Cũng như học sinh thời hiện đại, các em nhỏ những năm 1930 đã có những tiết học mỹ thuật. Những bức tranh tĩnh vật chính là tư liệu quý để thế hệ hôm nay hiểu thêm về sinh hoạt của đồng bằng sông Cửu Long gần 100 năm trước.
Từ lâu, mỹ thuật đã được xem là môn học quan trọng trong việc định hình thẩm mỹ của học sinh, dù không phải ai cũng thích thú những tiết học này. Những bài học từ môn mỹ thuật không chỉ xoay quanh các phương thức ghi lại hình ảnh của những sự vật, sự kiện đáng nhớ trong cuộc sống, mà còn là bài học về cách cảm thụ nghệ thuật và trân trọng cuộc sống.
Bởi lẽ đó, chỉ ngắm nghía những bài tập vẽ của học sinh trường Tiểu học Bổn xứ Long Xuyên năm 1930 lưu trữ tại Bảo tàng Giáo dục Quốc gia Pháp, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự trân trọng các cô cậu học sinh thời đó dành cho văn hoá Việt Nam. Hãy cùng Saigoneer vặn ngược bánh xe thời gian bằng các tác phẩm từ các học sinh trường Tiểu học Bổn xứ Long Xuyên nhé.
Hạt Long Xuyên được thành lập trong những 1860 đến 1870. Năm 1900, Long Xuyên được chuyển lên đơn vị tỉnh với 3 đơn vị hành chính cấp quận: quận Châu Thành, quận Thốt Nốt và quận Chợ Mới. Năm 1917, Toàn quyền A. Sarraut ban hành bộ Học chánh tổng quy vào tháng 1/1917. Theo như nghị định này thì hạt Long Xuyên bấy giờ đã lên đơn vị tỉnh, bắt đầu có các cấp học và trường École primaire de Long Xuyên được ra đời.
Bộ tranh của học sinh trường Tiểu học Bổn xứ Long Xuyên năm 1930 đa phần vẽ các đồ vật gần gũi hằng ngày như chén tàu, bát trà, ô trầu hay quả trầu. Chỉ duy có một bức tranh lựa chọn vẽ hình ảnh của hai con thằn lằn. Dù chất liệu sử dụng lúc bấy giờ hãy còn đơn giản, sự tỉ mỉ trong từng hoạ tiết cùng tư duy phối màu hài hòa đã thổi hồn vào những tĩnh vật.
Khó mà đè nén sự ngạc nhiên khi nhìn vào chi tiết vẽ trên từng vật dụng bởi học sinh đương thời đã thể hiện rõ chất liệu của tĩnh vật mà không cần một ghi chú nào. Những bông hoa xà cừ được khảm trên bàn thờ được chăm chút. Hoạ tiết non nước in trên bình hoa cho đến rồng phượng in sau khay trà đều cho thấy tài hoa của các nghệ nhân thời trước. Hình vẽ được tái hiện đẹp mắt đến mức thế hệ hôm nay phải bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tài năng "nhí" lúc bấy giờ.
Nhìn vào mỗi bức tranh, ta không chỉ bắt gặp nhiều vật dụng đã trở thành dĩ vãng đối với người dân Việt Nam thời nay, mà còn hình dung được tài hoa của các nghệ nhân trong phương thức chế tác, trang trí.
Điểm qua những họa tiết, chúng ta có thể thấy rằng họa tiết liên áp rất được ưa chuộng lúc bấy giờ (hình bên.) Liên áp xoay quanh hai chủ thể chính, đó là hoa sen — tức liên và áp — tức con vịt hay le le. Chữ áp (鴨) có bộ giáp (甲) trong từ khoa giáp (科甲), chỉ mong ước đỗ đạt, vinh quang. Liên (蓮) đồng âm với liên (連) mang nghĩa tiếp tục, thông suốt. Vì vậy, họa tiết liên áp thể hiện mong ước cho đường học vấn, thi cử thuận lợi, suôn sẻ của người dân.
Bên cạnh đó, một trong những đồ vật mà nhiều học sinh lựa chọn vẽ nhất chính là bộ đồ ăn trầu cầu kì của người xưa. Bộ dụng cụ ăn trầu cơ bản của người Việt gồm: cơi đựng trầu hoặc khay trầu, bình vôi, chìa vôi, dao bổ cau, ống ngoáy, chìa ngoáy, hộp thuốc xỉa, dĩa đựng trầu, cau và ống nhổ.
Thông ba bức tranh của ba bạn Sư, Huỳnh Văn Mới và Kỳ, ta nhận diện được các vật dụng phụ trợ để gia chủ vừa thưởng trầu vừa thể hiện gia thế cao sang: quả đựng, cơi trầu, đài trầu, ô trầu. Với bộ quả ăn trầu do học sinh Sư vẽ, bên ngoài bộ quả in hoạ tiết liên áp, hai nắp quả dùng làm bệ đỡ để kê cao khi ăn trầu, đựng trên nắp là bộ dụng cụ ăn trầu cơ bản. Cũng là các dụng cụ đó nhưng bộ ăn trầu trong tranh Huỳnh Văn Mới hay Kỳ lại dùng đài trầu bằng đồng để đựng.
Cơi trầu tức là cái hộp nhỏ có phân từng chia ngăn, bên trên có nắp đậy. Có kích thước nhỏ, hay dùng cặp và thường đi chung với khay hộp dùng để đựng trầu đã tiêm rồi. Ô trầu là cái bộ đồ ăn trầu kiểu cách của cái ô đong gạo, đây là loại "đồ ăn trầu" đơn giản nhứt, bỏ lộn lạo đồ vô trong. Theo chia sẻ của anh Trọng Tính, đồng sáng lập trang Đại Nam Hội Quán, đài trầu thường được các nhà khá giả dùng ở phòng khách nhằm thể hiện sự sang trọng cho thú vui dân dã của thời kỳ đó.
Cũng trong bộ tranh này, anh Trọng Tính, người đăng tải cũng chia sẻ rằng, chiếc ghe thuyền được tác giả Trần Tấn Tước vẽ lại không đơn thuần là loại ghe bình thường như bây giờ ta thường thấy. Loại ghe này gọi là ghe hầu có vẻ ngoài trang trí cầu kỳ với đủ cờ lọng, ghe hàng, bánh lái lớn. Giờ đây, ghe hầu chỉ còn vài chiếc như ghe Sáu bổ của Đức Cố Quản Trần Văn Thành hay ghe Sấm của ông Trần.
Xem lại những bức tranh của học sinh năm 1930, ta như nhìn thấy một lát cắt đầy thú vị của đời sống người Việt trong quá khứ. Ngày nay, những bộ ăn trầu dường như biến mất khỏi sinh hoạt của người Việt Nam và chỉ còn được trong bảo tàng. Nếu may mắn, gia đình sẽ lưu lại kỉ vật này trong một chiếc tủ gỗ ở góc phòng, thỉnh thoảng mở ra xem rồi nhớ lại một quá khứ vàng son. Đó cũng là cách gợi nhắc bản thân về thẩm mỹ của người Việt Nam: chất liệu phong phú, hoạ tiết tinh tế và chủ đề gần gũi với đời sống.