Có phải những gì càng có nhiều tên gọi thì càng được yêu mến không? Hãy thử nhớ xem bạn đặt bao nhiêu biệt danh cho bạn thân của mình? Và các nền văn hóa trên thế giới có bao nhiêu cách xưng tụng những vị thần của họ? Nếu như càng có nhiều tên gọi nghĩa là càng được yêu mến, thì chắc chắn cây gõ nước (Intsia bijuga) chính là loài cây “bạn của mọi nhà.”
Gõ nước là một loài cây thuộc họ Đậu (Fabaceae), và loài thực vật bản địa của nhiều lãnh thổ như Đông Nam Á, châu Đại Dương, thậm chí quốc đảo Madagascar. Vì phân bố rộng rãi, Gõ nước được ưu ái đặt cho nhiều tên gọi tương ứng với ngôn ngữ của từng vùng đất. Một số trong đó là: Borneo teak, kwila, vesi, Johnston river teak, ipil, ifit, merbau, scrub mahogany và Moluccan ironwood. Không những thế, công dụng của loài cây này cũng đa dạng như tên gọi của nó vậy.
Nếu từng "nằm vùng" trong các hội nhóm chuyên thảo luận về thực vật, một câu hỏi phổ biến mà bạn chắc chắn đã gặp phải là: "Quả cây này ăn có được không? Ăn vào thì có ngon không?" Với quả gõ nước, câu trả lời là “không” vì quả có vị rất chua, tiêu thụ quá nhiều còn có thể gây ngộ độc. Tuy quả không ngon và cũng không bổ béo gì, nhưng vào những giai đoạn đói kém, người dân vẫn tìm đến quả gõ nước như một nguồn sống. Họ ngâm quả trong nước vài ngày cho nở mềm và rồi mang làm thức ăn.
Tuy nhiên, tính ứng dụng của gõ nước không chỉ dừng lại ở vai trò làm lương thực. Trong nhiều nền văn hóa, trong đó có Việt Nam, vỏ cây gõ nước là một vị thuốc y học cổ truyền dùng để điều trị bệnh thấp khớp, kiết lỵ, tiêu chảy và các vấn đề về tiết niệu. Người Fiji xem gõ nước là loài cây linh thiêng, và dùng gỗ của cây để làm ra chiếc bát đựng thức uống yogona truyền thống.
Bộ phận hữu dụng nhất của gõ nước là thân gỗ bền chắc và có độ chống nước tương đối, được dùng làm vật liệu trong nhiều dự án xây dựng.
Thế nhưng, bộ phận hữu dụng nhất của gõ nước là thân gỗ bền chắc và có độ chống nước tương đối, được dùng làm vật liệu trong nhiều dự án xây dựng. Ở Malaysia, Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, người ta dùng gỗ cây để xây cầu, toa xe lửa, nhà cửa và đồ nội thất, cũng như làm đồ gia dụng như dụng cụ nhà bếp, gậy đi bộ, thậm chí tạo ra các tác phẩm điêu khắc trang trí. Nhiều nền văn hóa có truyền thống đi biển cũng tận dụng loại gỗ này làm cột buồm, thân tàu, mái chèo, và cả ca nô.
Một điều đáng chú nữa: gỗ gõ nước còn là vật liệu cao cấp trong ngành lát sàn, đóng đồ nội thất và chế tạo nhạc cụ. Loại gỗ quý này có màu đỏ tự nhiên lác đác những đốm màu hoàng kim, rất được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Nhu cầu xuất khẩu trong khu vực cũng do đó mà tăng lên.
Tuy nhiên, nguồn cung trên toàn thế giới lại không đáp ứng được nhu cầu này. Hiện tại, gõ nước đang bị xếp loại là loài có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ của IUCN. Nếu tình trạng khai thác lậu vẫn tiếp diễn như hiện nay, và không có địa phương nào đẩy mạnh công tác bảo tồn, tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) lo ngại loài này có thể tuyệt chủng trong vòng 35 năm tới. Sự biến mất của gõ nước sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền trên nhiều hệ sinh thái với mức độ thiệt hại khó có thể xác định được.
Đầu tiên, rễ của cây góp phần bảo vệ diện tích đất liền dọc các tuyến đường thủy, giúp chống xói mòn và các tác hại của gió. Thứ hai, bộ rễ ấy còn tích lũy ni-tơ giúp cải thiện chất lượng đất. Cuối cùng, toàn bộ thân cây là nơi làm tổ của nhiều loài chim, đồng thời là nguồn thức ăn cho các loài thụ phấn.
Có thể bạn chưa biết
Ở Việt Nam, vỏ cây gõ nước được dùng làm một vị thuốc y học cổ truyền dùng để điều trị bệnh thấp khớp, kiết lỵ, tiêu chảy và các vấn đề về tiết niệu.
