Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Câu chuyện đằng sau các trạm biến áp kiểu Pháp ở Sài Gòn

Câu chuyện đằng sau các trạm biến áp kiểu Pháp ở Sài Gòn

Len lỏi giữa phố phường hiện đại, những trạm biến áp với tuổi đời hàng chục năm là nhân chứng cho một thời kỳ lịch sử được ghi khắc bởi di sản phức tạp của chế độ thực dân Pháp.

Khi nhắc đến ảnh hưởng của người Pháp trong quá trình phát triển cơ sở vật chất tại Sài Gòn, người ta thường nghĩ ngay đến những dự án như hệ thống xe lửa, cầu đường, và các công trình kiến trúc thuộc địa mang tính biểu tượng.

Thế nhưng, một khía cạnh ít được nhắc đến chính là mạng lưới điện lực — một phần thiết yếu trong quá trình chuyển đổi vùng đất từ một đồn điền nhỏ bé thành “hòn ngọc Viễn Đông.” Vai trò then chốt trong sự chuyển đổi này có lẽ thuộc về Công ty CEE (Compagnie des Eaux et Électricité), đơn vị đã xây dựng nên các trạm biến áp góp phần cung cấp nguồn điện ổn định, phủ rộng khắp Sài Gòn cũng như khu vực lân cận.

Trạm biến áp điện CEE từ thời Pháp thuộc tại ngã tư Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng.

Điện lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Dương vào thập niên 1870 khi mạng lưới điện tín được thiết lập. Lúc bấy giờ, chính quyền thực dân đã hoàn thành việc chiếm đóng Sài Gòn, nhưng chưa tiến hành xây dựng thêm cơ sở hạ tầng nên thành phố về đêm vẫn còn rất tối tăm, việc chiếu sáng đường phố phải phụ thuộc vào hàng trăm cột đèn được thắp bằng dầu dừa và dầu hỏa.

Các đề xuất thiếp lập hệ thống đèn điện gặp nhiều khó khăn, một phần vì các thách thức kỹ thuật như tình trạng ăn mòn thiết bị trong khí hậu ẩm ướt, một phần vì những quan ngại về khoảng kinh phí khổng lồ phải bỏ ra để phát triển một thứ tiện nghi mà ngay cả các viên chức người Pháp cũng xem là xa xỉ.

Dẫu vậy, sau nhiều tranh cãi, Hội đồng thành phố Sài Gòn đã biểu quyết thử nghiệm đèn điện vào năm 1889. Société d’Électricité de Saigon (SEVS) — Công ty Điện lực Sài Gòn — đã được thành lập để quản lý nhà máy điện đầu tiên của thành phố trên đường Paul Blanchy, nay là đường Hai Bà Trưng, ở vị trí phía sau nhà hát Bến Thành.

Nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn. Nguồn ảnh: historicvietnam.

Trong hai thập kỷ đầu, chỉ có những khu vực hành chính và các đại lộ như Norodom (Lê Duẩn), Blancsubé (Phạm Ngọc Thạch), hay Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), v.v. mới được ưu tiên vì nguồn cung còn vô cùng hạn chế. Tuy vậy, cùng với sự phát triển của dân số và hệ thống tàu điện, nhu cầu cho một hệ thống điện công cộng hoàn chỉnh, hiện đại hơn ngày càng hiện rõ.

Đến đầu thế kỷ 20, một công ty mới, Compagnie des Eaux et Électricité (Công ty Điện nước), viết tắt là CEE, được thành lập. Lấy trụ sở tại Paris với số vốn đầu tư lên đến 2.5 triệu franc, CEE mang nhiệm vụ xây dựng hệ thống nước và điện cho Sài Gòn, Chợ Lớn và Phnom Penh nhằm đẩy mạnh công cuộc “văn minh hóa” của thực dân Pháp tại các thuộc địa Đông Dương. Đến năm 1906, khi đã vững vàng về tài chính nhờ nguồn thu từ các dịch vụ nước và điện, CEE tiếp tục củng cố vị thế của mình bằng việc thâu tóm các đối thủ như SEVS và nắm quyền kiểm soát hệ thống điện của Sài Gòn.

Trụ sở CEE tại số 72 Hai Bà Trưng vào thập niên 1950. Nguồn ảnh: historicvietnam.

Thời kỳ này được đánh dấu bởi quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đòi hỏi việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng các nhu cầu tiêu thụ điện dân dụng lẫn công nghiệp. Do đó, Toàn quyền Albert Sarraut đã giới thiệu một khung pháp lý nhằm tiêu chuẩn hóa việc phân phối điện và quản lý điện. Từ đó, CEE bắt đầu cung cấp điện cho khách hàng tư nhân để mở rộng mạng lưới của mình. Tháng 1/1912 đánh dấu một cột mốc quan trọng hơn nữa khi nhà máy trung tâm Chợ Quán khánh thành, mở đầu cho một hệ thống điện tích hợp kết nối Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng xung quanh.

