Linh Hà là "chủ xị" của chương trình nhạc sống Xóm Nhạc tại Hanoi Social Club. Trong mỗi buổi diễn, khán giả thường thấy cô trải một chiếc khăn có họa tiết hoa lá trên sàn. Sau đó, cô bày lên khăn các nhạc cụ điện tử có vỏ nhựa bóng loáng và ngoằn nghèo dây dợ. Ngay sau chiếc khăn ấy là những nghệ sĩ ngồi ngang tầm với khán giả. Như thế, ai cũng có thể nhìn thấy từng thao tác của Linh Hà, cả khi cô nhấn nút điều chỉnh, hay giữ chân trên pedal, hay đưa shaker lên micro. Cùng với đó là giọng hát rõ ràng, thanh thoát của Linh Hà. Tất cả tạo ra chất nhạc trong trẻo như tiếng suối rót vào tai người nghe.
Linh Hà đã theo đuổi thể loại nhạc này đã vài năm. Cô chủ yếu biểu diễn ở Hà Nội, và từng đi lưu diễn xuyên Việt và tại Thái Lan. Là nghệ sĩ solo, hành trang của Linh Hà là những bài hát có chủ đề gần gũi và âm thanh đơn giản. Ngoài giọng hát của mình, cô còn thêm vào hoặc lặp lại những tone nhạc và âm thanh của các nhạc cụ bộ gõ. Nhiều bài hát của cô như đưa người nghe vào một hành trình đầy mê hoặc.
Linh Hà bắt đầu biểu diễn từ tận năm 2015. Tuy nhiên, cô chia sẻ rằng năm vừa qua mới là khoảng thời gian có nhiều khoảnh khắc “đột phá." Đó là những khoảnh khắc một nghệ sĩ nhận ra đam mê và tâm nguyện của bản thân trong việc theo đuổi dòng nhạc điện tử. Chị mong được "góp giọng" vào sự phát triển của dòng nhạc này ở Hà Nội, và hy vọng sẽ có nguồn thu nhập vừa đủ từ việc sáng tạo nghệ thuật.
“Nhạc sống là chủ đề của ca khúc này — về lý do chúng ta có mặt ở đây cùng nhau trong tối nay,” Linh Hà giới thiệu bài hát của mình tại Xóm Nhạc. Ca khúc này có từ "nhạc" được lặp lại nhiều lần với dụng ý riêng.
Tháng 7/2021, tôi đã có dịp thưởng thức chương trình tại Xóm Nhạc. Tiết mục đặc biệt của đêm đó là của Ly Trang, một nghệ sĩ thể nghiệm trẻ sáng tác nhạc với âm thanh trong thiên nhiên và nhạc cụ truyền thống. Khi buổi diễn kết thúc, các thiết bị đã ngủ yên trên sàn, khán giả cũng chỉ còn lác đác vài người, tôi đã hỏi về ý nghĩa của chiếc khăn Linh Hà thường trải.
Hóa ra, chiếc khăn vừa có giá trị thực tiễn vừa có giá trị tâm linh đối với nữ nghệ sĩ. Linh Hà nhớ lại lúc chị từng thuê căn phòng mà trước đó là nơi ở của cựu quản lý CAMA ATK, một địa điểm biểu diễn ca nhạc ở Hà Nội hiện không còn hoạt động. Khi người quản lý ấy dọn ra và Linh Hà dọn đến, chiếc khăn vẫn nằm lại trong phòng. Giờ đây, đồ vật này là một phần trong mỗi buổi diễn của chị. Chiếc khăn vừa là bề mặt để sắp xếp chỉn chu các nhạc cụ, vừa là biểu tượng cho mối liên kết của nữ nghệ sĩ với lịch sử nhạc sống của Hà Nội. Đây là nghi thức và truyền thống mà Linh Hà đặt ra khi theo đuổi dòng nhạc sử dụng các nhạc cụ có tuổi đời hãy còn ngắn so với lịch sử âm nhạc của nhân loại.
