Trôi khắp bao nhánh sông, những hệ thống rễ, cuốn, lá đan xen tạo thành bao bụi lục bình xanh mướt, nhấp nhô theo dòng nước nhờ phần thân rỗng xốp, điểm xuyết bởi những cánh hoa hồng tim tím xếp nếp, dịu dàng như tà áo dài.
Nhân loại hiện đang sống trong thời kỳ Anthropocene, tạm dịch là Kỷ Nhân Sinh, hiểu đơn giản là một kỷ nguyên địa chất sinh ra từ những tác động của nền văn minh con người lên Trái Đất. Ranh giới giữa những gì “thuộc tự nhiên” và “không tự nhiên” ngày càng mờ nhạt, nên thật khó có thể đo đạc chính xác chúng ta đã tác động đến thế giới xung quanh nhiều như thế nào, hay phân định những tác động ấy tốt xấu như thế nào. Mối quan hệ phức tạp ấy giữa con người và thiên nhiên được thể hiện rõ qua sự tồn tại của một loài thực vật: lục bình.
Tàn phá hệ sinh thái, làm tắc nghẽn giao thông đường thủy, khiến mạng lưới điện bị đình trệ, gây đảo lộn nền nông nghiệp — tội trạng của lục bình khiến nhiều quốc gia trên thế giới xem nó như “kẻ thù số một.” Thế nhưng ở Việt Nam, lục bình cũng là một tài nguyên kinh tế, mang đến kế sinh nhai cho nhiều hộ nghèo ở các vùng sâu vùng xa. Ấy chính là một trong những trắc trở mâu thuẫn mà nhân loại sẽ phải đối mặt khi chung sống với thế giới tự nhiên trong những thập kỷ sắp tới.
Tình yêu và chiến tranh
Lục bình từng đóng một vai trò hết sức đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến của Việt Nam. Sở hữu hệ thống kênh rạch tự nhiên và nhân tạo dày đặc, Đồng bằng sông Cửu Long là một trận địa chiến lược nơi các lực lượng đối địch xây dựng căn cứ, đôi khi chỉ cách nhau chưa đầy một kilomet. Mìn và chướng ngại vật rải khắp các vùng đất đai giữa hai bên. Bộ đội Việt Minh đã học cách lẩn trốn vào ban đêm, ngụy trang bằng những bụi lục bình trên mặt nước, chỉ để lộ một ống nhỏ để thở. Bằng cách này, họ có thể di chuyển ngay sát các cứ điểm của địch mà không bị phát hiện.
Tuy nhiên, lục bình không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích du kích. Trong một chuyến công tác về huyện Long Mỹ, tôi được nghe về các giai thoại truyền miệng về những người lính trẻ ngày ấy. Ngay cả trong những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt, tình yêu vẫn đơm hoa. Họ đã tận dụng những bụi lục bình rậm rạp để che chắn, bí mật gặp gỡ với người thương ở các căn cứ khác. Có lẽ, loài cây bình dị này đã chứng kiến biết bao khoảnh khắc ngọt ngào và lãng mạn của những đôi trai gái thời chiến.
Sức sống vượt biên giới
Trong những năm 1990, thế giới đã phải chi ra gần 3 tỷ đô la Mỹ để tìm cách kiểm soát loài thực vật xâm lấn này, nhưng hầu hết đều thất bại. Chắc hẳn ai cũng đã từng bắt gặp hình ảnh những chiếc lá đan xen và thân cây dày đặc của lục bình ở các dòng sông, hồ, kênh rạch khắp Việt Nam và hơn 50 quốc gia trên năm châu lục. Cùng với bèo cái và bèo tây, lục bình (Eichhornia crassipes) thuộc nhóm thực vật thủy sinh tự do, không bám rễ vào đất như hoa súng mà dành cả vòng đời mình sinh trưởng trên mặt nước.
