Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Natural Selection » Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.

Truyện kể, vào thế kỷ thứ 15, thần rùa Kim Quy đã hiển linh và ban cho vua Lê Lợi một thanh gươm vàng để đánh đuổi quân giặc nhà Minh. Khi đã dẹp tan quân xâm lược, vua đang du thuyền quanh hồ thì thần lại hiện lên để lấy lại thanh gươm.

Trong thời hiện đại, hình ảnh rùa thần với thanh gươm trên lưng bước ra khỏi thế giới dân gian để phủ sóng đầy bảng quảng cáo, tài liệu du lịch và hóa thân thành những chiếc móc khóa, tượng, và đồ lưu niệm bày bán đầy rẫy quanh hồ Gươm. Nhân vật chính của câu chuyện huyền sử này là một sinh vật hoàn toàn có thật, nhưng khác với sự vẻ vang, uy hùng trong truyền thuyết, chuyện đời của “rùa thần” có phần thương tâm hơn rất nhiều.

Trước tiên, danh tính của loài rùa này là gì? Ngày 2/6/1967, đội công nhân của một doanh nghiệp khai thác thủy sản đã được giao nhiệm vụ vây bắt một cá thể rùa xuất hiện ở hồ nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu. Nhưng thay vì đưa nó về nguyên vẹn, họ dùng chiếc xà beng để tác động vật lý liên tục, khiến cụ mất vì chấn thương đầu. Thân xác nặng 250kg của cụ được mang đi làm tiêu bản rồi trưng bày trong đền Ngọc Sơn tới nay, bóng dáng ảm đạm của cụ vẫn xuất hiện lờ lững trong ảnh chụp của người đi đền cuối tuần

Cụ rùa này được xác định là một cá thể rùa mai mềm khổng lồ phân bố ở các đầm lầy, hồ và sông ở miền Bắc Việt Nam. Vào đầu thập niên 1990, Tiến sĩ Sinh học Hà Đình Đức đã giới thiệu về loài này qua báo chí và một số nghiên cứu khoa học chưa được công bố. Ông gọi loại rùa này bằng những cái tên khác nhau, nhưng cuối cùng chọn danh pháp Rafetus leloii để tôn vinh sự tích lâu đời gắn liền với nó. Tất nhiên, người ngoài giới khoa học chẳng bao giờ đá động đến danh pháp này, người ta dùng tên gọi ngắn gọn là “cụ rùa” và cũng thường mặc định cá thể rùa sống ở hồ Gươm là con đực.

Rùa mai mềm Thượng Hải. Nguồn ảnh: Asian Species Action Partnership

Đến thế kỷ 21, khi danh tiếng của cụ bắt đầu lan truyền trong và ngoài nước, nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh danh pháp của cụ rùa Hoàn Kiếm. Khi ấy, chỉ còn 2–3 cá thể rùa mai mềm là được ghi nhận ở Việt Nam. Các nhà khoa học thế giới bắt đầu đặt ra nghi vấn: liệu đây có phải là một loài rùa riêng biệt, hay thực chất chỉ là những cá thể Rafetus swinhoei, tức rùa mai mềm Thượng Hải — một loài rùa ở miền nam Trung Quốc cũng đang trên bờ vực tuyệt chủng. Tiến sĩ Đức và một số đồng nghiệp khẳng định cụ rùa là một loài bò sát riêng biệt, nhưng các bằng chứng đưa ra còn khá mơ hồ. Họ cho rằng vì khác giống loài nên các cá thể rùa ở Việt Nam không thể tham gia chương trình phối giống bảo tồn với với các cá thể rùa Trung Quốc.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm gần đây nhất vào năm 2023 đã xác minh rằng ba cá thể rùa mai mềm duy nhất còn sống sót trên thế giới — một tại vườn thú Tô Châu ở Trung Quốc, một tại hồ Xuân Khanh và một tại hồ Đồng Mô ở Việt Nam — đều mang mã gene của loài Rafetus swinhoei. Cũng thật mỉa mai thay khi loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới, chỉ sinh sống ở châu Á, nhưng lại mang cái tên đặt theo Robert Swinhoe, một nhân vật đã góp phần giúp Đế quốc Anh đàn áp người dân Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến.

Ngoài “drama” danh pháp và quốc tịch, có lẽ rùa mai mềm cũng không được yêu mến bằng họ hàng mình sinh sống ở biển vì có ngoại hình không mấy ưa nhìn: các chi nhăn nheo, móng vuốt nhọn lệch, đôi mắt đờ đẫn và một cái cổ mập mạp nhăn nheo. Bây giờ, cụ đã được hóa kiếp, được ngâm formol, được phủ nhựa, và trưng bày trong tủ kính, nên trông cụ sang trọng biết bao.

Cụ rùa Hoàn Kiếm đã có thể trở thành nạn nhân của “hội chứng Bambi” — khi con người chỉ quan tâm bảo tồn những loài động vật “nhìn yêu thế” như gấu trúc, voi và báo tuyết. Tuy nhiên, công tác bảo tồn loài bò sát này đã may mắn nhận được nhiều khoản tài trợ từ các nguồn công và tư, trong đó có gần 1 tỷ đồng được quyên góp bởi tập đoàn Danko cho Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP), các tổ chức bảo tồn khác cũng đang tăng cường kêu gọi sự giúp đỡ. Một bài viết dài trên tờ New York Times đưa tin về cái chết của cụ rùa Hoàn Kiếm vào năm 2016, mô tả cụ là “một huyền thoại biểu tượng cho sự độc lập và trường tồn của Việt Nam” và “khó gì có thể sánh được với ý nghĩa tinh thần và văn hóa mà Cụ Rùa để lại.” Ở Việt Nam, cụ lại càng được kính trọng vì là linh vật duy nhất có thật trong Tứ Linh.

