Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Sau 1 thế kỷ du nhập, văn hóa nhảy đầm cho thấy gì về tư tưởng xã hội ở Việt Nam?

Sau 1 thế kỷ du nhập, văn hóa nhảy đầm cho thấy gì về tư tưởng xã hội ở Việt Nam?

Trước khi trở thành hoạt động phổ biến với mọi tầng lớp xã hội, nhảy đầm đã trải qua nhiều phen ba chìm bảy nổi.

Thời điểm nhảy đầm du nhập vào Việt Nam và những “người chơi” đầu tiên

Thực chất bộ môn nhảy đầm đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Năm 1883, triều đình nhà Nguyễn ký kết Hòa ước Quý Mùi với nước Cộng hòa Pháp, đánh dấu thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam. Một năm sau, Tòa Lãnh sự Pháp khánh thành. Tại đây diễn ra nhiều hoạt động, từ công việc hành chính đến các bữa tiệc lớn vào cuối tuần, và dĩ nhiên có cả những màn khiêu vũ hay còn gọi là nhảy đầm.

Cứ mỗi cuối tuần, âm thanh từ dàn kèn đồng, ánh đèn nhiều sắc màu, những chiếc quần tây hay bộ váy lấp lánh xoay vòng trên điệu valse lại lấp đầy không gian tòa Lãnh sự Pháp, nay là số nhà 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội. Khi ấy, các vũ hội dành riêng cho các viên chức Pháp và gia đình, nên nhảy đầm chỉ phổ biến trong cộng đồng người Pháp tại Việt Nam.

Khiêu vũ là một hoạt động phổ biến tại các sự kiện xã hội ở Pháp vào thế kỷ 19. Nguồn: Alamy.

Phải đến vài chục năm sau đó, vào thập niên 30, nhảy đầm mới dần tiếp cận người Việt. Những “người chơi” đầu tiên của bộ môn này là các du học sinh Việt Nam tại Pháp, đa phần là con nhà có điều kiện. Họ chi tiền tổ chức tiệc tại gia, mời các du học sinh khác đến góp vui với vài điệu nhảy. Giới thượng lưu, học thức lúc này ưa chuộng hoạt động nhảy đầm, vì đối với họ, biết nhảy đầm tức là văn minh, là biết phép lịch sự.

Không chỉ dừng lại ở các bữa tiệc tư gia, nhảy đầm nhanh chóng lan rộng khắp Hà Nội với sự xuất hiện của hàng loạt khu phố ăn chơi nổi tiếng. Nổi bật nhất trong số đó là con phố Khâm Thiên với nhiều nhà hát cô đầu, nơi mà dân chơi hay giới nghệ sĩ thường hay lui tới giao lưu, uống rượu và nghe nhạc.

Địa điểm đắt khách nhất là sàn nhảy số 96 phố Khâm Thiên thuộc sở hữu của Cô Đốc Sao, một kỹ nữ “hạng sang” thuở ấy. Đó là năm 1936 khi sàn nhảy đầu tiên của Hà Nội xuất hiện, đánh dấu thời điểm nhảy đầm trở thành thú tiêu khiển thời thượng tại mảnh đất kinh kỳ.

Phố Khâm Thiên nơi xuất hiện sàn nhảy đầu tiên ở Hà Nội. Nguồn: Thanh Niên.

Về sau, một yếu tố khác góp phần lan rộng bộ môn nhảy đầm là sức ảnh hưởng của các thể loại Tây phương lên nền âm nhạc Việt Nam. Các nhạc sĩ Việt Nam bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm thuộc thể loại tango, rumba hay slow rất phù hợp với nhảy đầm, có thể kể đến ca khúc ‘Nhạc sầu tương tư’ (1953) hay ‘Dừng bước giang hồ’ (1953). Những bản nhạc này đã “Việt Nam hóa” nhảy đầm, khiến nó trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn.

Nhảy đầm trong bối cảnh chuyển giao văn hóa xã hội

Tuy vậy, đối với xã hội Việt Nam, một hoạt động đậm nét văn hóa phương Tây như nhảy đầm vẫn là thứ gì đó lạ lẫm và “không hợp thuần phong mỹ tục.” Như từ “nhảy đầm”, “đầm” ở đây bắt nguồn từ cụm “ông Tây bà đầm,” tức là thuộc về phương Tây chứ không gần gũi với người Việt.

Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo với nhiều đạo lý, trong đó có quan niệm “Nam nữ thụ thụ bất thân.” Theo quan niệm này, “Người nam và người nữ, không được phép ngồi chung hỗn độn, quần áo không được treo chung trên cùng một giá treo áo; từng mỗi người tự có khăn lược của riêng mình, không được phép dùng lẫn lộn; đưa đồ vật cũng không được phép chính tay chuyền cho.”

Đặc biệt dưới thời Nguyễn, triều đại gần nhất khi đó thì sự hạn chế tiếp xúc giữa hai giới càng gắt gao. Theo sử sách, hai nhà ngoại giao Nguyễn Thành Ý và Nguyễn Tăng Doãn sau khi từ Pháp về đã mô tả hoạt động nhảy đầm cho vua Tự Đức. Kết quả, nhà vua cách chức Nguyễn Thành Ý và giáng cấp Nguyễn Tăng Doãn vì cho rằng đó chỉ là “nói hão.”

Bức hoạ 'Nhảy Đầm' theo phong cách Đông Hồ khắc họa hoạt động khiêu vũ của người Pháp, người Việt trong một tụ điểm lúc bấy giờ.

Cũng vì luồng suy nghĩ đó mà đến tận 30 năm sau, một hoạt động có tính thân mật cao như nhảy đầm vẫn khó được chấp nhận. Cảnh tượng người nam cùng người nữ đứng sát nhau, tay trong tay nhảy trên điệu nhạc bị cho là dâm ô, trái với luân thường đạo lý và bị kỳ thị bởi xã hội. Nhà thơ Song Ngư phẫn nộ bởi cảnh “cốc rượu say sưa đổi vợ chồng,” “nhảy trai lưng sút, gái quần long” đã mỉa mai gọi nhảy đầm là “bốn cẳng văn minh mới lạ lùng.”

Báo chí thời đó tranh cãi rất gay gắt về nhảy đầm, trong đó những bài viết phản đối chiếm áp đảo. Trong một bài đăng trên Phụ nữ tân văn, số ra ngày 31/8/1933, tác giả đã bày tỏ: “Nó cũng giống như một thú hàng nhập — càng không thích hợp với người bản xứ, hay một vật trang sức, mà dẫu bước đầu có người thấy mới lạ, vì tính hiếu kỳ đua nhau mua mặc, sau trông lại, thấy hoặc cộc quá hoặc chướng quá thì cũng đến phải bỏ só, vứt đi. Nhảy đầm rồi sẽ chết!”

Tờ Ngọ báo (số ra ngày 10/5/1934) cũng đăng tải một bức biếm họa khung cảnh nhảy đầm trong một gia đình nọ. Trong khi ông bà chủ say sưa khiêu vũ, nhân vật con sen và thằng bếp lại cho rằng hai người đang xô xát, phản ánh suy nghĩ về nhảy đầm của xã hội đương thời.

“Này Sen ơn, có lẽ cậu mợ bất bình gì, tao thấy đang đánh vựt nhau.” Nguồn: Thư viện Quốc gia.

Bên cạnh sự phản đối, cũng có ý kiến ủng hộ nhảy đầm và cho rằng đây là xu hướng cần cổ động. Trong một bài viết đăng tải trên Hà Thành ngọ báo, tác giả Đông Viên phê phán thói đạo đức giả và bênh vực các vũ nữ vốn bị xã hội coi thường. Ông viết: “Các ông bạn trẻ rất đạo đức của tôi ơi, các ông quả không biết gì về nhảy đầm mà dám công kích nhảy đầm, thật các ông đã lạm dụng quyền ngôn luận vậy. Đi xem nhảy đầm cũng như đọc một quyển sách, nếu học lực mình chưa thấu triệt nổi, thì bình phẩm làm sao?”

Những người cổ động nhảy đầm đa phần là giới thanh niên du học, như một du học sinh từng kể với học giả Phạm Quỳnh, rằng người đó học nhảy đầm là để “cho Tây bên ấy họ biết rằng mình đã thạo những cách lịch sự ở Paris.” Đối với nhiều người, nhảy đầm là cách tiếp cận tầng lớp thượng lưu hay thậm chí là “một tấm giấy thông hành dự phần vào thế giới văn minh của giới cai trị.

