Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

Từ những ấn phẩm đầu tiên, báo chí Pháp thuộc đã đăng nhiều mẩu tin kêu gọi người Pháp ở An Nam rèn luyện thể lực đều đặn. Đến những năm 1870, vì thành phố thiếu hụt các cơ sở thể thao, góc phía bắc của Jardin de la ville (Công viên Thành phố, nay là Công viên Tao Đàn) đã trở thành sân chơi thể thao sôi nổi của thành phố. Tại đây diễn ra các trận điền kinh, đua ngựa, bắn súng cũng như rất nhiều bộ môn khác. Đến những năm 1880, Cercle cycliste Cochinchinois (Hội Đạp xe Nam Kỳ) đã cho thành lập một trường đua xe đạp tại đây, nhưng đến cuối thế kỷ 19, trường đua đã không còn được sử dụng.

Bản đồ năm 1890 cho thấy vị trí của trường đua xe đạp ở góc đông bắc Jardin de la ville.

Trung tâm thể thao cho giới thượng lưu thuộc địa

Thế rồi vào ngày 10/5/1902, một nhóm vận động viên đấu kiếm nghiệp dư đã thành lập Cercle Sportif Saïgonnais (Trung tâm Thể thao Sài Gòn) để tạo không gian "khuyến khích và phát triển đam mê và thực hành thể thao." Tuy nhiên, địa điểm đầu tiên của trung tâm này không phải là ở Jardin de la ville, mà là ở một biệt thự khiêm tốn tại góc phố Catinat và phố La Grandière, ngày nay là chung cư số 26 Lý Tự Trọng.

Trong một bài báo năm 1904, Cercle Sportif được miêu tả là "một cơ sở dạy kiếm đạo, bắn súng, cưỡi ngựa và một số môn thể thao khác." Các cư dân thành phố muốn tập luyện tại trung tâm phải đăng ký làm hội viên. Cơ sở vật chất khiêm tốn ở đây bao gồm một phòng đấu kiếm đạo, một trường bắn súng và một phòng tập thể hình. Vì chiêu mộ các giảng viên từ trường Collège Chasseloup-Laubat gần đó làm huấn luyện viên, trung tâm được được xếp loại là cơ sở giáo dục và được hưởng một khoản trợ cấp 500 piastres hàng năm từ Hội đồng Thuộc địa.

Vào năm 1905, vì "không gian ban đầu không còn đáp ứng được nhu cầu," Cercle Sportif được dời đến Jardin de la ville. Trung tâm được chính quyền thành phố giao phó trách nhiệm quản lý các hoạt động thể thao diễn ra tại đây. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại địa điểm mới còn xuống cấp hơn, “vỏn vẹn một căn nhà 30 mét vuông và một đường đua xe đạp bị bỏ hoang.” Trung tâm phải chật vật với tình hình tài chính ảm đạm, số lượng hội viên giảm xuống không đến 40 người.

May mắn thay, vào năm 1906, chính quyền thành phố đã tài trợ kinh phí xây dựng một đường chạy điền kinh trên khu vực của sân đua xe đạp cũ. Về sau, hai sân tennis, một sân bóng đá, cùng hai sân trượt patin được xây dựng thêm và cho hội viên trung tâm thuê theo giờ. Đến năm 1910, trung tâm mở rộng hoạt động đến khu vực Arroyo de l’Avalanche (nay là Sông Thị Nghè) và khai trương một lớp học chèo thuyền tại đây. Trong những năm tiếp theo, số lượng thành viên của Cercle tăng nhanh chóng, mang lại nguồn tài chính để trung tâm mở rộng cơ sở vào năm 1909, 1913 và 1920.

Đa phần các cấu trúc hiện tại của trung tâm được xây dựng từ một lần đại trùng tu vào năm 1925. Cercle Sportif Saïgonnais đã được xây dựng lại tại số 55 đường Chasseloup-Laubat và khánh thành vào ngày 5/12/1925 trong “một buổi tiệc lộng lẫy, có sự tham dự của Thống đốc Đông Dương và những nhân vận quan trọng khác trong bộ máy thuộc địa.”

Tòa nhà Cercle Sportif trước khi được xây dựng lại vào năm 1925.

Tòa nhà Cercle Sportif sau khi được xây dựng lại vào năm 1925.

Theo một thông cáo báo chí được phát hành vào ngày 31/1/1926 bởi tờ Agence économique de l'Indochine, các hạng mục được nâng cấp của Cercle bao gồm “10 sân tennis, một sân bóng đá với khán đài cho khán giả (không phổ biến ở Pháp lúc bấy giờ) và nhiều gian phòng khang trang, được trang bị sân đấu kiếm, bàn bida, trò tiêu chơi tiêu khiển, sách, sảnh khiêu vũ và phòng thay đồ.” Tờ báo kết luận: “Sài Gòn giờ đã có câu lạc bộ thể thao xứng tầm với vóc dáng của thuộc địa, có thể sánh vai với các câu lạc bộ ở Thượng Hải, Hồng Kông hoặc Singapore.”

