Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.
Chợ đêm Đà Nẵng bán nhiều món đồ lưu nhiệm giá rẻ như hầu hết các chợ trên cả nước: nào ốp lưng điện thoại, khô mực, ống vape, kính râm, bóp ví, bắp xào và áo phông. Khi Saigoneer viếng thăm Đà Nẵng vào mùa hè năm ngoái, chúng tôi không ngờ sẽ có cơ hội khám phá câu chuyện lịch sử đằng sau 270 loại tiền giấy khác nhau của đất nước.
Chúng tôi đã tình cờ gặp anh Trần Văn Nam, một chuyên gia về tiền Việt Nam, và được nghe anh kể về rất lịch sử đằng sau kho tàng giấy bạc trước mặt anh. Tuy nhiên vì lịch trình công việc, chúng tôi đã không thể nán lại lâu hơn. Phải mãi đến tháng vừa rồi, chúng tôi mới có dịp tái ngộ Nam và nghe anh chia sẻ nhiều hơn.
“Đời ý nghĩa hơn khi mình có đam mê,” Nam nói về quyết định sưu tầm tiền giấy của mình. Theo lời khuyên của một người giáo sư chung "hội" mê giấy bạc, Nam đã từ bỏ sự nghiệp học thuật để dồn sức theo đuổi công việc sưu tầm. Và thái độ ân cần, nụ cười thân thiện cùng sự nhiệt tình của Nam đã giúp anh thành công khi chuyển hướng sang con đường này.
AI cũng biết vào thời bao cấp, người dân được nhà nước phân phát cho tem phiếu để đi chợ, mua hàng hóa, từ đường, sữa cho đến xăng, dầu. Vậy làm thế nào để mua được một chiếc xe đạp lúc bấy giờ? Nam giải thích rằng không có tem phiếu cho cả một chiếc xe, thay vào đó là phiếu mua từng bộ phận riêng lẻ. Vì vậy, để mua được một chiếc xe hoàn chỉnh, người dân phải chạy ngược chạy xuôi để thu thập đủ phiếu cho tất cả mọi bộ phận. Số tem phiếu đó là vật phẩm quý giá trong bộ sưu tập khổng lò mà anh Nam cất giữ tại nhà. Những món hàng khác mà anh mang đến chợ hàng ngày chỉ được liệt vào hạng mục “xoàng xoàng” mà thôi.
Cách đây không lâu, Nam có một con đường tương lai rộng mở với mục tiêu trở thành giảng viên đại học. Chàng trai 30 tuổi, quê ở Hà Nam, nhận được học bổng chương trình cử nhân tại Indonesia vào năm 2011, tiếp đó là học bổng chương trình thạc sĩ tại Nhật Bản chuyên ngành nghiên cứu môi trường. Thay vì đi theo quỹ đạo truyền thống để xây dựng sự nghiệp ổn định theo định hướng học thuật, Nam quyết định đi theo tiếng gọi của những đồng tiền.
Năm 2017, khi còn là sinh viên cao học, Nam bắt đầu ra Huế buôn bán tiền giấy cho du khách vào thời gian nhàn rỗi. Anh nhận ra mình có thể kiếm sống bằng nghề này. Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Nhật, Nam từ chối lời đề nghị làm giảng viên tại đại học Nông Lâm Thái Nguyên, lấy lý do là mức thu nhập tại trường thấp hơn so với những gì anh có thể kiếm được bằng nghề buôn tiền. Sau khi cân nhắc nhiều thành phố phát triển mạnh về du lịch như Phú Quốc, Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Nam chọn Đà Nẵng làm nơi dừng chân vì ở đây có lượng du khách ổn định và lối sống bình lặng, là môi trường phù hợp để anh cùng vợ nuôi dạy hai con trai.
Nam sở hữu nhiều tờ tiền trị giá hàng trăm triệu đồng, trong đó có tờ 1000 đồng chưa bao giờ được lưu thông. Được phát hành bởi chính phủ Việt Nam Cộng hòa, tờ tiền có thiết kế vẽ cụ già ở cả hai mặt. Tuy nhiên, giá trị của những những vật phẩm không phải lúc nào cũng có thể cân đo đong đếm. Một số tờ tiền có ý nghĩa quan trọng hơn với anh vì gợi nhớ nhiều câu chuyện hay một mối quan hệ nào đó. Một chiến hữu trong ngành đã bán cho Nam tấm phiếu mua gạo được chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành vào những năm 1950; không quên dặn rằng sẽ tuyệt giao với Nam nếu anh dám bán nó cho người khác.
