Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Kho tàng lịch sử hào hùng qua lăng kính mới

Lúc bàn với ban biên tập Saigoneer về ý tưởng viết bài về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ở Hà Nội, tôi đã nghĩ chắc nó cũng sẽ chẳng có gì quá đặc biệt.

Dù là một sử gia, tôi chưa bao giờ thật sự hứng thú với chủ đề quân sự, và cơ sở cũ trên phố Điện Biên Phủ tôi cũng đã ghé thăm không biết bao nhiêu lần — liệu phiên bản mới này có gì hơn? Có điều gì đáng để kể mà bảo tàng cũ chưa từng đề cập? Tôi có thể tìm thấy thông tin gì ở đây mà chưa từng đọc hay nghe ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh trong Sài Gòn, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Hải quân Hải Phòng, hay vô số địa điểm trưng bày chiến công quân sự khác rải rác khắp cả nước? Vậy mà cuối cùng, tôi lại rút ra được không ít điều hay ho.

Khai trương vào đầu tháng 11 năm 2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng trên khuôn viên rộng 386.600㎡vuông với kinh phí khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 98,5 triệu USD). Bên trong những bức tường bê tông khổng lồ là 150.000 hiện vật, ghi lại dấu ấn của hàng nghìn năm chiến tranh trên mảnh đất Việt Nam. Việc thi công kéo dài gần 5 năm, bị gián đoạn nhiều lần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bảo tàng chính thức mở cửa không lâu trước dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, được thành lập vào ngày 22/12/1944.

Dù có xem qua bao nhiêu hình ảnh, cũng khó mà hình dung hết được vẻ đồ sộ của bảo tàng này nếu không tận mắt chứng kiến. Tòa nhà chính và tháp Chiến Thắng cao hơn nhiều so với những gì ống kính có thể ghi lại — không một bức ảnh nào lột tả hết sự rộng lớn của những sân trong và hành lang nối tiếp nhau. Công trình vươn lên sừng sững giữa vùng ngoại ô phía nam Hà Nội, hoàn toàn khác biệt so với cảnh quan xung quanh. “Hàng xóm” duy nhất là trung tâm thương mại Vincom Megamall, nhưng nó lại bị che khuất bởi một tuyến đường cao tốc. 

Bảo tàng là một khối bê tông khổng lồ, mang tinh thần brutalism kiểu Liên Xô (trường phái kiến trúc thô mộc, chuộng bê tông trần và hình khối góc cạnh), nhưng vượt xa những công trình cùng phong cách — đến mức trông như một ngọn núi đá tự nhiên được tái hiện bằng xi măng với sắc xám uy nghi.

Dù cách trung tâm Hà Nội hơn nửa giờ lái xe, sự hoành tráng của bảo tàng vẫn đủ sức khiến nhiều người không ngại đường xa để tận mắt chứng kiến. Trong bối cảnh nhiều công trình brutalist cũ đang dần biến mất, thật thú vị khi thấy có một thiết kế mới tiếp nối và phát triển lối kiến trúc mạnh mẽ, táo bạo ấy. Và có lẽ, không đâu phù hợp hơn một bảo tàng quân sự để lưu giữ tinh thần đó trọn vẹn, khi cả hình thức lẫn nội dung trưng bày đều gợi nhớ về một thời kỳ gắn liền với di sản Liên Xô.

Đập vào mắt tôi — theo đúng nghĩa đen — là một biển người. Sáng thứ Tư, sân bảo tàng đã chật kín hơn một nghìn khách tham quan, toàn bộ đều là người Việt. Họ chen chúc quanh những chiếc máy bay, xe tăng, khẩu pháo, trầm trồ bàn tán không ngớt. Phần lớn là học sinh đi theo đoàn, ríu rít chạy khắp nơi.

Tôi được mời chụp ảnh liên tục, đến bức thứ 30 thì bỏ luôn việc đếm. Hơn một trăm đứa trẻ chạy đến hỏi tôi tên gì, đến từ đâu, và lần nào tôi cũng trả lời y hệt: “David, đến từ Mỹ, rất yêu Việt Nam.” Cuối cùng, quá nản chí, tôi đành trốn sau khẩu trang và kính râm. Cũng chẳng hiệu quả lắm, nhưng ít nhất tôi có thể lặng lẽ đi tiếp mà không bị chú ý quá nhiều.

