Cách đây không lâu, đã từng có những “sinh vật” khổng lồ lướt trên vùng biển giữa Sài Gòn và Vũng Tàu. Và giống như loài khủng long thời tiền sử, chúng dần dần biến mất, chỉ có những bộ xương là còn sót lại đến ngày nay.
Vào thập niên 1990, thời kỳ suy thoái của Liên bang Xô Viết, những chiếc tàu mang biệt hiệu “Design 352” bắt đầu xuất xưởng từ nhà máy đóng tàu Moyre, thuộc Feodosiya, Xô viết. Với mục đích chính là để di chuyển trên con sông hồ, mẫu tàu này được đặt biệt danh là “Voskhod” (bình minh) — hay còn được biết đến ở ở Việt Nam với cái tên “tàu cánh ngầm.”
Ở giai đoạn sơ khai, Voskhod chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại đường biển. Đến năm 1995, có ít nhất 21 tàu cánh ngầm được nhập khẩu vào Việt Nam và khai thác ở nhiều tỉnh thành, bao gồm cả Cát Bà và Hải Phòng, nhưng phần lớn là ở các tỉnh miền Nam.
Vào thời kỳ cao điểm, mỗi năm tàu chở khoảng 500.000 khách giữa Sài Gòn và Vũng Tàu, khởi hành từ điểm giao giữa sông Sài Gòn gặp Biển Đông. Mỗi vé có giá khoảng 200.000VND.
Tuy vậy, vì cầu đường được xây dựng ngày càng nhiều và chất lượng tàu Voskhod cũng ngày càng xuống cấp, số lượng tàu hoạt động dần suy giảm. Đến năm 2014, tàu thường xuyên gặp vấn đề hỏng hóc ngay khi đang chạy, nguy cơ tai nạn ngày càng cao.
Sau nhiều sự có khiến tàu phải tạm dừng hoạt động, bao gồm một vụ cháy lớn vào tháng 1/2014, tàu Voskhod bị đình chỉ hoạt động. Đến tháng 12/2016, vòng đời của những con tàu già cỗi chính thức khép lại khi các cơ quan chức năng quyết định không gia hạn giấy phép hoạt động.
Từ đó những phương tiện khác dần xuất hiện để thay thế tàu cánh ngầm. Từ 2017, thủy lộ Sài Gòn-Vũng Tàu đã có những loại tàu khác nhau như tàu cao tốc catamaran để phục vụ nhu cầu của du khách.
Tàn tích của những chiếc Voskhod vẫn còn sót lại đâu đó ở xưởng cạn quanh Sài Gòn. Vào những năm đầu thập niên 2010, khi đi trên cầu Sài Gòn hướng Bình Thạnh về Quận 2, dân Sài Gòn dễ dàng trông thấy một xác tàu tàn tã dưới sông. Xác tàu này cũng được dời đi cuối năm 2018, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của tàu Voskhod ở Sài Gòn.
Những phương tiện hiện tại an toàn và chắc chắn hơn, nhưng mất đi tính kỳ thú và hấp dẫn của những đứa con Liên Xô cũ. Cho dù bạn đã từng hay chưa bao giờ được đi tàu cánh ngầm, hãy xem video dưới đây, được trang Rusty Compass dựng khoảng bảy năm trước, để phần nào trải nghiệm cảm giác lướt trên mặt biển với những con tàu này: