Trái ngược với hình dung của nhiều người về một bộ môn thể thao chỉ dành riêng cho những "quả tim thép," leo núi thực chất lại là một hoạt động không kém phần thư giãn khi mang đến cho người chơi một trải nghiệm cộng đồng đầy thú vị.
Sau khoảng thời gian dài chỉ được nhìn nhận như một thú vui lạ và kén người chơi thì vào năm 2020, leo núi chính thức được "hợp thức hóa" khi được xếp vào danh sách các bộ môn thể thao thi đấu tại Thế vận hội Olympics 2020 tại Tokyo — dù sự kiện đã bị hoãn vô thời hạn do dịch bệnh COVID-19. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, leo núi trong nhà đã trở thành một nền công nghiệp thực thụ, một hình thức rèn luyện sức khỏe được nhiều người tìm đến sau giờ học và làm thay thế cho trải nghiệm tập gym truyền thống với những chiếc máy chạy bộ hay máy tập cơ có phần tẻ nhạt. Thế nhưng tại Việt Nam, hành trình “bản địa hóa” bộ môn này dường như chỉ mới bắt đầu.
Tôi tìm đến một không gian leo núi trong nhà khá có tiếng ở Sài Gòn là Vertical Academy, Quận 2 để tìm hiểu thêm về cộng đồng trẻ này. Trước khi tới, tôi cho rằng đây là sẽ trải nghiệm khá kỳ cục với bản thân: phần vì lo rằng leo núi là môn thể thao cá nhân mà bản thân chưa có kinh nghiệm leo trèo tường bao giờ; phần vì nghĩ mình sẽ là thiểu số vì địa điểm này nằm ở khu vực nhiều người nước ngoài sinh sống.
Nhưng sự e dè của tôi không kéo dài quá lâu và hoàn toàn bị cuốn đi bởi không khí rôm rả và đầy năng lượng mang lại bởi các hội viên trẻ người Việt và người ngoại quốc. Tôi cảm giác như đang bước vào một sân chơi lớn, với những mảng màu rực rỡ và năng động của vô vàn các mấu nhựa, những tiếng reo hò cổ vũ, tiếng gọi nhau để "nhắc bước," hay những cuộc trò chuyện xôm tụ của người chơi tụ tập thành từng nhóm xung quanh các bức tường.
Sở dĩ không gian leo núi trong nhà lại là một nhịp cầu giao lưu lý tưởng như vậy là bởi ở bộ môn này, tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng quan trọng ngang ngửa với thể lực. Các đường leo được quy định bằng màu sắc và hình thù của những mấu bám nhựa thường thay đổi trật tự định kỳ để tạo ra những chuỗi bài toán mới, từ đó khuyến khích người chơi tương tác với nhau để tìm ra giải pháp chuyển động cơ thể tối ưu nhất cho mỗi thử thách.
“Các khu vực địa hình được thiết kế phân chia theo cấp độ kỹ năng để người chơi ở mọi trình độ và lứa tuổi đều có thể tham gia luyện tập trong cùng một không gian mở rộng, với sự giám sát của người hướng dẫn và các thiết bị bảo hộ an toàn,” Allison Fleckenstein, quản lý cộng đồng của trung tâm Push Climbing, Quận 2 cho biết. “Với leo núi, hành trình của bạn không bao giờ chỉ dừng lại ở một thể loại hay một đường leo mà sẽ luôn có những thử thách mới để chinh phục, từ trong nhà đến ngoài trời,” Allison nói tiếp.
Chị Oanh, một người tập luyện leo núi thường xuyên, nói về những lợi ích của môn thể thao này với bản thân: “Việc đến tham gia tập luyện và gặp gỡ mọi người vừa là động lực, vừa là cách giảm tải căng thẳng đối với mình. Trong thời gian đầu, những cảm xúc lo sợ hay cả người đột nhiên cứng đờ vì không biết di chuyển thế nào là không thể tránh khỏi, nhưng mỗi khi giải quyết thêm được một chặng là mình lại thấy vui sướng không tả nổi.”
Dù môn thể thao này đã có mặt ở trong nước khoảng 15 năm, nhưng cộng đồng người Việt Nam biết đến leo núi và tập luyện kiên trì vẫn còn rất tản mác. Khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà những người khởi xướng trào lưu này phải đối mặt chính là những định kiến gắn liền với một bộ môn thể thao mạo hiểm.
