Trong bộ sưu tập ảnh trắng đen được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia người Đức Horst Faas, phố xá Hà Nội hiện lên đầy tấp nập và giàu sức sống. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau khung hình tràn đầy tiếng cười con trẻ và tiếng tàu điện leng keng ấy là tàn tích của những năm tháng chiến tranh không thể nào quên.
Horst Faas (1933–2012) là một trong những cái tên lừng lẫy trong lĩnh vực nhiếp ảnh phóng sự. Thành tựu sự nghiệp của ông gắn liền với những tác phẩm thực hiện về Chiến tranh Việt Nam. Năm 1962, ông trở thành nhiếp ảnh gia chính của tờ Associated Press (AP) ở khu vực Đông Nam Á, và sinh sống tại Sài Gòn cho đến năm 1974. Ông giành giải thưởng báo chí Pulitzer đầu tiên của mình vào năm 1965, khi đang công tác ở Việt Nam.
Loạt ảnh sau đây được Horst thực hiện trong vài chuyến đi đến Hà Nội vào năm 1973, chỉ vài tháng sau khi Chiến dịch Linebacker II, hay được biết đến với cái tên Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, tàn phá một khu vực lớn của thủ đô. Một xác máy bay B-52 từ cuộc không kích vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 ở Hà Nội.
Nếu chỉ nhìn thoáng qua, thật khó có thể tưởng tượng một biến cố tàn khốc vừa xảy ra ngay tại mảnh đất này. Những cô cậu học sinh vẫn hỗn nhiên cười đùa sau giờ tan học, các cụ bà răng nhuộm đen ngồi kể chuyện cho nhau trên xích lô, và phiên chợ vẫn đông đúc như xưa, một minh chứng cho sức bật phi thường của thế hệ người Việt lúc bấy giờ. Lấp ló trong vài bức ảnh là những bức tường đổ nát tại những địa điểm bị bom, như Khâm Thiên và Bệnh viện Bạch Mai, đang được người dân Hà Nội kiên cường tái xây dựng từng bước từng bước một.
Hãy cùng chúng tôi khám phá một Hà Nội hậu chiến qua những hình ảnh sau đây:
[Ảnh bởi Horst Faas qua trang Flickr của người dùng manhhai]