Sân tennis của trung tâm vào năm 1948. Ảnh: Jack Birns.

Hội viên thư giãn quanh hồ bơi vào năm 1948. Ảnh: Jack Birns.

Với tham vọng biến trung tâm thành một “điểm hội tụ cho tầng lớp thượng lưu của xã hội Sài Gòn,” hội đồng quản trị của Cercle Sportif đã chủ đích tuyển chọn các thành viên là “những người nổi tiếng, chính trị gia, học giả và chủ doanh nghiệp lên tiếng ủng hộ hoạt động của Cercle."

Tuy nhiên, cột mốc thực sự nâng tầm Cercle Sportif thành chốn nghỉ dưỡng của giới giàu có chính là việc khánh thành hồ bơi ngoài trời vào tháng 9/1933.

Hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Hồ bơi của Cercle Sportif sau khi được khánh thành vào tháng 3/1933.

Theo ấn bản năm 1934 của tạp chí Le Génie civil: revue générale des industries françaises et étrangères (Công nghệ dân dụng: báo cáo tổng quan về công nghiệp Pháp và nước ngoài), ý định xây dựng hồ bơi ngoài trời đã được lên kế hoạch cho đợt đại trùng tu vào năm 1926, nhưng vào thời điểm đó, “việc hiện thực hóa kế hoạch này là bất khả thi do thiếu nước sạch.” Khi đã khánh thành, danh tiếng của hồ bơi này lan rộng đến mức vào năm 1934, công tu lịch Vergoz đã đưa nó vào danh sách địa điểm phải viếng thăm của các hành khách cập cảng trên du thuyền Compiègne.

Tờ Le Génie đưa tin về Cercle Sportif.

Để phục vụ những đối tượng không quá hứng thú với thể thao nhưng vẫn muốn giao thiệp với mọi người, Cercle Sportif trang bị phòng đọc với các đầu báo và tạp chí mới nhất từ Pháp, cùng với hơn 5.000 cuốn sách và tập san khoa học. Cercle cũng cho phát hành bản tin mang tên Revue du Cercle, được phân phối rộng rãi trên khắp thành phố để quảng bá các hoạt động của trung tâm.

Bên cạnh những buổi tiệc xa hoa được tổ chức để chào đón các đội tuyển thể thao nước ngoài, Cercle Sportif còn gây tiếng vang nhờ Vũ hội Mùa xuân hàng năm, một trong những sự kiện nổi bật nhất với giới thượng lưu Sài Gòn bấy giờ. Vé tham gia vũ hội được săn đón đến mức báo Le Nouvelliste d'Indochine đã nhận xét mỉa mai vào năm 1938 rằng buổi khiêu vũ, được tổ chức tại địa điểm thay thế là Khách sạn Continental năm đó, đã trở thành “một buổi trình diễn màu mè chứ chẳng phải nơi tụ hội tinh hoa như trước đây nữa.”

Vũ hội Mùa xuân từng là tâm điểm của giới thượng lưu Sài Gòn vào thập niên 1930.

Sau khi người Pháp rời Việt Nam vào năm 1954, Cercle Sportif tiếp tục vận hành như một câu lạc bộ thể thao cao cấp, nơi các cư dân Việt Nam và ngoại quốc thượng lưu tụ tập để ăn uống, bơi lội hoặc chơi tennis. Các khách mời nổi tiếng trong những năm 1960 có Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge và các thành viên của chính phủ VNCH như Nguyễn Cao Kỳ và Dương Văn Minh.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Cercle Sportif được chuyển giao cho Ban Chấp hành Liên đoàn Công đoàn Hồ Chí Minh. Năm 1985, công trình được đổi tên thành Nhà Văn hóa Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, và vào năm 1998, được đổi tên lần nữa thành Cung Văn hoá Lao động Thành phố Hồ Chí Minh như ngày nay.

Hồ bơi là lựa chọn của mọi người vào những ngày hè oi bức của năm 1969.

Hồ bơi vào năm 1950.

Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014), Exploring Saigon-Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019), Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020) và The Railways and Tramways of Việt Nam (White Lotus Press, 2012). Để tìm hiểu thêm các thông tin về lịch sử Sài Gòn, độc giả có thể ghé thăm website của ông historicvietnam.com.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Đời Sống

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. C...

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Người yêu tiền cổ từ bỏ sự nghiệp học thuật để gắn đời mình với chợ đêm Đà Nẵng

Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.

in Di Sản

Ngược dòng lịch sử trăm năm Collège d'Adran — Ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn

Khi đi ngang qua Thảo Cầm Viên về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, không nhiều người sẽ để ý đến sự hiện diện của THCS Võ Trường Toản và THPT Trưng Vương. Có lẽ càng ít người biết rằng, cả hai công trình ...