Lệnh cấm nhảy đầm của Thị trường Hà Nội Phan Xuân Đài. Nguồn: Thư viện Quốc gia.

Tuy thế, sự ủng hộ dành cho nhảy đầm chỉ đến từ một bộ phận nhỏ của xã hội Việt Nam, còn các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn bị bao trùm bởi sự phản đối gay gắt. Năm 1949, thị trưởng Hà Nội là Phan Xuân Đài đã đăng tải lệnh cấm nhảy đầm, đặc biệt nhấn mạnh rằng thú vui chơi này không phù hợp với hoàn cảnh đất nước bấy giờ. Theo đó, bất kỳ sàn nhảy nào có người Việt Nam sẽ bị đóng cửa, còn người khiêu vũ bị phạt rất nặng.

Hành trình “Nam tiến” và lệnh cấm tiếp diễn

Đến năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết chia cắt hai miền đất nước, nhảy đầm ở miền Bắc dần thoái trào. Những vũ công có tiếng một thời giờ cất váy vóc, giày nhảy vào dưới đáy vali và chuyển sang làm nghề khác, các trường khiêu vũ cũng đóng cửa. Cả miền Bắc tập trung vào kháng chiến nên không còn chỗ cho những thú tiêu khiển như nhảy đầm.

Mặt khác, do một bộ phận người đất Bắc di cư vào Sài Gòn nên nhảy đầm cũng theo đó mà mở rộng vào miền trong. Các trường khiêu vũ lại mọc lên và hoạt động sôi nổi, tiêu biểu như vũ trường Kim Sơn hay vũ trường Grand Mond. Nhiều vũ nữ trẻ tuổi bắt đầu nổi danh, trong đó có “nữ hoàng vũ trường” Cẩm Nhung với vẻ nóng bỏng quyến rũ bao người.

Trái: Các vị khách nhảy đầm tại hộp đêm Maxim's. Nguồn: Thanh Niên. Phải: Bên ngoài hộp đêm Maxim's. Nguồn: người dùng Flickr manhhai.

Thế nhưng các vũ trường đều vận hành một cách kín đáo, bởi chính quyền Sài Gòn khi đó, cũng như chính quyền Hà Nội, đã ban lệnh cấm nhảy đầm, mở đầu là lệnh cấm năm 1955 của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bảy năm sau, “Luật Bảo vệ luân lý” ra đời và liệt nhảy đầm vào những hành vi làm bại hoại luân thường đạo lý, cùng với đánh bạc, chọi gà, mê tín dị đoan, mại dâm hay cả môn võ quyền Anh. Theo đó, nhảy đầm dù ở vũ trường ở nhà cũng đều là có tội, không chỉ người Việt Nam mà người nước ngoài nhảy đầm ở Việt Nam cũng đều bị xử phạt.

Nhìn chung trong gần 20 năm sau đó đến tận cuối thập niên 70, số phận của nhảy đầm vẫn trồi sụt vì bị cho là “không phù hợp văn hóa và bối cảnh hiện tại.” Phong trào nhảy đầm tại cả hai miền Nam, Bắc diễn ra âm thầm và dần lụi tàn.

Thập niên 80: Nhảy đầm hồi sinh và chứng tỏ tầm quan trọng trong ngoại giao

Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, nền kinh tế dần phục hồi thì các hoạt động văn hóa-xã hội lại có đất phát triển.

Năm 1983 được coi là dấu mốc đánh dấu sự hồi sinh của nhảy đầm tại cả hai miền Nam, Bắc khi chính quyền đẩy mạnh phong trào thanh thiếu niên. Nhảy đầm bắt đầu xuất hiện trong hoạt động tuyên truyền của phong trào thanh niên cộng sản, có lẽ vì quen mặt với giới trẻ, cộng thêm tính chất giao lưu mạnh mẽ của nó.

Nhảy đầm trở lại dưới những thể loại mới, chẳng hạn như nhảy disco vào thập niên 80. Nguồn: Hạt giống tâm hồn.

Ở Sài Gòn, hoạt động nhảy đầm được tổ chức ở Câu lạc bộ khiêu vũ thể nghiệm, khi đó gọi là “múa đôi” để tránh từ “nhảy đầm,” bởi cái nhìn của xã hội vẫn phần nào nhuốm màu sắc tiêu cực. Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ cho phép các nhà văn hóa tổ chức khiêu vũ một tuần một lần, ngoài ra không được bán vé vào cửa. Dù bị giới hạn về mặt thời gian và không gian hoạt động, nhưng không thể phủ nhận sự trở lại của bộ môn này.