Lục bình có nguồn gốc từ những khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, loài cây này đã theo chân các nhà sinh học, thực vật học và lữ hành gia đến châu Phi, châu Âu và châu Á. Người ta tin rằng lục bình đã được đưa đến Vườn Bách thảo Bogor ở Java vào năm 1894 để làm cảnh cho các hồ nước nhân tạo và từ đó lan rộng ra khắp khu vực. Sau khi thoát khỏi các vườn bách thảo ở Bangkok, lục bình bắt đầu xâm lấn và tạo thành những thảm thực vật dày đặc trên các nhánh sông Mekong. Đến năm 1902, lục bình du nhập vào Hà Nội và nhanh chóng lan rộng sang Trung Quốc và Hồng Kông, người dân tại đây còn tận dụng nó làm nguồn thực phẩm để chăn nuôi lợn. Nhiều giả thuyết phỏng đoán rằng chính vì các hoạt động của con người, lục bình đã tìm đường hòa mình vào các hệ sinh thái nước ngọt như sông, hồ, và ruộng lúa của từng địa phương.
Lục bình phát triển mạnh mẽ nhờ nhiều yếu tố. Nhìn chung, loài cây dẻo dai này có khả năng thích nghi và sinh tồn trong nhiều điều kiện khác nhau, bao gồm cả nhiệt độ và độ pH của nước. Trong điều kiện lý tưởng với nguồn dinh dưỡng dồi dào, nó phát triển rất nhanh, nhưng ngay cả trong môi trường khắc nghiệt, lục bình vẫn có thể tồn tại trên đất ẩm trong nhiều tháng và phục hồi sau khi bị đóng băng. Là loài thực vật nổi tự do phát triển nhanh nhất thế giới, trong điều kiện thuận lợi, một thảm lục bình có thể nhân đôi diện tích chỉ trong vòng một hoặc hai tuần.
Hơn nữa, giống như cỏ dại mọc um tùm trên đất hoang, lục bình cũng phát triển mạnh mẽ trong môi trường nước ô nhiễm. Bùn thải từ nhà máy, rác thải sinh hoạt, và nước chảy từ nông nghiệp chứa hóa chất và phân bón làm thay đổi thành phần dinh dưỡng tự nhiên của sông và hồ, tạo điều kiện cho lục bình “đánh chén” và sinh sôi nảy nở ngoài tầm kiểm soát.
Ở môi trường sống tự nhiên, loài lợn biển, thiên địch lục bình, tiêu thụ và giữ cho lục bình không phát triển quá mức. Tuy nhiên, tạo hóa cũng chẳng kịp trở tay, nên không phải nơi đâu cũng có sẵn dân số lợn biển để phòng ngự. Hiện tại, chưa có loài sinh vật nào khác ở những khu vực mà lục bình du nhập xem lục bình là nguồn thực phẩm chính, cũng chưa có loài côn trùng hay dịch bệnh tự nhiên nào có thể kìm hãm sự phát triển của chúng,
“Kẻ thù số một” của Việt Nam?
“Hai bờ cách nhau có 40 mét nhưng tôi phải đi xuồng máy ít nhất hai, ba tiếng để lội sang bên kia bằng thuyền máy [vì cây lục bình],” chú Nguyễn Hữu Danh, một cư dân Tây Ninh, chia sẻ. Lục bình sinh sôi nảy nở dày đặc khiến chuyện đi lại trên sông nước của người dân vô cùng khó khăn. Việc phải chờ đợi dòng chảy cuốn trôi lục bình, hoặc phải vất vả chặt từng nhánh một để mở đường đã làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển và gây ra nhiều trở ngại trong cuộc sống hàng ngày. Cô Võ Thị Hội, một tiểu thương từ Đồng Tháp, cho biết 30 năm nay, “tôi không chở hàng từ Đồng Tháp đến Tây Ninh được vì sông bị lục bình bịt kín. Thiệt hại gây ra không đếm xuể.”
Lục bình trôi nổi trên mặt nước không chỉ gây vướng víu, làm hỏng lưới và dây câu, khiến ngư dân gặp khó khăn trong việc đánh bắt mà còn trở thành nơi ẩn náu lý tưởng cho dịch hại. Bằng cách cản trở dòng chảy, lục bình tạo ra những vũng nước tù đọng, là môi trường sống lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở, đồng thời tiêu diệt nhiều loài cá và lưỡng cư vốn là thức ăn của muỗi. Nước tù đọng cũng thường có mùi hôi thối và không thể sử dụng cho sinh hoạt. Thêm vào đó, ở một số quốc gia, lục bình còn gây tắc nghẽn các nhà máy thủy điện.
