Giữa lòng quận Bình Thạnh sầm uất, nơi giao nhau của hai con đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng lặng lẽ, giữ nguyên nét uy nghi và cổ kính giữa dòng chảy thời gian.
Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất của thành phố. Không chỉ là nơi an nghỉ của một trong những vị công thần triều Nguyễn, lăng còn là một không gian lưu giữ câu chuyện về lịch sử phát triển của vùng đất Sài Gòn-Gia Định.
Lê Văn Duyệt (1764–1832) từng là một vị quan dưới triều Nguyễn nổi danh cả về tài thao lược quân sự lẫn đức độ. Sử cũ mô tả, Lê Văn Duyệt sinh ra là một người liên giới tính với vóc dáng thấp bé, chất giọng rụt rè nhưng tỏa ra khi chất tinh nhuệ hơn người. Ông gia nhập quân đội từ năm 17 tuổi và sớm trở thành cánh tay phải đắc lực của Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống nhà Tây Sơn.
Khi hai đằng thống nhất, Lê Văn Duyệt được bổ nhiệm làm Tổng trấn Gia Định thành, nắm quyền cai quản toàn bộ vùng Nam Bộ. Nhờ sự quyết đoán và tầm nhìn chiến lược, ông đã giúp củng cố quyền lực của nhà Nguyễn và biến vùng đất thành trung tâm hành chính mới của đất nước. Các tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng, và nền kinh tế của Gia Định được nâng cao rõ rệt, khiến nơi đây trở thành nơi thu hút thương nhân quốc tế, đặc biệt là từ Trung Hoa, Ấn Độ và phương Tây.
Tuy nhiên, Lê Văn Duyệt cũng phải đối mặt với không ít thử thách từ chính triều đình Huế. Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời vào năm 1832, một số kẻ thù trong triều đình cáo buộc ông có âm mưu phản nghịch. Minh Mạng, vốn có hiềm khích với Lê Văn Duyệt và lo ngại ảnh hưởng của ông đối với quyền lực trung ương, đã ra lệnh xét xử và tuyên án “tru di tam tộc” (tử hình ba đời) gia đình Lê Văn Duyệt, đồng thời cho san phẳng rồi cho xiềng xích mộ phần của ông.
Tuy nhiên, lòng kính trọng đối với Lê Văn Duyệt của người dân và sĩ phu Nam Bộ vẫn không thay đổi. Vào năm 1841, dưới triều vua Thiệu Trị, Lê Văn Duyệt được minh oan và khôi phục danh dự. Từ thời vua Tự Đức, năm 1848, lăng mộ của Lê Văn Duyệt bắt đầu được trùng tu lại với các kiến trúc phụ trợ và nghệ thuật trang trí khác nhau ở từng thời kỳ.
Hay được người dân địa phương gọi gần gũi là lăng Ông Bà Chiểu, công trình được bao quanh một bức tường cao, với tổng diện tích khoảng 18.500m2. Về mặt bố cục, lăng được xây dựng trên một trục thẳng — tất cả được bao bọc trong không gian xanh mướt của những tán đa cổ thụ, ngọn thốt nốt vươn cao.
Quần thể lăng mộ bắt đầu với nhà bia mang dáng dấp của một ngôi điện nhỏ — là dạng kiến trúc thường xuất hiện ở các di tích cổ, ghi lại các sự kiện lịch sử, tưởng nhớ các bậc vĩ nhân. Bên ngoài nhà bia có đôi chim hạc cưỡi rùa canh giữ, bên trong là bia đá màu xanh rêu phong khắc dòng chữ “Văn Bia Miếu Lê Công” do đại triều Nguyễn Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894) để ca tụng công đức Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Tiến sâu hơn nữa là khu vực lăng mộ, bao gồm hai ngôi mộ song táng mang hình dáng tựa như mai rùa. Hai tượng lân đứng chầu trước mộ, trong đó tượng bên phải nổi bật với hình ảnh lân con — chi tiết làm dấy lên giả thuyết rằng đây là mộ phần của Lê Văn Duyệt. Bao quanh là bức tường đá ong dày dặn, dẫn lối ra khu vực sân đốt nhang nơi người dân thường lui tới hương khói.
Thượng Công Linh Miếu, khu vực miếu thờ trung tâm trong quần thể lăng Ông, là không gian mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc thờ tự thời Nguyễn. Miếu được chia thành ba gian chính — tiền điện, trung điện, chánh điện — được kết nối với nhau qua những khoảng sân lộ thiên.
Tiền điện, nơi tiếp đón khách thập phương, được bố cục theo kiểu nhà ba gian truyền thống, dựng bằng các cột gỗ lớn, bao gồm 4 cột cái và 12 cột biên.
Trung điện, nối liền Tiền điện qua một sân lộ thiên lát đá, là khu vực thờ bài vị và hình thờ của Tả quân Lê Văn Duyệt. Gian này được bài trí trang trọng với các bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng. Đây cũng là nơi người dân thường đến cầu nguyện, dâng lễ và gửi gắm lòng thành kính. Các trụ gỗ được chạm khắc tỉ mỉ với hoa văn dây leo, mây trời và các hình tượng quen thuộc trong văn hóa Việt như cá chép hóa rồng.
Chánh điện, gian cuối cùng và cũng là nơi linh thiêng nhất, là nơi đặt tượng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt bằng đồng. Trên mái Chánh điện, các đầu đao uốn cong mềm mại, trang trí bằng hình ảnh lưỡng long chầu nguyệt, hoa sen, hoa mẫu đơn để biểu tượng cho sự cao quý, trường tồn.
Dọc hai bên miếu là hai dãy nhà Đông lang và Tây lang đối xứng nhau, vừa đóng vai trò kiến trúc bổ trợ, vừa là không gian phục vụ các hoạt động tín ngưỡng khác nhau. Những cánh cửa gỗ lim được chạm trổ công phu cùng các bức vách trang trí họa tiết hoa lá, chim muông làm nổi bật sự tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Đồng thời, mái miếu còn được lợp ngói âm dương đỏ rực, uốn cong mềm mại ở đầu hồi, tạo thành những đầu đao mang dáng dấp của nghệ thuật cung đình Huế.
Không gian tại miếu thờ tuy mang nét uy nghiêm của một di tích lịch sử, những vẫn toát lên vẻ bình dị qua những chi tiết gần gũi với văn hóa Nam Bộ. Từ bậc thềm đá mòn dấu chân thời gian đến những bức tranh khảm hình trái măng cụt, con gà, con cua, tất cả đều phản ánh một phần đời sống người dân Sài Gòn–Gia Định xưa.
Hàng năm, vào dịp lễ Tả Quân (30/7 âm lịch) và ngày giỗ Lê Văn Duyệt (2/8 âm lịch), lăng trở thành nơi tổ chức các nghi thức cúng bái long trọng, thu hút đông đảo người dân từ khắp nơi đến dâng hương, cầu bình an và bày tỏ lòng biết ơn.
Bên cạnh đó, vào những ngày thường, lăng vẫn là điểm đến của những người yêu mến lịch sử và kiến trúc. Một số gia đình cũng thường xuyên lui tới để xin xăm hay đơn giản chỉ để tìm kiếm một khoảng lặng giữa thành phố náo nhiệt. Những tán cây cổ thụ tỏa bóng mát, xen lẫn không gian lặng lẽ của các bức tường rêu phong, biến nơi đây thành một góc tĩnh lặng mà hiếm nơi nào ở Sài Gòn còn giữ được.