Tôi luôn thắc mắc vì sao người Việt lại chuyền tay nhau những tờ 2 đô vào dịp Tết và để nó trong ví để “lấy hên”? Bởi vì ở Mỹ, tờ tiền với mệnh giá này hiếm đến mức nhân viên bán hàng sẽ nghĩ rằng tôi đang dùng tiền giả để thanh toán. Ở Việt Nam, số lần bắt gặp tờ 2 đô ấy nhiều hơn tổng số lần tôi nhìn thấy nó trong hơn 20 năm lớn lên tại Mỹ. Tuy người Việt trao tay nhan nhản tờ 2 đô mỗi dịp xuân về, không ai có thể lý giải được vì sao tờ 2 đô lại được yêu thích đến vậy. Tất cả đều chỉ trả lời một cách qua loa: “tại nó hên.” Nhưng Nam có câu trả lời:
Không chỉ đơn giản vì số 2 là số may mắn, tờ 2 đô có một câu chuyện lịch sử đằng sau. Vào năm 1976, năm đánh dấu biến chuyển quan trọng trong mối quan hệ Việt - Mỹ, tờ 2 đô đã được tái phát hành để kỷ niệm 200 năm thành lập nước Mỹ. Bên cạnh đó, còn một câu chuyện được lưu truyền nhưng chưa thể xác định thực hư. Chuyện kể rằng trong một vụ tai nạn máy bay thảm khốc, chỉ có duy nhất một hành khách là sống sót. Họ cho rằng mình may mắn thoát chết là do trong người có mang theo một tờ 2 đô.
“Mỗi đất nước trên thế giới, khi phát hành tiền, họ sẽ lựa chọn những hình ảnh phổ biến, nổi tiếng hoặc ý nghĩa nhất của nước mình để đưa vào. Nhìn qua đó, ta có thể hiểu thêm nhiều điều về đất nước, về văn hóa - lịch sử, về nền kinh tế của họ.” Đó là câu trả lời của Nam khi được hỏi vì sao anh quyết định dành trọn đời mình cho những tờ giấy bạc mà người người nhà nhà chạm tay vào mỗi ngày, nhưng lại hiếm có ai lưu tâm đến những tác phẩm nghệ thuật hoặc bản sắc văn hóa của đất nước ẩn chứa trong đó.
Hãy thử nhìn vào mặt sau của các tờ tiền trong ví bạn. Hình ảnh nhà máy, bến cảng cho thấy những nỗ lực về mặt kinh tế vào thời điểm chúng được phát hành; trong khi đó, Vịnh Hạ Long đại diện cho những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ của đất nước và Văn Miếu - Quốc Tử Giám gợi nhớ về nền văn hiến lâu đời, về truyền thống giáo dục và văn học của dân tộc.
Trong khi nhiều quốc gia cứ vài năm lại tái phát hành tiền giấy, phần lớn tiền Việt được thiết kế và phát hành từ hơn hai mươi năm về trước. Nam cho rằng Việt Nam cũng nên thường xuyên thiết kế lại tiền giấy để quảng bá thêm về đất nước. Anh mong ước được nhìn thấy hình ảnh của cây lúa, hạt cà phê, hoa quả, trái cây trên mặt tiền, vì anh tin Việt Nam là một quốc gia với lịch sử nông nghiệp lâu đời, và chúng ta cần phản ánh việc nông nghiệp đã góp phần định hình văn hóa Việt Nam hiện đại như thế nào. Nhưng tất nhiên, không thể thiếu chân dung bác Hồ ở mặt trước — Nam nói.
Việc tân trang lại tiền giấy cũng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh cho Nam bởi lẽ, khi tờ tiền nào đó không còn được phát hành nữa và trở nên khan hiếm, nó sẽ lập tức lọt vào mắt xanh của các nhà sưu tầm người nước ngoài. Nam nói rằng các nhà sưu tầm ngoại quốc thích tiền giấy Việt Nam, đặc biệt là những loại được phát hành vào thời thuộc địa bởi tiền của đế quốc thường được săn lùng rất dữ. Thế còn tiền xu thì sao? Nam đáp lời: “Người Việt Nam không chuộng tiền xu.” Anh cho rằng tiền xu là một phương thức lưu hành tiền tệ quá đắt đỏ và kém hiệu quả. Bằng chứng là Ngân hàng Nhà nước đã dừng in đúc, phát hành tiền xu. Các đồng tiền không còn giá trị lưu hành tại Việt Nam từ năm 2011.
Nam có một phẩm chất thú vị, đó là anh có thể phân biệt được giữa giá trị nghệ thuật của một tờ giấy bạc, và giá trị thực dụng của nó trong đời sống và nghề nghiệp của anh. Anh phấn khởi khi thấy mọi người có thể thanh toán tiện lợi bằng các loại ví điện tử, nhưng cũng giữ quan điểm rằng chưa đến thời điểm để loại bỏ hoàn toàn tiền giấy. Và khi thời điểm đó đến, bộ sưu tập của Nam sẽ tăng giá trị gấp bội.
