Mỗi tối thứ 3 tại phường Bình Quới, các "trượt thủ" của một câu lạc bộ độc nhất vô nhị tại Sài Gòn lại thắt chặt dây giày, và bước vào một đêm chinh chiến nảy lửa nhất. Là bộ môn mới toanh tại Việt Nam, roller derby gần như không có người chơi và người hâm mộ trong nước cho đến gần đây.
Môn thể thao mà mọi người sắp chơi tại đây không phải là trượt patin thông thường, mà là roller derby, hay còn được gọi là trượt patin đối kháng. Tại Hoa Kỳ, nơi khai sinh và thánh địa của roller derby, có đến hơn 4700 câu lạc bộ dành riêng cho bộ môn này. Ngoài ra, nhờ tính chất mạnh bạo, phục trang màu sắc, cùng tốc độ đến chóng mặt của các trận đấu, roller derby thu hút một lực lượng fan cực kỳ hùng hậu trên 53 quốc gia.
Hấp dẫn như vậy, nhưng roller derby vẫn là một cái tên mới toanh tại Việt Nam — gần như không có người chơi và người hâm mộ trong nước cho đến gần đây. Claire Stableford, một người chơi lão làng, đang tham vọng thay đổi điều này với Saigon Roller Derby.
"Mình và Angie [đồng sáng lập] chuyển đến Việt Nam vào tháng 9 [năm 2020]. Cả hai chúng mình đều có khá nhiều kinh nghiệm chơi roller derby, và từng thi đấu cho đội tuyển quốc gia cũng như trong các giải đấu quốc tế. Chúng mình phát hiện rằng ở Sài Gòn chưa có nhóm riêng nào cho môn thể thao này, nên đã quyết định tự thành lập đội của mình,” Claire cho biết.
Nói một chút về quy luật của roller derby:
Trong một trận, sẽ có hai đội thi đấu với nhau. Mỗi đội sẽ có một jammer (người ghi điểm/tiền vệ) và nhiều blocker (người phòng thủ/hậu vệ). Blocker có nhiệm vụ cản phá jammer của đối phương bằng những cú va chạm mạnh mẽ. Mỗi trận được phân thành các hiệp, gọi là các jam. Khi jammer của đội này vượt qua được blocker của đội kia, và hoàn thành một vòng sân trượt thành công, họ ghi được một điểm. Kết thúc trận đấu, đội nào nhiều điểm hơn sẽ là người chiến thắng.
Thử thách đầu tiên mà Saigon Roller Derby gặp phải là tìm địa điểm để sinh hoạt. Đây là vấn đề muôn thuở với các hội nhóm ở Sài Gòn, vì thành phố luôn thiếu không gian cho các hoạt động nghệ thuật và thể thao. Sau khi lân la dòi hỏi trong cộng động, nhóm đã chọn sân trượt patin GOX làm nơi tỉ thí và bắt đầu chiêu mộ thành viên.
“Chúng mình mời được hai huấn luyện viên từng thi đấu ở Mỹ nhưng đã ngừng chơi gần đây. Họ giúp chúng mình rất nhiều trong việc thành lập nhóm," Claire nói. “Từ đó đến nay, chúng mình nhận được sự chú ý của cả người nước ngoài lẫn người Việt, và luôn cố gắng thu hút nhiều thành viên người Việt hơn nữa.”
Ngọc là một trong những thành viên như vậy. Cô biết đến Saigon Roller Derby nhờ được nhóm bạn của anh trai giới thiệu. Cô chia sẻ: “Trước đây mình chưa từng nghe về môn thể thao này nên ban đầu có hơi do dự. Nhưng vì tò mò, mình xin đi cùng để xem thử một buổi luyện tập. Thấy mọi người thi đấu vừa điêu luyện vừa nhiệt huyết, mình quyết định ngay và luôn rằng mình muốn trở thành đồng đội.”
“Saigon Roller Derby cần chuẩn bị vô số thứ cho một buổi sinh hoạt nhóm. Phần lớn công việc là do mình và một số người chơi khác đảm nhận, vì chúng mình có nhiều kinh nghiệm hơn,” Claire cho hay.
“Chúng mình không chỉ cần người chơi, mà còn cần trọng tài để canh thời gian, theo dõi tỷ số và quyết định hình phạt. Đây là môn thể thao có tính tổ chức cực kỳ cao, nhưng các trận đấu của chúng mình luôn diễn ra suôn sẻ. Chúng mình thấy rất tự hào vì điều đó.”