Trước bảo tàng là hai khu trưng bày phương tiện quân sự lớn: sân phía tây dành cho khí tài của Pháp, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, còn sân phía đông là nơi đặt thiết bị của miền Bắc, Liên Xô và Trung Quốc.

Khu trưng bày phía tây nổi bật với trực thăng vận tải Chinook, máy bay Lockheed Martin C-130, cùng tòa tháp ghép từ xác máy bay Pháp và Mỹ — công trình từng là điểm nhấn của bảo tàng quân sự cũ. Phía đông có xe tăng T-34, T-54, một số máy bay Liên Xô như AN-26, chiến đấu cơ MiG, cùng nhiều tổ hợp tên lửa phòng không SAM.

Trước đây, tôi từng thấy ảnh và nghe kể về cảnh khách tham quan trèo lên hiện vật ngay khi bảo tàng vừa mở cửa, nhưng giờ thì không còn tình trạng đó nữa. Hôm nay, mọi người có vẻ trật tự, tôn trọng không gian trưng bày hơn — dù cũng có thể là nhờ đội ngũ bảo vệ trong quân phục, ngồi rải rác quanh các khu trưng bày, luôn để mắt đến mọi thứ.

Bước vào tòa nhà chính, tôi nhanh chóng nhận ra rằng dù đã mở cửa được vài tháng, bảo tàng vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Nhiều cầu thang và hành lang bị chặn lại bằng băng cảnh báo. Ván ép, dụng cụ xây dựng còn chất đống ở những góc phòng phủ đầy bụi, trong khi nhiều tủ trưng bày vẫn trống trơn. Một nửa số phòng triển lãm trên bản đồ vẫn chưa mở cửa.

Vì cách bố trí còn lộn xộn, tôi cứ đi vòng vòng qua mấy hành lang, loay hoay tìm lối ra hoặc một khu trưng bày nào đó, mãi mới đến được chỗ cần đến. Đám đông học sinh và các sĩ quan quân đội khiến việc di chuyển càng khó khăn hơn, dù việc cao hơn hẳn một cái đầu so với mọi người cũng giúp tôi dễ định hướng giữa biển người mặc đồng phục. Cuối cùng, tôi đi ngược thứ tự các phòng triển lãm lịch sử chính — đơn giản vì không có biển hiệu rõ ràng nào chỉ ra lối tham quan bắt đầu từ đâu.

Các khu trưng bày của bảo tàng được sắp xếp theo trình tự thời gian, trải dài qua 4 sảnh chính, bắt đầu từ năm 900 TCN và kết thúc ở thời hiện đại. Dù ở giai đoạn nào, thông điệp chung vẫn không thay đổi: người Việt đã chiến đấu suốt hàng ngàn năm để bảo vệ nền độc lập của mình. Đây không phải là điều mới mẻ hay bất ngờ — bảo tàng quân sự cũ ở trung tâm Hà Nội cũng xoay quanh chủ đề này, và nó vẫn là một phần quan trọng trong câu chuyện hình thành bản sắc Việt Nam thời hiện đại.

Tuy nhiên, phiên bản trước của bảo tàng thường chỉ trưng bày hiện vật mà ít khi đặt chúng vào bối cảnh rộng hơn của lịch sử Việt Nam hay giải thích rõ cách chúng được sử dụng. Bảo tàng mới đã khắc phục điều này. Các bảng thông tin, video và hướng dẫn âm thanh giúp việc truyền tải câu chuyện trở nên rõ ràng và hấp dẫn hơn nhiều.

Để lịch sử trở nên sống động và dễ cảm nhận hơn, mỗi khu trưng bày đều có những tấm bảng nhỏ kể về các anh hùng đã cống hiến cho sự nghiệp dân tộc, nhiều người trong số họ đã hy sinh cả mạng sống vì đất nước. Tôi cố đọc được nhiều nhất có thể, nhưng nếu muốn xem hết, chắc phải dành cả ngày ở đây. Ngay cả những ai chỉ biết sơ qua về lịch sử Việt Nam cũng có thể dễ dàng theo dõi và, hy vọng, học thêm được điều gì đó mới.

