Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Từ New Orleans đến Sài Gòn: Lược sử kèn tây đám ma tại Việt Nam

Trong tất cả các thể loại âm nhạc đến từ đường phố Sài Gòn, những giai điệu đặc trưng của đội kèn tây đi kèm đám rước tang có lẽ là dễ nhận diện nhất.

Kèn tây đám ma thường sử dụng các loại nhạc cụ rất khác so khác với các nhạc công truyền thống của Việt Nam: dàn kèn trumpet, trombone đi kèm trống trầm, trống lẫy. Phần giai điệu cũng khác các dòng nhạc truyền thống: thay vì dùng thanh âm não nề, trang trọng thường được chơi ở các tang lễ trên khắp đất nước, loại âm nhạc này có tính chất khá sôi động — những màn kèn tây ngẫu hứng sôi động trên nền nhịp đảo phách lạc quan.

Nghe kèn tây, người ta có thể nghĩ ngay đến nhạc jazz trong các tang lễ truyền thống ở New Orleans, quê nhà của các ban nhạc đám tang mặc đồ kiểu quân phục và chơi nhạc lấy cảm hứng trộn lẫn từ tôn giáo, văn hóa châu Phi, và cả nhạc quân đội. Nhóm nghệ sĩ The Propeller Group đã từng khám phá hai thể loại nhạc này với ấn phẩm góp mặt trong đêm nhạc New Orleans 2014, 'The Living Need Light, the Dead Need Music,' với một video đặc biệt bao gồm các nhạc công Việt Nam thể hiện cả giai điệu Việt truyền thống và ca khúc nhạc jazz New Orleans cổ điển ‘It Ain't My Fault.’

Nguồn video: IndieLisboa.

Thoạt đầu, người nghe có thể bắt gặp nhiều điểm tương đồng giữa kèn tây Việt và nhạc jazz New Orleans. Tuy nhiên, Tiến sĩ Matt Sakakeeny, Phó Giáo sư Âm nhạc Đại học Tulane, New Orleans, chia sẻ với Saigoneer: “Giữa nhạc đám tang ở Việt Nam và nhạc đám tang New Orleans không có mối liên hệ trực tiếp nào. Nhiều nền văn hóa mở tiệc trong thời gian để tang, và đây chỉ là hai trường hợp nổi bật, nhưng không nhất thiết phải gán cho hai bên liên kết gì hơn hơn ngoài một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai truyền thống.”

Nguồn video: Salvatore Sebergandio.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM, chuyên gia về âm nhạc dân tộc miền Nam, đồng tình khi mô tả dàn nhạc tang lễ ở miền Nam là “loại hình âm nhạc không theo bất kỳ quy tắc nào, vì nó luôn biến đổi. Đó không phải là nhạc jazz thực sự.” Bà nói thêm rằng nhiều hình thức giải trí thường gặp trong tang lễ miền Nam như vũ công, “mới xuất hiện gần đây chứ không phải theo truyền thống.”

Do đó, phần lớn thứ âm thanh tràn đầy năng lượng trong các đám tang ở miền Nam Việt Nam đều nằm ngoài phạm vi của nhạc jazz và các loại hình nhạc dân gian được công nhận chính thức của Việt Nam. Vậy nó bắt nguồn từ đâu?

Trong bài viết này, ta sẽ sử dụng nhiều nguồn tài liệu lưu trữ để cố gắng giải mã câu chuyện làm thế loại âm nhạc này đã trở thành một phần của văn hóa miền Nam. Đây là hành trình xuyên suốt 4 châu lục, chạm đến giai thoại gần như bị lãng quên của nhạc jazz Sài Gòn. Câu hỏi đầu tiên: kèn tây đã đến Việt Nam như thế nào?

Các ban kèn tây ở Việt Nam được nhắc đến sớm nhất trong tài liệu của các tổ chức truyền giáo Công giáo Pháp từ những năm 1910. Người ta có thể nhận thấy sự phổ biến của các ban nhạc diễu hành địa phương trong cộng đồng Cơ đốc giáo ở Quế Sơn. Kèn tây cũng là một trong trong số những phương pháp được các nhà truyền giáo ở nông thôn Việt Nam sử dụng để “nâng tầm nghi lễ trong mắt những người ngoại đạo.” Vào thời thuộc địa, quá trình truyền đạo Cơ đốc thường đi kèm công cuộc tuyển dụng và đào tạo các nhạc công kèn tây. Năm 1918, Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng về Truyền bá Đức tin của Pháp khuyến khích sự ra đời của những nhóm nhạc công tương tự tại nhiều lãnh thổ mà giờ đây thuộc Việt Nam, Ấn Độ và Zimbabwe.

