Cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35km, An Thạch là một vùng quê yên bình thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nơi có dòng sông Kỳ Lộ vắt mình chảy ngang qua. Giữa vườn tược và ruộng đồng của xóm nhỏ ven sông, một nhà thờ cổ uy nghi đã sừng sững trầm tư ở đó hơn 120 năm, chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của vùng đất. Đó là nhà thờ Mằng Lăng, nơi các đạo hữu Công giáo hành hương về mỗi dịp Thánh lễ kỷ niệm Chân phước Anrê Phú Yên.
Ngược dòng thời gian trở về hơn 100 năm trước, An Thạch là một vùng đất hoang vu, bao phủ bởi rừng rậm với rất nhiều cây thân gỗ, lá hình bầu dục, trổ hoa màu tím hồng gọi là mằng lăng. Người dân trong vùng thấy thế mà đặt tên cho nhà thờ Mằng Lăng theo tên của loài cây phổ biến thuở ấy. Đến nay, An Thạch không còn vết tích của loài cây cổ xưa này, nhưng nó đã gắn liền vĩnh viễn trong tên của di tích hơn một thế kỷ.
Theo ghi chép giới thiệu tại nhà thờ, nhà thờ Mằng Lăng được khởi công xây dựng năm 1892 bởi linh mục người Pháp Joseph de La Cassagne, hay còn được người dân gọi là cha Cổ Xuân. Phải mất 15 năm kể từ khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống, nhà thờ mới thành hình và đi vào hoạt động. Cha Cổ Xuân cũng là linh mục chánh xứ đầu tiên của giáo xứ Mằng Lăng. Hiện trong nền nhà thánh đường, một bia đá vẫn khắc tên ông và lịch sử vắn tắt của công trình bằng tiếng Pháp.
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong giai đoạn niềm tin Công giáo có điều kiện để lan rộng hơn trên lãnh thổ Đại Nam, khi chính sách cấm truyền đạo và bài trừ giáo dân của triều đình trở nên ít gây gắt hơn. Trong sách Nhà thờ Công giáo Việt Nam, tác giả Nguyễn Hồng Dương viết: “Thời kỳ này mở đầu bằng Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862) của nhà Nguyễn, trong đó có nội dung nhà Nguyễn bỏ lệnh cấm đạo. Đáng chú ý là năm 1869, vua Tự Đức ra hai sắc dụ, mà một trong hai sắc dụ đó cho phép người Công giáo tụ họp thành những làng riêng biệt, được có lý trưởng người Công giáo.”
Nằm trên khuôn viên rộng 5.000 m2, nhà thờ Mằng Lăng được bao quanh bởi vườn cây xanh mát. Dưới những tán lá, khoảng sân rộng thênh thang hứng trọn bóng đổ của công trình cao lớn. Những hàng ghế đá lặng im, nằm thẳng hàng tăm tắp.
Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng theo phong cách gothic, phong cách kiến trúc đặc trưng của các thánh đường cũng như nhiều công trình dân dụng châu Âu. Kiến trúc gothic bắt nguồn từ Pháp, phát triển từ nửa sau thời Trung cổ ở Tây Âu và thịnh hành cho đến tận cuối thế kỷ 16. Đặc trưng của kiến trúc gothic là mái vòm uốn cong, rộng, cửa vòm nhọn, tường xây cao và nhiều cửa sổ. Tuy nhiên, sau hơn một thế kỷ, nhà thờ Mằng Lăng nay đã khoác lên mình lớp áo xám xịt, bạc màu. Càng đến gần, những dấu chân thời gian càng hiện rõ, in hằn trên những vết nứt, bong tróc trên vách tường.
Bên cạnh nhà thờ Mằng Lăng, nhiều nhà thờ công giáo được xây dựng hàng thế kỷ trước vẫn còn tồn tại đến này nay. So với những công trình gothic khác như Nhà thờ Lớn (Hà Nội), nhà thờ Đức Bà (TP. HCM), nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) thì nhà thờ Mằng Lăng có quy mô nhỏ hơn và kiến trúc cũng giản tiện phần nào. Sau nhiều lần trùng tu, một số phần của ngôi nhà thờ cổ nhất Phú Yên đã thay đổi so với phiên bản ban đầu. Tuy nhiên, đặc điểm kiến trúc gothic vẫn hiện diện rõ nét.