Xung quanh tôi, nhiều người cũng đang chăm chú đọc. Vẫn có những nhóm khách “sống ảo” quay TikTok như ở bất kỳ điểm du lịch nào, nhưng phần lớn đều thực sự quan tâm đến nội dung trưng bày. Học sinh tiểu học đi theo đoàn, những bạn trẻ ăn mặc phong cách, các chiến sĩ quân đội trong bộ quân phục chỉn chu, những cô chú trung niên và cả các cụ già — tất cả đều dừng lại đọc từng bảng thông tin, lặng lẽ chiêm ngưỡng những hiện vật chiến tranh nằm sau lớp kính.

Phòng trưng bày đầu tiên tập trung vào lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại, trung đại đến cận đại. Qua các màn hình tương tác và những đoạn phim hoạt hình ngắn, tôi được tìm hiểu về nhiều trận chiến quan trọng trong lịch sử sơ khai của Việt Nam. Dọc theo tường là những tủ trưng bày chứa mũi giáo, lưỡi kiếm gỉ sét, cọc nhọn từng được rút lên từ lòng sông phía Bắc, và những chiếc trống đồng Đông Sơn đã bị vùi lấp, oxy hóa qua bao thế kỷ dưới lớp bùn ruộng. Những hiện vật lớn hơn bao gồm một cây nỏ và một số khẩu thần công.

Vốn cũng là người chơi mô hình, tôi đặc biệt hứng thú khi khám phá  vực mô hình rất chi tiết về thành Cổ Loa (thế kỷ III TCN) và trận Bạch Đằng (938 SCN). Không ngạc nhiên khi chủ đề xuyên suốt các khu trưng bày là những cuộc kháng chiến chống lại các triều đại Trung Hoa, dù một phần cũng dành cho các cuộc nội chiến, như Loạn 12 Sứ quân (965–968) và chiến tranh Tây Sơn (1771–1802). Tuy vậy, tôi nhận thấy thông tin về các chiến dịch quân sự của Việt Nam tại đất Khmer, Chăm hay vùng Tây Nguyên còn khá hạn chế — một khía cạnh mà tôi mong muốn tìm hiểu thêm.

Tiếp theo là giai đoạn Kháng chiến chống Pháp (1945-1954). Phần trưng bày lướt nhanh qua những thất bại ban đầu của triều Nguyễn, thay vào đó tập trung vào các phong trào kháng chiến sau khi thực dân Pháp đặt ách cai trị vào nửa sau thế kỷ 19 — hầu hết đều không thành công.

Khu vực này tái hiện quá trình hình thành nước Việt Nam độc lập và những chiến thắng của Quân đội Nhân dân trước lực lượng viễn chinh Pháp. Phần lớn không gian trưng bày trong sảnh này là những tủ kính đầy súng hoen gỉ, nhưng hệ thống bảng thông tin lại khá hấp dẫn. Nhờ đó, tôi biết thêm về một số nhân vật cách mạng ít được nhắc đến như Đội Cấn — người mà con phố nơi tôi sống được đặt tên theo — và Đinh Núp, thủ lĩnh người Tây Nguyên.

Một điểm khiến tôi ấn tượng nhất là mô hình kích thước thật tái hiện khung cảnh đường phố bị phong tỏa trong Trận Hà Nội 1946— cuộc giao tranh khiến gần một phần ba thành phố bị san phẳng, sự kiện từng được tái hiện đầy kịch tính trong bộ phim Đào, phở và piano.

Tôi đặc biệt hứng thú với khu trưng bày về "Đội Hươu" (Deer Team) — một nhóm gián điệp Mỹ thuộc OSS (tổ chức tiền thân của CIA) đã nhảy dù xuống miền Bắc Việt Nam vào cuối Thế chiến II để hỗ trợ Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật.

Cuối sảnh là một rạp chiếu mini hình bán nguyệt, nơi đặt mô hình Điện Biên Phủ với một buổi trình diễn ánh sáng và âm thanh tái hiện trận đánh quyết định của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Đây vốn là một điểm nhấn quen thuộc của bảo tàng cũ, và tôi rất vui khi thấy nó vẫn được giữ lại sau khi bảo tàng chuyển sang cơ sở mới.

