Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Parks & Rec » Đi xem ultimate frisbee để sống lại cảm giác được gắn kết với một tập thể

Hồi còn học cấp 3, tôi và những thằng bạn, từ những con người xa lạ, đã có dịp “kết nghĩa huynh đệ” qua những giờ tỉ thí trong các trận frisbee. Cứ ngỡ sẽ chẳng còn những giây phút đẫm mồ hôi với bộ môn này vì bộn bề tuổi người lớn, tôi bỗng được một người bạn giới thiệu Monsoon Ultimate, một trong số ít những câu lạc bộ frisbee có hoạt động nổi bật tại Sài Gòn.

Quyết tự phổ cập lại cho mình về trò chơi gắn liền với niên thiếu, tôi đã tìm đến sân cỏ số 117 đường Hồng Hà (TP. HCM), địa bàn tập luyện của Monsoon vào mỗi tối thứ Tư. Được thành lập vào thời điểm cuối năm 2016, Monsoon là điểm hẹn cho những tín đồ cũng như người mới tìm hiểu về frisbee ở Sài Gòn. Tại đây, các thành viên có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thi đấu qua những buổi tập trận hàng tuần, cũng như giao lưu với những người chung đam mê với chiếc đĩa bay.

Anh German Narvaez Libreros.

Chia sẻ về lịch sử thú vị của frisbee, anh German Narvaez Libreros, trưởng nhóm Monsoon, cho biết bộ môn này bắt nguồn từ việc các học sinh ở Mỹ dùng khay nhựa để chơi ném chuyền trong nhà vào mùa đông. Bộ môn không có sự phân biệt về giới, ai cũng đều có thể tham gia chung một trận đấu. Ngay cả những giải frisbee quốc tế cũng có hạng mục mixed-gender (đa giới), một điều khá hiếm trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Frisbee không phải là môn thể thao quá kén cá chọn canh — điều này có thể thấy rõ ở các đối tượng có mặt trên sân hôm ấy, thuộc mọi chiều cao và vóc dáng cơ thể. Tuy nhiên, số hội nhóm chơi frisbee tại Sài Gòn chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, hầu hết khởi phát từ các nhóm học sinh, sinh viên trường quốc tế hoặc cộng đồng cư dân ngoại quốc.

Điều này phần nào xuất phát từ việc luyện tập và thi đấu frisbee đòi hỏi một diện tích tiêu chuẩn lên đến 100m x 37m, tức gần một nửa sân bóng đá; và không nhiều cơ sở ở Sài Gòn hiện nay có thế đáp ứng yêu cầu không gian này. Một rào cản khác nữa trong việc tiếp cận frisbee là yêu cầu về thể lực: người chơi sẽ phải chạy dọc ngang sân đấu trong vài chục phút liền. “Khi người khác biết về môn thể thao mình hay chơi, họ thường từ chối tham gia do ngại gắng sức khi phải liên tục chạy và ném bắt đĩa trên sân,” anh German chia sẻ.

Một buổi sinh hoạt của Monsoon thường bắt đầu bằng việc khởi động từ 10 đến 15 phút. Khi đã nóng người, các cầu thủ sẽ bắt đầu thực hiện tập trận, bao gồm việc rèn các kĩ thuật bắt và ném đĩa, các chiến lược di chuyển và chạy chỗ trên sân, cũng như phân tích các tình huống thường gặp trong một trận đấu. Các bài tập này sau đó sẽ được đem ra vận dụng khi các thành viên chia đội và thi đấu với nhau trong khoảng 30 phút cuối buổi tập.

Luật chơi frisbee khá thú vị, được tổng hợp từ mô hình của nhiều môn thể thao như bóng chuyền và bóng bầu dục. Các trận đấu có thể diễn ra trên sân cỏ lớn, trên bãi biển hoặc trong nhà tuỳ vào điều kiện cơ sở vật chất và thời tiết. Hai đội thi đấu sẽ xuất phát từ vạch ở hai đầu sân cỏ, tuyển thủ nắm giữ chiếc frisbee sẽ không được xê dịch, mà phải tìm cách luân chuyển cho đồng đội qua không trung. Người chơi ghi điểm khi chiếc đĩa vượt qua hàng phòng ngự và cán đích ở khung thành của đối thủ.

Nói đến đây, có lẽ bạn sẽ mường tượng trong đầu những pha hành động, tranh chấp và trượt dài lồng lộn trên sân cỏ để có được đĩa. Nhưng thực tế không gây cấn đến vậy, vì bộ luật của frisbee nói không với va chạm. Bạn sẽ không được tranh chấp trực tiếp, tức lôi kéo hay cướp dĩa từ người chơi đang có frisbee trong tay, mà chỉ có thể tìm cách truy cản quá trình luân chuyển trên với khoảng cách hơn một gang tay. Người chơi của đội bạn sẽ phải nhượng lại đĩa cho đối phương nếu không kịp thực hiện cú chuyền trong 10 giây.

