Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Parks & Rec » Lịch sử và tương lai của bộ môn bóng chày tại Việt Nam

Lịch sử và tương lai của bộ môn bóng chày tại Việt Nam

Mỗi khi tôi kể với ai rằng tôi là thành viên trong đội bóng chày của trường, việc đầu tiên họ làm là tỏ vẻ ngạc nhiên vì trường tôi có đội bóng chày, việc thứ hai là tò mò hỏi ngay vì sao tôi lại tham gia bộ môn này.

Sự thật là, tôi chỉ cắm đầu vào đây vì tôi "crush" một cậu chơi vị trí pitcher trong đội. Tôi đã ngây thơ tin rằng chỉ có nước chơi thể thao cùng nhau thì mới tiếp cận được cậu ấy.

Nhưng khổ nỗi, tôi không phải là cô gái giỏi thể thao, tôi thậm chí còn không cao bằng hai cây gậy bóng chày gộp lại. Tôi phải "diễn sâu" rằng mình rất đam mê và quyết tâm để được nhận vào. Nhưng cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, tôi sớm bị tụt lại phía sau trong các bài tập chạy, rồi chụp hụt ngay cả khi bóng bay gần sát mặt đất (ground balls). Quá xấu hổ vì là người chậm chạp và yếu nhất trong đám lính mới, diễn xuất của tôi càng trở nên "nhập tâm."

Mỗi giờ nghỉ trưa, tôi lại dành một chút thời gian để luyện tập. Chẳng bao lâu, tôi bắt đầu cảm thấy thoải mái với đường may vải da thô ráp trên ngón tay, và tiếng đập khi quả bóng chạm vào găng. Tôi yêu cảm giác phấn khích mỗi khi bước chân lên chốt gôn. Mùa hè vừa rồi, nhờ sự nỗ lực và cải thiện của mình, tôi đã được cả đội đội bầu làm đội trưởng.

 Lê Hoài Anh, đội trưởng Hanoi Ams Phoenix niên khóa 2019-2020. Ảnh: Khánh Ly.

Thông thường, các giải đấu bóng chày sẽ được tổ chức vào mùa xuân, nhưng đại dịch đã khiến tôi “quay xe” với kế hoạch dẫn dắt đội mình đến chiến thắng tại giải đấu các trường trung học. Ước mơ về khán đài của tôi đành đi theo một hướng khác: tôi muốn quảng bá và biến bóng chày thành một môn thể thao quốc dân. Từ những nỗ lực phát triển môn thể thao này của những người đi trước, tôi biết đây sẽ là một hành trình chông gai.

Theo một trang blog về bóng chày đã ngừng hoạt động, 23 năm trước, một doanh nhân người Nhật đã ấp ủ mong muốn giới thiệu bóng chày đến với Việt Nam. Vị doanh nhân tên Fuchiwaki đã thành lập đội bóng đầu tiên với tên gọi Saigon Baseball (Bóng chày Sài Gòn). Họ ra mắt vào năm 1999 và từng được tập huấn chuyên nghiệp bởi Tổ chức bóng chày Hàn Quốc (KBO).

Thật không may, ông Fuchiwaki đã qua đời vào năm 2001, Saigon Baseball vì vậy mà giải tán. Những người từng gắn bó với đội tiếp tục thành lập các câu lạc bộ nhỏ tại Sài Gòn. Đến năm 2011, họ tái ngộ khi cùng nhau thành lập Hội Bóng chày Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng trong khoảng thời gian này, cộng đồng bóng chày ở Hà Nội bắt đầu hình thành. Nhờ vào độ phổ biến của các bộ truyện tranh đề tài bóng chày như DorabaseTouch, nhiều người trẻ ở thủ đô trở nên quan tâm với môn thể thao này. Họ tự thành lập đội nhóm để thỏa lòng yêu thích của mình.

Năm 2006, đội bóng đầu tiên của Hà Nội được thành lập tại trường Đại học Hà Nội (HANU) với tên gọi là FisHANU (Fis là viết tắt của Khoa Quốc tế học). Anh Châu Quốc Hùng, đội trưởng đầu tiên của Fis, chia sẻ khi được phỏng vấn vào năm 2009: "Ban đầu thành lập, Fishanu chỉ có hai thanh niên, bốn em nhỏ và hai ông già." Đội bóng đã mượn ba chiếc găng tay của một giáo sư người Mỹ đang công tác tại trường, tự bỏ tiền túi mua hai chiếc nữa (dù chỉ là loại găng tay đồ chơi bắt được 5 quả bóng là rách), và mượn sân bóng đá của trường làm nơi luyện tập.

