Sớm, mở toang cánh cửa sổ đón những tia nắng đầu tiên, tôi nghe mùi hoa đặc trưng quen thuộc thoang thoảng trong không khí se se lạnh. Năm nay, trời vào thu sớm, và chỗ tôi hoa sữa cũng đã bung nở những hương thơm nồng nàn.
Người ta hay nói về hoa sữa như "nàng thơ" của mùa thu Hà Nội, phủ kín các con phố bằng lớp áo trắng tinh khôi và mùi hương ấy trở thành mảnh ký ức đậm đà của những con người thủ đô. Cứ mỗi mùa thu sang người ta lại nhắc về hoa sữa trong hai dòng cảm xúc, một là háo hức mong chờ, "mê mẩn cái mùi thơm quyến rũ" và hai là "chẳng ngửi được, khó chịu vô cùng."
Cứ thế hoa sữa cứ hiện diện trong những lời nhắc về mùa thu, đan xen từ đơn thuần cảm mến, hờn trách vì chẳng yêu đến những lời ca tâm tình ngọt dịu về thứ quà mà mùa thu đã ban tặng. Dù có yêu, có ghét thì người ta cũng chẳng thể nào phủ nhận rằng hoa sữa từ rất lâu đã trở thành dấu ấn riêng, là hương thơm gợi nhắc về những điều xưa cũ, dịu dàng và khó phai.
Có một loài hoa gần gũi như thế
Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, cùng với một tên gọi khá dân dã là mò cua. Nhưng mọi người vẫn quen dùng cái tên hoa sữa vì loại cây này có nhựa màu trắng giống như sữa, hương thơm lại rất nồng nàn và cái tên hoa sữa cũng rất điệu đà khi nhắc cùng với mùa thu.
Cây hoa sữa là một loài thực vật nhiệt đới thường xanh thuộc chi Hoa sữa, họ Dừa cạn có tuổi thọ lên đến vài trăm năm. Thân cây to, thẳng đứng có chiều cao từ 10-20m, đôi khi có thể cao đến tận 50m với tán lá xanh tỏa rộng nên thường được trồng ở những tuyến đường, khuôn viên, khu dân cư để tạo bóng râm. Cây hoa sữa thuộc tính nhiệt đới, khá dễ trồng, ưa sáng và có tốc độ sinh trưởng nhanh, phân bố rộng rãi khắp các tỉnh thành trên cả nước và đặc biệt có những nơi hoa sữa phủ khắp thành phố như Nha Trang, Quy Nhơn hay Hà Nội.
Hoa sữa nở theo chùm, li ti những bông hoa trắng nhỏ có hình dạng như những chiếc phễu. Mỗi bông hoa nhỏ có 5 cánh hoa và 5 lá đài xếp thành 4 vòng xoắn nhau như được kết lại thành một đoá hoa to, phủ một màu trắng trên nền lá xanh thẫm, đẹp mê mẩn. Hình ảnh những tán hoa tinh khôi lặng lẽ đung đưa dưới ánh nắng vàng dịu của một sớm mùa thu luôn là hình ảnh vô cùng lãng mạn chỉ cần nhìn thấy là tôi đã cảm nhận được mùa thu như ôm lấy mình, hòa quyện trong từng làn hơi giữa thành phố.
Và có lẽ chính mùi hương đặc biệt, không trộn lẫn đó mới chính là thứ khiến nhiều người thấy nhớ nhất. Một hương thơm rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất ngào ngạt, có chút gì đó giống mùi hoa dạ lý hương nhưng cũng rất khác khi toả hương dưới tiết trời mùa thu se lạnh, rất dễ chịu khi hít từng đợt hương thoảng qua nhưng lại rất ngộp khi hương hoa toả ra dày đặc, nhất là khi càng về đêm.
Những người con Hà Nội hay ai đó trót yêu vùng đất này chắc hẳn sẽ có đôi lần nhớ da diết cảm giác ngồi nhâm nhi ly cà phê sữa, ăn gói cốm xanh rồi thả cảm xúc theo mùi hương hoa sữa mỗi độ cuối năm. Để mỗi lần nghe thấy ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tôi lại thấy lòng bâng khuâng khó tả:
“Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng,cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thơm nâu
Hà Nội mùa thu,mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ…”
Hoa sữa nở hoa trên đất Việt từ bao giờ?
Ngước nhìn những tán cây to, xum xuê cành lá, trắng xoá bông hoa tôi tự hỏi cây hoa sữa đã được người ta trông xuống mảnh đất này từ bao giờ. Câu hỏi ấy được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến ý giải như sau: “Người Pháp trồng cây hoa sữa đầu tiên ở phố Quán Thánh. Người ta thấy cây hoa sữa này thân cao, lá tạo ra bóng mát để che cho người đi đường vào mùa hè gay gắt ở miền Bắc nên những năm tiếp theo, hoa sữa được trồng ở các phố như Nguyễn Du và một vài con phố khác. Và vì thân cây này có nhiều mấu xù xì nên dân gian thường gọi là cây hoa vú trâu. Đầu thế kỷ 20, hoa sữa được trồng rất thưa, cây nọ cách cây kia khoảng 10-15m. Vì thế vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hương hoa nở chỉ thoang thoảng, không gay gắt."
Từ dạo đó cây hoa sữa cũng lan rễ khắp các phố phường Hà Nội, với con phố Nguyễn Du trở thành "phố hoa sữa" của Hà thành mà nhiều người bảo chỉ có Nguyễn Du mới cho ta thấy hoa sữa đẹp như thế nào. Những năm gần đây hoa sữa được trồng ở khắp Hà Nội, Nguyễn Du không còn là con phố duy nhất có nhiều loại hoa này nữa. Đi trên phố Thụy Khuê, Quán Thánh, Cửa Bắc hay Đào Tấn cũng dễ dàng bắt gặp mùi hương quen thuộc mỗi độ thu về. Đặc biệt nhiều bạn trẻ rất thích cảm giác dạo quanh Hồ Gươm buổi sớm, cảm nhận một chút heo mây tan trong mùi hoa sữa, nhìn những rổ hoa đậm sắc thu tạo nên những khoảnh khắc thật khó phai mờ.
Rời Hà Nội, hoa sữa bắt đầu chuyến hành trình xuyên Việt, dù mùi hương "nhạt dần" nhưng vẫn mang đậm mang nét đặc trưng của mùa thu và làm cho những người trót yêu Hà Nội càng nhớ, càng thương. Độ đầu tháng 10 đoạn đường Nguyễn Lương Bằng giao với Trần Văn Trà ở quận 7 (TP.HCM) đều cảm nhận mùi hương hoa sữa ngọt ngào phả vào trong gió. Hàng hoa sữa khoảng 20 cây, được trồng từ năm 1997. Hoa sữa ở Sài Gòn không phổ biến nhưng nó cũng biết cách làm cho người ta cảm nhận được hương thơm khi rải rác ở khắp thành phố. Như bên đường Hoàng Sa, Trường Sa có vài cây, rồi ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng có một cây, trước những khu chung cư, căn hộ cũng thoảng dịu mùi hoa sữa.
Không chỉ mỗi miền lạnh hay những khu đô thị lớn, về miền Tây vào mùa thu tôi cũng bắt gặp mùi hoa sữa, An Giang mùa này chắc hoa cũng đã trổ đều trên những đoạn cành. Có người bạn từng bảo với tôi đi từ ngã ba lộ tẻ ở huyện Châu Thành về đến ngã tư đèn 4 ngọn ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), phải qua “6 trạm hoa sữa.” Mà “đậm đặc” nhất, chắc là khu vực gần cầu Hoàng Diệu và đường Nguyễn Trãi. Dù hoa sữa nhìn thì vẫn vậy nhưng tôi vẫn cảm nhận được ở "xứ này" hoa sữa chẳng có được dáng vẻ yêu kiều như người ta vẫn miêu tả hoa sữa Hà Nội. Đúng là khi đã trở thành biểu tượng của một vùng đất thì khi rời khỏi vùng đất đó nó trở nên mờ nhạt hơn nhiều.