Tiếp theo là Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, hay còn được gọi là Chiến tranh Việt Nam hoặc Kháng chiến chống Mỹ. Tôi phải thừa nhận là mình không dành quá nhiều thời gian cho khu trưng bày này. Là một người Mỹ, đồng thời là một sử gia đã sống ở Việt Nam khá lâu, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi liên tục bị hỏi về cuộc chiến này. Dù vậy, tôi đoán rằng đây vẫn sẽ là một trong những khu được nhiều khách tham quan quan tâm nhất, bởi sự kiện này vẫn là chủ đề thu hút sự tò mò cả trong nước lẫn quốc tế.

Nội dung trong khu trưng bày này bao quát những sự kiện quen thuộc: trận Ấp Bắc, Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Tổng tiến công Tết Mậu Thân, cuộc chiến giành Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh và Giải phóng Sài Gòn. Bên cạnh vô số súng đạn và quân phục, nơi đây còn trưng bày nhiều hiện vật có kích thước lớn và giá trị lịch sử đáng chú ý, như bệ phóng tên lửa SAM từng tham gia phòng không Hà Nội, xe hơi Renault Juvaquatre, máy bay tiêm kích MiG-21, và đặc biệt là xe tăng T-54B số hiệu 843, chiếc xe góp phần quan trọng trong chiến dịch giải phóng các thành phố miền Nam vào năm 1975.

Khu trưng bày cuối cùng, tái hiện giai đoạn từ 1975 đến nay, lại khiến tôi hứng thú hơn. Hai nội dung chính trong khu này tập trung vào các cuộc chiến tranh biên giới: với Trung Quốc năm 1979, với Campuchia giai đoạn 1979-1989, và những tranh chấp vẫn còn tiếp diễn trên các quần đảo ngoài Biển Đông. Phần trưng bày đi sâu vào cách Việt Nam xây dựng và bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa-Trường Sa, không chỉ về lý do mà còn cả chiến lược thực tế trong quá trình củng cố sự hiện diện trên những hòn đảo này.

Cuối sảnh có một phần tổng kết về vai trò của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngoài chiến tranh, nhấn mạnh nhiệm vụ hỗ trợ người dân trong các thảm họa thiên nhiên. Đây là phòng trưng bày nhỏ nhất trong bốn khu triển lãm chính, số lượng hiện vật cũng ít hơn, nhưng tôi lại bị cuốn vào những bảng thông tin vì lịch sử các cuộc chiến biên giới này vẫn còn khá mới mẻ với tôi, khác hẳn những giai đoạn kháng chiến chống thực dân mà tôi đã quen thuộc hơn.

Tấm bản đồ tôi cầm trên tay cho thấy còn nhiều phòng trưng bày khác, nhưng phần lớn vẫn đang trong quá trình thi công. Khu duy nhất ngoài các sảnh chính mà tôi có thể ghé thăm là phòng triển lãm mỹ thuật quân sự.

Không gian này có vẻ vẫn chưa hoàn thiện — sàn vẫn là bê tông trần, bụi lơ lửng trong không khí, cuốn theo ánh đèn chiếu — nhưng các tác phẩm lại khá thú vị. Cũng giống như những khu trưng bày khác của bảo tàng, chủ đề của bộ sưu tập trải dài từ lịch sử xa xưa cho đến thời hiện đại, với nhiều chất liệu khác nhau, từ tranh sơn dầu đến điêu khắc. Bức tranh tôi ấn tượng nhất là cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, khắc họa hình ảnh ba người lính Pháp hoảng hốt khi hạ vũ khí đầu hàng.

Điểm bất tiện nhất — ngoài việc bảo tàng nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 20km — là giống như nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam, nơi này đóng cửa từ 11 giờ 30 sáng đến 2 giờ chiều để nghỉ trưa. Thường thì tôi không quá bận tâm về điều này, vì đa số bảo tàng nằm ở những khu vực đô thị hoặc bán đô thị, nơi có thể dễ dàng tìm một quán ăn hay quán cà phê để giết thời gian. Nhưng bảo tàng này thì đúng nghĩa xa tít mù tắp, chẳng có mấy lựa chọn xung quanh.