Bước qua cửa chính, không gian rộng lớn, nguy nga của thánh đường mở ra. Bầu không khí tĩnh mịch, trầm mặc, hơi thở trăm năm vọng lại trong từng bờ tường, vòm cửa. Sau khi bị phá hỏng trong trận bão lớn năm 1924, trần nhà của thánh đường được làm lại bằng gỗ phẳng, không còn là mái vòm cong, rộng, cao vút.
Lối đi giữa hai dãy ghế dẫn vào cung thánh trang nghiêm, nơi đặt tượng chúa, bàn thờ và thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Hai hàng cột hai bên cao vút, tạo thành những ô vòm nối tiếp nhau. Thánh đường cũng thông với hành lang hai bên bởi những cổng vòm mở, hứng trọn ánh sáng từ ngoài chiếu vào. Xung quanh, những ô cửa sổ màu sắc rực rỡ xếp thẳng hàng. Phía bên ngoài, hai dãy hành lang hun hút những cổng vòm búp măng nhọn.
Trang trí mỹ thuật của nhà thờ Mằng Lăng khá cầu kỳ, tỉ mỉ. Ở mặt trước nhà thờ, trên những vòm cửa, cột nhà, không khó để bắt gặp những hoa văn trang trí kiểu châu Âu, nhưng đan xen là điêu khắc chạm trổ thuần Việt trên những cánh cửa gỗ. Đây chính là sự giao thoa giữa đường nét châu Âu và phương Đông của nhà thờ Mằng Lăng.
Những dấu tích của thời gian
Trong khuôn viên nhà thờ, một quả đồi giả phủ cỏ xanh um, có cửa dẫn vào hang đá. Bước từ ngoài vào trong, những mảnh ghép quá khứ lưu giữ tại đây lần lượt được “vén màn.” Hang đá này là một bảo tàng thu nhỏ lưu trữ tư liệu, phù điêu, tranh ảnh về cuộc đời chân phước Anrê Phú Yên cùng với hình ảnh nhà thờ Mằng Lăng qua từng giai đoạn. Đặc biệt, nơi đây còn giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên.
Chân phước Anrê Phú Yên (sinh năm 1625) là người con sinh ra từ giáo xứ Mằng Lăng. Không ai biết tên thật của ông, chỉ biết sau khi được rửa tội năm 1941, ông được đặt tên là Anrê Phú Yên. Năm 1642, ông đã theo linh mục Alexandre de Rhodes ra Quảng Nam để học trường các thầy giảng, dù trẻ nhưng đã trở thành học viên xuất sắc nhất. Sống một đời vì đạo, Anrê Phú Yên tử đạo ngày 26/7/1644 tại Quảng Nam khi mới vừa tròn 19 tuổi. Ngày 5/3/2000, ông được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong thành bậc chân phước và được xem là vị thánh đầu tiên tử vì đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Cũng trong không gian này, nằm trang trọng trong một hộp kính là một cuốn sách giấy đã ố vàng. Đây là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày, là sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam do linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Ý. Linh mục Alexandre de Rhodes (1591-1660), người Pháp, là một nhà truyền giáo dòng Tên. Theo con đường phổ biến Công giáo ở Việt Nam, ông đã hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin.
Bìa cuốn sách ghi tựa bằng tiếng Latin là Cathechismvs in octo dies diuiſus, tên đầy đủ là Cathechismvs pro ijs, qui volunt ſuſcipere baptismvm in octo dies diuiſus (tiếng Việt trung đại: "Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chiụ phép rứa tọi, ma ꞗĕào đạo thánh đức Chúa blời”; tiếng Việt hiện đại: “Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội, mà vào đạo thánh Đức Chúa Trời”)
Phép giảng tám ngày có tổng cộng 319 trang, mỗi trang in thành hai cột được in song ngữ bằng tiếng Latinh và chữ quốc ngữ sơ khai. Không giống với cuốn từ điển Bồ Đào Nha trước đó của Anlexandre de Rhobes, quyển giáo lý Phép giảng tám ngày là sách văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, do đó, phản ánh văn ngữ và cách phát âm tiếng Việt thế kỷ 17.