Trong lĩnh vực hài kịch tại Việt Nam, tỷ lệ các nữ nghệ sĩ vẫn thấp hơn nam mặc dù các "bóng hồng" này đều gặt hái được nhiều thành công và để lại được những ấn tượng riêng biệt trong lòng khán giả. Với hài độc thoại, một loại hình khá mới mẻ trong nước, số lượng các gương mặt nữ lại càng hiếm hoi hơn nữa.
Vào thời điểm đợt bùng phát dịch COVID-19 mới diễn ra gần đây, tôi đã liên lạc với Kim Thanh, Yến Nhi và Minh Tú là các nữ diễn viên hài độc thoại hoạt động ở Hà Nội và Sài Gòn. Đây là lúc các chương trình diễn phải gác lại, các cô gái trẻ đang tập trung phát triển những nội dung mới, đợi ngày tái ngộ với khán giả. Với sự tò mò về một lĩnh vực nghệ thuật còn lạ lẫm và sự mến mộ dành cho các tài trẻ, tôi đã có cuộc trò chuyện với ba nữ diễn viên để tìm hiểu về động lực, thử thách và cơ hội mà họ nhìn thấy trên con đường nghệ thuật.
Cơ duyên đến với hài độc thoại
Dù có vẻ khó tin, nhưng tình hình dịch bệnh trong năm vừa qua đã vô tình tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ có thời gian xác định những hướng đi mới trong sự nghiệp, và trở thành diễn viên hài độc thoại là một trong số đó.
Cô nàng Võ Yến Nhi, còn được biết đến với nghệ danh Nhi Võ, đến với lĩnh vực này vì thấy mình làm rất tốt việc nghĩ và nói ra những điều hài hước. Tháng 9 năm ngoái, Nhi vô tình phát hiện ra nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu và bắt đầu diễn trên các sân khấu mở open mic — loại hình sân khấu mà ở đó người diễn hay khán giả đều có thể tham gia và cũng là cơ hội tốt giúp người diễn luyện tập hoặc thử nghiệm nội dung. Không lâu sau, cô nàng được phong tặng danh xưng “Nữ hoàng open mic” vì giữ kỷ lục số lần diễn nhiều nhất.
Cũng bén duyên với hài độc thoại trong mùa COVID, Kim Thanh đến từ nhóm Haha Hà Nội ban đầu chỉ tập trung diễn trong mảng hài ứng tác. Vào mùa dịch năm ngoái, người sáng lập của nhóm đã đề xuất cùng luyện tập hài độc thoại, và rồi cả nhóm đã thử sức với cuộc thi Vietnam Comedy Competition.
Vũ Minh Tú đã tham gia được gần bốn năm, cô diễn chủ yếu bằng tiếng Anh cho đối tượng người nước ngoài. Minh Tú chia sẻ hài độc thoại chính là biện pháp để cô chữa lành tâm lý. Cô từng gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, khiến khả năng ngôn ngữ bị suy giảm nhiều, làm ảnh hưởng đến công việc và khiến cô mất kết nối với bạn bè. Rồi cô tìm đến với hài độc thoại vì đây là một hình thức kể chuyện, tạo cơ hội trải lòng mình với khán giả, khiến cả người diễn lẫn người xem vui vẻ hơn.
"Việc đứng trên sân khấu cũng như chơi một trò chơi cảm giác mạnh vậy, nó tạo cảm giác sợ hãi, thích thú, nhưng cũng gây nghiện, và sau thời gian tập trung thật nhiều năng lượng vào diễn xuất, mình cũng đã tìm được hướng giải quyết cho vấn đề của bản thân," Minh Tú nói về cảm xúc đứng trên sân khấu.
"Là con gái mà sao..."
Ngay cả tại các quốc gia phát triển hài độc thoại sớm nhất như Mỹ, Anh, Ireland, các số liệu thống kê vẫn cho thấy nam giới hoạt động trong ngành này chiếm đa số, và số lượng show của diễn viên nam cũng cao hơn đáng kể so với nữ. Tại Việt Nam, nơi mà loại hình này còn mới mẻ, sự chênh lệch trong tỷ lệ giới lại càng rõ rệt hơn, dẫn đến sự quen thuộc và thoải mái của khán giả khi xem nam giới diễn hài độc thoại. Điều này ít nhiều gây khó khăn cho các diễn viên nữ.
“Là một người nữ diễn hài độc thoại, trở ngại đầu tiên chắc là tốn thời gian trang điểm hơn các đồng nghiệp nam,” Nhi Võ hài hước chia sẻ. Nhưng nghiêm túc mà nói, cô công nhận có tồn tại những định kiến với nữ giới, trước hết là trong việc bày tỏ quan điểm riêng.
Từ nhỏ ngay trong gia đình, các bé gái đã quen thuộc với những lời dạy dỗ "con gái thì không được nói thế này thế nọ," cần phải dịu dàng, giữ ý, không thể hiện bản thân quá nhiều trước đám đông. Việc này tiếp diễn cho đến tuổi trưởng thành.