Nhạc điện tử đôi khi có vẻ lạnh lùng và thiếu gốc rễ với nhiều đôi tai. Một phần vì lịch sử phát triển non trẻ, và một phần vì phong cách của đa số người sáng tác. Dòng nhạc này ra đời vào cuối thế kỷ 19 để đáp ứng nhu cầu thể hiện bản thân qua âm nhạc của những người theo chủ nghĩa vị lai. Họ tìm cách mở rộng khái niệm âm nhạc và sử dụng những âm thanh từ cảnh quan đô thị công nghiệp hóa như tiếng huýt sáo, tiếng leng keng và gầm gừ của máy móc trong công xưởng. Họ muốn thoát khỏi những quy ước và giới hạn của âm nhạc truyền thống vì cho rằng dòng nhạc ấy không thể phản ánh sự phức tạp của xã hội hiện đại.
Ngày nay, những DJ EDM là hình ảnh tiêu biểu cho dòng nhạc điện tử. Các DJ (thường là nam) xuất hiện một mình trên sân khấu, xung quanh là thiết bị chuyên dụng và ánh đèn nhấp nháy khắp mọi hướng. Họ trông như một nhân vật trong phim khoa học viễn tưởng vừa xuyên không về. Khi tìm hiểu về văn hóa rave cùng chủ nghĩa khoái lạc (hedonism) của thế kỷ 21, chúng ta dường như không thấy dấu vết của nhạc điện tử thời kỳ đầu. Dù vậy, nhạc điện tử vẫn mang tính cá nhân đặc thù của thời đại. Edgard Varèse, nhà soạn nhạc của dàn nhạc điện tử Déserts hoạt động vào đầu những năm 1950, cho biết ông chọn cái tên này vì nó không chỉ đại diện cho các sa mạc trên Trái Đất. Với ông, nó "còn là sa mạc trong tâm trí con người; không chỉ những miền đất hoang vu cằn cỗi gợi ra sự trống trải, xa cách, vô tận, mà còn là không gian sâu thẳm bên trong mà không kính thiên văn nào có thể soi tới, nơi mỗi người chỉ có một mình giữa thế giới của sự bí ẩn và nỗi cô đơn nhân bản.”
So với "sa mạc" đó, âm nhạc của Linh Hà trở nên khác biệt bởi phong cách ấm áp, tinh thần tập thể trong sự phối hợp giữa các nghệ sĩ, và khả năng kết nối với khán giả mỗi khi chị biểu diễn. Tại Xóm Nhạc và buổi diễn gần đây tại Soul Bar, khán giả ngồi ở ghế gần sân khấu sẽ cảm nhận được cách nữ nghệ sĩ sáng tác nhạc. Trên bản nhạc nền thư thái, chị đan cài những hòa âm theo cấu trúc lặp lại đều đặn, kết hợp với âm thanh của các nhạc cụ truyền thống, đưa người nghe đắm chìm vào những giai điệu trầm lắng. Đối với những ai chú tâm quan sát sự kết nối giữa nữ nghệ sĩ bên cây đàn guitar và giai điệu vang lên, thì đây là cách trình diễn thú vị và đáng thưởng thức nhất của dòng nhạc điện tử.
Ngay cả trước khi Linh Hà bắt đầu chơi nhạc điện tử cách đây sáu năm, âm nhạc đã là một phần trong cuộc sống của chị từ thuở tấm bé khi ở với gia đình. Cha mẹ cô còn giữ đoạn video quay cảnh cô bé Linh Hà đang quấn tã nhảy theo nhạc Michael Jackson. Bà của Linh Hà cũng là ca sĩ, và thường đưa cô đi hát ở gần phố Đội Cấn, khán giả cũng không ai xa lạ mà là bà con lối xóm. Khi còn ở tuổi teen, cô mê đắm nhóm nhạc Linkin Park: “Cảm giác ấy giống như ‘Ồ, ca sĩ này hiểu nỗi đau của tôi!’ Giống như ‘Không ai hiểu tôi ngoài Linkin Park! Linkin Park hát lên được sự thật!’” Cha mẹ cô thì nghe nhạc New Wave, giờ đây cô gọi thể loại ấy là thú vui tội lỗi. Thuở áo trắng, Linh Hà cũng từng tham gia ban nhạc và biểu diễn những ca khúc nhạc pop có giai điệu bắt tai.”
