Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Parks & Rec » Khi người trẻ yêu nghệ thuật bonsai

Khi người trẻ yêu nghệ thuật bonsai

Bonsai vốn là một thú chơi phổ biến với người ở lứa tuổi xế chiều, nhưng trong những năm trở lại đây, cộng đồng theo đuổi bộ môn này đang chứng kiến một xu hướng lạ chưa từng có tiền lệ: trẻ hóa nghệ nhân.

Mối duyên “bén rễ” từ thuở bé

Hồng Mai có một công việc đặc biệt: cô là người quản lý ngôi trường đào tạo nghệ thuật bonsai đầu tiên cũng như duy nhất tại Việt Nam. Có bố mẹ đều là nghệ nhân bonsai, Mai được tiếp cận với loại hình nghệ thuật này từ lúc mới chập chững biết đi.

Thế nhưng ở thời điểm đó, bonsai vẫn còn là một khái niệm xa lạ mà Mai chỉ thoáng nghe qua những cuộc trò chuyện rỉ rả của cha mẹ với bạn bè. Mãi đến năm 2019, “khi đã trưởng thành và nhận thức rõ tâm huyết của cha mẹ với ngành,” Mai mới mới bắt đầu tìm hiểu và phát triển truyền thống của gia đình.

Trong trí tưởng tượng của tôi, người chơi bonsai điển hình là một nam nhân đã bước vào độ tuổi lục tuần, hằng ngày uốn nắn từ rễ đến ngọn để tạo nên những thân cây với hình thù bay bổng và lạ mắt. Thế nên tôi đã có chút ngạc nhiên khi gặp Mai, một cô gái nhỏ nhắn với phong thái trẻ trung. Cô thừa nhận phần lớn những người theo đuổi bộ môn này ở Việt Nam đều là nam. Ngay tại Bonsai Thanh Tâm, ngôi trường dạy nghề do cô quản lý, số lượng học viên nam cũng áp đảo hẳn. Các học viên nữ thường tìm đến nghệ thuật cắm hoa, chăm mai nhiều hơn. Nhưng với Mai, “điều gì nam làm được thì nữ cũng làm được. Việc một người phụ nữ cầm cưa, kéo, bưng bê để tạo nên các tác phẩm bonsai thực ra không có gì lạ và khó khăn.”

Bằng hiểu biết và niềm đam mê, Mai đã kể cho tôi nghe nhiều điều thú vị xung quanh bonsai và xu hướng trẻ hóa trong cộng đồng yêu môn nghệ thuật này.

Môn nghệ thuật trẻ ở Việt Nam

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, bonsai có lịch sử lâu đời và xuất phát từ Trung Quốc. Tranh vẽ từ thời đại nhà Tần đã ghi lại hình ảnh các loại tiểu cảnh và thực vật thu nhỏ. Nhiều thế kỷ sau, nhờ sự giao thoa văn hóa cũng như trao đổi thương mại giữa hai vương quốc, thú trồng cây du nhập đến Nhật Bản và được tiếp nhận nồng nhiệt bởi khắp các tầng lớp, từ các thường dân và nhà sư cho đến các quý tộc và samurai. Bonsai trải qua thời kỳ hoàng kim khi được Thiên hoàng Minh Trị khen ngợi và quảng bá. Các kỹ thuật và phong cách được phát triển trong giai đoạn này đã góp phần định hình nghệ thuật bonsai hiện đại.

Theo tác giả Thái Văn Thiện trong cuốn Kỹ thuật bonsai, cách đây 15 thế kỷ, ở Trung Quốc người ta dùng từ bồn tài còn ở Nhật dùng từ bonsai để chỉ nghệ thuật cắt tỉa tạo dáng cây theo một phương pháp đặc biệt. Trong đó bon nghĩa là bồn và sai nghĩa là cây, khi ghép lại có thể hiểu là “nhánh cây được trồng trong chậu,” là ý nghĩa cũng như tiền đề cho bộ môn này.

Theo Mai, ở nước ta bonsai chỉ mới xuất hiện từ thập niên 70 nhưng đã có nhiều thay đổi về phương pháp cũng như triết lý trồng cây qua mỗi thời kỳ. Ban đầu, bộ môn vẫn chưa có sự tách biệt rõ ràng với trồng cây cảnh đơn thuần. Cách bố cục các khối của tàn cây và cách tạo hình các bộ phận như tán lá, thân và rễ bố còn khá thô sơ, khiến đường nét của cây trông chưa tự nhiên. Dần dần, người ta bắt đầu quan tâm hơn về tính nghệ thuật của thú chơi; đồng thời, các cộng đồng nghệ nhân bonsai được thành lập, góp phần tiêu chuẩn hóa các kỹ thuật chăm sóc và tạo dáng cây.

Cho đến những năm gần đây, khi cơ hội giao lưu mua bán, trao đổi kiến thức ngày càng nhiều, bonsai Việt Nam với ưu thế là xứ nhiệt đới nên có sự đa dạng về chủng loại, cũng dần phát triển và đa dạng hơn trong nghệ thuật tạo hình. Từ đó, nghệ thuật bonsai nước ta trở nên gần gũi hơn với phong cách quốc tế và được thế giới công nhận. Đây cũng là định hướng Bonsai Thanh Tâm hướng tới khi đào tạo nghệ nhân trẻ.

