Trên tầng cao nhất của một tòa nhà trên phố Khâm Thiên, tôi khoan khoái tận hưởng bầu không khí se lạnh sau khi bước ra từ một trong ba studio tập nhảy ở phía đối diện.
Ba studio dành cho ba thể loại nhảy khác nhau. Một phòng là lớp dancesport có năm bác trung niên theo học, một phòng đang dạy nhảy K-pop cho khoảng 10 thiếu niên. Ở giữa hai căn phòng ấy, tôi hòa mình vào tiếng nhạc house xập xình với gần 100 người khác.
Studio ở giữa ấy không mở lớp dạy nhảy mà đang tổ chức một buổi tỉ thí giữa các dancer. Mặc dù chưa bao giờ tập nhảy trong đời, nhưng bầu không khí sôi động ấy khiến tôi bị thu hút và bước lên sàn nhảy. Tôi không thể cưỡng lại sức hút ấy, và cũng không muốn làm thế. Cuối cùng tôi đã hiểu cảm giác mà các dancer đã nói với tôi trước đó.
Một vài tuần trước trận battle, tôi có hẹn mấy bạn dancer đi cà phê và trò chuyện. “Khi nhảy theo nhạc house,” Linh Tôn chia sẻ, “em thấy vui, thấy tự do, cảm giác rất là...phê (cười.) Thật ra, nhạc house nghe khoái hơn các nhạc khác vì có lẽ não mình thích nhịp độ của dòng nhạc này. Em đọc ở đâu đấy nhưng anh cũng nên xác thực lại.”
Linh Tôn nói không sai. Khoa học có thể giải thích ảnh hưởng của âm nhạc lên tâm trạng của con người. Nhạc house thường có nhịp độ 120–130 nhịp mỗi phút (BPM); một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một giai điệu nhịp nhàng với nhịp độ ấy có thể tạo ra cảm giác hạnh phúc
Ngồi cạnh Linh là bạn Đỗ Minh Anh — nickname Vịt — cũng có đôi lời tâm sự: “Lúc bọn em nghe nhạc house, cảm giác nó rất là tự do! Bọn em cảm thấy được thả mình, được tự do trôi nổi trong cái dòng nhạc đấy. Đấy có thể là lý do tại sao em thích nhảy house.”
"Nhưng tại sao lại là nhảy house?" Tôi hỏi. “Sao không phải là các thể loại khác như thiết hài (tap dance) hay ba lê?”
Vịt trả lời: “Em học từ trường múa ra. Em học ba lê, và hiện tại em đang theo một lớp tap dance. Cộng đồng bọn em như một bữa buffet vậy, mỗi món trên đấy đều có vị riêng của nó. Và house dance mang vị riêng của sự tự do. Nó không có cứng nhắc như ba lê, cũng không tiết chế như tap dance.”
Linh cho biết thêm: “Ban đầu, house là nhạc ở trong club, thế là tất cả thể loại dancer và không phải dancer đều đến club và họ đều nhảy trên nền nhạc đấy. Vốn dĩ không ai đặt ra giới hạn cho nó. Ba lê thì phải như thế này, hiphop phải như thế kia. Còn house thì cứ nhảy thôi, nó trong club mà."
Dancer còn lại trong bàn là Phạm Đức Anh, nickname Red, cũng đóng góp quan điểm của mình: “Thỉnh thoảng, em tập sơ sơ mấy bước house của mọi người thôi chứ em không nhảy house. Nhưng em nghe nhạc house từ lâu, từ trước khi nhảy, và thích nghe house từ ấy. Nói chung nghe là thích! Anh hỏi tại sao thì cũng khó, ví dụ như anh có cô người yêu thì tại sao anh lại yêu cô này mà không yêu cô kia? Cô kia xinh hơn chẳng hạn. Tại sao anh lại yêu cô này?”
“Khi yêu đừng hỏi tại sao!” Linh tuyên bố.
Linh, Red và Vịt thuộc nhóm House Dance Hanoi (HDH). Nhóm tổ chức các buổi nhảy hàng tuần và nhiều sự kiện khác để quảng bá văn hóa nhảy house, trong đó có trận battle mà tôi tham gia. Sự kiện thu hút hơn 50 thí sinh và là một sân chơi cho mọi người thể hiện kỹ năng của mình. Phong cách trình diễn cũng rất đa dạng, từ locking, popping, đến breaking và hip-hop,... Nhưng có một phong cách đã cho tôi cái nhìn hoàn toàn mới về cảm giác tự do.
