi tin nhắn riêng. Đồng thời họ yêu cầu tất cả các nguồn tin không chia sẻ địa chỉ của họ.
Giờ đây, khi chuyện đã lắng xuống, công việc kinh doanh của Cương có thể mở rộng trở lại. Họ hợp tác với các trung tâm mua sắm và mở đường đua go-kart trong nhà đầu tiên của Việt Nam, VS Racing. Sau khi thăm Go Kart Việt Nam, chúng tôi đã ghé qua địa điểm này. Những chiếc xe kart điện ở đây yếu hơn nhưng vẫn mang đến một trải nghiệm thú vị. VS Racing dường như cũng chú trọng hơn đến vấn đề an toàn. Trên xe vẫn còn dây an toàn và trước khi lái xe, người chơi phải làm bài kiểm tra để đảm bảo rằng họ đã nắm hết các quy tắc bảo hộ.
VS Racing là một nơi lý tưởng cho những người mới thử chơi, nhưng trải nghiệm tại Go Kart Việt Nam là một đẳng cấp hoàn toàn khác. Khi thử một môn thể thao mới thì không gì hơn là được chơi với những người thực sự có đam mê. Và những người tại Go Kart Việt Nam thì không có gì khác ngoài đam mê. Tuấn cho biết anh làm việc ở đây vì yêu thích môn thể thao này và anh muốn chia sẻ nó với nhiều người hơn, nếu công chúng có thể thay đổi nhận thức.
“Cái khó nhất ở môn này là định kiến. Thông thường mọi người nghĩ rất tiêu cực về chuyện đua xe. Nên mình hy vọng có thể thay đổi cách nhìn và đưa môn này đến với nhiều người hơn chứ không chỉ với giới trẻ đam mê tốc độ.”