Đà Nẵng không phải là một điểm lướt sóng quá nổi bật khi so với những thánh địa lớn trên thế giới về biển như Hawaii hoặc San Diego. Trên những bãi biển cát trắng của thành phố miền Trung, người ta hay bắt gặp hình ảnh chiếc thuyền thúng và hộp đêm bập bùng nhiều hơn là ván lướt. Tuy nhiên, đâu đó ở thành phố này, vẫn tồn tại một nét văn hóa sinh ra từ vùng sóng vỗ, lán chòi mộc mạc nơi những kẻ nghiện con sóng tìm đến để chính phục đam mê của mình.
Lướt sóng không phải là một bộ môn mới ở Đà Nẵng. Bờ biển Mỹ Khê là nơi “xả hơi và uống cốc bia; một phiên bản Honolulu ở Việt Nam, nhưng với dây thép gai.” Đó là những chia sẻ của Dave Ferrier, một cựu xạ thủ trực thăng người Mỹ, khi ông kể về phong trào lướt sóng thời chiến của binh lính Mỹ cho tờ The New York Times năm 1992. Từ thời điểm đó đến nay, môn thể thao này dần dần được đón nhận và ngày càng phổ biến hơn với người dân địa phương.
Cũng chính ở bãi biển Mỹ Khê mà Việt Nam đã đăng cai cuộc thi lướt sóng quốc tế đầu tiên năm 1992. Ban tổ chức đã chính thức mời học sinh trường San Clemente thuộc bang California để đại diện nước Mỹ cho cuộc thi, bên cạnh đó các đội nghiệp dư từ Nhật, Pháp, Indonesia, và Nam Phi cũng đến tham dự. Đến năm 2022, Mỹ Khê lại có cuộc thi Đà Nẵng Surfing Open do Boardriders Club Đà Nẵng tổ chức. Một surfer (người lướt sóng) từ Mũi Né mang tên Việt đã giành chức quán quân, đánh bại tất cả các đối thử từ trong nước đến ngoài nước.
Có ba điểm lướt sóng chính: rạn Nam Ô, bãi Nước, và bãi Mỹ Khê. Còn có nhiều các điểm khác rải rác từ Bình An phía bắc xuống đến bãi Cửa Đại gần Hội An, trong đó điều kiện ở Bình An là khó đoán nhất. Rạn Nam Ô có điều kiện lướt sóng tương đối ổn định vì được che chắn khỏi gió Đông Bắc.
Tuy vậy, Mỹ Khê vẫn là trọng điểm của cộng đồng surfing Đà Nẵng, dù không còn dây thép gai thì nơi đây vẫn không giống Honolulu lắm. Chiều dài của bãi biển khiến việc né tránh những người đi tắm biển khác dễ dàng hơn. Nơi đây cũng có hơn 10 cửa hàng cho thuê ván và các lớp học với giá 800.000VND/giờ. Vậy nên đây là điểm đến đầu tiên của tôi khi đến thành phố.
Từ trước, tôi đã nghe nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng sóng ở đây, nên tôi đã rất vui và bất ngờ khi tìm thấy một hội surfer “có nghề.” Tôi bắt chuyện một người khi anh đang mang ván lên bờ. Anh có làn da rám nắng, tóc bện thừng, và thần thái như kiểu làm chủ cả bãi biển. “Sóng ở đây to quá nhỉ,” tôi bày tỏ sự ngạc nhiên với anh. Bất ngờ, anh đáp: “Sóng ở đây bé xíu, bro!”
Người bạn mới của tôi, tên Hải, và giải thích cho tôi nghe tại sao Đà Nẵng lại là điểm lướt sóng hay ho nhất Việt Nam. “Sóng ở Mũi Né to hơn, nhưng Đà Nẵng đáng sống hơn — ở đây nhiều chỗ chơi lắm!”
Hải lúc nào cũng chỉ nghĩ về lướt sóng, anh luôn hỏi tôi khi nào ra biển. Đồng thời, anh rất yêu cộng đồng anh em thân thiết ở đây. “Thế tôi muốn gặp cộng đồng này thì phải đi đâu?” Tôi hỏi.
