Một ngày hè năm 2019, trong lúc chuẩn bị cho triển lãm hồi ức giới thiệu các bức hình chụp Việt Nam gần đây, tôi tình cờ bắt gặp kho tàng những 50 hộp phim Kodachrome dương bản trong hầm chứa nhà mình, tuổi đời từ năm 1995. Đây là những thước phim chứa đầy kỉ niệm lần đầu tiên tôi đến Việt Nam.
Ngày đó, tôi khá tò mò về Việt Nam vì đã trải qua tuổi trẻ ngay trong tháng ngày Chiến tranh Mỹ-Việt. Dù thuộc tuổi nhập ngũ, tôi đã may mắn được miễn trừ nghĩa vụ, nên rất háo hức muốn diện kiến Việt Nam lần đầu năm 1995. Chỉ mới một năm sau khi Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam và dỡ bỏ cấm vận, Việt Nam năm ấy vẫn hoàn toàn vắng bóng du khách ngoại quốc. Hầu hết hành khách đồng hành cùng tôi trên chuyến bay là Việt kiều, cũng là lần đầu về Việt Nam sau khi rời xa quê hương, nét căng thẳng hằn sâu trên gương mặt họ khi xếp hàng chờ qua khỏi cửa hải quan.
Ở khắp các tỉnh thành tôi đặt chân đến suốt ở Việt Nam, một khung cảnh quen thuộc lặp đi lặp lại như thước phim. Hàng tốp thanh niên tụ tập ngoài quán giải khát chăm chú theo dõi từng cử động trong phim hành động Mỹ. Thú vị thay, nhiều phim cũng mang đề tài chiến tranh máu lửa trong rừng rậm. Dù là phim tiền thân của thời kì số hóa, nhưng màu sắc, âm thanh phim cũng rất sống động. Mới vừa đi bộ đến đầu con phố, tôi đã nghe oang oang bên tai tiếng bộ binh Mỹ í ới trên phim, xen lẫn tiếng súng máy rền vang.
Trong chuyến đi tròm trèm một tháng, hầu hết thời gian tôi dành để ngồi Tàu Thống Nhất từ Sài Gòn đi Hà Nội. Đó đây trên hành trình, tôi dành vài ngày thăm thú Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, và đi xe sang Đà Lạt, Hội An. Ngồi trên xe nhìn ngắm cánh đồng lúa miền Trung trong ánh bình minh le lói, tôi cứ ngỡ như mình đang đi trong mộng.
Thoạt nhìn, cảm giác ban đầu của tôi về Hà Nội và Việt Nam chỉ quay quanh vẻ cổ kính của đường phố, sự đa sắc của cảnh quan, và tính cách trìu mến của người dân. Nhưng thú thật thì khi nhìn cận cảnh qua lăng kính, đôi lúc sự thật không mỹ miều như thế. Thủ đô lúc ấy vẫn đang oằn mình cố thoát khỏi khó khăn, đói nghèo thời hậu chiến. Góc ảnh này dạy tôi bài học rằng có nhiều thứ nhìn xa có vẻ ổn, nhưng có nhiều thứ khó đặt tên khi nhìn gần.
Suốt chuyến đi, tôi cũng trải qua nhiều giây phút mang tính bước ngoặt như thế, như bữa cơm trưa tôi dùng cùng một vị bác sĩ tâm thần ở Huế. Ông kể rằng, theo nhịp phát triển của đời sống hiện đại, ngày càng nhiều người Việt phải cần đến sự can thiệp của y khoa về tâm lý.
Tấm hình này tôi chụp được tại một trạm dừng chân trên đường từ Nha Trang đi Đà Lạt. Xe chúng tôi khá nhỏ nên tình trạng gập ghềnh của đường sá khiến hành trình “bão táp” hơn nhiều.
Đến Hà Nội, tôi gặp một góa phụ mất chồng trong Kháng chiến chống Mỹ. Bà mời tôi lên thăm nhà mình trong khu tập thể, và vừa kể với tôi về câu chuyện gia đình mình vừa khóc rấm rứt.
Năm 1995 là thời kì tiền thân của máy ảnh kỹ thuật số. Internet lúc ấy cũng chỉ là đứa trẻ chập chững lò dò từng bước bằng công nghệ modem dial-up. Ngày ấy, vừa chỉnh xong hết ảnh, tôi chọn ra 30 tấm để scan và đưa lên website cá nhân đầu tiên của mình, với cái tên Vietnam Journal (tạm dịch: Việt Nam Kí Sự). Trang web trình làng lần đầu vào mùa đông năm 1996, một trong những trang chuyên đề nhiếp ảnh đầu tiên của thế giới mạng, ra đời 2 năm trước khi Việt Nam bắt đầu được nối mạng, dẫu khá manh mún.
Suốt thời gian ở Huế, gần như bữa ăn nào tôi cũng tìm đến Quán ăn gia đình Luc Than (lời ban biên tập: không rõ tên đầy đủ dấu của nhà hàng là gì, bạn đọc có thông tin vui lòng cho Saigoneer biết thêm). Chủ quán, anh Lực, là một người khuyết tật câm-điếc; sau này, tôi có dịp được gặp lại anh vào mùa đông năm 2016.
