Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Luận về vàng mã: Khi những thể chế chính trị, xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa

Hình ảnh vàng mã, đồ cúng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ trước khi tôi biết chúng là gì. Mỗi dịp đám giỗ ông ngoại, mẹ tôi lại dựng một bát hương to trước sân nhà, và chuẩn bị sẵn một xấp tiền âm phủ để đốt. Tôi cứ nhớ mãi cảnh tượng từng mảnh giấy lần lượt hóa thành tro khói, biến mất vào thinh không như chưa từng tồn tại.

Từ lâu, đốt vàng mã đã là một phần quen thuộc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, cũng như người dân các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Tập tục này xuất phát từ niềm tin cổ xưa rằng người đã khuất có thể có một “cuộc sống” sung túc hơn ở cõi âm khi được cúng các loại tiền, vật dụng đã “hóa vàng.”

Đến thời nay, tần suất xuất hiện của tập tục này cũng không thuyên giảm. Dạo qua bất kỳ khu chợ nào ở Sài Gòn, chợ nhỏ lẻ tự phát, hay chợ đầu mối sầm uất như Bình Tây, ta cũng sẽ bắt gặp ít nhất một hàng chuyên bán nhang và vàng mã. 

Ở Việt Nam, việc đốt vàng mà thường được thực hiện vào những dịp như đám giỗ, lễ Tết, v.v. và đặc biệt là vào tháng cô hồn, mùa Vu Lan. Khi ấy, người dân không chỉ đốt tiền và vật phẩm giấy, mà còn soạn hoa quả, mía, kẹo và nhang để cúng dường cho những linh hồn còn lang thang ở trần gian. May mắn hơn vàng mã phải kết thúc số phận trong lò lửa, quà và bánh cúng được theo túi trẻ em về nhà sau những buổi giật cô hồn chớp nhoáng.

Trong quá trình hiểu thêm về câu chuyện đằng sau thói quen đốt vàng mã của người Việt, tôi đã gặp và nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ một cô bán hàng ở chợ Phú Nhuận: “Con phải đốt làm sao để nó cháy hết, tại như vậy thì [ông bà] mới nhận được.” Cô không nói thực hành tâm linh này đến từ nguồn gốc triết học hay đạo giáo nào, mà dường như chỉ từ niềm tin vô hình trung của người dân rằng “trên sao thì dưới vậy.”

Mâm đồ cúng, bát nhang và vàng mã là "combo" thường được đặt trước cửa các hộ gia đình và hộ kinh doanh vào tháng cô hồn.

Tuy nhiên, nhà nhân học Heonik Kwon lại cho rằng tập tục này có thể bắt nguồn từ một quan niệm ở Trung Quốc cổ đại — rằng kiếp nhân sinh thực chất là một dạng “vay mượn” nguồn sống từ “ngân hàng địa phủ.” Khi một một người chết đi, con cháu của họ có nhiệm vụ phải trả khoản nợ mà tổ tiên đã mượn.

Một số nghiên cứu khác cũng cho rằng niềm tin này gắn liền với triết lý Nho giáo về đức tính hiếu thảo; nghĩa vụ của con cháu là phải “trả báo” cho tổ tiên — tức giải gánh nặng luân lý từ những điều ác mà họ phạm trong kiếp trước. Và vì có một “ngân hàng” ở thế giới bên kia, con cháu còn sống có thể gửi tiền bạc, vật chất đến tổ tiên đã khuất để trả các khoản nợ ân oán.

Khó có thể xác định được người Việt bắt đầu thực hành tập tục này từ khi nào. Nhưng nhận định chung từ các nhà nghiên cứu là vàng mã du nhập vào Việt Nam dưới ách đô hộ của Trung Quốc, vì tục cúng tiền mã đã xuất hiện ở nước này từ thời phong kiến xa xưa.

Tập tục đốt vàng mã có thể bắt nguồn từ niềm tin cổ xưa rằng khi một một người chết đi, con cháu của họ có nhiệm vụ phải trả khoản nợ mà tổ tiên đã mượn.

Nhắc đến vàng mã truyền thống, chúng ta có thể kể đến những xấp tiền âm phủ được làm từ giấy tre thô màu trắng, có viền mỏng màu vàng hoặc bạc; hoặc hình nộm ngựa, quần áo, giày dép, v.v. Và để đáp ứng với nhu cầu cúng viếng của thế kỷ 21, người ta còn làm ra những loại vàng mã lấy cảm hứng từ đời sống hiện đại, từ trong và ngoài nước.

Trong sách Burning Money, tác giả C. Fred Blake đưa ra dẫn chứng về quá trình “tiến hóa” của vàng mã qua thời gian, trong đó có hai thay đổi rõ rệt nhất: sự xuất hiện của các loại ngoại tệ như dollar và euro; và các sản phẩm hiện đại như điện thoại, xe máy.

Dạo một vòng quanh chợ Tân Định, có thể thấy đô la âm phủ là sản phẩm thống lĩnh các sạp hàng, nhưng những chiếc iPad, iPhone giấy cũng được ưa chuộng kém cạnh. Trong khi đó ở chợ Bình Tây, tôi bắt gặp những tòa lâu đài nguy nga và những bộ quần áo hàng hiệu cao cấp chồng chất. Một mặt hàng được săn lùng khác nữa là combo tất cả những vật dụng mà một người có thu nhập trung lưu thường sở hữu: quần áo hiện đại, điện thoại thông minh, nước hoa, thẻ tín dụng và đồng hồ.