"Luận công-luận tội" loài hoa của mùa thu
Hoa sữa cứ an phận làm đúng sứ mệnh với mùa thu, vậy mà cuộc đời của nó cũng được người ta mang ra phán xét nhiều.
Đã có không biết bao nhiêu "vụ kiện hoa sữa" diễn ra, vì người dân không thể chịu được mùi hoa sữa quá dày đặc. Cứ mỗi mùa hoa sữa về có ai đó vẫn còn nhớ nhiều chuyện người dân Tam Kỳ đi kiện cây hoa sữa vì khiến cho họ bị dị ứng, hen suyễn, nhức đầu. Và khi đã hết mùa hoa thì trái hoa sữa chín, nở bung những lông tơ bám đầy đường và đồ vật. Hay người dân ở thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh cũng từng kiến nghị, đòi "kiện hoa sữa" vì quy hoạch hoa sữa không hợp lý gây khó chịu và ảnh hưởng đến đời sống.
Từ làn sóng gây tranh cãi về hoa sữa, nhiều tuyến đường trên khắp cả nước cũng đã tiến hành chặt bỏ cây hoa sữa và thay thế bằng nhiều loại cây xanh mới. Đọc vài trang tin "luận công-luận tội" hoa sữa vì cái mùi không phải ai cũng thấy dễ chịu, tôi mới biết hoa sữa đâu chỉ được nhắc nhiều trên đất của mình, mà còn ở nhiều quốc gia khác nữa.
Tất nhiên với thuộc tính giống cây nhiệt đới, hoa sữa xuất hiện nhiều ở các nước thuộc Đông và Nam Á. Tờ Bangkok Post tại Thái Lan từng đưa một bài viết, khuyên rằng nên trồng hoa sữa để khử mùi nếu khu vực xung quanh quá khó chịu. Ở Ấn Độ, nếu như một bộ phận người dân đón nhận bằng nhiều niềm yêu thích, người ta mô tả mùi hương hoa sữa "khiến con người dù bận rộn cũng phải dừng lại để thưởng thức" thì một số đông khác lại cho rằng hoa sữa khiến họ gặp nhiều rắc rối.
Cơ quan chức năng ở Noida (Ấn Độ) cho biết: "Nếu bệnh nhân hen suyễn đứng dưới gốc cây hoa sữa quá lâu, họ có thể gặp một số vấn đề về hô hấp.” Vì thế, họ đã tiến hành thay thế cây hoa sữa bằng cây bằng lăng. Hay tại Đài Loan, hơn 2/3 số lượng hoa sữa tại trường trường trung học Chihcheng cũng bị chặt hạ vì mùi hương hoa sữa gây ảnh hưởng không tốn đến học sinh của họ.
Đúng là điều gì dù đẹp đến đâu thì cũng sẽ có người thích kẻ chê.
Tìm cách giữ mùi hương thủ đô
Nhưng mà sau tất cả, dù người ta có ghét, có thương, có người giận hờn muốn chặt bỏ hàng hoa sữa thì tôi vẫn biết sâu thẳm trong trái tim những người con yêu thủ đô vẫn quý loài hoa này lắm, quý vì những kỉ niệm với cái tình đậm đà và trân quý. Trong vô thức ai đó đã, đang và sẽ luôn chờ loài hoa ấy bung nở hương thơm đầu tiên, báo hiệu cho một mùa thu xao xuyến sắp bắt đầu.
Và để giữ gìn hình ảnh của loài hoa ấy và cũng khiến cho mọi người cảm thấy dễ chịu hơn, hoa sữa cần được quy hoạch lại mật độ cây, cụ thể chỉ nên trồng cách nhau tối thiểu 50m nhưng thực tế lại trồng quá dày khi chỉ 2-3m đã có một cây. Việc chặt hạ hay di chuyển bớt các cây hoa sữa ở nhiều tuyến phố sẽ giúp đảm bảo giữ gìn một nét đẹp của mùa thu mà vẫn đảm bảo được sức khoẻ của người dân và bảo vệ môi trường.