Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Natural Selection » Ăn thử 10 loại trái cây dân dã để thấy thiên nhiên Việt Nam giàu đẹp thế nào

Trong tiếng Việt, hậu tố “cỏ” thường được dùng để chỉ các sự vật, hiện tượng mang tính địa phương, hơi xuề xòa, không thương hiệu và có phần chân chất. Như cái tên “chó cỏ” là cụm từ thân thương các sen hay dùng để gọi các bé chó ta, thường ra đời trong bối cảnh không rõ giống nòi với ba mẹ là các giống chó bản địa Việt Nam. Ngoài ra, “gym cỏ” hay “net cỏ” được dùng đặc tả các phòng tập hay tiệm net không tên ngay trong khu phố nhà mình. Men theo lối mòn suy nghĩ này, tôi trộm nghĩ rằng “trái cỏ” sẽ là cái tên rất thích hợp để gọi tập hợp cây trái bản địa ít được nhiều người biết đến.

Ngành nông nghiệp sản xuất và đóng gói trái cây tươi ngày nay là một trong những ngách kinh tế giàu mạnh nhất, đem lại nguồn lợi đáng kể cho GDP của nhiều quốc gia trên thế giới. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe giai thoại về cách người Nhật cho ra đời nho Mẫu Đơn hay dưa lê Yubari, hai trong số những sản vật tiêu biểu của nông nghiệp nước bạn, được sinh ra và lớn lên với hệ thống tưới tiêu bài bản và tiếng nhạc giao hưởng du dương trong nhà kính. Malaysia và Thái Lan đã gầy dựng được danh tiếng lẫy lừng là hai quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu, trong khi vải thiều và thanh long Việt cũng nhận được nhiều phản hồi tốt trên thị trường ngoài nước.

Trái cỏ đại diện cho những loài cây trái hoang dã, bình dị đã và đang có mặt khắp sân nhà, vạt rừng hoang Việt Nam, ngày ngày ra trái chỉ với mục đích duy trì nòi giống mà không phải bận tâm đến khẩu vị phàm ăn của loài người.

Qua hàng thế kỷ, nhờ các bước tiến vượt trội trong di truyền học và kỹ thuật nhân giống chọn lọc, ta đã cho ra đời loạt giống cây ăn trái ngọt hơn, lớn hơn, mẫu mã đẹp hơn, sai trái hơn, và quan trọng hơn hết là lâu hư hơn, cho nên thật khó tin khi nghĩ rằng những giống xoài, táo, dưa cao sản kia cũng có ngày từng là trái cỏ — cây trái hoang dã, bình dị đã và đang có mặt khắp sân nhà, vạt rừng hoang, ngày ngày ra trái chỉ với mục đích duy trì nòi giống mà không phải bận tâm đến khẩu vị phàm ăn của loài người.

Trong lịch sử hội họa thế giới, giới thực vật học từng phát sốt lên vì một bức tranh tĩnh vật vẽ vào thế kỉ 17 của tác giả người Ý Giovanni Stanchi. Vô tình thay, trong loạt trái cây được ông minh họa, hình vẽ trái dưa hấu cho các nhà khoa học lát cắt trực quan hiếm hoi về một giai thoại trong lịch sử “tiến hóa” của loài dưa đỏ. Giovanni vẽ quả dưa cắt đôi, nhưng thay vì màu đỏ tươi đều đẹp thường thấy hiện nay, thì thịt dưa trắng hếu, chỉ được vài vết xoáy tròn ly tâm màu đỏ hồng, khá nhạt. Khoa học ước tính dưa hấu bắt nguồn từ châu Phi, có mặt rất sớm từ thời Ai Cập cổ đại. Dù vị ngọt thanh đã có từ sớm, màu đỏ đậm bắt mắt của dưa hấu ngày nay thật ra là kết quả của quá trình lai giống không ngừng nghỉ của các nhà nông học, cho nếu các pharaoh ngày xưa có ăn dưa, thì trên đĩa của họ khả năng cao sẽ là những lát dưa trắng như tranh Giovanni Stanchi, thay vì giống dưa đỏ ối các bà nội trợ ngày nay mua trong siêu thị.

Giovanni Stanchi, ‘Tranh tĩnh vật với dưa hấu, đào, lê, và các loại trái cây khác,’ sơn dầu, 98 x 133.5 cm. Ảnh: Wikipedia.