Anh Đình Đức, cựu thành viên của CLB Phoenix, đã kể tôi nghe một giai thoại về những lứa cầu thủ đầu tiên: “Các anh chị phải dùng chung găng tay và bóng để tập đánh ground balls… Không có chốt gôn cũng không có gậy.” Tôi còn nghe kể rằng có cầu thủ đã tự làm gậy đánh bóng từ chai nhựa. Các đội của nhiều trường cấp 3 và trường đại học khác cũng gặp phải vấn đề tương tự. Rất nhiều cầu thủ đã phải bỏ cuộc.

Trong khi đó, những người ở lại góp tiền để mua các dụng cụ thiết yếu như găng tay, bóng và gậy, rồi tự ứng biến phần còn lại. Gạch, đệm ghế và túi xách trở thành chốt gôn. Một chiếc ba lô nhét đầy quần áo trở thành áo bảo hộ cho cầu thủ bắt bóng. Thiếu sân tập chuyên dụng, họ chơi tạm ở bãi cát trống và sân xi-măng, bóng vì thế mà thường xuyên bị hư hỏng. Anh Đức vẫn rùng mình khi nhớ về những trải nghiệm này. Anh nói đầu gồi mình luôn bị bầm tím mỗi khi thực hiện cú trượt hay phi người bắt bóng.

Chốt gôn làm bằng đệm ngồi. Ảnh: Châu Trần.

Trở ngại lớn nhất của bóng chày Việt Nam là việc thiếu các huấn luyện viên chuyên nghiệp. Một số người chơi có thể "thỉnh giáo" kinh nghiệm từ người nước ngoài đang học tập, làm việc tại Việt Nam, nhưng phần lớn cộng đồng đều tự học hỏi và chia sẻ kiến ​​thức với nhau.

Anh Mạnh Chiến, 30 tuổi, là một cầu thủ có hơn 10 năm kinh nghiệm và là đội trưởng của đội bán chuyên nghiệp 'Hanoi' (không phải đội Hanoi Capitals). Anh cho biết anh đã dành vô số thời gian để xem các video hướng dẫn trên YouTube, cũng như theo dõi giải Major League của Mỹ để cải thiện khả năng ném bóng. Đến tận bây giờ, anh vẫn xem YouTube là "người thầy" và thỉnh thoảng còn gửi các video hướng dẫn để tôi xem cùng.

Tập luyện tại ‘sân vận động’ Nghĩa Tân, thật ra là một bãi xe ở Hà Nội. Ảnh: Châu Trần.

Năm 2011, bóng chày Việt Nam thử sức ở sân chơi quốc tế và trải qua cú vấp ngã đầu tiên. Hội Bóng chày TP.HCM nhận được phép đại diện Việt Nam tham dự SEA Games 26 tại Jakarta. Vì yếu thế hơn, đội tuyển đã thua hầu hết các trận vòng loại. Cũng trong khoảng thời gian đó, đội Hanoi Capitals đã giành chiến thắng 14-8 trước đội từ Indonesia trong trận chung kết Giải Pony Championship dành cho lứa tuổi U-12 khu vực Châu Á - Nam Thái Bình Dương. Thành tích này khiến giới truyền thông từng dự đoán rằng Việt Nam sẽ góp mặt ở Á vận hội.

Đáng buồn thay, vì thua nhiều trận liên tiếp và thiếu nhà tài trợ, hành trình của đội đã sớm chấm dứt sau đó.

Trong thập kỷ vừa qua, cộng đồng bóng chày Việt Nam đã trải qua nhiều biến đổi. Cả nước giờ đây chỉ còn chưa đầy mười đội, nhưng các đội được trang bị và đào tạo tốt hơn bao giờ hết. Vì không có liên đoàn chính thức, các câu lạc bộ đã tự đứng ra tổ chức giải đấu. Trong số đó, có ba giải quốc gia hàng năm do các cầu thủ kỳ cựu tổ chức, cùng nhiều giải giao hữu với các đội nước bạn.

Đội bóng bán chuyên nghiệp Hanoi Baseball đã tạo dấu ấn trên trường quốc tế khi tham gia Giải Vô địch Bóng chày quốc tế lứa tuổi U18 lần thứ ba, chỉ thua đội Hàn Quốc với tỉ số 10-9 và hòa 5-5 với đội Nhật Bản, hai cường quốc của bóng chày châu Á.

Đội Hanoi Ams Phoenix của THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam và đội tuyển của trường National Ping Tung Industrial Vocational High School (Tỉnh Đài Bắc, Đài Loan) trước trận giao hữu năm 2019. Ảnh: Châu Trần.

Đội Lizardon của trường Lê Quý Đôn đấu với Hanoi Ams Phoenix trong Giải đấu mùa hè 2019. Ảnh: Châu Trần.