“LST, bro!” Hải đáp, tay chỉ vào logo LST (Local Surf Team) trên ván của anh với niềm tự hào. Anh nói LST là cửa hàng lướt sóng được yêu thích nhất trong cộng đồng. Ở đó cũng có quán bar FAYA, nơi những tay lướt sóng và lướt ván tụ hội hàng tối.
Thảo, một người bạn của Hải, cũng có quan điểm này. Thảo sống ở Hà Nội, cô vào Đà Nẵng năm ngày để giúp bạn quản cửa hàng cho thuê đồ lướt sóng. Cô mới thử môn này vào tháng Hai năm nay, và lập tức mê mệt đến nỗi đã phải quay lại Đà Nẵng mấy lần rồi. Như Hải, cô nói về lướt sóng với sự nhiệt huyết mà tôi đã từng nghe thấy ở surfer từ Nhật, Mexico, California, và giờ, Việt Nam. Cái cảm xúc mà khi nó đã thấm, chẳng có gì bì được, vì khi ở trên ván, chẳng còn gì khác là quan trọng.
“Em đã có nhiều bạn ở đây chưa?” tôi hỏi cô. “À có chứ,” cô đáp, “Em nghĩ rất dễ để kết bạn khi lướt sóng… Anh thử ra LST hay FAYA đi nếu muốn gặp thêm surfer nhé.”
Thực chất LST và FAYA Bar là hai chủ thể khác nhau, nhưng bổ trợ cho nhau một cách hoàn hảo. Không gian của cả hai được kết nối bởi một chiếc skate bowl (lòng chảo trượt ván) giữa sân. LST có dịch vụ đa dạng bao gồm thuê ván cho đến huấn luyện trình độ cao, làm ván thủ công, và cả giá chở ván dành cho xe máy.
Không gian “chill chill” ở FAYA Bar là nơi lý tưởng để xả hơi sau một ngày bắt những con sóng. Khi nói chuyện với anh chủ quán Teo, tôi mới biết anh không trượt ván hay lướt sóng gì cả. “Thế sao anh lại mở quán bar này?” tôi hỏi. “Vì tớ thích phong cách rasta, yo!” Khi tôi hỏi xin anh chụp kiểu ảnh, anh cầm cái điếu cầy, nói “OK,” rồi rít một hơi sâu và nhả ra làn khói đậm đặc. “Giờ xin lỗi cậu nhớ,” anh nói, “tớ đi đá bóng đây.”
Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc với bốn bề biển lặng. Tình hình cũng không khả quan hơn trong suốt quãng thời gian còn lại ở Đà Nẵng của tôi. Vì là đầu tháng 9, lúc giao mùa, nên điều kiện lướt sóng khá phập phù. Thảo, Hải, và tất cả mọi người đều khuyên tôi nên quay lại cuối tháng 10, khi thời tiết tốt hơn.
Khi gặp lại Hải vào tháng Mười, anh nói sóng ở Mỹ Khê to đến nỗi anh đang tìm điểm khác ở phía nam để có chỗ lướt êm hơn. Anh vẫn hăng hái như hồi nào, liên tục hỏi tôi khi nào thì ra biển. “Chúng tớ ở đây luôn chào đón tất cả mọi người đến và chia sẻ những cơn sóng này,” anh nói. “Thấy tự hào lắm luôn ấy chứ.”
Thật khó tin môn thể thao đến Việt Nam trong thời kỳ đen tối lại có ngày trở thành niềm vui gắn kết người dân nơi đây — kể cả những người không lướt sóng như Teo. Đà Nẵng có thể không phải điểm lướt sóng điển hình, và các cơn sóng cũng không phải quá lý tưởng. Nhưng nếu đến đúng nơi, gặp đúng chiến hữu, bạn sẽ thấy mình leo lên tấm ván lúc này không hay. Đây không phải là Hà Nội với khu phố cổ kính, cũng không phải Sài Gòn với những tòa tháp chọc trời; đây là Đà Nẵng, và ở Đà Nẵng bạn có thể lướt sóng… nếu sóng cho bạn lướt.