Khí hậu nhiệt đới và môi trường sống đa dạng từ Bắc chí Nam đã ban cho Việt Nam kho tàng cây trái phong phú. Trong số đó, nhiều loại đã được lai giống, phát triển thành công thành hoa màu chủ lực để phát triển kinh tế, như xoài, sầu riêng; nhưng cũng còn hằng hà sa số các loại cây ra trái khác vẫn hiện hữu ngoài bàn tay công nghệ sinh học, sống phây phây một cách dung dị bên đường làng, sân đình. Tôi đã phải lòng trái cây Việt ngay từ khi vừa mọc đủ răng sữa để cắn vỏ trái. Mỗi loại quả mới như người bạn mới quen, mang theo kỉ niệm ngọt ngào, chua chua, chát chát, giòn, xốp tùy theo hương vị. Mỗi gương mặt trong 10 loại trái cỏ được giới thiệu dưới đây đều là những thức quà có phần giản dị của mẹ thiên nhiên Việt Nam, ít khi có cơ hội được bước chân vào siêu thị hay cửa hàng trái cây đắt tiền, chỉ quanh quẩn bên nia tre hay thùng xốp trên sàn chợ hay góc lề đường nào đó ở Sài Gòn.

1. Lêkima | Pouteria lucuma

Quê quán: Dãy Andes, Nam Mỹ
Phân bố ở Việt Nam: Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ.

Ảnh: Ascension Kitchen.

Chắc hẳn không loại quả nào trong danh sách này có độ nhận diện bằng lêkima, thứ trái gắn liền với quê hương của chị Võ Thị Sáu qua thơ Phùng Quán, và ca khúc được ra đời dựa trên áng thơ của ông. “Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền Đất Đỏ” là giai điệu quen thuộc đã đi vào tiềm thức của hàng thế hệ người Việt. Lêkima cũng thường được biết đến với tên cúng cơm “quả trứng gà” vì thịt quả lúc chín vàng hương, ăn mềm mềm, bột bột y như lòng đỏ trứng chín.

Đọc bài Saigoneer viết riêng cho lêkima tại đây.

2. Trứng cá | Muntingia calabura

Quê quán: Từ Nam Mexico đến bờ Tây Nam Mỹ
Phân bố ở Việt Nam: Toàn quốc

Ảnh: Người dùng Flickr Forest and Kim.

Tôi lớn lên dưới tán cây trứng cá… hàng xóm, cánh lá sum suê, sâu róm dồi dào. Trứng cá có lẽ được đặt tên theo chùm trái bé xíu, vừa mẩy vừa đỏ hỏn như ngón tay em bé. Chỉ cần cắn nhẹ, phần thịt quả nhiều nước và hạt mang đến cảm giác thú vị ngay trên đầu lưỡi, tưởng tượng như đang ăn trứng cá hồi hay trân châu thủy tinh trong trà sữa. Đến mùa, quả trứng cá non từ trắng đậm màu dần sang hồng, rồi đỏ như trái châu phủ đầy cành trứng cá với hàng lá song song. Thuở nhỏ, khi trứng cá sai quả, mỗi ngày mở mắt dậy là một ngày vui, vì chỉ cần bước chân ra sân, chúng tôi sẽ bắt gặp ngay thảm trứng cá chín rụng đỏ nền gạch tàu nâu sồng, chỉ chờ bàn tay người nhanh nhảu đến nhặt bỏ miệng.

3. Xay | Dialium cochinchinense

Quê quán: Đảo Borneo và Đông Nam Á lục địa

Ảnh: Peckish Me.

Trái xay có rất nhiều biến thể tên gọi, như say hay xoay, nhưng lớp vỏ nhung bên ngoài vẫn là đặc điểm nhận dạng phổ biến nhất. Chùm quả chuyển từ màu xanh sang đen nhánh khi chín, bên ngoài vỏ là lớp lông ngắn như rêu, óng ánh nâu trong nắng. Khi ăn xay, ta phải nhẹ nhàng bóc lớp vỏ ngoài sao cho không làm dập phần thịt bên trong cũng êm như nhung, nhưng thường có màu cam nhạt và được bao phủ bởi lớp bột chua chua ngọt ngọt như bột nước cam Tang. Mút cho hết bột chua, nhai lớp màng quanh hạt, nhả ra, rồi với tay lấy một trái to khác, rồi trái nữa, trái nữa — cứ thế, chỉ trong chớp mắt là một ụ vỏ xay đầy vun đã hiện ra trên bàn. Xay là một ví dụ điển hình của trái cỏ, vì rất ít vùng miền trên khắp đất nước thật sự có vườn trồng xay. Mùa xay đến, người ta lũ lượt băng rừng tìm đến những cây xay cổ thụ và quay ra với hàng chùm xay đen bóng trong gùi.

4. Bình bát | Annona glabra

Quê quán: Florda, Mỹ, Trung Mỹ đến Nam Mỹ
Phân bố ở Việt Nam: Đồng bằng sông Cửu Long

Ảnh: Long Châu.