Tuy nhận được nhiều sự chú ý và tài trợ, những nỗ lực bảo tồn loài rùa mai mềm vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Có khả năng một vài cá thể rùa vẫn còn sống sót ở những ao hồ chưa được nghiên cứu. Các nhà khoa học cũng tin rằng có một cá thể thứ hai còn sống sót ở hồ Đồng Mô gần Hà Nội, nơi một cụ rùa cái đã từng được phát hiện vào năm 2020. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp khả thi nhất, số cá thể rùa trong tự nhiên nhiều nhất cũng chỉ là ba. Và cho đến nay, tất cả các chương trình phối giống trong điều kiện nuôi nhốt đã thất bại hoàn toàn. Năm 2019, cá thể rùa cái duy nhất của Trung Quốc đã chết trong quá trình gây mê tiểu phẫu để thụ tinh nhân tạo. Công cuộc bảo tồn loài rùa mai mềm đang dần đi vào ngõ cụt.

Cụ rùa Hoàn Kiếm đã có thể trở thành nạn nhân của “hội chứng Bambi” — khi con người chỉ quan tâm bảo tồn những loài động vật “nhìn yêu thế.”

Câu chuyện của cụ rùa Việt Nam ngày càng tối tăm vì những thất bại của con người trong việc tôn trọng thiên nhiên. Theo lời cụ ông, cụ bà sống ở vùng ven Hà Nội, các cá thể rùa mai mềm từng thường xuyên xuất hiện trong tự nhiên, nhưng đến thập niên 1960, chúng bị tận diệt để lấy thịt, và các dự án thủy điện ồ ạt cũng tước đi môi trường sống của chúng. Mãi đến năm 2013, loài rùa mởi được chính thức cho vào danh sách bảo tại Việt Nam, lúc này đã quá muộn màng, bởi trong một khoảng thời gian dài “con rùa nào bị bắt thì thịt của nó sẽ được chia sẻ với cả gia đình, họ hàng, làng xóm” — theo lời chia sẻ của một người phụ nữ với báo chí. “Trứng rùa cũng được đem ngâm muối, vì người ta tin là ăn trứng rùa muối sẽ giúp chữa tiêu chảy.” Vậy là đằng sau một huyền thoại và hình tượng lừng lẫy, chúng ta đối mặt với một loài động vật tội nghiệp với danh tính mơ hồ, đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng bởi bản tính tham lam, bạo lực, và ngu dốt của con người.

Tôi từng nghe một đề xuất thú vị để tôn vinh di sản của rùa hồ Gươm. Mỗi khi đến Hà Nội, hãy thả xác một con mèo vào làn nước đục ngầu của hồ. Một trong những hình ảnh cuối cùng được ghi lại về cá thể rùa cuối cùng sống ở hồ Gươm là lúc cụ trồi lên khỏi mặt nước lềnh bềnh rác để tha xác một con mèo về đánh chén. Quanh cụ là một hàng dài người thích thú đứng xem — một cảnh tượng nhơ nhớp, thô bạo hệt như cái cách chúng ta đối xử với dòng họ cụ bao đời nay. Nhưng thôi thì, ít nhất đến cuối đời cụ cũng đã có buổi ăn ngon. Phải chi cả đời cụ cũng được sống bình an vui vẻ thế thì hay biết bao.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Natural Selection

Cá Sấu — từ kẻ săn mồi tiền sử đến nô dịch của ngành thời trang

Tôi chưa bao giờ ưa nổi loài cá sấu. Không phải vì tôi từng bị cá sấu tấn công hay vì sự tồn tại của chúng gây ảnh hưởng gì tới cuộc sống của tôi — tôi ghét bọn cá sấu đơn giản chỉ vì chúng nó… tồn tạ...

in Natural Selection

Đom đóm: Vụt sáng để rồi dần biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam

Như chính sự tồn tại của mình, loài đom đóm vụt sáng để rồi biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam.

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...

Paul Christiansen

in Natural Selection

Tiên sư cái phường khỉ vàng, thành viên 'báo đời' nhất họ linh trưởng

“Bộ tưởng mình ngu lắm hay gì?” — Đầu tôi lập tức “nhảy số” khi thấy tấm biển treo trên cửa phòng khách sạn của mình ở Đà Nẵng.

in Natural Selection

Gõ nước: Loài cây hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng giúp ứng phó với biến đổi khí hậu

Có phải những gì càng có nhiều tên gọi thì càng được yêu mến không? Hãy thử nhớ xem bạn đặt bao nhiêu biệt danh cho bạn thân của mình? Và các nền văn hóa trên thế giới có bao nhiêu cách xưng tụng nhữn...

in Ao Ta

Hành trình cắm trại tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, vùng đất ngập nước lớn nhất Bắc Bộ

Một chuyến cắm trại tại Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định hứa hẹn mang đến kha khá trải nghiệm “đặc sắc”: bị bọ cắn, đi đường gặp rắn, hít thở không khí đặc quánh của miền biển, và đóng vai...