Loạt bài Natural Selection của Saigoneer thường viết về các loài động thực vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng như sao la và voọc Cát Bà. Từ những câu chuyện ấy, bài học được đúc kết thường là "chúng ta cần phải cố gắng hơn nữa để bảo vệ những cá thể còn sót lại." Thế nên, chúng tôi vừa bất ngờ, vừa vui mừng khi biết rằng công tác bảo tồn gõ nước ở Việt Nam thực tế đang được đẩy mạnh, giúp loài cây này không chỉ sinh tồn mà còn sinh trưởng mạnh mẽ hơn trong những thập kỷ tới.
Tin vui ấy đến từ MangLub, một doanh nghiệp xã hội đã và đang thực hiện các dự án trồng rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến phòng chống xói mòn đất và ảnh hưởng của bão lũ. Hai năm trước, họ tìm thấy một cây gõ nước hoang dã và muốn thống kê về loài này trong quy mô lớn hơn. Ê kíp phát hiện ra rằng còn chưa đến 100 cá thể gõ nước còn đang mọc ở Trà Vinh. Còn ở các tỉnh ven biển lân cận như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và Bạc Liêu, loài đã hoàn toàn biến mất. Trước tình hình đó, MangLub đã chạy đua với thời gian để tìm ra những giải pháp để bảo tồn gõ nước.
Nỗ lực gây rừng này không chỉ củng cố những sứ mệnh khác của MangLub, mà còn giúp cải thiện hệ sinh thái rừng ngập mặn, mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư địa phương, và duy trì môi trường sống cho nhiều loài động thực vật khác. Mô hình này còn giúp giáo dục trẻ em trong vùng về tầm quan trọng và tiềm năng của công tác bảo tồn thiên nhiên. MangLub hy vọng khởi đầu khiêm tốn của mình sẽ thu hút sự quan tâm của chính phủ các nước và nhiều tổ chức khác, từ đó tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn.
Vào tháng 4/2021, MangLub đã hoàn thành thủ tục để chính thức khởi động dự án bảo tồn cây gõ nước. Công việc đầu tiên của nhóm là thành lập một vườn ươm tại xã Long Vĩnh, tỉnh Trà Vinh dưới sự tài trợ của SK Innovation. Sau đó nhóm dành ra một tháng để thu thập hạt giống với sự giúp đỡ từ các chuyên gia lâm nghiệp của tỉnh. Sau một năm, những cây con này đã đủ lớn để gieo trồng dưới sự bảo trợ của GEMALINK. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ MangLub bằng cách giữ số cây con ấy ở trạm kiểm lâm để đảm bảo an toàn.
Năm 2022, trong khi tiếp tục các chương trình trồng cây với sự hỗ trợ của GEMALINK, nhóm dần mở rộng hoạt động của mình và hợp tác với United Way và một tổ chức ở Pháp. MangLub cũng đang nghiên cứu việc trồng các giống cây ngập mặn khác, chẳng hạn như cây Đước đôi (Rhizophora apiculata).
Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của MangLub là việc nâng cao ý thức cộng đồng thông qua các tour du lịch sinh thái với các trải nghiệm trồng và chăm sóc cây dành cho những người tham gia.
Một mục tiêu quan trọng nữa của MangLub là nâng cao ý thức của cộng đồng qua các chương trình giáo dục về giá trị của rừng ngập mặn. Một trong số đó là tour du lịch sinh thái Mangrove Planting Experience (tạm dịch: Trải nghiệm trồng rừng ngập mặn, viết tắt là MPE). Sự xuất hiện trở lại của loài gõ nước khiến các cụ già trong vùng vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, vì nhiều người trong số họ đã không còn nhìn thấy loài cây này từ những ngày còn bé. Nếu nỗ lực của MangLub và các đối tác có kết quả tốt, chúng ta sẽ lại có thể dùng gõ nước cho các bài thuốc y học cổ truyền để thay thế hoặc bổ trợ cho thuốc Tây.
Trong bối cảnh ngày nay, sự hào hứng tìm hiểu về các loài động thực vật mới của con người thường đi kèm với cảm giác tiếc nuối, vì phải thừa nhận một thực tế nghiệt ngã rằng nhiều sinh vật quý báu trên Trái đất đang dần biến mất. Nhưng câu chuyện về loài gõ nước đã mang đến một tia hy vọng mới. Chúng ta sẽ được thấy loài cây này quay về nơi quê hương vẫn còn thấp thoáng dấu vết của chúng. Không những thế, nỗ lực đó có thể truyền cảm hứng cho mỗi người chúng ta chủ động góp chút sức mình vào việc bảo vệ các loài động thực vật và hệ sinh thái tại nơi chúng ta sinh sống.