Đến giữa thập niên 1920, một dự án nâng cấp lớn đã được triển khai, lấy trọng tâm là việc xây dựng mạng lưới điện cao thế tại Chợ Lớn. Nguồn điện cao thế sẽ được kết nối với các trụ điểm quan trọng qua các trạm biến áp, nhằm phục vụ những địa điểm như Dinh thống đốc, nhà hát thành phố và tòa thị chính, cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu như các trạm bơm nước ở Phú Thọ và Tân Sơn Nhứt.

Một số trạm biến áp có logo CEE và năm xây dựng khắc nổi. Trạm tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, cạnh Nhà hát thành phố.

Đường Cách Mạng Tháng 8.

Đường Nguyễn Du.

Đường Lý Chính Thắng.

Đường Nguyễn Cư Trinh.

Đường Trần Hưng Đạo.

Thông qua các trạm biến áp này, nguồn điện có thể được phân phối một cách tối ưu hơn, còn các khu vực có nhu cầu cao thì luôn có điện năng ổn định. Và quả vậy, việc lưu hành điện bằng hệ thống tập trung này đã giúp CEE loại bỏ những cơ sở hạ tầng cũ và tiết kiệm đáng kể chi phí. Công suất cung cấp điện đã được tăng lên đến 50% sau khi các nhà máy và các trạm biến áp đi vào hoạt động trong những năm tiếp theo.

Việc điện năng phủ rộng khắp thành phố được người Pháp lẫn người Việt đánh giá cao nhờ cải thiện chất lượng cuộc sống, từ chiếu sáng đường phố đến lưu thông không khí và làm mát các tòa nhà: “Điện năng mang đến cho người da trắng vô số tiện nghi quý giá…; nó rất được trân trọng tại các thành phố bởi người dân bản địa, và thậm chí còn được người Hoa coi trọng hơn nữa,” một tài liệu của CEE ghi chép. Trong khi ấy, tác giả Nguyễn Liên Phong khen ngợi hệ thống đèn điện trên đường Catinat qua những dòng thơ: “Phong lưu cách điệu ai bằng. Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa.”

Sau khi thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1955, công ty CEE tiếp tục hoạt động tại miền Nam dựa trên khế ước với chính quyền địa phương cho đến năm 1967. Sau cột mốc này, mọi cơ sơ hạ tầng cũng như hoạt động kinh doanh đều được giao lại cho công ty Sài Gòn Ðiện Lực.

Dẫu vậy, vượt qua mong đợi của những người đã đặt nền móng cho chúng, rất nhiều trong số các trạm biến áp cũ của CEE vẫn còn hoạt động bền bỉ cho đến ngày nay. Dù ẩn sau những hình vẽ graffiti, lớp sơn bong tróc, hay che bóng bởi những hàng cây, chúng vẫn đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng xã hội và kinh tế cho Sài Gòn, và có lẽ sẽ còn tiếp tục cung cấp điện năng phục vụ người dân Sài Gòn trong những thập kỷ sắp tới.

Cùng Saigoneer xem thêm những di tích đặc biệt giữa lòng thành phố qua chùm ảnh sau đây:

Đường Cống Quỳnh.

Đường Lý Tự Trọng.

Đường Phan Liêm.

Đường Pasteur.

Đường Trần Hưng Đạo.

Đường Nguyễn Huệ.

Đường Trần Hưng Đạo.

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đường Hồ Hảo Hớn.

Đường Trần Hưng Đạo

Đường Nguyễn Văn Trỗi.

Các trạm biến áp xây dựng sau năm 1968 được khắc các ký tự SĐL, viết tắt cho Sở Điện Lực. Đường Nguyễn Trãi.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Cuộc sống dưới ách thực dân Pháp qua góc nhìn hội họa

Nghệ thuật và đạo đức: liệu chúng ta có thể tách rời hai khía cạnh này khi phân tích các tác phẩm về thời kỳ thuộc địa?

in Di Sản

Dấu ấn Sài Gòn-Gia Định qua di tích lăng miếu Tả Văn Duyệt ở Bình Thạnh

Giữa lòng quận Bình Thạnh sầm uất, nơi giao nhau của hai con đường Đinh Tiên Hoàng và Phan Đăng Lưu, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vẫn đứng lặng lẽ, giữ nguyên nét uy nghi và cổ kính giữa dòng chảy thời g...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Chuyện về Marie đệ nhất, tên gian hùng trở thành 'quốc vương' Tây Nguyên

Lịch sử thế giới ghi nhận không ít câu chuyện về những đức vua Tây Âu với vương triều ngắn ngủi ở Đông Á. Ta có thể kể đến James Brooke, quốc vương (rajah) da trắng đầu tiên của Ấn Độ — người đã ...

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...