Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Kể chuyện văn hóa tang ma ở Việt Nam từ góc nhìn của người làm nghề

Bằng những trải nghiệm cá nhân và kinh nghiệm thực tế từ hành trình làm nghề tang lễ, cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh đã mang đến cho tôi nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa tang ma của Việt Nam.

Lời từ ban biên tập: Bài viết và hình ảnh được thực hiện với sự cho phép của gia quyến.

Những ngày chuẩn bị cho bài viết này, tôi dành nhiều thời gian để lắng nghe bạn bè, cả những người Việt Nam và ngoại quốc, chia sẻ trải nghiệm của họ về đám tang tại Việt Nam. Những thắc mắc nhận được, tôi gom góp và thuật lại cho cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh, những người làm việc trực tiếp trong ngành dịch vụ tang lễ. Từ đó, tôi đã có dịp lắng nghe chia sẻ của họ về những góc khuất của lĩnh vực. Đồng thời, tôi theo chân đoàn mai táng của anh Thịnh để hiểu và trân trọng thêm công việc của những người làm việc tại đường ranh giữa hai thế giới.

Lời cảm tạ từ người ở lại

6 giờ 26 phút, chúng tôi theo chân đoàn tang lễ Đức Thịnh đến gia tang để thực hiện nghi lễ nhập quan cho người đã khuất.

Cô Hương Thủy (51 tuổi) là chủ trại hòm địa chỉ tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Vốn là giáo viên dạy Hóa, cô chỉ bắt đầu tiếp xúc với công việc mai táng sau khi kết hôn và có dịp quan sát các nhân viên trong công ty của gia đình chồng chuẩn bị tang lễ cho khách hàng. Ban đầu, cô Thủy chỉ phụ giúp những công việc lặt vặt. Dần dần, cô bắt đầu nghiên cứu, học việc và tham gia hỗ trợ các công đoạn quan trọng hơn. Sau 26 năm gắn bó với nghề, cô Thủy giờ đây đã trở nên thuần thục và được tin tưởng giao cho trọng trách tiếp quản doanh nghiệp của gia đình.

Cũng như cô Thủy, anh Đức Thịnh (33 tuổi) cũng đi vào con đường này vì một chữ “duyên.” Ban đầu, anh là thông dịch viên tiếng Trung, chuyên dịch văn bản cho công ty quản lý hoa viên nghĩa trang. Sau đó, anh chuyển sang làm phòng kinh doanh và có thêm cơ hội tiếp xúc với công việc mai táng. Càng làm, anh càng cảm thấy bản thân phù hợp và gắn bó với lĩnh vực. Đến năm 2012, anh Thịnh cùng đồng nghiệp tách ra để mở cơ sở mai táng riêng — Dịch vụ Tang lễ Đức Thịnh.

Với các tín đồ Phật giáo, một bàn thờ Phật tạm thời sẽ được dựng lên. Các vật phẩm đi
kèm thường bao gồm bình hoa, ly nước, trà khô, bánh, đèn cầy, lư hương, v.v.

Đối với cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh, đám tang không chỉ đơn thuần là một nghi lễ truyền thống mà còn là cách người ở lại bày tỏ tình thương, lời cảm tạ và sự tôn trọng đối với người đã mất. Đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái, là lễ nghĩa giữa hai người bạn đời và là sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Và hơn ai hết, chính cô Thủy và anh Thịnh là những người hiểu rõ nhất giá trị tinh thần mà tang lễ mang lại.

Suốt nhiều năm qua, cô Thủy vẫn luôn day dứt vì không thể tự tay thực hiện đám tang của mẹ: “Ngày mẹ mất, cô vừa sinh em bé. Vì sức khỏe còn yếu, gia đình quyết định sẽ thuê dịch vụ tang lễ ở địa phương để sắp xếp tang ma.” Thế nhưng, trái với sự tin tưởng của gia định, công ty được ủy thác lại vô cùng cẩu thả, xuề xòa. “Nhìn cảnh ấy, cô đã tự hứa với lòng sẽ luôn xem khách hàng như người nhà mà hết mình với công việc, tận tụy trong từng phân đoạn nhỏ nhất,” cô khẳng định. “Đó không chỉ là cách để xoa dịu nỗi đau của người ở lại, mà còn là cách để cô đù đắp cho những gì bản thân vẫn chưa thể làm cho mẹ.”

Các sư thầy sẽ gõ mõ và tụng kinh cầu nguyện để linh hồn được siêu sinh tĩnh độ.

Trái với cô Thủy, anh Thịnh đã tự tay thực hiện mọi quy trình trong đám tang của chính người mẹ thân yêu. Nhìn mỗi công đoạn trôi qua, anh lại càng hiểu rõ trách nhiệm bản thân mang trên vai to lớn đến nhường nào. “Trong truyền thống người Việt, tang ma là cách để thể hiện sự trân trọng với người đã mất. Và những người làm công việc này như anh có nhiệm vụ phải chu toàn những nghi thức trong tang lễ, giúp giảm bớt những gánh nặng cho tang quyến trong giờ phút tiễn biệt, đồng thời giúp cho chuyến đi cuối cùng của người mất được thanh thản,” anh Thịnh bày tỏ.

