Bay dù lượn chính là thở căng lồng ngực, cảm nhận sức cản của gió, để tâm trí chìm vào đại dương, lửng lơ giữa trời trên cánh dù no gió và… chụp ảnh phim!
Trên khắp mọi miền Việt Nam, có đến hàng trăm, hàng nghìn hoạt động kỳ thú chờ đón những tâm hồn yêu khám phá và xê dịch. Có thể kể đến trekking ở vùng núi Tây Bắc, chèo SUP dọc biển miền Trung, lướt ván trên những con sóng Mũi Né, hay lặn xem san hô ở Phú Quốc và Nha Trang.
Giờ đây, tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước không chỉ từ mặt đất hay đại dương, mà từ cả bầu trời khi chao liệng trên không cùng bộ môn dù lượn (paragliding).
Tổng quan về bộ môn dù lượn
Dù lượn là một môn thể thao mạo hiểm đúng nghĩa. Người chơi sẽ nhảy hoặc được thả từ một độ cao nhất định, có thể là từ hàng trăm đến hàng nghìn mét so với mặt đất. Sau đó, họ sẽ bay tự do bằng cánh dù vải cho đến khi hạ cánh.
Để nâng dù lên không trung, phi công phải tận dụng lực đẩy bằng sức gió và trọng lực. Công đoạn lấy đà và tiếp đất đều là bằng chân. Cánh dù có trọng lượng nhẹ, tùy kết cấu sẽ có loại dù dây nịt đơn hoặc đôi. Người chơi sẽ di chuyển lên xuống, điều chỉnh hướng bay của dù bằng cách vận dụng kỹ thuật phù hợp với sức gió.
Tùy vào kết cấu và sức chứa của dù, người chơi có thể khám phá bầu trời một mình, hoặc bay cùng với một người bạn đồng hành.
Đến đâu để bay dù lượn?
Nằm ở độ cao gần 700m so với mực nước biển, bán đảo Sơn Trà tại Đà Nẵng có vị thế lý tưởng cho bộ môn này. Gần đỉnh là một bãi đất thoải, bên dưới là rừng nguyên sinh, không có dân cư sinh sống. Và điều quan trọng nhất: Sơn Trà có thừa gió!
Để được chơi dù lượn ở đây, bạn sẽ phải đi cùng phi công có đầy đủ giấy phép, cùng tất cả các giấy tờ liên quan khác để xuất trình với ban quản lý bán đảo Sơn Trà.
Nếu được cất cánh, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, chùa Linh Ứng, bãi biển Mỹ Khê và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ góc nhìn của chim trời.
Trước khi cất cánh, thuộc nằm lòng những điều này
Vì đây là một môn thể thao mạo hiểm, người tham gia cần tuân thủ các quy định hết sức nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Trước tiên, hãy kiểm tra xem tình trạng thời tiết hôm đó có thích hợp cho chuyến bay hay không. Nếu thấy trời nhiều mây mù, mưa, hoặc bão, bạn tuyệt đối không nên cất cánh.Bên cạnh đó, sau 4 giờ chiều, gió sẽ không còn thổi đúng hướng, tầm nhìn chung cũng bị hạn chế do thiếu ánh sáng, nên nếu có muốn tung cánh sải liệng, hãy để dành cho ngày hôm sau. Người có bệnh nền về tim mạch, cao huyết áp, hoặc thiếu máu não được khuyến cáo không bay dù lượn. Và dĩ nhiên, những ai mắc chứng sợ độ cao không phải là đối tượng dành cho bộ môn này!
Về phần trang phục, người tham gia có thể linh hoạt phối đồ để phù hợp với nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là nên mặc quần dài và áo gió, cũng như tránh mặc đầm và váy để tránh vướng víu trong quá trình bay. Giày thể thao cũng sẽ là người đồng hành lý tưởng vì giúp người chơi dễ chạy lấy đà hơn.