Kim Thanh cho biết một số đồng nghiệp nam của cô cho rằng nữ làm hài độc thoại thì khó có người yêu, vì họ để ý quá nhiều đến các chi tiết đời thường và không ngại bày tỏ thái độ về nó, hơn nữa nhiều bạn nam cũng không thoải mái khi có cô bạn gái hài hước hơn mình.
Minh Tú thậm chí từng bị quấy rối, đụng chạm, nhưng khi báo cáo lại thì các đồng nghiệp và chủ quán lại không tin tưởng.“Để chứng minh trải nghiệm của mình như một nữ giới trong môi trường nam giới là rất khó, vì có quá ít nghệ sĩ nữ trong ngành này, nên sự thật của mình chỉ là thứ yếu,” cô chia sẻ.
Khi một cô gái bước lên sân khấu hài độc thoại, định kiến đó được thể hiện qua những bình luận của khán giả như "con gái diễn thì không bao giờ hay bằng con trai," "con gái sao dám nói tục như vậy." Đa số khán giả luôn kỳ vọng ở các nữ diễn viên sự duyên dáng, nhẹ nhàng, chứ không thoải mái khi nghe họ nói những chủ đề nhạy cảm.
Sự thật này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sáng tạo của các diễn viên, khiến họ phải đấu tranh tư tưởng khi chắp bút viết nên kịch bản mới, đặc biệt là với chủ đề nhạy cảm như bài diễn về chuyện... đi vệ sinh mà Nhi Võ vừa ra mắt.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các trở ngại về giới tính lại có thể trở thành chất liệu độc quyền cho bài diễn của phái nữ. Minh Tú thừa nhận từng liên tục diễn về định kiến giới, nhưng sau một thời gian, cô tự thấy đã đến lúc tìm giải pháp cho vấn đề, chứ không nên quanh quẩn ở việc phản ánh nó đơn thuần. Đó là tiến trình của riêng cô như một diễn viên hài độc thoại. Việc biết chia tay nội dung cũ kỹ và tiến đến suy nghĩ mới, theo cô, chính là trưởng thành trong cách diễn.
Cô cũng có tiêu chuẩn riêng khi đánh giá mức độ thành công của một tác phẩm hài độc thoại. Vì bản thân đến với hài độc thoại như một liệu pháp tâm lý, nên một tiết mục dù không gây cười cho tất cả khán giả, nhưng nếu nó giúp cho người diễn cảm thấy tích cực hơn, vui vẻ hơn, thì mục đích quan trọng nhất đã được hoàn thiện rồi.
Một bối cảnh rất mới
Có thể nói, tiềm năng phát triển của hài độc thoại tại Việt Nam mới chớm nở, đặc biệt là trong giai đoạn giải trí trực tuyến được ưa chuộng, mức độ phủ sóng các sản phẩm hài độc thoại trên nhiều nền tảng số tăng lên mạnh mẽ.
Minh Tú cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận kiến thức từ quá nhiều nguồn đa dạng. Điều này vừa tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ học hỏi, nghiên cứu sâu thêm, nhưng đồng thời không nên chỉ hạn chế ở những chủ đề hời hợt, vay mượn ở nước ngoài mà cần đi sâu vào văn hóa nước mình, tìm ra được câu chuyện của bản thân và kể được câu chuyện ấy một cách duyên dáng nhất cho khán giả của mình.
Nữ giới trong ngành này tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng vẫn không thiếu cơ hội để các cô gái phát triển sự nghiệp, xây dựng thương hiệu bản thân. Trong tương lai xa hơn, Nhi Võ mong muốn được nhìn nhận như một diễn viên hài độc thoại chuyên nghiệp, và có thể thực hiện được một phần biểu diễn đặc biệt để đánh dấu cột mốc trong sự nghiệp.
Cô nàng Kim Thanh thì theo đuổi phong cách diễn có kết hợp âm nhạc, nên thời gian này cô đang viết thêm nhiều kịch bản và đoạn nhạc, hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt một set diễn 20 phút, vốn là một thời lượng khá dài hơi mà bản thân chưa có cơ hội thể nghiệm.
Trong khi đó, Minh Tú chủ yếu muốn dành thời gian này để thu thập vốn sống, ấp ủ nội dung mới mẻ, không nhất thiết phải là hài độc thoại mà chỉ cần mang lại tiếng cười cho mọi người.
Những chất liệu cuộc sống dù có gai góc, nhạy cảm hay tiêu cực, khi mang lên sân khấu hài độc thoại, cần có niềm tin và sự cam kết của chính diễn viên, chỉ có như vậy khán giả mới có thể được kết nối, cảm thấy thuyết phục mà bật cười.
Hiểu được điều đó, các cô gái trẻ này không ngừng phát triển bản thân, qua đó dần khẳng định chỗ đứng bình đẳng của mình trên loại hình sân khấu mới, từ đó, cùng góp phần giúp mảng hài độc thoại Việt Nam, hiện đang trong giai đoạn cất cánh, ngày càng nâng cấp cả về độ phổ biến lẫn chất lượng nội dung.