Ngoài việc gây ra những tác hại trực tiếp đến đời sống con người, lục bình còn phá hủy cân bằng sinh thái.
Ngoài việc gây ra những tác hại trực tiếp đến đời sống con người, lục bình còn phá hủy cân bằng sinh thái. Lục bình cạnh tranh với các loài thực vật bản địa, tiêu thụ hết chất dinh dưỡng và oxy, đồng thời làm giảm lượng ánh sáng chiếu xuống dưới nước, gây ảnh hưởng đến sự sống của các loài thủy sinh khác. Điều này dẫn đến việc nơi sinh sản của các loài thủy sinh bị phá hủy, làm chuỗi thức ăn bị đứt đoạn, gây nên một chuỗi phản ứng dây chuyền với những hậu quả không thể lường trước được.
Tại Việt Nam, vấn nạn lục bình cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng và tốn kém. Vào tháng 3/2019, chính quyền Sài Gòn đã công bố kế hoạch chi hơn 28 tỷ đồng (1,2 triệu USD) để thu gom lục bình và các loại rác thải khác trên các kênh rạch của thành phố. Chiếm khoảng 30% tổng lượng rác thải gây tắc nghẽn đường thủy, việc xử lý lục bình chiếm một phần lớn trong tổng số tiền mà thành phố chi cho việc duy trì hệ thống thoát nước và thu gom rác thải.
Việc thu gom lục bình thường sử dụng các phương pháp thủ công và ít áp dụng công nghệ, như kéo dây chắn qua các kênh. Dòng thủy triều cuốn theo một hỗn hợp rác thải gồm các thùng xốp, túi nhựa, chai lọ và nhiều loại rác thải khác, bám vào những đám lục bình dày đặc. Các công nhân trên thuyền phải sử dụng sào dài hoặc cần cẩu để thu gom.
Năm 2013, một nhóm các nhà khoa học từ Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã thiết kế các máy thu hoạch lục bình đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả công việc và giảm bớt gánh nặng cho người lao động. Mô hình được thí điểm lần đầu ở quận Bình Thạnh, sau đó được nhân rộng và áp dụng tại tỉnh Bình Dương. Các máy thu hoạch lục bình này giúp giảm chi phí xuống còn 220.000 đồng (US$10) cho mỗi tấn lục bình, so với 700.000 đồng (US$33) khi thực hiện thủ công. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi triển khai tại Bình Dương, nhiều đoạn kênh đã bị lục bình bao phủ trở lại.
Các cơ quan chức năng hy vọng rằng, nếu thành công, công nghệ này sẽ được nhân rộng ra các khu vực khác, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy chưa có báo cáo chính thức đánh giá hiệu quả chung cuộc, nhưng xét đến việc vào thời điểm bài viết này được thực hiện, một sợi dây dài vẫn được giăng ngang con kênh phía sau Thảo Cầm Viên để thu gom lục bình, chủ yếu vẫn dựa vào sức người. Điều này cho thấy hiệu quả của các máy móc chưa được như kỳ vọng.
Dù vậy, nhu cầu tìm kiếm một giải pháp bền vững và hiệu quả hơn vẫn là một thách thức lớn. Nhiều nhà phát minh và doanh nhân đã và đang không ngừng nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Các máy móc thu gom lục bình hiện có trên thị trường rất đa dạng, từ các mẫu nhỏ dùng cho hộ gia đình (US$2.000) đến các thiết bị công nghiệp lớn (US$100.000). Về lý thuyết, ai đó có thể bỏ ăn sáng cuối tuần và dành thời gian bên con kênh tắc nghẽn để tiêu diệt lục bình, góp phần cứu lấy hành tinh.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đối mặt với tình trạng tương tự và đã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, từ các giải pháp hóa học đến sinh học. Việc sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu để tiêu diệt lục bình có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy sinh và sức khỏe con người. Một số nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng các loài côn trùng ăn lá lục bình có thể là một giải pháp sinh học hiệu quả. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn nhiều hạn chế và cần được nghiên cứu kỹ hơn về tác động sinh thái và khả năng kiểm soát dịch hại.
