Khắp người mọc lên nhiều nốt nhọt mưng mủ; rồi vỡ ra làm chảy mủ khiến da ngứa phát điên. Theo Kinh Thánh, ung nhọt là một trong mười tai ương mà Chúa giáng xuống đế chế Ai Cập để họ trả tự do cho các nô lệ Do Thái. Những tai ương còn lại sẽ hiện hình qua các thảm họa: sông Nile hóa thành máu; đại dịch ếch nhái, rận chấy, ruồi muỗi, gia súc, cào cào; bầu trời tối đen suốt ba ngày, và cái chết của những người con đầu lòng.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều lời giải khác nhau cho những hình phạt mang màu sắc siêu nhiên này. Rất có thể, những sự kiện của Kinh Cựu Ước đã diễn ra vào thời điểm một ngọn núi lửa phun trào hoặc một mùa tảo nở hoa. Các hiện tượng tự nhiên như thế có thể làm đảo lộn cân bằng sinh thái sông ngòi của Ai Cập, khiến ếch nhái nhảy khỏi sông hồ rồi chết hàng loạt. Hệ quả dây chuyền là côn trùng không chỉ thoát khỏi các thiên địch, mà còn có thêm nguồn thịt thối rữa dồi dào.
Tình cờ thay, có một loài bọ ăn xác chết có khả năng gây ra các nốt u nhọt phồng rộp và đau điếng đúng như tích truyện đã kể. Đấy chính là một thành viên của chi Paederus (kiến khoang), hay được biết đến với cái tên nhầm nhọt là "kiến ba khoang."
Trong tất cả những loài vật khiến con người sợ hãi, kiến ba khoang có lẽ là loài tí hon nhất. Dù chỉ bé bằng hạt gạo, nhưng một con kiến ngoe nguẩy trong phòng cũng để đủ khiến chúng ta phải “cao chạy xa bay.” Cảnh tượng đó còn làm dấy lên nỗi bất an trong lòng rằng — "biết đâu còn nhiều con khác đang rình rập đâu đó." Bởi trong chiến tranh, kẻ thù giấu mặt mới là kẻ thù đáng sợ nhất.
Kiến ba khoang gây ra các vết loét lớn không phải bằng vết cắn hay vết đốt, mà bằng một loại độc tố có tên là pederin tiết ra từ cơ thể.
Kiến ba khoang gây ra các vết loét to đáng quan ngại và đau điếng người không phải bằng vết cắn hay vết đốt. Vũ khí của chúng là một loại độc tố có tên là pederin. Độc tố này do vi khuẩn tạo ra và tồn tại trong cơ thể con cái hoặc con đực ăn trứng con cái đẻ ra. Khi chúng ta lỡ chạm vào hay giẫm nát một con kiến ba khoang, loài côn trùng này sẽ tiết ra pederin và gây nên hiện tượng viêm nhiễm ở vùng da có tiếp xúc (tên y học của triệu chứng này là paederus dermatitis.)
Độc tố này còn mạnh hơn nọc rắn hổ mang và có lẽ là độc tố mạnh nhất trong thế giới động vật. Oái oăm thay, những người bị phơi nhiễm với độc tố đều không hề hay biết. Theo tập tính, loài bọ này thường chỉ đậu nhẹ trên cánh tay, chân hoặc mặt khi nạn nhân đang say giấc.
Các loài trong chi Kiến khoang thật ra không có họ hàng gì với loài kiến, dù ngoại hình của nhiều thành viên của chi này trông rất giống kiến. Chúng đều là các loài bọ cánh cứng đã hiện diện trên Trái đất suốt hàng trăm triệu năm. Trong đó, một số loài hình thành tập tính lẻn vào ổ kiến hoặc ổ mối để kiếm ăn. Nhưng nếu như sự hiện diện của kẻ ngoại đạo không bị phản đối thì không gọi là đột nhập đúng không? Khi bạn có thể ngụy trang thành những con kiến và trà trộn vào đàn, bạn sẽ dễ dàng có được chỗ “ăn nhờ ở đậu.” Do đó, qua hàng thiên niên kỷ, các loài bọ này đã tiến hóa để có cơ thể gần giống với loài kiến. Thậm chí, chúng còn hình thành khả năng phát ra mùi hương giống loài kiến.
Ở Việt Nam, kiến ba khoang thường xâm lấn các tòa chung cư, khu dân cư và thậm chí là bùng phát thành đại nạn trên quy mô toàn thành phố. Việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác và nạn phá rừng đã đẩy kiến ba khoang ra khỏi môi trường sống tự nhiên là các thân cây gỗ. Không nơi nương náu, loài côn trùng này trốn chạy vào các khu dân cư, đặc biệt là trong mùa mưa.
Là loài vật bị thu hút bởi ánh sáng, chúng tìm đến những ngôi nhà trong thành phố để trú ẩn, nhưng lại vô tình bị đè bẹp dí. Mỗi khi nạn kiến ba khoang bùng phát, hàng nghìn người phải đến cơ sở y tế để điều trị vết bỏng do độc tố pederin gây nên. Tình trạng ung nhọt, lở lói ấy khủng khiếp đến nỗi khiến những người chưa từng bị đốt nghe phải khiếp sợ khi nhìn thấy một con kiến ba khoang tản bộ trong nhà mình.
Thế nhưng, kiến ba khoang cũng có nhiều điểm đáng ngưỡng mộ. Như bao loài vật “có hại” và “nguy hiểm” mà chúng ta chỉ mặt điểm tên, kiến ba khoang chỉ đơn giản là hành động theo bản năng. Bản năng ấy được hình thành qua cơ chế tàn khốc của quá trình cân bằng hệ sinh thái và các bài kiểm tra của tự nhiên. Chất độc trong cơ thể kiến ba khoang vốn không nhằm tấn công con người. Đó là vũ khí tự vệ để chống lại loài nhện đứng trên chúng trong chuỗi thức ăn. Vũ khí ấy là kết quả của hàng triệu năm chọn lọc tự nhiên, đã diễn ra trước khi loài người xuất hiện trên hành tinh này.
Trớ trêu thay, loài bọ này có lẽ có ích cho con người hơn là có hại. Nguyên nhân lớn nhất là vì chúng là mắc xích quan trọng trong việc kiểm soát dịch hại. Điều này thể hiện rõ trong chế độ ăn của chúng, vốn bao gồm các loài côn trùng nhỏ hơn thường đe dọa mùa màng, cũng như muỗi và các sinh vật gây phiền toái. Chỉ đến khi con người bắt đầu dùng thuốc trừ sâu trong canh tác và chặt phá rừng, loài bọ này mới buộc phải di cư đến các đô thị. Quả thật, nạn kiến ba khoang là lời cảnh báo sớm về những thảm hoạ tiềm tàng nếu con người không sớm "làm lành" với mẹ thiên nhiên.
Kiến ba khoang là lời cảnh báo sớm về những thảm hoạ tiềm tàng nếu con người không "làm lành" với mẹ thiên nhiên.
Không những thế, bậc cha mẹ có thể mượn tiếng tăm của loài côn trùng này để răn đe con em mình. Chúng ta có thể nói về về kiến ba khoang theo cách chúng ta kể về ông kẹ. Kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh sáng, nên về đêm, chúng thường bò vào những ngôi nhà sáng đèn. Việc sử dụng điện lãng phí như thế không chỉ làm hóa đơn tiền điện tăng cao mà còn khiến môi trường thêm ô nhiễm. Vì vậy, các vị phụ huynh có thể "hù dọa" con em bằng cách như sau: "Ngủ nhớ tắt đèn nhé con! Không thì kiến ba khoang bò vào đốt con lúc ngủ đó." Mặc dù việc ngủ sáng đèn không làm nguy cơ tiếp xúc với độc tố đáng sợ ấy tăng lên bao nhiêu, nhưng cách này có thể rèn luyện các em thói quen tiết kiệm điện!
Gần đây, giới y khoa đã bắt đầu thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư bằng pederin. Dù phương pháp vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu, nhưng tương lai, chúng ta có thể sẽ điều trị được các khối u ác tính. Thuốc giải không đâu khác là loại thuốc được làm từ độc tố của kiến ba khoang. Nhưng với mỗi mảng rừng hay mỗi loài sinh vật bị xoá sổ, liều thuốc chúng ta hằng mơ ước này càng rời xa tầm tay của nhân loại.
Cho những ai có hứng thú với chủ đề tước đi sinh mạng hơn là cứu lấy sinh mạng, kiến ba khoang ẩn chứa một bất ngờ. Có ghi chép kể rằng người Ấn Độ cổ đại đã nghiền xác của loài bọ này thành bột để bào chế một loại độc dược cực mạnh. Việc vô tình ăn phải một con kiến ba khoang là cực kỳ hi hữu, nhưng nếu có xảy ra thì khả năng "chầu ông bà" cũng cao ngất ngưỡng. Lịch sử chưa ghi nhận sát thủ nào từng dùng chiêu thức này để "hành sự," nhưng chúng ta cẩn thẩn có lẽ vẫn hơn.
Tất nhiên, Saigoneer không cổ xúy việc hại người. Chỉ là nếu có ai muốn làm thật thì cách hữu hiệu sẽ là pha một ít bột kiến ba khoang vào ly cà phê sữa đá của đối tượng. Bác sĩ pháp y hay Edogawa Conan cũng đều chẳng phát hiện được!
Vì kiến ba khoang đại diện cho hậu quả của nạn phá hoại môi trường, loài bọ này cũng có thể trở thành linh vật của các cơ quan bảo tồn. Các hãng thời trang cũng có thể đưa loài côn trùng này vào một dòng sản phẩm hướng đến những khách hàng muốn thể hiện cá tính “độc nhất.” Đó có thể là bộ sưu tập trang sức với thiết kế chiếc lọ thủy tinh bên trong là những con kiến ba khoang đang nghênh ngang tung hoành.
Theo tôi, có một cách hiệu quả hơn nhiều là biến kiến ba khoang thành nhân vật chính trong một bộ truyện tranh hoặc series phim truyền hình ăn khách. Nữ chính sẽ đồng hành cùng người phụ tá là một bé bọ khoai tây ngốc nghếch. Cả hai cùng nhau chống lại kẻ thù không đội trời chung là mụ nhện độc ác. Cốt truyện sẽ vô cùng gay cấn với những âm mưu đen tối, những cú lừa ngoạn mục cùng rất nhiều pha gây cười “lầy lội.”
Trong cách xây dựng nhân vật, biên kịch có thể cho cô kiến ba khoang làm shipper và gặp phải những tình huống “khó đỡ” khi đơn hàng bị sai thông tin. Thậm chí, cô ấy có thể làm thám tử đi điều tra một băng nhóm chuyên làm giả các bảo vật vô giá từ triều Nguyễn. Đấy là tôi gợi ý chơi chơi thế thôi.
Ảnh minh hoạ: Phan Nhi, Hannah Hoàng, Simona Nguyễn.
Animation: Simona Nguyễn, Phan Nhi.