Tiến sĩ Liêm nhận xét rằng việc sự có mặt của ban nhạc kèn tây trong đám tang ở Sài Gòn ngày nay chủ yếu diễn ra trong cộng đồng Công giáo. Về đồng phục của các ban nhạc này, bà bổ sung: “Mỗi ban nhạc đều có đồng phục riêng, thường có màu đen và trắng, giống với quân phục của Pháp.”

Ảnh: Lee Starnes.

Đây là một con đường nữa dẫn tới quá trình phổ biến nhạc kèn tay khắp năm châu trong thời kỳ đế quốc: chủ nghĩa quân quốc. Bắt đầu từ những năm 1880, chính quyền thực dân Pháp bắt đầu tuyển mộ các trung đoàn súng trường Việt Nam để giúp mở rộng lãnh thổ do Pháp kiểm soát. Các trung đoàn này, với danh xưng Tirailleurs Annamites (những Tay súng Đông dương), chủ yếu được tuyển chọn từ cư dân theo Cơ đốc giáo. Trung đoàn cũng có các ban nhạc diễu hành thường biểu diễn quốc ca Pháp, ‘La Marseillaise’ và bài hát ‘La Madelon’ trong Thế chiến thứ nhất.

Tờ báo của chính quyền thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam, L’Echo Annamite, từng viết về sự phát triển nhanh chóng của thể loại âm nhạc này vào những năm 1920. Ban nhạc diễu hành Fanfare Saigonnaise dường như là nhóm nhạc nổi danh nhất ở Sài Gòn vào thập niên 1920. Họ cung cấp dịch vụ chơi nhạc cho các sự kiện thể thao, từ giải đấu quyền anh quốc tế đến khai trương một sân vận động bóng đá mới. Cùng lúc đó, Jacques Lê Văn Đức, một nhân vật có tiếng thời bấy giờ, cũng bắt đầu tập trung quảng bá thể loại nhạc này.

Một quảng cáo năm 1925 cho một giải đấu quyền anh có sự tham gia của Musique de la Fanfare Saigonnaise. Nguồn ảnh: Gallica.

Đức, một quý tộc Việt Nam ở Mỹ Tho, là một nhân vật đặc biệt vào thời của mình: du học ở Marseille, từng chu du khắp thế giới, ông đã có nhiều thành công trong nền văn học ở Pháp với các bài viết du ký về Châu Âu và Trung Đông. Dù vậy nhưng ông vẫn thích sống ở nhà của mình ở đồng bằng sông Cửu Long. Vốn say mê âm nhạc kèn tây, ông tổ chức một cuộc thi lớn cho các ban nhạc ở Sài Gòn vào năm 1927.

Vốn là một người yêu văn hóa Pháp thực thụ, Đức chia sẻ cùng một tầm nhìn về tương lai của âm nhạc Việt Nam với chính quyền thực dân Pháp: “sứ mệnh khai hóa” của đế quốc ở Việt Nam là thấm nhuần các giá trị văn hóa Pháp, trong đó có âm nhạc, vào cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, nhạc kèn tây Việt Nam sẽ sớm có những bước ngoặt lớn.

Năm 1927, cùng năm với cuộc thi âm nhạc Pháp của Đức tại Sài Gòn, ban nhạc diễu hành quân đội của Tirailleurs Annamites đã chơi nhạc truyền thống của miền Nam tại lễ khánh thành một ngôi chùa: Rõ ràng là người Việt Nam, ngay cả những người phục vụ trong quân đội Pháp, đã công khai khẳng định truyền thống dân tộc của mình bằng cách sử dụng các nhạc cụ kèn tây.

Ảnh: Lee Starnes.

Tuy nhiên, âm nhạc Pháp điển hình vẫn chưa bị bỏ rơi. Vào năm 1930, nhạc Pháp đã được sử dụng bởi phong trào vốn sinh ra để... chống Pháp: phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT), cuộc khởi nghĩa đầu tiên của Việt Nam chống lại đế quốc Pháp. Khởi nghĩa XVNT diễn ra trên nền bài ‘La Marseillaise,’ nhưng kèm theo lời bài hát mới, có tựa đề ‘Bài ca kêu gọi vô sản làm cách mạng.’