Tương tự, ở Hà Nội cũng chứng kiến nhiều vũ công năm xưa quay lại với nghề, họ mở lớp dạy nhảy và thu hút hàng trăm học viên đến học. Các vũ trường cũng hoạt động trở lại, sàn nhảy được thiết kế hiện đại và khang trang hơn. Những điệu nhảy mới được du nhập vào, người ta không chỉ nhảy điệu valse, tango truyền thống mà còn có cả disco, dòng nhạc rất thịnh hành trong thập niên 80.

Không còn lệnh cấm, các vũ sư có thể quay lại với nghề. Nguồn: Thanh Niên.

Không chỉ sống lại trong quần chúng, nhảy đầm cũng có mặt trong các sự kiện chính thống, đặc biệt là ngoại giao. Vì là hoạt động phổ biến ở phương Tây, khi các chính khách từ các quốc gia này đến thăm, trong tiệc chiêu đãi không thể không có tiết mục khiêu vũ. Tại trụ sở Đại sứ quán các nước cũng diễn ra vũ hội với khách mời là các vũ công có tiếng ở Việt Nam. Ông Trương Văn Hiếu, vũ sư từng theo học tại Trường Cao đẳng thể dục Phan Thiết, nổi tiếng với khả năng cảm âm, là một trong những khách mời quen thuộc, tham gia dẫn nhảy cho các quan chức ngoại giao nước ngoài.

Từ đặc quyền của giới thượng lưu tới phong trào bình dân

Ngày nay, nhảy đầm không còn là hoạt động riêng của giới thượng lưu mà trở thành hoạt động bình dân, dành cho tất cả mọi người. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã từng viết trên tờ Hà Nội mới: “Khiêu vũ trở thành thứ văn hóa bình dân đến mức trước khi ra chợ cóc mua rau, không ít các bà, các cô tranh thủ tạt vào sàn nhảy vài điệu cho dẻo chân. Lại có người đến sàn cốt để khoe bộ đầm mới hay tìm kiếm thứ gì đó họ đang thiếu.”

Có thể dễ dàng bắt gặp người dân đang tập nhảy ở bất cứ đâu, từ Nhà văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa Hữu Nghị ở Hà Nội đến Cung Văn hóa Lao động ở TP. Hồ Chí Minh hay Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên-Huế. Thậm chí tại công viên hay quán cà phê cũng tổ chức hoạt động nhảy đầm để thu hút người dân, như CLB Khiêu vũ dưỡng sinh ngoài trời ở Công viên Lê Thị Riêng có đến 80 học viên sinh hoạt mỗi tuần.

Ngày nay, nhảy đầm/khiêu vũ là một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất ở các không gian công cộng. Nguồn: VnExpress.

Không chỉ người trung niên và người cao tuổi, các bạn trẻ trong độ tuổi 20 cũng đi học nhảy đầm. Theo một bài viết trên báo Tiền phong, tại một cơ sở dạy nhảy trên phố Hoàng Quốc Việt, học viên theo học thuộc nhiều lứa tuổi nhưng đông nhất vẫn là thanh niên, phải mở thêm lớp mới đủ. Nhiều bạn tham gia vừa để giao lưu, vừa để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống hối hả như hiện tại.

Kể từ ngày mới du nhập vào Việt Nam qua những buổi dạ vũ tại Lãnh sự quán Pháp, nhảy đầm đã trải qua hơn một thế kỷ thăng trầm, biến chuyển từ thứ chỉ dành cho giới nhà giàu thành một bộ môn giao lưu dành cho mọi người.

Một thế hệ người trẻ mới đang tiếp cận bộ môn nhảy đầm. Ảnh: Lê Thái Hoàng Nguyên.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Thế kỷ 21 rồi, văn hoá cờ tướng Hà Nội có chỉ còn dành cho đàn ông?

Một “đặc sản” của Hà Nội là khung cảnh các chú, các bác tụ họp ở công viên vào độ xế chiều để đánh cờ tướng.

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Người yêu tiền cổ từ bỏ sự nghiệp học thuật để gắn đời mình với chợ đêm Đà Nẵng

Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Đời Sống

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. C...