Trong suốt 20 năm làm nghề, tôi cũng có dịp thực hiện nhiều bộ ảnh họa báo cho các tạp chí du lịch, nhiều tấm cũng được kí gửi cho các công ty ảnh minh họa (stock photo) châu u. Việt Nam ngày trước không nhận được nhiều nhu cầu thực hiện ảnh stock, nếu có thì chỉ là ảnh Lăng Bác hoặc hình rập khuôn phụ nữ Việt Nam chạy xe đạp đội nón lá. Năm 1995 cũng đánh dấu những rục rịch chuyển mình của ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Kỹ thuật số vẫn còn rất mới mẻ, máy ảnh DSLR 35mm nặng mấy kilogram và giá thành cao ngất hơn 20.000 đô-la Mỹ. Vài năm sau, với sự ra đời của ảnh trả phí một lần (royalty-free), thị trường ảnh stock cũng lụi tàn. Bối cảnh ấy cho phép tôi theo đuổi nhiếp ảnh một cách vô tư vô lo nhất, chỉ chụp và ghi lại những gì mình thật sự “cảm” được.
Không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi đã phải lòng Việt Nam ngay từ lần đầu gặp gỡ, nên đã đi đi về về suốt từ 2015 đến 2019, và thậm chí đã đứng lớp dạy nhiếp ảnh trong khóa học dưới khuôn khổ chương trình Fulbright năm 2015.
Ngày quay lại Nha Trang năm 2019, tôi tiếc canh cánh khi không tìm được chiếc cầu này vì quên mất ghi lại tên cầu.
Những bức ảnh như thế này tôi chụp cũng nhiều, nhưng đặc biệt khung hình này gây ấn tượng sâu đậm nhất vì không gian và thời gian chụp lúc ấy. Nhiều du khách đến Nha Trang thích quanh quẩn ở khu vực trung tâm, nhưng tôi lại bị cuốn hút bởi những quận huyện cũ kĩ, gai góc ở vùng ven. Giờ đây, 25 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in tư thế mình đã khụy xuống thế nào để chụp mấy cậu thanh niên Nha Trang, mà tôi đoán tuổi đời chắc chỉ bằng nửa mình, này. Nắng bắt đầu tắt, nên tôi hơi lo không biết có giữ máy đủ vững, với tốc độ film chậm thế, những 5 nấc ít hơn tốc độ chụp kỹ thuật số hiện giờ.
Hai cô bé ngồi chơi ngoài bến xe đò Đà Lạt với trang phục “đi chơi” nhiều màu sắc.
Cặp đôi thủ đô chuẩn bị đầy đủ chiếu, 2 cốc đen đá, thuốc lá để tâm sự bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đó là một ngày tháng 6 nắng chói chang, nhưng vạn vật bên ngoài như biến mất khỏi thế giới riêng của hai cô cậu. Ngay cả khi tôi đến khá gần để chụp hình, họ cũng dường như chẳng để ý. Bên góc trên bức ảnh, hai thanh niên khác đã nhận ra sự có mặt của tôi và cặp đôi thủ đô. Ba “phe” chúng tôi tạo nên tam giác chủ thể thú vị cho tấm ảnh.
Cô bán hàng ăn vỉa hè Hà Nội đang thoăn thoắt chuẩn bị tô bún cho khách, ngay trước bức tường loang lổ tranh cổ động.
Nhiều khía cạnh của tấm hình này gợi cho tôi kỉ niệm sâu sắc. Người phụ nữ đang quay mặt về ống kính chắc hẳn đã sống qua thời bom đạn trong kháng chiến. Xuyên suốt chuyến đi, tôi đã gặp và chụp được nhiều mảnh đời như thế, đồng cảm với họ, với những mất mát mà họ đã trải qua.
Người trẻ Hà Nội hăng say tập luyện thể thao bên bờ Hồ Hoàn Kiếm năm 1995, nhưng cũng không khác bao nhiêu so với khung cảnh năm 2019.
Ngày đầu tiên đặt chân đến Nha Trang, tôi đang hớp ngụm cà phê thì Linh, một cậu con lai Mỹ, đến bắt chuyện. Tiếng Anh của Linh khá hơn hẳn những cư dân thành phố khác, nên chúng tôi nói chuyện nhiều hơn đến chiều. Linh có mong ước rằng mình được đi Mỹ và nuôi hy vọng tôi có quen ai có thể giúp được.
Dân Hà Nội tập thể dục ở Hoàn Kiếm vào sáng sớm. Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết hoàn cảnh nào khiến anh bạn này trờ thành người khuyết tật — là do chiến tranh hay gì khác.
Cảnh thời bình nhưng cũng mang nhịp đập của thời chiến. Một toán cửu vạn chở than đi trên đường, với mỗi xe đạp thồ hơn 50kg than đá.
Vào năm 1995, xe đạp và xích lô chiếm hầu hết không gian trên đường, tạo nên không gian giao thông rất khác ở thủ đô.
Đây là ảnh chụp 50 cuộn phim dương bản Kodachrome đã rửa, tất cả được chụp vào tháng 6 năm 1995. Tôi tình cờ bắt gặp chúng vào hè 2019.
Bạn đọc có thể xem thêm các tác phẩm nhiếp ảnh của tác giả Geoffrey Hiller ở đây.
[Ảnh bìa: Ngày thứ hai ở Sài Gòn, tôi dạo quanh công viên ngay trung tâm và bắt gặp nhóm sinh viên đang tập thể dục. Các bạn ấy bắt chuyện, hỏi thăm tôi đến từ đâu, đi du lịch với ai, và thấy bất ngờ khi nghe tôi đang đi một mình, nên tôi rút vài tấm hình chụp vợ và hai con gái mình ở Mỹ để cho họ xem.]