Tất cả những sữ kiện này phần nào giải thích về sự hiện diện của nhạc cụ phương Tây trong văn hóa âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, nó không giải thích được những ảnh hưởng rõ ràng của nhạc jazz mà người ta nghe thấy trong âm nhạc của các ban nhạc tang lễ miền Nam Việt Nam. Để hiểu được điều này, chúng ta phải nhìn vào lịch sử rộng lớn hơn của nhạc jazz ở Đông Nam Á đầu thế kỷ 20.

Cách mạng jazz của Việt Nam

Nhạc jazz đến với Đông Nam Á đa phần là do ách đô hộ của Pháp. Bản thân nước Pháp cũng bắt đầu đón nhận nhạc jazz trong Thế chiến Thứ nhất, khi các buổi hòa nhạc công cộng phổ biến nhất dành cho quân đội và thường dân là của Ban nhạc “Harlem Hellfighters” thuộc Quân đội Hoa Kỳ, do nhạc trưởng jazz James Reese Europe chỉ huy. Niềm đam mê nhạc jazz của người Pháp bùng nổ vào giữa những năm 1920, với sự xuất hiện của một số huyền thoại nhạc jazz người Mỹ gốc Phi ở Paris, đáng chú ý nhất là nghệ sĩ saxophone soprano Sidney Bechet và vũ công Josephine Baker. Đối với Pháp thời hậu chiến, nhạc jazz là thứ âm nhạc của tương lai.

Điều này cũng ảnh hưởng đến các thuộc địa của Pháp. Vào những năm 1930, nhạc jazz đã được biểu diễn ở các thành phố trên khắp Đông và Đông Nam Á, bao gồm Sài Gòn, Hà Nội, Phnom Penh và Thượng Hải. Và ở hầu hết, hoặc có lẽ là tất cả, các thành phố này, các ban nhạc jazz sống nổi tiếng nhất đều bao gồm người Philippines, thay vì các nhạc sĩ người Pháp hoặc người dân địa phương.

Philippines là thuộc địa của Hoa Kỳ từ năm 1898 đến năm 1935. Ở giai đoạn này, Manila được giới thượng lưu châu Á xem là trung tâm âm nhạc hiện đại — nơi được tiếp xúc trực tiếp với dòng nhạc mới của người Mỹ gốc Phi mà không có sự can thiệp của châu Âu. Các ban nhạc ở Manila đã trở thành những nghệ sĩ được kính trọng và săn đón nhiều nhất ở châu Á. Họ được chọn để biểu diễn tại “các nhà hát, câu lạc bộ và các địa điểm giải trí từ Guam, Tokyo, Hồng Kông, Bangkok, Singapore, đến tận Trung Đông. Vào những năm 1930, các ban nhạc jazz Philippines được săn đón nhiều nhất ở Thượng Hải,” theo Yamomo thuộc Đại học Amsterdam. Yamomo viết: “Bên ngoài những nhà hát cao cấp ở vùng thuộc địa Hà Nội và Sài Gòn, người Philippines làm nhạc công cho dàn nhạc và vũ trường, cũng như làm giảng viên cho giới thượng lưu Việt Nam.”

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng nhạc jazz Việt Nam thời kỳ này chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. “Taking to the Waves,” bài khảo cứu của Erich DeWald về vai trò của đài phát thanh trong xã hội Việt Nam những năm 1930, lại cho thấy điều ngược lại. Mô tả của DeWald về văn hóa âm nhạc Việt Nam những năm 1930 sẽ có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ với bất kỳ ai từng đi dạo trên đường phố Sài Gòn bây giờ.

Ảnh: Lee Starnes.

“Ai mà có tiền mua một bộ [radio] đều làm vậy. Họ bày nó giữa nhà…để thể hiện đẳng cấp văn hóa và xã hội. Những phép phô trương như vậy giúp nhiều người Việt tiếp cận với radio hơn cách nghe đài của người châu Âu. Khi radio được bật gần cửa sổ với âm lượng lớn, trái ngược với cách để radio trong nhà và giữ âm thanh nhỏ để tránh tiếng ồn của người châu Âu, radio của người Việt trở thành công nghệ xã hội được sử dụng — hoặc được trải nghiệm — bởi nhiều người hơn là chủ sở hữu và những người thân của họ. Các chương trình phát thanh đến được nhiều người hơn, lượng người nghe lớn hơn và mức độ tương tác và tái tương tác cũng cao hơn cho phương tiện và thông điệp của nó. Hiện tượng này diễn ra mạnh nhất và rộng nhất ở miền Nam.”