Những thay đổi theo thời gian

Quãng thời gian 10 hay 20 năm không phải là quá dài, nhưng nó đủ để cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh nhìn ra những thay đổi trong phương thức tổ chức tang ma ở Việt Nam.

Một trong những điều đầu tiên phải nhắc đến là sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tang lễ. Anh Thịnh giải thích: “Trước đây, con cháu trong nhà phải tự chia ra để lo toan cho đám tang. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ nhân lực, lại càng khó có đủ kiến thức và kinh nghiệm để chu toàn tất cả công đoạn.” Lúc bấy giờ, dịch vụ tang lễ được ra đời như một giải pháp hỗ trợ tang gia trong phút bối rối. “Cũng vì vậy nên người làm nghề này phải không biết ngại, khách hàng gọi vào giờ nào, yêu cầu điều gì, mình cũng phải hỗ trợ hết mình.”

Trái: Nải chuối tiêu xanh được đặt lên bụng người đã khuất vì có khả năng “hóa giải tử khí.” Phải: Tập quán chôn
tiền vào quan tài xuất phát từ nhiều niềm tin: để linh hồn “lót tay” ma quỷ dọc đường, có “vốn liếng” bắt đầu ở thế giới bên kia, v.v.

Thông thường, người nhà sẽ liên lạc anh Thịnh hay cô Thủy qua điện thoại. Sau khi thông tin người mất được tiếp nhận, công ty sẽ tư vấn cho khách hàng về các gói dịch vụ, cũng như bàn bạc thêm về yêu cầu bổ sung từ phía gia đình. Khi đã thống nhất các dịch vụ cần thiết, nhân viên sẽ di chuyển đến tang gia trong vòng 1 đến 2 tiếng để trang trí, tắm rửa, ướp lạnh hoặc bảo quản thi thể, tiến hành tẩn liệm, phát tang. 

Đến ngày đưa tang, dịch vụ tang lễ tiếp tục cử nhân viên đến hỗ trợ bái quan, di quan, đập quan, di chuyển quan tài đến nơi an táng. Sau khi hỏa táng, sư thầy sẽ dẫn vong về nhà và gia đình cúng an sàng tại nhà. Đến đây, một chương trình đám ma đã kết thúc. 

Phức tạp là vậy nhưng thực chất, quy trình tang ma của người Việt hiện nay đã giản lược rất nhiều so với tang lễ truyền thống. Đầu tiên phải kể đến thời gian tổ chức tang lễ. Vì khí hậu Việt Nam ngày càng nóng bức, nhu cầu sinh hoạt, làm việc, học tập trong cuộc sống hiện đại cũng thay đổi, tang lễ giờ đây thường kéo dài 3–4 ngày, thậm chí có gia đình chỉ tổ chức trong 1–2 ngày.

Đến giờ nhập quan, cơ thể người đã khuất được khâm liệm (quấn vải trắng). Đây là thời khắc xúc động khi gia quyến tạm biệt thân thể của người thân.

Trang phục tang lễ cũng được đơn giản hóa. “Nếu trước đây, tang gia bắt buộc phải đội mũ rơm, thắt lưng bằng dây gai, chống gậy tre hay gậy vông thì bây giờ, đó là sự lựa chọn của mỗi gia đình,” cô Thủy chia sẻ.

Nhiều gia đình hiện nay sử dụng những bộ quần áo trắng được may bằng vải xô, đeo khăn tang và khăn che mặt cho người nhà để thể hiện sự đau lòng, mất mát. Một số phong tục như lễ phạn hàm — nghi lễ bỏ gạo và tiền vào miệng để giúp vong hồn đi đường xa được siêu thoát hay nghi thức quay cữu vào 12 giờ đêm — cũng được một số tang gia bỏ qua.

Những nơi còn trống trong quan tài thường được chèn đầy bằng trà, bông lài khô, gạo nếp sấy,
bột trầm để hút ẩm từ thân thể người đã khuất. 

Có lẽ, sự biến đổi trong văn hóa tang ma của người Việt là cách để văn hóa truyền thống thích nghi với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại. Thế nhưng, dưới góc nhìn của anh Thịnh và cô Thủy, quy trình tổ chức tang lễ nói chung cần phải tiếp tục thay đổi để văn hóa tang ma của người Việt ngày càng hiện đại, trang nghiêm, không phải vì lược giản mà bỏ qua những điều truyền thống hay kiêng kị.

Tình người giữa tang thương

Làm nghề này, cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh không ít lần gặp phải những cảnh “ngỡ chỉ có trên phim.” Anh em không hòa thuận, tranh giành của cải, con cái giàu có bỏ mặc cha mẹ ra đi trong đói khổ không phải là chuyện hiếm thấy.