Nỗ lực nâng tầm bóng chày Việt Nam suốt 20 năm đã không thành công, khó trách một bộ phận cầu thủ và người hâm mộ có chút nản chí. Tuy nhiên, hầu hết chúng tôi vẫn còn hy vọng vào tương lai của môn thể thao này tại Việt Nam, và nhìn sang thành tựu của nước láng giềng làm động lực phấn đấu. Dù chỉ mới được thành lập vào năm 2013, đội bóng chày đầu tiên của Lào đã có khoảng 100 cầu thủ theo đuổi một môn thể thao chưa từng được chơi trước đó. Trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi, nước bạn đã có cho mình một liên đoàn bóng chày và có mặt tại Á vận hội 2018.

Với cộng đồng khoảng 400 cầu thủ và nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Lào, bóng chày Việt Nam có thể tiến lên thi đấu chuyên nghiệp. Giờ đây các dụng cụ và trang thiết bị đã đầy đủ hơn, chúng ta cũng đã có thêm các sân bóng chày chuyên dụng. Điều còn thiếu là một liên đoàn được nhà nước hỗ trợ và nguồn đầu tư phù hợp.

Anh Chiến là một trong những cá nhân đóng vai trò cốt lõi trong việc vượt qua rào cản này. Anh tìm cách thu hút nguồn tài trợ và hỗ trợ từ bên ngoài, như việc hợp tác với cầu thủ Yoo Jae-ho của KBO. Vào tháng 2/2020, hai bên đã bắt đầu các đợt huấn luyện chuyên sâu cho các vận động viên trẻ nhằm đào tạo một thế hệ tương lai ưu tú.

Thể thao chuyên nghiệp Việt Nam cũng đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong vài thập kỷ qua. Chúng ta đạt được thành tích đáng tự hào ở các bộ môn như bóng đábơi lội, và thành lập được một hiệp hội bóng rổ chuyên nghiệp. Điều này cho thấy Việt Nam cũng có tiềm năng sánh ngang với các nước trong khu vực ở các bộ môn khác. Các vận động viên Việt Nam hoàn toàn có thể lực phù hợp, tính kỷ luật và tinh thần đồng đội — những nhân tố thành công cho bóng chày nước nhà.

Đội bóng chày Hanoi Ams Phoenix trước trận khai mạc Giải mùa hè 2019. Ảnh: Châu Trần.

Uớc mơ được tham gia giải bóng chày trung học ở Nhật — Summer Koshien — của tôi đã tiêu tan. Nhưng với tư cách là đội trưởng thứ 10 của CLB Phoenix, và là nữ đội trưởng bóng chày đầu tiên ở Việt Nam, tôi không ngừng hi vọng và tìm kiếm cơ hội. Và có một tia hi vọng vẫn luôn chiếu sáng, đó là hình ảnh linh vật của đội tôi — phượng hoàng lửa trong truyền thuyết — sinh vật tượng trưng cho sức mạnh và sự đổi mới, là biểu tượng cho ngọn lửa tuổi trẻ bất diệt luôn bùng cháy trong mỗi chúng ta.

Hanoi Ams Phoenix sẽ tái sinh từ đống tro tàn của mùa giải thất bát này, và bay cao, bay xa hơn cả những gì chúng tôi từng vươn tới. Từ chiến lược cưa đổ crush, ước mơ của tôi giờ đây là được thấy bóng chày trở thành môn thể thao quốc dân, và ngày nào đó xây dựng một đội bóng của riêng mình.

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Leo núi trong nhà, môn thể thao không dành riêng cho người mạo hiểm

Trái ngược với hình dung của nhiều người về một bộ môn thể thao chỉ dành riêng cho những "quả tim thép," leo núi thực chất lại là một hoạt động không kém phần thư giãn khi mang đến cho người chơi một ...

Michael Tatarski

in Parks & Rec

So tài đối kháng với Roller Derby, môn trượt patin cho người thích 'chiến'

Mỗi tối thứ 3 tại phường Bình Quới, các "trượt thủ" của một câu lạc bộ độc nhất vô nhị tại Sài Gòn lại thắt chặt dây giày, và bước vào một đêm chinh chiến nảy lửa nhất. Là bộ môn mới toanh tại Vi...

in Parks & Rec

‘18 phút để chạm đến bầu trời’: Bay dù lượn trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Bay dù lượn chính là thở căng lồng ngực, cảm nhận sức cản của gió, để tâm trí chìm vào đại dương, lửng lơ giữa trời trên cánh dù no gió và… chụp ảnh phim!

in Đời Sống

'Cờ bay trăm ngọn cờ bay': Một đêm đi bão khó quên của người Hà Nội và Sài Gòn

Như nấm mọc sau mưa rào, "đi bão" đã trở thành một truyền thống bất hủ của người Việt trong mùa bóng đá.

in Parks & Rec

Bước vào thế giới giả tưởng kỳ thú của board game Dungeons and Dragons

Trái với suy nghĩ của nhiều người, Dungeons and Dragons không chỉ là một thú vui dành cho các mọt sách chính hiệu. Với riêng tôi, đây còn là một "phương pháp trị liệu tinh thần," nơi tôi và nhóm bạn t...

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...