Nói cách khác, việc phổ biến âm nhạc trên đường phố ở Sài Gòn những năm 1930 cũng diễn ra giống hệt như ngày nay, chỉ khác là thay vì loa đài inh ỏi EDM và karaoke, thì khi ấy, radio phát nhạc jazz. DeWald lưu ý thêm rằng, các công ty tư nhân của Pháp đứng đằng sau việc ra mắt mạng lưới phát thanh của Việt Nam đã nói rõ rằng tất cả nội dung phát sóng phải hoàn toàn phi chính trị. Kết quả là một phong cách âm nhạc đặc biệt được ưa chuộng. DeWald viết: “Jazz là một lựa chọn đặc biệt phổ biến, người nghe nhạc jazz đều rất thời thượng.”

Sự phổ biến rộng rãi của nhạc jazz, đặc biệt là ở Sài Gòn, tiếp tục kéo dài đến thập niên 1960. Nhà giáo dục người Úc Bern Brent đã mô tả nền âm nhạc mà ông bắt gặp khi đi dạo thành phố này vào năm 1959 như sau: “Ở thế giới phương Tây, nhạc rock đã bắt đầu thay thế nhạc jazz, nhưng ở miền Nam Việt Nam, các ban nhạc trong khách sạn, nhà hàng và tụ điểm ăn chơi vẫn ưa chuộng những giai điệu jazz thời thế chiến. Các bài hát như 'Jealousy' và 'Smoke Gets in Your Eyes' xen kẽ với các bài muôn thuở của Pháp như 'J'attendrai.' Không nhất thiết luôn phải ăn tối, người ta có thể nhâm nhi đồ uống và nghe nhạc.”

Nhạc đám tang miền Nam giữa dòng chảy âm nhạc thế giới

Các dòng chảy lịch sử được kể bên trên góp phần kiến tạo sự độc đáo của nhạc đám ma miền Nam, đồng thời loại âm nhạc này cũng là một phần của chủ nghĩa thực dân toàn cầu, khi mà các nhạc cụ phương Tây được kết hợp với âm nhạc bản địa. Bản thân nhạc jazz cũng có khởi điểm như vậy. Bắt nguồn từ New Orleans vào cuối thế kỷ 19, đây được là sự kết hợp của âm nhạc truyền thống Tây Phi do những cựu nô lệ lưu giữ, các yếu tố của thánh ca Cơ đốc giáo, và nhạc cụ châu Âu.

Ảnh: Lee Starnes.

Việc người dân thuộc địa sử dụng nhạc cụ thực dân để làm mới truyền thống văn hóa của mình là một hiện tượng toàn cầu. Nó vẫn còn có ảnh hưởng cho tới giờ, trong các lễ tang là một ví dụ. Chúng ta có thể thấy điều đó trong các đám tang nhạc jazz ở New Orleans, trong các ban nhạc rước đám miền Nam Việt Nam, và ở các truyền thống tang lễ khắp thế giới thời hậu thuộc địa, từ Jamaica ở Caribe đến Ghana ở Tây Phi.

Âm thanh sôi động của nhạc tang lễ kèn tây miền Nam Việt Nam là một phần phong phú của văn hóa Việt, nhưng còn hơn thế nữa: nó là một phần của câu chuyện toàn cầu về sự giao thoa giữa tôn giáo và âm nhạc trong các truyền thống tang lễ xuất hiện trên toàn thế giới trong thời kỳ thuộc địa.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Câu chuyện đa dạng văn hoá đất Việt qua 3 phiên bản 'Sọ Dừa' của người Kinh, Chăm, Raglai

Nếu điền giấy khai sinh cho Sọ Dừa, bạn sẽ ghi gì vào ô Dân tộc?

Linh Phạm

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

Thi Nguyễn

in Văn Hóa

Luận về vàng mã: Khi những thể chế chính trị, xã hội đối lập va chạm nhau trong tàn lửa

Hình ảnh vàng mã, đồ cúng đã ăn sâu vào tâm trí của tôi từ trước khi tôi biết chúng là gì. Mỗi dịp đám giỗ ông ngoại, mẹ tôi lại dựng một bát hương to trước sân nhà, và chuẩn bị sẵn một xấp tiền ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc...

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Dấu ấn Sài Gòn-Gia Định qua di tích lăng miếu Tả Văn Duyệt ở Bình Thạnh

Giữa lòng quận Bình Thạnh sầm uất, nơi giao nhau của hai con đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng lặng lẽ, giữ nguyên nét uy nghi và cổ kính giữa dòng chảy thời g...