Hơn nữa, nơi đây quá rộng lớn để có thể tham quan nhanh gọn. Chỉ đi lướt qua các khu trưng bày cũng mất vài tiếng, chưa nói đến việc dừng lại đọc bảng thông tin hay xem những đoạn phim tư liệu được chiếu trong các rạp nhỏ hình bán nguyệt rải rác khắp các sảnh. Cuối cùng, tôi phải băng qua mấy làn xe trên con đường cao tốc đông đúc để tìm đến một bữa trưa hơi đắt đỏ nhưng có máy lạnh tại Vincom Megamall gần đó.

Ngay cổng bảo tàng có vài xe đẩy bán trà đá và đồ ăn vặt, nhưng không có nhiều lựa chọn nếu muốn tìm một chỗ ngồi đàng hoàng. Trên bản đồ bảo tàng có ghi rằng có một quán cà phê đâu đó trong khuôn viên (nghe nói là ở tầng hầm), nhưng tôi chẳng thấy bóng dáng nó đâu — cửa hàng lưu niệm cũng vậy.

Sau khi tận mắt tham quan, tôi hiểu vì sao bảo tàng này lại gây nhiều chú ý đến vậy. Dù vẫn còn một số khu đang thi công, có thể thấy rõ từng chi tiết trong thiết kế trưng bày đều được đầu tư rất kỹ lưỡng. Nơi đây không còn là những gian phòng phủ bụi với những bản dịch vụng về như ở bảo tàng cũ nữa.

Bảo tàng mới được trang bị đủ loại công nghệ hiện đại: mô hình 3D tương tác, triển lãm kết hợp ánh sáng và âm thanh, màn hình cảm ứng tra cứu, cùng hơn 60 video dưới dạng hoạt hình và tư liệu quay thực tế. Nếu có điện thoại và mạng di động (chỉ có một khu trưng bày có WiFi miễn phí), khách tham quan có thể trải nghiệm thêm một lớp nội dung đa phương tiện. Nhiều khu có mã QR để truy cập thông tin chi tiết, kèm theo hướng dẫn âm thanh trực tuyến cho những ai muốn đào sâu hơn vào từng chủ đề.

Dù không quá hứng thú với lịch sử quân sự, tôi vẫn phải thừa nhận rằng bảo tàng khổng lồ này đã trở thành nơi tôi yêu thích nhất ở Hà Nội. Tôi vẫn thích nét cổ kính của bảo tàng cũ trên phố Điện Biên Phủ, nằm trong một tòa nhà hành chính kiểu Pháp sơn vàng nhạt. Nhưng bảo tàng mới này mang một sự bề thế và mạnh mẽ hiếm có, rất đúng với tinh thần kiến trúc mà tôi ngưỡng mộ. Các nhà chức trách hoàn toàn có thể xây một bảo tàng kính và thép theo kiểu hiện đại, sáng sủa, với những sảnh lớn ngập tràn ánh sáng. Tôi mừng vì họ đã không làm thế. Tôi chắc chắn sẽ quay lại.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Những ký ức về Hà Nội thời hậu chiến qua loạt ảnh năm 1973

Trong bộ sưu tập ảnh trắng đen được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia người Đức Horst Faas, phố xá Hà Nội hiện lên đầy tấp nập và giàu sức sống. Thế nhưng, ẩn chứa đằng sau khung hình tràn đầy tiếng cười con ...

Paul Christiansen

in Di Sản

Bằng nghệ thuật, Bảo tàng Quang Trung kể khúc sử thi hùng tráng của dân tộc

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chỉ 45km là Bảo tàng Quang Trung, một trong những bảo tàng kỳ công nhất Việt Nam.

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in In Plain Sight

Giữa lòng Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn hóa ngày ngày kể chuyện đời Phố cổ

Nằm an nhiên trong lòng Phố cổ, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Hà Nội mang trong mình một kho tàng kiến thức, điển tích xưa về kiến trúc và lịch sử thủ đô.

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.

in Di Sản

Viết cho những khu gia binh thương nhớ trong ký ức Hà Nội xưa

Nhớ về Hà Nội, là nhớ về vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ dáng dấp của con người Việt Nam xưa. Từng ngõ ngách trong lòng thủ đô đều khiến lòng người bồi hồi mỗi khi đi tới. Bởi lẽ, nơi ấy vừa ...