“Môn waacking xuất phát từ những gay bar ở LA,” thí sinh Nguyễn Văn Minh (bí danh) giải thích. “Và cách thể hiện của waacking tiếp cận với tính nữ nhiều hơn… Em không chỉ thích cái đẹp, mà còn thích những thứ lụa là. Waacking cho em cảm giác tự nhiên, cảm giác bản thân đang hướng đến cái đẹp. Và cảm giác nhảy waacking là mở hết người ra để giải phóng cơ thể.”
Mặc dù Minh chưa thú nhận với người thân về xu hướng tính dục, nhưng cậu ấy đã học cách chấp nhận con người thật của mình. “Em nghĩ chính cái đồng tính lại là một chất xúc tác, một cái đặc điểm của em để em mở tất cả mọi thứ ra. Em không bị trói buộc bởi những áp đặt của xã hội cho nam hay cho nữ. Em không cảm giác em cần phải là trụ cột gia đình, em không cần phải yếu đuối thùy mị hay gì cả, em cứ tự nhiên là em nhất thôi. Có lẽ bởi vì chỉ khi em là người đồng tính thì em mới tiếp cận với waacking. Và nếu em sinh ra là một người trai thẳng thì chắc gì em đã nhảy những môn như thế này.”
Một số dancer không chỉ nhảy theo một phong cách nhất định mà kết hợp các động tác từ các thể loại khác nhau. Vũ Hoa Cầu, một thành viên HDH, nói với tôi rằng phong cách của anh là sự kết hợp của house, soul, popping, và thậm chí một số chiêu thức võ thuật. “Lúc thi đấu chỉ cần vận dụng bất cứ thứ gì mình có,” Cầu nói, “nhưng điều quan trọng nhất là cảm nhận âm nhạc và thể hiện bản thân.”
Tôi nhanh chóng nhận ra rằng anh nói đúng. Những dancer giỏi nhất đều rất nhạy với từng thay đổi nhỏ trong giai điệu. Bước nhảy của họ khớp với nhạc đến mức như thể họ có thể dự đoán khi nào nhịp điệu thay đổi hoặc khi nào tới đoạn drop. Trận đấu này dường như để xem ai là người cảm nhạc tốt nhất vậy.
Xen giữa các trận tranh tài, từng nhóm nhảy tham gia chương trình đều có một tiết mục giới thiệu nhóm. HDH tất nhiên cũng thể hiện màu sắc riêng của mình. Màn trình diễn của nhóm kể về một câu chuyện tình yêu giữa bốn ngươi, được thể hiện bằng những kỹ thuật ấn tượng và điêu luyện. Trông nhóm vui như một đám trẻ đang chơi đùa cùng nhau. Tinh thần ấy cùng với lối kể chuyện bằng vũ điệu khiến cả studio phải mê mẩn. Sau đó, vào cuối màn trình diễn, nhóm bắt đầu kéo mọi người lên sàn nhảy cùng. Tôi cũng đứng dậy. Và trong một khoảnh khắc, tôi cảm nhận được sự kết nối và đồng điệu với tất cả mọi người trong studio. Đó là khi tôi thả mình theo điệu nhạc và tay chân cứ thế mà chuyển động. Tôi cảm động đến mức nước mắt chảy dài trên khuôn mặt.
Kết thúc dance battle, Hoa Cầu trở thành nhà vô địch. Nhưng tôi nghe hầu hết mọi người nói rằng thắng hay thua không quan trọng. Quan trọng là mọi người hòa mình vào bầu không khí chung. Khi rời khỏi studio, đầu tôi nhức bưng bưng. Tôi đoán mình hơi quá tuổi để bắt kịp với các bạn trẻ rồi. Nhưng nguồn adrenaline trào lên trong huyết quản của tôi khi ở trên sàn nhảy vẫn không ngừng tuôn chảy cả đến khi về nhà. Cảm giác tự do ấy quả thật khiến tôi phấn khích đến mức không thể tin được. Và nếu bạn muốn trải nghiệm thử cảm giác đó, House Dance Hanoi sẽ rất hân hoan chào đón.
Theo dõi House Dance Hanoi trên Facebook để tìm hiểu về các hoạt động của nhóm và cách tham gia.