Tốc độ tăng trưởng chóng mắt của ngành thương mại điện tử không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của Nam, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những thách thức khác. Việt Nam có những quy định rất nghiêm ngặt về việc vận chuyển, trao đổi tiền tệ. Còn giấy bạc, theo luật, không được phép phân loại là vật phẩm sưu tầm. Do đó, việc nhập khẩu, trao đổi ngoại tệ không thông qua ngân hàng hay tổ chức tài chính được xem là hành vi bất hợp pháp. Việc vận chuyển tiền qua hệ thống bưu điện — một phương thức giao dịch phổ biến trong giới — cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hơn nữa, tuy Nam có kiến thức vô cùng sâu rộng, nhưng anh cũng không thể biết hết mọi ngóc ngách trong nghề. Nam thừa nhận rằng chính anh cũng đã mắc phải cái bẫy của những kẻ lừa đảo. Nhưng anh chỉ xem đó là một bài học nhớ đời để làm nghề tốt hơn. Anh còn chủ động mua những tờ tiền giả tinh vi sản xuất ở Trung Quốc để học cách phân biệt từ chất lượng giấy và in ấn.
Thời tiết ẩm ướt ở Việt Nam dễ khiến tiền giấy bị hư hại, nên Nam phải sử dụng các thiết bị lưu trữ có khả năng kiểm soát môi trường trong nhà, kết hợp cùng các phương pháp bảo quản khác. Nhưng không may, nhiều cá nhân sở hữu nguồn tiền cổ lớn — những “đầu mối” cho Nam và các anh em trong nghề — lại không biết đến các thiết bị này. Nam cũng cho hay, nhiều người ở Việt Nam nắm giữ một khối lượng lớn tiền giấy đã ngừng phát hành, nhưng khi đến thời kỳ chuyển giao, chỉ được phéo trao đổi một lượng nhỏ trong tổng số tiền mà họ từng có.
Việc mua lại những tờ bạc từ những người đã gìn giữ chúng hàng thập kỷ, từ các anh em sưu tầm đòi hỏi nhiều hơn là tiền. Nhiều người sưu tầm chỉ bán cho người quen để đảm bảo rằng tờ tiền được trân trọng và chăm sóc đúng cách. Trong lúc trò chuyện, Nam thường nhắc đến những người có cùng sở thích và và cho biết họ đều có xuất thân và hoàn cảnh khác nhau. Từ các doanh nhân, bác sĩ giàu có đến những người bán hàng rong, lái xe ôm, ai cũng có thể nhập cuộc vì tiền cổ có vô số kiểu dáng, giá thành, phù hợp cho mọi đối tượng. Nhưng trong tất cả những người “mê tiền” đó, rất ít ai có thể như Nam — dựng nên cả một sự nghiệp và di dời cả gia đình theo vòng xoay của những tờ tiền cổ.
Phần lớn thu nhập của Nam đến từ việc buôn bán những tờ bạc phổ biến với du khách trong và ngoài nước, cùng với những tấm bản đồ làm bằng tiền rách và các mô hình trang trí làm từ đạn cũ. Nam bán những vật phẩm đó, cùng với tem thư, tiền xu và nhiều công cụ sưu tầm khác trên website của mình. Từ thu nhập kiếm được, Nam theo đuổi sở thích của mình, giúp đỡ vợ và nuôi nấng hai cậu con trai. Nam hy vọng một trong hai đứa sẽ tiếp tục đam mê của anh và tiếp quản công việc kinh doanh vào một ngày nào đó. Nam cũng đã xuất bản một cuốn sách để giới thiệu về các loại tiền của hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được tìm thấy trong bộ sưu tập cá nhân của mình.
Biết đến sự tồn tại của đồng bạc Đông Dương qua văn học Việt Nam và khi nghiên cứu cho một bài viết của Saigoneer, tôi luôn mong rằng một ngày nào đó sẽ có cơ duyên sở hữu cho mình một tờ. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tìm ra nó ở một nơi chỉ cách Cầu Rồng vài trăm mét. Bỏ ra đồng tiền có giá trị thực để đổi lấy một đồng tiền không còn hợp pháp — tức vô giá trị theo đúng nghĩa đen — có lẽ một hành động lạ kỳ, làm ta phải suy ngẫm về những cấu trúc xã hội đã hình thành nên ý tưởng về tiền tệ.
Tuy vây, không thể xem đồng Đông Dương tôi mua từ Nam là vô giá trị. Suy cho cùng, nó vẫn có khả năng gợi lên trong tôi phân cảnh bán chó đau lòng trong Tắt đèn, về sự bóc lột kinh hoàng mà người dân Việt Nam từng gánh chịu chỉ để kiếm thêm vài đồng từ các đồn điền Pháp. Và hơn nữa, mỗi khi nhìn vào đồng Đông Dương ấy, tôi sẽ mãi nhớ về Nam và sự nhiệt thành của anh với những đồng tiền cổ. Với tôi, như thế là đã đáng giá lắm rồi.