Sáng kiến hay tối kiến
Em ngồi đan kết sợi đêm.
Lục bình bầu bạn dỗ niềm tâm tư…
Người đi tức tưởi nửa chừng
Để em gánh hết chất chồng gian nan…
Nghiến răng ghìm sóng giữa làn.
Đò em chao lắc, tay đan khỏa niềm
— Đàm Chu Văn.
Trong những năm gần đây, người Việt đã bắt đầu sử dụng lục bình để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Từ năm 2011, Hợp tác xã Dệt Phú Lâm tại Đồng Nai đã tận dụng lục bình và các nguồn nguyên liệu địa phương để tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo như giỏ, khay, bàn, ghế và thùng chứa, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, với giá bán trung bình từ US$20 đến 30 mỗi sản phẩm. Người thợ có thể kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng, một khoản thu nhập tương đối khá so với mức trung bình trong khu vực, giúp các gia đình có điều kiện cho con cái đến trường.
Song song đó, nông dân Hậu Giang cũng tìm thấy cơ hội tăng thu nhập bằng việc tận dụng thời gian rảnh để đan lát các sản phẩm từ lục bình, mang về thu nhập trung bình 50.000 đồng mỗi ngày. Lục bình khô có thể bán với giá 16.000 đồng/kilogram, có giá cả ổn định hơn so với một số loại cây trồng truyền thống khác. Điều này đã khiến hàng trăm hộ gia đình bắt đầu trồng và chăm sóc cây lục bình, không xem đây là một loài cỏ dại nữa mà là một nguồn thu nhập tiềm năng.
Ngay từ năm 1996, hãng đồ gia dụng Thụy Điển IKEA đã tiên phong trong việc sử dụng lục bình, chủ yếu nguồn gốc từ Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo ra những sản phẩm gia dụng độc đáo như giá để khăn ăn. Thói quen này đã lan rộng ra miền Bắc, chẳng hạn như người dân Ninh Bình sử dụng lục bình để làm đồ thủ công và làm nhiên liệu sinh học để trồng nấm từ năm 2005.
Trịnh Thi Long, điều phối viên chương trình về dự án nước tại WWF Việt Nam, cho biết tổ chức ủng hộ việc sử dụng lục bình để làm các sản phẩm thủ công vì điều này giúp loại bỏ cây khỏi các khu vực bị xâm lấn. Ngoài ra, việc sử dụng lục bình cũng được ưu tiên hơn so với các loài thực vật bản địa nhưng phát triển chậm.
Tuy nhiên, lợi ích về kinh tế của sản phẩm từ lục bình lại dẫn đến một hệ quả bất ngờ. Chất lượng của các loại lục bình mọc hoang rất khác nhau, do đó nhiều hộ dân đã tự canh tác, chăm sóc lục bình. Các hộ dân không sống gần hồ hay kênh rạch còn tìm đến các khu đất công để trồng lục bình. Người ta thường bỏ qua lục bình hoang dại, nên không giúp giải quyết vấn đề mà chỉ làm tăng thêm tình trạng xâm lấn.
Quá trình sản xuất túi, giỏ, thảm trải bàn và thùng chứa thương mại thường cần đến hóa chất và lớp sơn không phân hủy sinh học. Khi bị vứt bỏ, các phế phẩm ấy sẽ tồn tại lâu trong bãi rác và cuối cùng còn tạo ra nhiều chất thải gây hại cho hành tinh hơn so với việc để lục bình phân hủy tự nhiên.
Ở Việt Nam, lục bình cũng là một tài nguyên kinh tế, mang đến kế sinh nhai cho nhiều hộ nghèo ở các vùng sâu vùng xa. Ấy chính là một trong những trắc trở mâu thuẫn mà nhân loại sẽ phải đối mặt khi chung sống với thế giới tự nhiên trong những thập kỷ sắp tới.
