Sài·gòn·eer

Back Di Sản » 5 công trình thể hiện bản sắc của kiến trúc hiện đại Việt Nam

5 công trình thể hiện bản sắc của kiến trúc hiện đại Việt Nam

Dạo quanh bất kỳ con phố nào ở trung tâm Sài Gòn, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự hòa trộn thú vị của các phong cách kiến trúc. Những tòa nhà chọc trời theo phong cách quốc tế, mang vẻ đẹp hiện đại nhưng có thể đơn điệu, xen kẽ giữa các ngôi chùa Phật giáo thanh tịnh, và biệt thự cổ màu vàng từ thời thuộc địa nằm nép mình giữa biển nhà ống san sát. Giữa bức tranh kiến trúc đa dạng ấy, mặt tiền xám của các công trình phong cách hiện đại Việt Nam dường như bị chìm khuất trong nhịp sống hối hả của đô thị.

Giai đoạn từ những năm 1940 đến 1970 được đánh giá là thời kỳ vàng son của kiến trúc hiện đại (modernism) Việt Nam — một phiên bản độc đáo của trào lưu kiến trúc hiện đại thế giới thịnh hành vào giữa thế kỷ 20. Phong trào này được dẫn dắt bởi các kiến trúc sư tiêu biểu như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Quang Nhạc, Nguyễn Văn Hoa và Phạm Văn Thâng, những cái tên đã tạo nên các công trình biểu tượng của thành phố.

Cùng với sự sụp đổ của những tàn dư từ chế độ thực dân, người dân Việt Nam thời ấy ngày càng mong muốn xây dựng một xã hội mới trên nền độc lập, với niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn. Kiến trúc sư Mel Schenck cho rằng: “Các kiến trúc sư Việt Nam đã bỏ qua hoàn toàn kiến trúc tân cổ điển và Art Deco của người Pháp để hướng tới trường phái hiện đại, vì phong cách này thể hiện sự tự chủ và khát vọng trở thành một quốc gia hiện đại trong bối cảnh công nghiệp hóa.”

Qua thời gian, sự xuất hiện của nhiều công trình hiện đại, từ khu dân cư, cơ quan nhà nước đến các cửa hàng, đã tạo nên một “từ điển” kiến trúc địa phương vẫn được vận dụng trong các dự án ngày nay. Sau đây là năm công trình nổi bật, nơi phong cách và công năng được kết hợp hài hòa để phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam.

1. Tòa nhà V.A.R | 9 Nguyễn Công Trứ, Quận 1

Ảnh: Alberto Prieto.

Hoàn thành vào năm 1973 bởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm, tòa nhà V.A.R là minh chứng tiêu biểu cho phong cách hiện đại giữa thế kỷ 20, phản ánh cả sức sáng tạo hậu thuộc địa và khát vọng độc lập văn hóa của Việt Nam.

Lê Văn Lắm là một trong những người tiên phong của phong trào hiện đại nhiệt đới, với các thiết kế khéo léo ứng phó với khí hậu nóng ẩm. Cấu trúc mặt tiền hai lớp là đặc trưng nổi bật trong các công trình của ông.

Tọa lạc tại góc đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Công Trứ, mặt tiền hai lớp “linh hoạt” của tòa nhà V.A.R nổi bật nhờ công năng thông minh cùng kết cấu và hoa văn độc đáo. Dù không gian hạn chế, kiến trúc sư Lắm vẫn chọn thiết kế này để tăng hiệu quả làm mát, biến công trình thành một hình mẫu lý tưởng, minh họa cách kiến trúc hiện đại có thể thích ứng với nhu cầu khí hậu và đô thị Việt Nam.

Ảnh: Alberto Prieto.

Đọc bài viết của Saigoneer về tòa nhà V.A.R tại đây.

2. Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM | 69 Lý Tự Trọng, Quận 1

Ảnh: Kate Tipler.

Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM, với diện tích khoảng 7.000 mét vuông, là một ví dụ tiêu biểu khác của kiến trúc hiện đại miền Nam cuối thế kỷ 20. Khu đất này từng là xưởng đúc tiền vào thế kỷ 19, sau đó trở thành nhà tù thuộc địa và trường đại học, cho đến khi thư viện được xây dựng từ năm 1968 đến 1971 bởi kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện và Bùi Quang Hanh, với cố vấn kỹ thuật từ Lê Văn Lắm.

Mặt tiền của thư viện mang cảm hứng từ thiết kế phương Đông, với các họa tiết trang trí như chữ Thọ, chữ Vạn cách điệu. Công trình còn tích hợp các biểu tượng như rồng và phượng — linh vật tượng trưng cho sự hòa hợp, thành công và năng lượng tích cực. Thư viện cũng áp dụng thiết kế mặt tiền hai lớp nhằm giảm tác động nhiệt từ bên ngoài, đồng thời tạo bóng mát cho người đọc, giúp họ tránh được cái nóng và mưa bất chợt.

Ảnh: Lee Starnes.

3. Đài phát thanh V.O.H  | 3 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1

Ảnh: Alberto Prieto.

Thiết kế năm 1969 bởi Lê Văn Lắm, Đài phát thanh V.O.H thể hiện rõ sự am hiểu và tầm nhìn siêu việt của vị kiến trúc sư về kiến trúc hiện đại. Công trình khởi công trước năm 1975, nhưng chỉ được hoàn thiện sau nhiều năm điều chỉnh.