Bình bát thuộc cùng chi với mãng cầu xiêm và na, nhưng tiếc thay, nếu hai người anh em kia có vị trí rất quan trọng trong văn hóa Việt, có mặt ở mỗi quầy sinh tố hay trên mâm quả chưng ngày Tết, thì vai trò của bình bát có phần khiêm tốn ơn, chỉ được biết đến trong văn hóa ẩm thực miền Tây Nam Bộ. Tôi vẫn nhớ như in những chuyến xuồng máy băng băng trên kênh vào nhà nội ở Kiên Giang, hai bên bờ rợp màu bình bát vàng hươm như những ngôi sao trên bầu trời xanh thẫm. Cũng giống như mãng cầu, thịt bình bát cũng bao gồm nhiều tép nhỏ bọc ngoài hạt cứng màu đen; khi chín, phần thịt chuyển màu vàng rơm và tỏa mùi thơm sực nức. Người miền Tây thường bóc vỏ, rồi dầm thớ bình bát với đường hoặc sữa đặc, sau đó rắc đá nhuyễn lên — thế là một món tráng miệng giải khát bình dân mùa nóng ra đời.

5. Trâm | Syzygium cumini

Quê quán: Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á

Ảnh: Báo Long An.

Khi tôi đem rổ trâm vào văn phòng Saigoneer, ai nấy cũng đều thắc mắc sao “nho lại là trái hiếm.” Thoạt nhìn, trái trâm nhìn cũng hao hao nho chín, nhưng chỉ cần cắn vào thôi sẽ thấy trâm “lợi hại” đến mức nào: thay vì thịt nho mọng nước là chiếc hột vừa chát vừa to gần bằng cả trái. Vị trâm cũng không quá dễ ăn, chua nhẹ, ngọt vừa, chỉ có chát là chứa chan, nên trâm sống thường chỉ được mấy đứa nhỏ ưa nhất, tuy nhiên chỉ cần xóc với ít muối ớt chay xè, vị chua chát của trâm trở nên bắt miệng hơn cả. Đi loanh quanh các khu chợ ở miền Tây, cả trên cạn lẫn trên kênh, ta sẽ dễ dàng bắt gặp các cô bán hàng ngồi cạnh khay to bằng nắp nồi, lót lá chuối bảo vệ cho đống trâm chín tím đen được trộn muối ớt vừa phải, vừa mút vừa hít hà. Nghĩ tới đó thôi là đã chảy nước miếng.

6. Ô môi | Cassia grandis L.f.

Quê quán: Nam Mexico, Trung Mỹ, Bắc Nam Mỹ
Phân bố ở Việt Nam: Nam Bộ

Ảnh: Lâm Long Hồ / Người Lao Động.

Nếu không có hoa mai, những gia đình sống gần cây ô môi có thể ngóng chờ dấu hiệu xuân về qua tán hoa hồng tươi của ô môi. Không rực rỡ như phượng, cũng không chói chang như muồng hoàng yến, sắc hồng ô môi là vẻ đẹp nhẹ nhàng hơn. Khi hoa tới, những trái ô môi khổng lồ cũng sẽ ra mắt không lâu sau đó. Đầu tiên, hoa ô môi kết trái thành quả xanh như đậu que to kềnh, khi chín sẽ từ từ chuyển màu đen như vỏ cây, rồi rụng xuống đất. Khi bé, chúng tôi ăn ô môi bằng cách dễ nhất: nhặt trái trên sàn. Giữa que ô môi khô đét là từng khoang đều nhau như me, nhưng dẹp và chứa đầy chất nhựa ngòn ngọt, cay cay, hậu vị hơi đắng. Ô môi thật ra chẳng ngon lành gì cho lắm, nhưng trong tâm trí của con nít Việt, ô môi không mất tiền mua, lại có thể dùng làm kiếm đạo cụ Siêu Nhân Gao — còn gì ngon bổ rẻ bằng?

7. Tầm bóp | Physalis peruviana

Quê quán: Chile và Peru
Phân bố ở Việt Nam: Tây Nguyên

Khó ai có thể cưỡng lại sức hút của tầm bóp. Thoạt trông, người ta có thể nhìn tầm bóp thành nụ hoa héo, nhưng sau khi lần mò bóc lớp vỏ tiêu điều ấy ra, ta sẽ gặp quả ngọt: trái tầm bóp vàng tươi trên tay, bóng mượt như một viên ngọc quý. Bao nhiêu năm nay, tầm bóp đã và đang mọc dại khắp các nẻo đường quê Việt Nam, nhưng mãi đến 2021 thì mạng xã hội mới bắt đầu để ý đến thứ quả lạ lùng này, tôn nó lên thành siêu trái cây được săn lùng bởi hội eat clean. Tầm bóp cùng họ với cà chua, cà tím và cả ớt nữa, cho nên khi ăn vào, ta không khỏi nghĩ đến vị cà chua bi.

