Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Kiến Trúc » Đài phát thanh V.O.H, công trình kiến trúc gạch nối lịch sử

Giữa thế kỉ 20, miền Nam Việt Nam đã là một trong những trung tâm kiến trúc hiện đại trên thế giới. Và cụ thể, Sài Gòn vào thời điểm đó là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn trong khu vực với nhiều cơ sở của chính phủ đã được đầu tư thiết kế theo thể loại kiến trúc hiện đại — modernist architecture. Đây là những công trình được thiết kế với trọng tâm về thẩm mỹ và tạo hình, quy hoạch sau này sẽ vươn mình vào thời đại mới sau khi giành lại nền độc lập.

Một trong những công trình như vậy là tòa nhà của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nằm tại số 3 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh — được xây dựng và hoàn thành qua hai thời đại như một dấu gạch nối lịch sử. 

Tòa nhà V.O.H, số 3 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM. Kiến trúc sư Lê Văn Lắm thiết kế năm 1969.

Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư (KTS), đô thị gia Lê Văn Lắm vào năm 1969. Có thể nói, trong giai đoạn sau thời kỳ thuộc địa, ông là một người có những đóng góp to lớn trong quá trình định hình nền kiến trúc mới của Việt Nam, đã thực hiện và góp mặt trong nhiều dự án quan trọng của miền Nam vào thời gian này — cụ thể như tòa nhà V.A.R với lớp lam che nắng phức tạp và kì ảo trên đường Hồ Tùng Mậu. Ông còn làm cố vấn cho dự án Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, thiết kế bởi kiến trúc sư Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện.

Ông cũng là người lập ra nhiều đồ án quy hoạch cho các thành phố mới thời bấy giờ. Trong công cuộc chuyển mình đầy năng lượng của một giai đoạn mới, ông đã phân tích và trình bày các yếu điểm trong việc kiến thiết ở Sài Gòn vào năm 1962. KTS Lê Văn Lắm cũng đã có một bài thuyết trình tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Sài Gòn — Centre Culturel Français — vào năm 1963 về những vấn đề đô thị lớn của thành phố Paris.

Một trong những tác phẩm quan trọng ở Sài Gòn của Lê Văn Lắm là tòa Nhà Vô Tuyến Truyền Thanh, nay là trụ sở của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (V.O.H - the Voice of Ho Chi Minh City People). Tòa nhà V.O.H được thiết kế vào năm 1969, nhưng lại không được hoàn thành trước năm 1975, và phải mất vài năm sau đó mới được hoàn thành do sửa chữa và tiếp tục xây dựng. Thiết kế của hoa gió cũng đã được chỉnh sửa vì sự thay đổi trong cách thức thi công. 

Mặc dù thời kì phát triển rực rỡ của kiến trúc hiện đại ở miền Nam Việt Nam diễn ra trong quãng thời gian đất nước bị chia cắt, nhưng đồ án này của kiến trúc sư Lê Văn Lắm lại được hoàn thành sau quãng thời gian đó. Vì vậy có thể nói tòa nhà V.O.H là một công trình với lịch sử đầy gai góc, vượt qua những chuyển biến lớn của lịch sử. Đồng thời, tòa nhà số 3 Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm kiến trúc xuất sắc, cho thấy những khác biệt của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam so với chủ nghĩa hiện đại thế giới.

Điểm khác biệt đầu tiên đó là thiết kế để tâm sâu sắc đến điều kiện khí hậu. Trước điều kiện lượng mưa lớn, độ ẩm cao và bức xạ nhiệt dồi dào, bố cục tòa nhà V.O.H được chia làm ba phần: phần đầu tiên là tầng trệt với mái đua và hàng hiên trước nơi có tần suất giao thông cao; tiếp đó là ba tầng làm việc ở giữa được bọc quanh bởi một lớp hoa gió (brise-soleil) đẩy lùi không gian sử dụng vào trong, giảm bức xạ và tăng cường thông gió; phần cấu trúc thứ 3 là phần mái đua trên đỉnh được nhấc cao để giảm lượng nhiệt tích tụ trên mái và hạn chế mưa hắt. Đây là một lối tổ chức tài tình, điển hình cho các biện pháp thiết kế bị động, gắn chặt công trình vào hoàn cảnh vi khí hậu để đem lại sự thoải mái, tiện nghi với chi phí thấp nhất. Kiến trúc hiện đại Việt Nam do vậy mà trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng và ít mang tính đe doạ hơn các dòng kiến trúc hiện đại khác trên thế giới nhờ vào sự can thiệp vào thể tích và khoảng trống để tạo ra bóng đổ. 