Để đáp ứng khí hậu nhiệt đới Việt Nam, KTS Lắm đã khéo léo chia thiết kế tòa nhà thành ba phần chính: tầng trệt với mái hiên rộng để phục vụ mực độ lưu thông cao, ba tầng giữa được bọc những “bức rèm” bê tông, gọi là brise-soleil, để thông gió và giảm nhiệt, cùng phần mái cao để tránh tích nhiệt và thoát nước nhanh. Giải pháp thiết kế thụ động này không chỉ mang lại không gian thoải mái và tiết kiệm chi phí mà còn tôn lên vẻ thanh thoát độc đáo của kiến trúc hiện đại Việt Nam — được biểu đạt mềm mại và nhân văn hơn.

4. Dinh Độc Lập | Phường Bến Nghé, Quận 1

Nguồn ảnh: CreateTravel.tv qua Unsplash.

Ở đầu phía Tây đại lộ Lê Duẩn, vị trí của công trình kiến trúc biểu tượng này từng là nơi tọa lạc của Dinh Norodom – dinh thự của Toàn quyền Pháp. Sau khi Dinh Norodom bị phá bỏ vào tháng 5 năm 1962, công trình mới đã được khởi công xây dựng ngay trong tháng 7 cùng năm và hoàn thành vào năm 1966. Công trình là kiệt tác của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đầu tiên mang về cho Việt Nam giải thưởng Grand Prix de Rome danh giá năm 1955. Ông đã kết hợp hài hòa kiến trúc hiện đại và truyền thống Á Đông bằng cách lồng ghép các chữ Hán mang ý nghĩa “cát tường” vào tổng thể thiết kế. Hình khối của dinh thự cũng thay đổi, thể hiện những ký tự khác nhau tùy theo góc nhìn.

Nguồn ảnh: Rowan Heuvel qua Unsplash.

Mặt tiền của dinh được lấy cảm hứng từ hình ảnh cây tre, với bề mặt bê tông trắng tạo hiệu ứng độc đáo dưới ánh sáng. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế đã thiết kế phần brise-soleil hai tầng với những chi tiết bê tông đứng như thân tre, tạo thành một “tầm rèm đá” với chín khe hở hình lá, gợi nhớ đến những tấm mành tre truyền thống trong nhà Việt.

5. Bệnh viện Thống Nhất | 1 Lý Thường Kiệt, Quận Tân Bình

Tọa lạc trên khu đất rộng 3 ha tại ngã tư Bảy Hiền, bệnh viện Thống Nhất trước đây từng có tên là Bệnh viện Vì Dân, được xây dựng bởi chính quyền cũ. Trước năm 1954, nơi đây là một căn cứ quân sự. Thiết kế của bệnh viện được thực hiện bởi kiến trúc sư Trần Đình Quyền, người được mệnh danh là “cha đẻ của các bệnh viện” tại Sài Gòn.

Ảnh: Lee Starnes.

Sinh năm 1932 tại Huế, Trần Đình Quyền từng theo học y khoa ở Sài Gòn nhưng bỏ dở vì sợ môn giải phẫu. Sau đó, ông chuyển sang ngành kiến trúc và tốt nghiệp năm 1960. Nhờ học bổng của UNICEF, ông có cơ hội học tập về thiết kế bệnh viện tại Đại học Columbia (Mỹ) trong hai năm. Trải nghiệm này đã ảnh hưởng lớn đến cách ông phát triển ý tưởng cho bệnh viện Thống Nhất.

Thay vì tuân theo lối thiết kế phân mảnh thường thấy ở các bệnh viện kiểu Pháp — với các khu vực điều trị tách biệt và kết nối bằng hành lang có mái che, ông áp dụng mô hình tập trung của Mỹ, đưa các dịch vụ y tế vào gần nhau trong một khối nhà duy nhất để tối ưu hóa việc chăm sóc bệnh nhân. Tuy vậy, ông không hoàn toàn sao chép mô hình khép kín của Mỹ với hệ thống điều hòa trung tâm mà đã điều chỉnh để phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Các khối nhà được tách biệt nhưng vẫn liên thông, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và thông gió. Những chi tiết như brise-soleil và không gian mở giúp giảm nhiệt và cải thiện lưu thông không khí, giúp bệnh viện tiết kiệm năng lượng và thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết địa phương.

Bài viết liên quan

in Kiến Trúc

Đài phát thanh V.O.H, công trình kiến trúc gạch nối lịch sử

Giữa thế kỉ 20, miền Nam Việt Nam đã là một trong những trung tâm kiến trúc hiện đại trên thế giới. Và cụ thể, Sài Gòn vào thời điểm đó là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn trong khu vực với nhiều cơ...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Ao Ta

Đi dzòng dzòng Sài Gòn để thấy di sản kiến trúc hiện đại thành phố độc đáo ra sao

Để có thể mạnh dạn chê một công trình là lộn xộn hay thầm hiểu một toà nhà là đẹp hay xấu, một người sẽ cần có một nền tảng kiến trúc vững chắc; mà tôi thì không hề có. Cho tới tận vài tuần trước, tôi...

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...