Jean Verly, nhà sáng lập VietClimb — câu lạc bộ leo núi trong nhà đầu tiên của Việt Nam, thành lập từ năm 2005, chia sẻ những trăn trở của anh trong việc phổ biến bộ môn này với người Việt: “Hơn 10 năm trước khi mới bắt đầu ấp ủ mong muốn tạo ra một cộng đồng leo núi, trở ngại của tôi khi ấy chủ yếu xoay quanh việc làm thế nào để xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức các sự kiện kết nối những người có cùng đam mê. Thế nhưng rồi tôi nhận ra, để tìm kiếm những nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ cho công cuộc xây dựng một bộ môn hoàn toàn mới thì trước hết cần phải thay đổi định kiến của người Việt về leo núi nói chung.”
Anh nói thêm: “Hầu hết mọi người khi tìm đến leo núi thường chỉ thử sức một lần cho biết, như thử một loại gia vị lạ, chứ không cho rằng đây là bộ môn có thể theo đuổi lâu dài. Số đông còn lại thì đều nghĩ leo núi quá nguy hiểm hoặc quá tốn kém, và cả hai điều này đều không đúng.”
Trong khi đó, Baptiste Rouch, người đứng sau dự án truyền thông Nival, hướng tới phát triển bộ môn thể thao mới này trong cộng đồng người trẻ Việt, cho rằng ngôn ngữ là chìa khóa quan trọng để cải thiện nhận thức của người Việt về bộ môn này. “Chúng tôi luôn cố gắng chèn thêm phụ đề tiếng Việt song song với tiếng Anh trong những video phóng sự hay hướng dẫn thao tác mà mình thực hiện. Tiếng Việt cũng là ngôn ngữ chính được sử dụng trên các trang cộng đồng để tiếp cận nhiều người nhất có thể,” Baptiste nói. Thế nhưng, nỗ lực này cũng gặp phải không ít khó khăn: “Có nhiều thuật ngữ rất khó để chuyển ngữ một cách chính xác. Việc mang trải nghiệm leo núi đến gần hơn với người Việt chắc chắn sẽ đòi hỏi cả một quá trình dài,” anh chia sẻ.
Một vấn đề nan giải khác trong việc đưa bộ môn này tiếp cận đến số đông chính là làm thế nào để tìm được địa điểm thích hợp mà vẫn thuận tiện cho người trẻ ghé thăm thường xuyên. Chị Thục, người sáng lập câu lạc bộ Vertical Academy cho biết: “Rất khó để tìm ra những căn ‘nhà kho’ có không gian rộng và trần đủ cao cho việc lắp đặt hệ thống vách leo tại các quận trung tâm thành phố, nếu có thì chi phí để duy trì hoạt động cũng rất cao.”
Trên thực tế, các cơ sở leo núi chuyên nghiệp nhất tại Sài Gòn hiện nay vẫn tập trung hơn tại những khu vực có nhiều người ngoại quốc cư trú. Tuy nhiên, theo chị Thục, chênh lệch giữa số lượng người Việt và cộng đồng người nước ngoài tìm đến các trung tâm leo núi cũng đang dần được thu hẹp. Đây là một tín hiệu tốt cho thấy giới trẻ Việt đang ngày càng cởi mở hơn trong việc tiếp nhận bộ môn mới mẻ này.
Mặc cho những khó khăn ban đầu này, cộng đồng leo núi trong nước vẫn có những bước phát triển chậm mà chắc. Thành viên các câu lạc bộ leo núi trong nhà thường xuyên tổ chức những hoạt động gắn kết sôi nổi — đây cũng là tinh thần đặc trưng của bộ môn: từ những chuyến đi leo núi đá cuối tuần cho đến những cuộc thi tranh giải thu hút số lượng lớn người tham gia, mà gần đây nhất là Bouldering Cup diễn ra tại Hà Nội nhằm kỷ niệm 10 năm hoạt động của VietClimb.
Có thể nói phong trào leo núi ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chập chững phát triển. Tuy nhiên cũng có thể thấy mức đầu tư vào bộ môn này ngày một mạnh dạn hơn khi các phòng tập mới, hay các khu vực leo núi tích hợp ở các trung tâm thể theo đã bắt đầu mọc lên ở ngoài khu vực người nước ngoài sinh sống, trong đó tại Sài Gòn có thể kể đến Jump Arena ở Thủ Đức hay Saigon Climbing Center ở Bình Thạnh. Leo núi hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng thể thao mới — thú vị, đầy thử thách và là một điểm hẹn lý tưởng để thư giãn và tạo kết nối.