Ở Mỹ, người chơi roller derby chủ yếu là phái nữ, nhưng Saigon Roller Derby chào đón mọi đối tượng, miễn là họ có hứng thú với môn thể thao này. Các hoạt động của nhóm diễn ra vào Chủ Nhật, Thứ Ba và Thứ Năm hàng tuần. Các buổi trong tuần thường dành cho người chơi dày dặn kinh nghiệm, có thể thoải mái thực hiện các pha va chạm mạnh. Các buổi cuối tuần được thiết kế cho người chơi ở mọi trình độ, và không có tấn công va chạm.
“Có vài người mới còn chưa biết trượt patin nữa cơ, nhưng may là không mất nhiều thời gian để học kỹ năng này," Claire nói.
Heather McClellan là một trong những thành viên có kỹ năng "thượng thừa" nhất. Khi Saigoneer ghé thăm, cô đang hướng dẫn các động tác trượt cơ bản cho các thành viên nhập môn. Heather từng chơi cho một đội ở Cleveland, Ohio, trước khi chuyển đến Hà Nội sinh sống. Cô đã mong có thể thành lập một câu lạc bộ roller derby tại thành phố thủ đô, nhưng lại không tìm được dụng cụ và địa điểm phù hợp.
“Trước đó, mình thường chỉ có thể tập trong công viên với vài người bạn. Nhưng lúc chuyển vào Sài Gòn, mình tình cờ thấy bài đăng của Claire trong một hội roller derby trên Facebook, nên đã mua chóng kết nối với nhóm," cô cho hay. Cũng theo Heather, từ khi cô tham gia, Saigon Roller Derby đã trở thành người "chị em kết nghĩa" với một câu lạc bộ roller derby khác ở Thái Lan, có quy mô lớn hơn và lịch sử hoạt động lâu dài hơn.
“Chúng mình còn được Derby Without Borders gửi tặng đồ tập cũ cho các thành viên mới, cho những ai muốn thử sức với bộ môn này nhưng chưa có đủ điều kiện. Gia đình roller derby quốc tế luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng mình, nên mình rất mong đại dịch sớm kết thúc để có thể tổ chức workshop và thi đấu giao hữu.”
Đây cũng là mục tiêu chính của Claire, nên cô vẫn giữ liên lạc với nhiều nhóm roller derby khác ở Châu Á.
“Chúng mình đã liên hệ với nhiều đội, và chia sẻ với họ chế độ tập luyện của Saigon Roller Derby, được chính các huấn luyện viên cấp quốc gia thiết kế. Khi biên giới mở cửa trở lại, chúng mình muốn sẽ có dịp tranh tài cùng các đội bạn. Hy vọng họ sẽ chơi thật hay để chúng mình có thể thử thách bản thân hơn nữa.”
Dù là vận động viên ở đẳng cấp thế giới, Clair vẫn thấy vui khi từng bước lan tỏa bộ môn này đến một vùng đất mới: “Mình cảm thấy hạnh phúc khi được hướng dẫn những người chơi chưa có kinh nghiệm và giúp họ tiến bộ."
Còn với Ngọc, sự hoài nghi ban đầu đã hóa thành niềm yêu thích dành cho môn thể thao mới lạ này.
“Quá trình tập luyện rất thử thách, nhưng cũng vô cùng thăng hoa,” Ngọc chia sẻ. “Mình ý thức được rằng mỗi cú ngã là một cơ hội để học tập, và càng ngã nhiều, mình sẽ càng làm tốt hơn. Sau mỗi lần ngã, mình thấy như đạt được một thành tựu mới. Mình biết mình rằng đã cố hết sức để vượt qua giới hạn của bản thân. Suy nghĩ đó giúp mình tiếp tục nỗ lực. Mình học được cách tận hưởng từng giây phút hiện tại, thay vì lo lắng về những điều ở phía trước mà không làm gì được.”
Ngọc cũng kể lại kỷ niệm trong một buổi tập cách đây vài tuần, khi cô lần đầu tiên đánh bật được một đối thủ có kỹ thuật chơi tốt hơn mình ra khỏi đường đua: “Ban đầu mình cảm giác khá có lỗi, nhưng rồi thấy rất mãn nguyện vì nghe tiếng cổ vũ của các huấn luyện viên."
“Chúng mình chào đón tất cả mọi người tham gia,” Clair nói. “Roller derby vốn là một môn thể thao dành cho nữ, nhưng chúng mình muốn giới thiệu nó đến càng nhiều người Việt Nam càng tốt, bất kể giới tính.”
Với nhiệt huyết hết mình trên sàn đua, có thể thấy Saigon Roller Derby đang trên đường xây dựng được cộng đồng roller derby năng động và "máu lửa" nhất Việt Nam.
Độc giả có thể liên hệ với Saigon Roller Derby qua Facebook để biết thêm thông tin về bộ môn và cách tham gia.