Ngôi đình màu xanh ở Công viên Hòa Bình, Quận 5, từ lâu đã là một dấu mốc quen thuộc với người dân ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn.
Nằm ở Công viên Hòa Bình, nơi giao nhau của ba đại lộ Hùng Vương, Sư Vạn Hạnh, và Nguyễn Chí Thanh, giữa công viên là một ngôi đình bát giác (tám góc) hiện đang bị xuống cấp. Dù đã nhiều lần lướt qua hay thậm chí ghé chân vào nghỉ mát, không mấy ai biết rằng ngôi đình này được xây dựng trong một bối cảnh lịch sử đầy trắc trở, và chứa đựng bao ý nghĩa tinh thần quan trọng với những người dựng nên nó.
Sở hữu sắc xanh thẳm ấy chính là Đình Hòa Bình (tiếng Hán-Hàn: 平和亭, tiếng Hàn: 평화정), ngôi đình được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống của Hàn Quốc. Ban đầu, ngôi đình có ý nghĩa như một công trình tưởng niệm, thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc một thời.
Đình Hòa Bình được nhà sư và họa sĩ Lee Man-bong cùng năm người khác thiết kế và làm lễ động thổ vào ngày 8/2/1972. Lúc sinh thời, Lee Man-bong là một người có tiếng trong giới bảo tồn di sản ở Hàn Quốc, và Đình Hòa Bình cũng thể hiện sự tương đồng trong tư duy mỹ thuật với những tác phẩm khác của ông.
Công trình được khánh thành vào ngày 27/7/1972 ở Công viên Hùng Vương (vốn trước đó đặt theo Đại lộ Hùng Vương bên cạnh). Về sau, công viên được đổi tên thành Công viên Hòa Bình theo tên công trình này. Cái tên được lưu giữ từ đó đến nay.
Đình Hòa Bình là một ví dụ điển hình của Bát Giác Đình hay Palgagjeong, một mô-típ kiến trúc hay xuất trong các công trình dạng tưởng niệm tại Hàn Quốc. Du khách đến thăm xứ củ sâm có thể dễ dàng bắt gặp những thiết kế tương tự vẫn còn tồn tại trên khắp đất nước này.
Bên cạnh đó, trước khi bị phủ một màu xanh toàn diện như ngày nay, kiến trúc gốc của công trình từng có sự tô điểm của các hoa văn Dancheong (một loại họa tiết truyền thống của Hàn Quốc kết hợp sắc xanh đỏ).
Theo một số tài liệu tiếng Hàn, đình từng có tấm hoành phi quý giá nạm ba chữ “평화정“ (phiên âm Latin là Pyeong Hwa Jeong). Các ký tự là do tổng thống đương thời của Hàn Quốc, Park Chung-hee, đích thân thủ bút đề tặng. Đáng tiếc, bức hoành phi cũng đã bị gỡ bỏ và hoàn toàn mất tích.
Trong bức ảnh chụp năm 1972, khi Công viên Hòa Bình vừa được khánh thành, ta có thể thấy không gian nơi còn đầy đủ các công trình, trong đó có đài phun nước và biển hiệu của công viên. Năm 2017, sau khi Công viên Hòa Bình được trùng tu, thì trừ Đình Hòa Bình — Pyeong Hwa Jeong ra — các công trình còn lại đã bị thay thế hoặc dỡ bỏ.
Đô thị là những không gian liên tục thay đổi. Những lớp cư dân đến và đi, cùng với nó là sự biến mất của những dấu hiệu và biểu tượng. Một ngôi đình có vai trò tinh thần quan trọng nay mất đi ý nghĩa ban đầu và trở thành một điểm nghỉ chân đơn thuần. Điều này cho thấy tính biến động không ngừng nghỉ của đô thị, nơi những cửa hiệu, phố xá, tượng đài, danh tính và ký ức liên tục bị chồng lấp.
Việc khảo cổ những tầng lớp đó cho phép chúng ta nhận ra sự đa dạng của lịch sử. Và dù chỉ xuất hiện thoáng chốc trong một giai đoạn đầy nhiễu loạn, bằng chứng về sự hiện diện của binh lính Hàn Quốc vẫn tiếp tục tồn tại trong một lớp nghĩa mới: một nơi tụ hội và nghỉ ngơi.
Bài viết được thực hiện trong chương trình hợp tác nội dung giữa Saigoneer và Tản Mạn Kiến Trúc (TMKT), một dự án truyền thông độc lập về di sản đô thị Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về các nghiên cứu của TMKT qua trang Facebook chính thức của nhóm tại đây.