Bố cục tòa nhà V.O.H. Kiến trúc sư Lê Văn Lắm thiết kế năm 1969.

Sự khác biệt thứ hai vô cùng quan trọng, quyết định bản sắc trong kiến trúc hiện đại — đó là sự tạo hình kiến trúc. Xuyên suốt công trình, trên bộ khung công năng là các tạo tác hình khối để làm nên các tác phẩm gần như thuần điêu khắc, cực kỳ trừu tượng. Từ bông hoa gió cho tới các dầm đưa ra đỡ lấy tấm mái được khắc giũa, các thành tố kiến trúc này dường như mang trong mình nhân tính hơn là một bộ phận đơn thuần của công trình. Không phải bằng hoạ tiết trang trí phù phiếm để áp đặt lên công trình, mà bằng sự diễn dịch trực tiếp từ một linh cảm thẩm mỹ, tác phẩm như ghi chép lại cuộc nói chuyện giữa kiến trúc sư và trực giác của chính mình.

Thiết kế trừu tượng trong thiết kế tòa nhà.

Chưa kể đến là sự kiểm soát thuần thục bóng đổ. Các khoảng hút sâu vào trong công trình đã hình thành nên những mảng bóng đổ thật đậm và đặc. Mặc dù bóng một "vật liệu" phi vật chất, nhưng người xem có thể cảm thấy được nó như một thành tố được nhào nặn và cài cắm trên công trình. Ngoài ra, công trình còn toát lên sự khéo léo trong thiết kế chi tiết để giấu đi các điểm liên kết kết cấu, nhờ đó đã tạo ra một hiệu ứng — gần như là một ảo giác — rằng các mảng kiến trúc đang neo là là trong không trung.

Tác phẩm này không chỉ là kết quả của một bài toán công năng của chủ nghĩa hiện đại, mà nó còn là kết quả của tính thẩm mỹ tinh tường trong hiệu quả thị giác mà kiến trúc có thể mang lại. Trực giác về bóng đổ hay sự lơ lửng của kiến trúc trong không trung là những đặc tính được khai thác mạnh mẽ trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, đặc biệt là trong công trình này. 

Công trình V.O.H là một minh chứng cho tính đồng nhất giữa kiến trúc và văn hóa, không thể bị phá vỡ dù nằm trong dòng chảy xoay mình của thời đại. Tác phẩm là một tuyên ngôn dõng dạc cho một bản sắc, khẳng định một nền văn hóa tự chủ. 

Bài viết liên quan

in Di Sản

5 công trình thể hiện bản sắc của kiến trúc hiện đại Việt Nam

Dạo quanh bất kỳ con phố nào ở trung tâm Sài Gòn, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp sự hòa trộn thú vị của các phong cách kiến trúc. Những tòa nhà chọc trời theo phong cách quốc tế, mang vẻ đẹp hiện đại nhưng có...

in Ao Ta

Đi dzòng dzòng Sài Gòn để thấy di sản kiến trúc hiện đại thành phố độc đáo ra sao

Để có thể mạnh dạn chê một công trình là lộn xộn hay thầm hiểu một toà nhà là đẹp hay xấu, một người sẽ cần có một nền tảng kiến trúc vững chắc; mà tôi thì không hề có. Cho tới tận vài tuần trước, tôi...

Khôi Phạm

in Văn Chương

5 tựa sách bỏ túi cho bạn đọc yêu di sản văn hóa Việt Nam

    Trên hành trình thực hiện nội dung cho chuyên trang, Saigoneer đã may mắn được gặp gỡ nhiều cá nhân cùng chia sẻ “duyên nợ” và tình yêu với công cuộc khám phá Việt Nam. Bằng đam mê v...

in Kiến Trúc

Bóng đổ — mảnh ghép đầy thẩm mỹ trong 'bộ gen' kiến trúc hiện đại Sài Gòn

Từ giữa thế kỷ 20, kiến trúc của người Việt đã bắt đầu được làm từ vật liệu công nghiệp như bê tông, thép, kính, v.v. Đây là một trong những yếu tố đưa kiến trúc Việt Nam trở thành kiến trúc hiện đại ...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.