8. Nhót | Elaeagnus latifolia

Quê quán: Tiểu lục địa Ấn Độ và Đông Nam Á
Phân bố ở Việt Nam: Bắc Bộ

Ảnh: Người Lao Động.

Mỗi năm tầm tháng 3, tháng 4, một hiện tượng thành thị trở lại với đường phố Hà Nội: các cô bán hàng rong đẩy xe đạp đỏ au sắc nhót chín, như bài thơ ‘Lửa đèn’ của Phạm Tiến Duật: “Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu / trỏ lối sang mùa hè.” Thứ quả bầu dục, mọng nước là biểu tượng cho quá trình đổi đời thành công của trái cây miền quê để trở thành loại hoa màu kinh tế giúp nông dân miền Bắc kiếm thêm thu nhập, nhờ vào khẩu vị thèm chua của dân Hà Thành. Nhót xanh cũng là món khoái khẩu của con nít, vì chấm muối rất ngon; còn vị chua của nhót non cũng là gia vị phù hợp cho món "canh đại dương" dầm nhót.

9. Chùm ruột | Phyllanthus acidus

Quê quán: Madagascar và Tiểu lục địa Ấn Độ
Phân bố ở Việt Nam: Cả nước

Ảnh: Wikimedia.

Trong lòng tôi dấy lên một niềm vui kì lạ mỗi khi ngước đầu lên tán chùm ruột và thấy hàng chùm trái chín lủng lẳng. Xoài hay táo thường đậu quả đơn, nhưng chùm ruột sẽ xuất hiện theo cụm đầy nhóc cành, tạo thành chiếc khăn quấn vàng xuộm cả góc trời mỗi khi trái chín. Tuy vậy, ngay cả khi chín, chùm ruột vẫn khá chua để có thể ăn sống liên tục, nhưng trái chùm ruột lại có độ giòn rất hợp để làm mứt và ngâm chua.

10. Thị | Diospyros decandra

Quê quán: Đông Dương và Nam Trung Quốc

Ảnh: Lao Động.

Thị là thứ quả của nhiều cái nhất: mùi hương khó quên của thị là thơm nhất trong kho tàng trái cây Việt, nhưng thị cũng thuộc vào hàng những loại trái khó ăn nhất. Dẫu việc ăn nhầm ít thịt thị không gây nguy hiểm tức thời cho người ăn, nhưng hàm lượng tannin rất cao trong quả sẽ gây chát lưỡi và thậm chí tắc ruột nếu ăn nhiều. Với lý do này, dường như thị đã được số phận an bài với kiếp làm trái cỏ trường kì — tồn tại chỉ để tỏa hương cho đời, nhưng không nuôi sống thiên nhiên.

Đọc bài Saigoneer viết riêng cho thị tại đây.

Bài viết liên quan

in Natural Selection

Sấu gọi hè, chứa chan hương vị Hà Nội đầy thương nhớ

Anh đồng nghiệp cũ gọi tôi với vẻ hối thúc về cái kèo ra Hà Nội chơi mãi còn dang dở: “Hay mày định sấu rụng hết mới ra?”

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...

in Snack Attack

Viết cho trái cây sấy, món vặt được hội phụ huynh Việt Nam tin dùng

Trái cây sấy từng là món quà vặt được bố mẹ tôi dùng để dỗ ngọt cậu con trai.

in Ăn

Hẻm Gems: Xôi xiêm sầu riêng Campuchia nức tiếng Chợ Lớn 4 thập kỷ

Mang bề ngoài vô cùng khiêm tốn, nhưng đĩa xôi xiêm ngọt lành này chứa đựng vô vàn những chuyện về cuộc sống ở Việt Nam thời kỳ hậu chiến.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Lần đầu tiên, trái thanh long có trong bài viết Natural Selection

Trong tất cả các thành tựu mà tôi đạt được, thứ đỉnh nhất tôi từng chế ra có lẽ chính là "Banana Line" — hiểu nôm na trong tiếng Việt là "Hệ Quy chiếu Trái chuối." Giải thích ngắn gọn, đây là một than...

in Natural Selection

Gõ nước: Loài cây hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Có phải những gì càng có nhiều tên gọi thì càng được yêu mến không? Hãy thử nhớ xem bạn đặt bao nhiêu biệt danh cho bạn thân của mình? Và các nền văn hóa trên thế giới có bao nhiêu cách xưng tụng nhữn...