Nhiều người mới cũng khá ngạc nhiên khi biết rằng bộ môn này không thực sự có... trọng tài. Độ fairplay của sân đấu sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các cầu thủ, mỗi người sẽ phải thuộc nằm lòng quy luật để có thể bắt lỗi khi thấy đội bạn phạm luật. Điều này yêu cầu cầu thủ phải luôn tập trung vào các diễn biến đang xảy ra trên sân cũng như “đàm phán” giữa hai bên nhằm giải quyết những mâu thuẫn phát sinh.

Sau khi đã làm nóng người, các thành viên của câu lạc bộ chính thức bước vào giờ thi đấu. Thông thường cầu thủ giữa hai bên sẽ được phân biệt theo màu áo xanh và đen, hai màu chủ đạo của Monsoon. Một khi chiếc đĩa đã cất cánh, hai đội sẽ lao vào nhau không khác gì một trận chiến “xáp lá cà.” Tôi luôn cảm thấy thích thú trước các tình huống kèm người giữa thành viên của hai đội, và một trong hai sau đó sẽ phải xoay sở để luồn lách chuyền được chiếc đĩa cho đồng đội mình trên sân. Những pha bật cao hay bay người bắt đĩa cũng là đặc sản khiến người xem phải trầm trồ. Các pha chuyền dài trên sân bắt buộc các cầu thủ hai bên phải chọn vị trí đúng để bắt đĩa cũng như cản phá đối phương.

Minh hoạ một cú ném backhand.

Người mới bắt đầu trung bình sẽ mất gần một năm luyện tập để có thể nắm hết các luật chơi, kỹ thuật ném và di chuyển cơ bản trên sân cỏ. Hai phương thức ném chính thường được thực hiện để ném frisbee bao gồm: backhand (ném trái tay) và forehand (ném thuận tay). Trong khi cú ném backhand phổ biến và dễ thành thục vì chỉ yêu cầu người chơi kiểm soát tốt cổ tay, ném forehand lại khó nhằn hơn do cách cầm và nắm đĩa khá “độc” với những ai chưa quen.

“Động tác bắt chiếc đĩa frisbee cho đúng thôi cũng đã rất khó với người nhập môn, bởi ngón tay bạn sẽ sưng đau nếu để sai tư thế,” anh German chia sẻ. Do đây là bộ môn nói không với va chạm, các cầu thủ cũng cần lĩnh hội cách chạy chỗ trên sân để có thể bắt được frisbee mà không va chạm với cầu thủ khác.

Từ góc nhìn của tôi, các thành viên của Monsoon thực sự như những “người không phổi.” Dù mồ hôi nhễ nhại kèm theo tiếng thở dốc liên hồi, các cầu thủ vẫn tiếp tục chạy như không có ngày mai, tôi nghĩ vui như vậy. Một điều làm tôi ấm lòng hơn cả là các cầu thủ luôn thi đấu trong trạng thái vui vẻ, động viên nhau, và không ngại đỡ nhau đứng dậy khi có thành viên té ngã. Có lẽ đây là một trong những điều tốt mà môn thể thao này mang lại, gắn kết các cầu thủ lại gần nhau hơn.

Kết thúc buổi tập, tôi chào tạm biệt các thành viên câu lạc bộ kèm lời hứa sẽ bắt đầu tham gia nhóm từ những tuần sau. Nhìn những chiếc đĩa trắng bay tự do trên sân cùng nhiệt huyết toát ra từ những thân hình nhễ nhại mồ hôi, tôi như được sống lại những mảng ký ức tuyệt đẹp thời cấp 3 cùng đám bạn. Khi ấy, với từng lần ném, tôi đã gói ghém biết bao hoài bão, ước mơ, cùng những tâm sự giấu kín của bản thân vào chiếc đĩa nhựa, cố phóng nó bay thật cao như để gửi gắm chúng vào những tầng mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh biếc.

Độc giả có thể tìm hiểu về các hoạt động của Saigon Monsoon Ultimate tại đây.

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Về biển Đà Nẵng, tìm hội chiến hữu đam mê lướt sóng

Đà Nẵng không phải là một điểm lướt sóng quá nổi bật khi so với những thánh địa lớn trên thế giới về biển như Hawaii hoặc San Diego. Trên những bãi biển cát trắng của thành phố miền Trung, người ta ha...

in Đời Sống

Trong thế giới bí ẩn của hội đô vật biểu diễn duy nhất tại Việt Nam

Vào 2018, Vietnam Pro Wrestling (VPW) chính thức được thành lập tại Sài Gòn, là câu lạc bộ đầu tiên và duy nhất dành cho các đô vật biểu diễn chuyên nghiệp trên khắp Việt Nam.

in Parks & Rec

Tìm bình yên trên hành trình 'săn mây' ở Đồi chè Cầu Đất Đà Lạt

Miền Bắc California, nơi tôi lớn lên, là vùng đất may mắn được tạo hóa ban cho thiên nhiên thanh bình. Những con đường mòn không tên, những đỉnh núi đầy sương mây bao bọc nơi đây được tôi xem như thiê...

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Parks & Rec

Tôi đi nhảy đầm trong thế giới 'quẩy tung nóc' của jazz dance

Từ khi bắt đầu học nhảy jazz, câu tôi hay nghe nhất từ những người xung quanh là “Jazz mà cũng nhảy được á?”