Du hành bằng tàu lửa ở Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong 100 năm qua?
Ngày nay, chúng ta có đa dạng các phương tiện để phục vụ mọi nhu cầu di dịch; một chuyến đi xuôi về hai miền Nam–Bắc có thể được thực hiện bằng xe máy với những ai có máu “phượt,” máy bay cho những ai hạn hẹp về thời gian, hay xe đò cho người muốn tiết kiệm lộ phí. Tuy nhiên với nhiều hành khách, việc di chuyển bằng tàu lửa vẫn là hình thức lý tưởng nhất.
Trên những toa tàu, hành khách có thể dễ dàng ngắm nhìn khung cảnh kỳ vĩ của đất nước; có thể ngã lưng trên chiếc giường tầng hay đọc sách dưới ánh đèn trong những lộ trình xuyên đêm. Ga tàu mỗi nơi cũng là một địa điểm để khám phá — chẳng lạ gì chuyện người ta nhảy xuống Ga Tam Kỳ chỉ để mua một phần cơm gà cùng lon bia để lai rai.
Tất nhiên khi so với những loại phương tiện khác, tàu lửa có vẻ là một lựa chọn lép vế khi có thể mất đến nhiều ngày để hoàn thành một chuyến hành trình. Người ta thường chọn nó vì những lý do cá nhân khác, có thể là vì muốn “sống chậm một chút,” hay vì yêu thích nét đẹp hoài cổ của đường ray. Dẫu vậy, ở giai đoạn hoàng kim, tàu lửa từng là phương thức nhanh, rẻ và tiện lợi nhất để di chuyển giữa các tỉnh thành Việt Nam lúc bấy giờ.
Nếu có tò mò về dung mạo của tàu lửa ở thời kỳ này, hãy xem qua bộ ảnh chụp hệ thống đường sắt Bắc–Nam vào thập niên 20 của thế kỷ trước. Qua đó, chúng ta có thể bắt gặp một một Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) với kiến trúc thuộc địa kiểu Pháp nguyên bản trước khi bị máy bay B-52 Mỹ ném bom phá hủy nặng nề; hay khung cảnh lạ lẫm bên trong đoàn tàu, khi bàn ăn còn được làm từ gỗ phủ khăn ăn trắng tinh, còn hành khách thì mặc những trang phục trang trọng như complet và áo dài, mũ mấn.
[Nguồn ảnh: RedsVN]