Thú chơi không chỉ của bậc cao niên

Bonsai vốn được cho là môn kén người chơi trẻ. Mai giải thích: “Để theo đuổi nghệ thuật này, người chơi thực sự rất cần tính kiên nhẫn. Một tác phẩm bonsai cần rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành, thậm chí có cây cần đến hơn cả chục năm mới ra dáng ưng ý.” Trong vườn nhà, có những cây bonsai mà tuổi đời còn lớn hơn cả tuổi của cô. 

Mai chia sẻ, trong những năm trở lại đây, các học viên theo học bộ môn bonsai tại trung tâm của gia đình đang ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20–30 đến đăng ký theo học, thậm chí có nhiều bạn chỉ mới 16–18. Cô cho rằng hiện nay diện tích mảng xanh tại các đô thị lớn ngày càng thu hẹp, tìm đến bonsai như là một cách để đến gần với thiên nhiên và giải tỏa áp lực trong cuộc sống đã không còn là sở thích riêng của bậc cao niên. "Không những giúp tâm thế của bản thân thư giãn, thoải mái, chơi bonsai còn kích thích sự kiên trì, sáng tạo của người nghệ nhân," cô cho biết.

Một học viên 25 tuổi theo khóa bonsai tại trường Thanh Tâm nói thêm về giá trị tinh thần của thú chơi: "Bonsai giúp mình rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận và khả năng nhìn xa trông rộng. Uốn nắn phần rễ, thân hay ngọn non ngày hôm nay nhưng trong đầu đã tính toán đến cả hình dạng lúc chúng trưởng thành. Để đảm bảo chúng phát triển đúng với ý muốn, mỗi ngày đều phải tìm đến kiểm tra và chăm sóc, như thể quan tâm, gần gũi với người bạn tâm giao đời mình."

Không chỉ vậy, các nghệ nhân nữ cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn với trình độ được đánh giá cao. Nguyên do có lẽ là vì bên cạnh giá trị nghệ thuật, tiềm năng kinh tế của bonsai cũng vô cùng hứa hẹn. Giá của một chậu bonsai khởi điểm từ vài trăm nghìn đến hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí là vài tỷ đồng tùy thuộc vào độ hài hòa và phức tạp của cây. “Bắt đầu càng sớm thì càng có thêm thời gian tạo nên nhiều tác phẩm đẹp,” Mai khẳng định.

Đến vườn thực tập tại trường Bonsai Thanh Tâm vào một buổi chiều cuối tuần, ta sẽ thấy một khung cảnh vừa bình yên vừa có phần náo nhiệt: có tốp học sinh vây kín quanh một chậu cây bàn luận về tư thế; nhóm bên kia lại yên lặng hơn, tập trung cao độ để thực hành các kỹ thuật trên tác phẩm của riêng mình; nhóm thì hì hụi đục đẽo tập làm tiểu cảnh... Người trẻ tuổi, người lớn tuổi, người Việt Nam, người ngoại quốc — tất cả tạo nên một không khí nhộn nhịp, khác hắn sự già cỗi mà người ta thường gán cho thú chơi này. Mang theo nhiều giá trị nghệ thuật, tinh thần và cả những tiềm năm kinh tế, bonsai hứa hẹn sẽ trở thành một thú vui và lựa chọn nghề nghiệp phổ biến hơn cho người Việt trẻ trong tương lai. 

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Parks & Rec

Cưỡi ngựa ở Sài Gòn: Học cách trân trọng người bạn đường trung thành của con người

Cảm giác được trực tiếp cưỡi một vật thể sống to lớn và nhanh nhẹn khiến chính tôi ngỡ “đây là phim sao?”

in Parks & Rec

Múa cột — Thử thách giới hạn của nghệ thuật và định kiến về giới

Những ngọn neon xanh đỏ bám lên cơ thể người vũ công đang xoay quanh chiếc cột trong tiếng nhạc xập xình và tiếng thở đầy mời gọi. Vô hình trung, trong tâm trí của nhiều người, bộ môn múa cột đã trở t...

in Parks & Rec

Một ngày làm 'racing boy' trên trường đua go-kart: 'Chân trái phanh, chân phải ga, đừng đạp cả hai cùng lúc'

Vài giây trước khi nổ máy, tôi nhận ra mông mình chỉ cách mặt đường vài cen-ti-mét nhựa và kim loại.

in Parks & Rec

Theo chân cung thủ Sài Gòn khám phá sức hút của bộ môn bắn cung

Ánh nhìn sắc lẹm, chiếc cung tên bóng loáng, bãi tập ngoài trời đầy nắng với các tấm bia màu sắc, v.v. Ngần ấy chi tiết thôi cũng đã đủ khiến một tấm hình nhận “cơn mưa” yêu thích trên mạng xã hội. Đâ...