Không chỉ tiền, mà tất tần tật các vật phẩm của thế kỉ 21 như iPhone, xe SH, túi LV và nhà lầu đều được "vàng mã hoá."

Tuy gắn liền với một truyền thống có từ thời phong kiến, việc đốt vàng mã chỉ mới phổ biến trở lại vào cuối thập niên 1980. Tập tục này từng bị nghiêm cấm vào những năm 1970, lấy lý do là “gây lãng phí” và “đi ngược với chủ trương của chính phủ trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.” Tuy nhiên, khi Việt Nam từ bỏ nền kinh tế bao cấp để theo để theo đuổi nền kinh tế thị trường, tư bản chủ nghĩa, vàng mã cũng mau chóng trở về từ cõi âm. Sau chiến dịch Đổi mới, việc đốt vàng mã cùng những lễ nghi đi kèm lại được hợp pháp hóa. 

Theo nhà sử học Hồ Tài Huệ Tâm, bước đi này là một phần của “cơn sốt tưởng niệm” càn quét Việt Nam lúc bấy giờ. Nhà sử học nhận đinh rằng, lúc này, các công trình tưởng niệm, đền đài, di tích lịch sử được dựng lên ào ạt nhằm góp phần tạo nên một “đường hướng” vĩ mô hơn, “lấy quá khứ làm tiền đề để phát triển và xây dựng tương lai."

Một cách nhìn nhận khác về vàng mã trong xã hội hiện đại, theo tác giả Gates, là “hiện thân của sự xâm nhập của nền kinh tế thị trường bằng con đường tâm linh.” Fred Blake cũng đề cập đến khái niệm này khi so sánh sự khác biệt giữa hình thức sản xuất vàng mã truyền thống và hiện đại. Khi được sản xuất thủ công, vàng mã mang đậm tính biểu tượng và ý nghĩa tinh thần là mang đến sự sung túc cho tổ tiên; còn khi được sản xuất hàng loạt, chúng dễ trở thành một bản sao vô tri vô giác, một sản phẩm không có thành ý sâu xa hơn. Bằng chứng là năm 2010, ngân hàng nhà nước còn phải cấm sản xuất tiền âm phủ sao chép thiết kế của các tờ tiền Việt Nam đang lưu hành, vì tập tục này đã bị lợi dụng để làm cớ in ấn tiền giả.

Liệu ngân hàng địa phủ có bộ phận thu đổi ngoại tệ?

Những năm gần đây, đã xuất hiện những luồng ý kiến lên án tập tục đốt vàng mã, cùng những phiên bản dị tướng của nó, là mê tín dị đoan. Việc dư luận “gán tội” cho vàng mã này phơi bày một nghịch lý của xã hội Việt Nam — đang lay hoay trước ngõ cửa của một kỷ nguyên ngày càng hiện đại, khoa học và tách biệt khỏi tín ngưỡng.

Sau phòng trao Đổi mới, chính sách phát triển đất nước được dẫn đầu cùng lúc bởi hai khái niệm đối lập — “hiện đại” và “truyền thống.” Khi Việt Nam bắt đầu theo đuổi nền kinh tế thị trường, “hiện đại hóa” cũng trở nên đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế và tái định hình xã hội. Tuy nhiên, chính phủ lo ngại rằng quá trình hiện đại hóa đất nước sẽ kéo theo những hệ luỵ do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Vì vậy, để đối trọng với những ảnh hưởng ngoại lai ấy, chính phủ đã kêu gọi người dân quay lại với văn hóa truyền thống, tức xây dựng cho mình một bản sắc dân tộc vững vàng, không lung lay trước những ảnh hưởng tất yếu từ toàn cầu. Sự trở lại hùng hồn của vàng mã cũng chính là chứng nhân cho thời kỳ chuyển đổi nhiều mâu thuẫn này — khi những thể chế chính trị và xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa

Giao thoa văn hoá Ấn-Việt tại đền Mariamman, ngôi đền Ấn giáo trăm tuổi ở Sài Gòn

Nhắc đến kiến trúc Ấn Độ Giáo tại Việt Nam, ta thường nghĩ đến những tòa tháp nguy nga của người Chăm còn sót lại ở Nam Trung Bộ, hoặc những chùa Khmer rực rỡ tại Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, đó k...

in Văn Hóa

Rước lễ nghinh Ông, ngẫm về đặc sắc tín ngưỡng thờ cá voi miền duyên hải

Tục thờ Cá Ông ban đầu là niềm tin của ngư dân để chịu đựng gian khổ lúc mưu sinh trên biển, dần dần theo dòng chảy văn hóa, trở thành tín ngưỡng quan trọng của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân P...

in Văn Hóa

Văn hóa châu thổ Bắc Bộ qua lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Với những lễ tục, sinh hoạt dân gian đậm nét văn hóa vùng nông nghiệp trồng lúa nước, lễ hội chùa Keo Hành Thiện là dịp người dân tưởng nhớ, tri ân Đức Thánh Tổ — thiền sư Dương Không Lộ vì những công...

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.