Linh Hà bước vào thế giới nhạc điện tử cũng là nhờ những mối quan hệ cá nhân. Khi bắt đầu theo đuổi nhạc ambient (nhạc nền), chị có ý định góp giọng trong buổi diễn của các nghệ sĩ nhạc điện tử. Một người bạn đã rủ chị tham gia các jam session và tặng cô đôi pedal đầu tiên. Một tuần sau, đôi bạn đã biểu diễn tại Hanoi Social Club. Từ có, cô bắt đầu hành trình mang âm nhạc của mình đến với khán giả thủ đô. Linh Hà cũng là thành viên của ban nhạc afrobeat Zamina, đã đi lưu diễn với nhạc sĩ điện tử TOMES và tham gia dự án chuyển ngữ nhạc Hàn với một ban nhạc Hàn Quốc. Họ dịch lời bài hát từ tiếng Hàn sang tiếng Anh và sau đó là tiếng Việt, tự luyện tập riêng rồi biểu diễn cùng nhau tại Hà Nội. Với tư cách là "chủ xị" Xóm Nhạc, cô cũng chủ động giới thiệu các tiết mục thể hiện sự đa dạng của âm nhạc điện tử, từ màu sắc riêng của bộ đôi beatbox Loopernatural đến cách biến tấu ambient pop của Ly Trang.
Trước nay, Linh Hà vẫn thường biểu diễn ngẫu hứng. Gần đây, đối với phần solo của mình, cô bắt đầu viết lời bài hát nhiều hơn, và viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Cô cho biết, buổi biểu diễn tại Lễ hội Jai Thep ở Chiang Mai, Thái Lan vào tháng Hai vừa qua giống như một bước đột phá trong sự nghiệp của mình. Cô được chứng kiến rất nhiều gương mặt lạ đến xem cô biểu diễn vào lúc 3 giờ sáng. Sau buổi diễn, một khán giả đã đi đến chỗ chị và bày tỏ, "Bạn đã làm mọi thứ mà không cần làm gì cả."
“Tôi không rõ ý của anh ấy là gì nhưng tôi đoán là… Cách tiếp cận âm nhạc của tôi, không nhất thiết phải có tầng tầng lớp lớp âm thanh,” Linh Hà nói. “Hãy cứ giữ phong cách tối giản. Cố gắng chú ý đến môi trường xung quanh, đến mọi người và chính bản thân… mục tiêu lớn nhất của tôi là dùng chất nhạc riêng của mình để kết nối với khán giả, để khi mọi người đang ở trong cùng một không gian, họ có thể chú tâm tận hưởng khoảnh khắc ấy.”
Mặt hạn chế của điều này là nếu Linh Hà biểu diễn ở những địa điểm xem nhạc sống là phần phụ hoạ cho những dịch vụ khác. Bởi lẽ “điều đó làm tổn thương bản ngã âm nhạc của tôi.” Thế nên, quán bar và câu lạc bộ thường không phải là nơi cô có thể thoải mái biểu diễn. Âm nhạc của Linh Hà không phải là sự tách biệt giữa đám đông như lối biểu diễn thường thấy ở các DJ. Nó cũng không đại diện cho “không gian nội tâm đầy cô đơn của Varèse mà không kính viễn vọng nào có thể soi tới.” Khi kết thúc buổi biểu diễn ở Chiang Mai, cô thở vào micro và mọi người trong khán phòng bắt đầu thở theo cùng một nhịp. Và như thế, nghệ sĩ và khán giả đã gắn kết với nhau bằng ngôn ngữ màu nhiệm của âm thanh.
Độc giả có thể theo dõi trang Facebook của Linh Hà để biết các hoạt động của cô trong thời gian sắp tới.