18 phút để chạm đến bầu trời
Tôi được một người bạn giới thiệu Thế Anh, một phi công dù lượn chuyên nghiệp ở Đà Nẵng. Anh là thành viên của Danang Paragliding — một câu lạc bộ dù lượn chuyên nghiệp được tham gia các lớp huấn luyện bài bản. Họ từng có mặt khắp các lễ hội dù lượn trên cả nước như Mù Cang Chải (Yên Bái), Đường Tam (Lai Châu), Tri Tôn (An Giang). Là người có thâm niên lão làng, Thế Anh được trao nhiệm vụ lèo lái chuyến bay hôm nay. Riêng tôi chỉ việc… không làm gì ngoài tranh thủ thu vào tầm mắt toàn cảnh Đà Thành.
11h00: Lên đường
Tôi được Thế Anh đón ở biển Mân Thái lúc rồi cùng đi taxi lên đỉnh Sơn Trà. Sau khi qua nhiều trạm kiểm duyệt, xuất trình giấy phép, tôi cũng đến được bãi cất cánh.
Trước khi bay, anh phi công hướng dẫn cho tôi sơ bộ về môn dù lượn. Điều kiện bắt buộc là bạn phải hợp tác với phi công, nắm vững những thao tác bổ trợ phi công khi cần thiết. Điều kiện đủ là nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thật vững để bay.
Bạn cần hiểu và chấp nhận rủi ro của dù lượn, cũng như cách chạy lúc cất cánh và hạ cánh. Trong chuyến bay, bạn cũng chỉ được chạm vào dù lượn ở những chi tiết được phi công chỉ định.
11h30: Kiểm tra gió
Quy trình tiên quyết trước khi bay là kiểm tra gió. Khi sức và hướng gió thoả điều kiện, phi công sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị.
Bạn sẽ được buộc dây nịch cố định, đội nón bảo hiểm. Phi công sẽ kiểm tra dù lượn, rồi căng dù đúng tiêu chuẩn để chuẩn bị cất cánh!
12h00: Bay
Sau khi kiểm tra gió và đồ bảo hộ lần cuối, bạn và phi công sẽ chạy lấy đà về phía trước theo hướng chỉ định của phi công để kéo dù lượn lên trời. Ngay sau khi cất cánh, phi công sẽ giúp bạn điều chỉnh tư thế ngồi thoải mái trên dây đai.
Phi công của tôi dần điều chỉnh dù theo hướng gió, băng qua những khu rừng nguyên sinh trên bán đảo Sơn Trà. Từ trên cao, tôi được chiêm ngưỡng toàn cảnh chùa Linh Ứng. Tượng Quán Thế Âm cao gần 70 mét cũng nằm gói gọn trong tầm mắt. Cánh dù lần là ra biển, đưa tôi gần đến cảng Tiên Sa và những cây cầu bắc ngang sông Hàn kì vĩ. Tôi ngồi ung dung lắc lư chân, lia máy chụp những chiếc thuyền thúng xa khơi, quay lại cảnh tàu xe hối hả dưới chân.
GoPro đã được phi công chuẩn bị từ trước, tôi chỉ việc cầm lắc lư quay theo nhịp điệu của chiếc dù căng đầy gió. Thở căng lồng ngực, cảm nhận sức cản của gió, để tâm trí chìm vào đại dương, lửng lơ giữa trời trên cánh dù no gió. Đây quả thực là cảm giác đáng nhớ nhất trong đời!
12h18: Đáp biển Mân Thái
Sau gần 18 phút bay, được anh Thế Anh chỉ dẫn, dù dần là là đáp xuống bãi cát ở biển Mân Thái, kết thúc một trải nghiệm rất đáng giá.
Bạn chẳng cần phải có lông vũ như chim, chẳng cần bồng bềnh như mây trời, cũng chẳng cần phải có động cơ phức tạp như máy bay. Nhảy dù bay ở Đà Nẵng là một cách đơn giản giúp bạn khám phá hết bản năng “có thể bay” của con người.
Từ nay, khi đến du ngoạn Đà Nẵng, ngoài việc ăn sạch các món đặc sản, đi dạo biển Mỹ Khê hay đắm mình với những cây cầu và cảnh sắc, hãy cho bản thân một cơ hội để bay vút lên không trung, và thúc đẩy những giới hạn mới của bản thân nhé.