Nhưng cũng không ít lần, cả hai chứng kiến tình yêu thương, sự cảm thông giữa người với người vẫn tồn tại giữa những thương đau. Và chính cô Hương Thủy và anh Đức Thịnh cũng luôn sẵn sàng trao đi yêu thương khi ai đó cần một sự giúp đỡ, vì cả hai biết rằng, một đám tang trọn vẹn, chỉn chu có giá trị tinh thần to lớn như thế nào đối với người ở lại.

Linh toạ (bàn thờ) được đặt phía trước linh cữu, linh tọa thường để bài vị ghi rõ họ tên và ảnh thờ của người đã khuất.

“Từng có một cặp vợ chồng trẻ tìm gặp anh, mang theo một thai nhi chết yểu. Họ đã bị một phòng khám tư lừa đến 30 triệu để tiến hành phá thai, dịch vụ thực chất chỉ tốn từ 3 đến 5 triệu nếu thực hiện tại một bệnh viện uy tín.” Cặp vợ chồng bật khóc chua xót, nhờ anh Thịnh giúp đỡ chôn cất đứa trẻ và hứa sẽ trả góp chi phí trong những tháng sau. “Nhưng làm người ai lại nỡ lạnh lùng với nhau như vậy? Anh cứ thế tự nguyện hoàn thành các bước đưa tiễn sinh linh xấu số rồi gửi gắm thêm chút tiền bạc để đôi vợ chồng có thể bắt xe về quê,” anh nói.

Cũng như anh Thịnh, cô Thủy từng nhận được cuộc gọi mời làm tang ma cho một cụ già đột tử mà mất, cuộc gọi đến từ hàng xóm của cụ. “Nhân viên tiến hành vệ sinh xác một thời gian rồi con gái cụ mới về. Cô ấy tầm trung niên, làm việc ở lò gạch gần đó,” cô kể. Biết cha mất, người con gái khóc thảm thiết, một phần vì đau thương, một phần vì nhà quá nghèo không đủ tiền lo cho tang lễ. Thấy vậy, cô Thủy gợi ý hỗ trợ 3 triệu, chi phí 4 triệu còn thiếu cô con gái có thể gửi lại sau khi đã nhận tiền phúng điếu.

Toàn bộ gia quyến tập trung bên linh cữu, quỳ lạy theo hướng dẫn của thầy.

Vậy mà rất lâu về sau, người con gái mới tìm gặp cô Thủy, mang theo hai chiếc phong bì, một bên chứa tiền phúng điếu, bên còn lại là số tiền nhờ cầm sổ đỏ mà có được. Cô Thủy thảng thốt: “Thì ra cô ấy chưa bao giờ có được 4 triệu trong tay nên không biết số tiền ấy trông ra làm sao. Họ ngỡ tiền phúng điếu không đủ để trả nợ nên mới cầm cố thêm sổ nhà. Vậy mà đâu có ngờ, số tiền phúng điếu vốn lớn hơn 4 triệu rất nhiều.” Cuối cùng cô Thủy đã gửi lại số tiền đó cho vị khách và dặn họ nhanh chóng trở về chuộc lại giấy tờ nhà.

Có lẽ, trong quan niệm của nhiều người, đám tang vẫn luôn gắn liền với ly biệt và thương đau. Thậm chí, đôi khi, tang lễ còn là nơi người ta vô tình phơi bày sự ghen tức, ích kỷ của chính mình. Thế nhưng, giữa những đau thương ấy, có những người vẫn nuôi dưỡng, trân trọng và san sẻ tình thương, để xoa diệu và ủi an cho những ai đang đối diện với mất mát.

Giữa mất mát và tang thương, sự chu đáo âm thầm của những người làm nghề mai táng
cũng có thể phần nào xoa dịu bối rối của gia quyến trong thời điểm khó khăn.

Bài viết liên quan

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Luận về vàng mã: Khi những thể chế chính trị, xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa

Hình ảnh vàng mã, đồ cúng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ trước khi tôi biết chúng là gì. Mỗi dịp đám giỗ ông ngoại, mẹ tôi lại dựng một bát hương to trước sân nhà, và chuẩn bị sẵn một xấp tiền ...

in Văn Hóa

Sau 1 thế kỷ du nhập, văn hóa nhảy đầm cho thấy gì về tư tưởng xã hội ở Việt Nam?

Trước khi trở thành hoạt động phổ biến với mọi tầng lớp xã hội, nhảy đầm đã trải qua nhiều phen ba chìm bảy nổi.

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Câu chuyện đằng sau khúc ca giao thừa ‘quốc dân’ của Việt Nam

Như một truyền thống không chính thức, ‘Happy New Year’ là ca khúc được các nhà đài và tiệc countdown ở Việt Nam chọn mặt gửi vàng làm nhạc nền vào đêm giao thừa.

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Văn Hóa

Giao thoa văn hoá Ấn-Việt tại đền Mariamman, ngôi đền Ấn giáo trăm tuổi ở Sài Gòn

Nhắc đến kiến trúc Ấn Độ Giáo tại Việt Nam, ta thường nghĩ đến những tòa tháp nguy nga của người Chăm còn sót lại ở Nam Trung Bộ, hoặc những chùa Khmer rực rỡ tại Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đó k...