Ngoài việc sản xuất các mặt hàng gia dụng, nhiều trang trại còn cho lục bình ăn cho rùa và sử dụng chúng để nuôi giun, làm thức ăn cho cá, gà, vịt, heo và các loại gia súc khác. Một nhóm sinh viên Ấn Độ đã phát triển phương pháp chế biến lục bình thành băng vệ sinh, đĩa dùng một lần, chậu ươm phân hủy sinh học có thể trồng cây, khay trứng và trái cây, mô hình hoạt hình, đồ chơi, bảng hồ sơ, bảng đa năng và vải canvas đặc biệt để vẽ tranh. Lục bình cũng có thể được sử dụng làm dây thừng, vỏ xì gà, và khi kết hợp với bụi than, có thể chế tạo thành viên nén. Dù có thể gây dị ứng, nhưng nhiều người vẫn xem mầm lục bình là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
Ngoài việc sử dụng lục bình trong sản xuất, một ứng dụng tiềm năng khác của loài cây này là cải thiện chất lượng nguồn nước. Nếu được quản lý chặt chẽ, lục bình có thể trở thành một công cụ hữu hiệu để làm sạch nguồn nước, đồng thời đóng vai trò như một “cảm biến sinh học” cảnh báo ô nhiễm kim loại nặng. Tại Indonesia, Trung Quốc và nhiều nơi ở châu Phi, người dân đã áp dụng thành công phương pháp này.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không được quản lý chặt chẽ, việc sử dụng lục bình để làm sạch nước có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn, như sự phát tán không kiểm soát của loài cây này. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc trồng lục bình quy mô lớn để phục vụ mục đích thương mại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng như phá hủy hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, làm suy giảm chất lượng nguồn nước và gây cản trở giao thông. Tuy tận dụng nguồn lục bình tự nhiên là một ý tưởng hay, việc trồng trọt lục bình theo quy mô lớn sẽ kéo theo nhiều nguy cơ đáng quan ngại. Tất nhiên, trước bao hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khó có thể trách những ai chỉ biết nương vào lục bình để tìm con đường thoát nghèo.
Mối quan hệ bất cần và tự mãn của chúng ta với thiên nhiên đã dẫn đến sự lan tràn của lục bình, và một cách mỉa mai, chính thái độ ấy cũng xuất hiện khi chúng ta tin rằng có thể tận dụng loài cây này để khắc phục ô nhiễm mà mình đã gây ra. Dù là bọ cánh cam châu Á ở Mỹ hay cóc mía ở Úc, việc đưa thêm sinh vật mới vào hệ sinh thái chỉ càng làm rối loạn cân bằng vốn có. Thế nhưng, kinh nghiệm trong quá khứ vẫn luôn nhường chỗ cho lòng kiêu ngạo.
Vậy, lục bình đại diện cho điều gì? Có lẽ nó chính là biểu tượng điển hình cho thất bại của con người trong công cuộc chung sống có trách nhiệm với thiên nhiên. Thế nhưng, một lần, khi ngồi bên dòng sông Sài Gòn lúc hoàng hôn, tôi thấy một cụm lục bình trôi qua bên cạnh những chiếc sà lan nặng trĩu cát Mekong, nguyên liệu sắp trở thành nền móng cho một quán trà sữa hay cửa hàng điện thoại; những chiếc du thuyền chở khách ăn uống sung túc; và những con tàu chất đầy thời trang nhanh (fast fashion) trên đường ra các cảng xa xôi. Trong khung cảnh đô thị nhộn nhịp, lục bình trở thành một dấu chấm nhỏ, lặng lẽ phản ánh sự đối lập giữa thiên nhiên và sự phát triển công nghiệp. Ánh nắng chiếu qua khung sắt của một tòa nhà cao tầng đang xây dở, rọi xuống bông hoa màu hồng nhạt trên mảng lục bình trôi lặng lẽ. Dù không thể ngửi thấy, tôi biết hương thơm nhẹ nhàng của nó chắc chắn sẽ đánh thức những cảm nhận nguyên sơ nhất trong mình.
Nguồn ảnh: Mississippi State University.