“Bộ tưởng mình ngu lắm hay gì?” — Đầu tôi lập tức “nhảy số” khi thấy tấm biển treo trên cửa phòng khách sạn của mình ở Đà Nẵng.
Tấm biển cảnh báo:
Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, quý khách sẽ có cơ hội tiếp cận với các loài động vật đặc hữu, trong đó có các cá thể loài khỉ. Với trường hợp này, xin quý khách hãy lưu ý một số điều sau:
- Đóng kín cửa sổ và cửa ra vào.
- Giữ khoảng cách với khỉ.
- Không cho khỉ ăn.
- Để mắt đến tư trang.
Tôi thừa hiểu mình không nên tiếp xúc quá gần với động vật hoang dã, cũng biết là không nên cho chúng nó ăn uống bừa bãi rồi lệ thuộc con người. Nhưng xem ra tôi chỉ mới “học chay” thôi chứ chưa thực hành được.
Buổi sáng hôm ấy, tôi đang tận hưởng phút giây thư giãn trên ban công phòng mình, vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa ngắm nhìn mặt biển trải dài vô tận bên dưới. Những đám mây bị gió đánh tơi tả như chiếc gối bông sau một trận “gối chiến” oanh liệt. Bỗng tôi nghe thấy hai tiếng đập oang oang từ phía sau, tiếp đó là âm thanh huyên náo và hỗn loạn. Hóa ra, hai con khỉ từ tán cây phía trên đã nhảy xuống ngay sau lưng tôi, sau đó phóng vào trong phòng và chễm chệ leo lên giường. Tụi nó không rời mắt khỏi đĩa trái cây khách sạn đặt trong phòng, cứ thế ăn một lèo đến khi hết sạch.
Xong, một con ngả người lên mấy chiếc gối, con còn lại thì tiến sâu hơn vào phòng và moi ra được một ống khoai tây chiên. Nó đem phần snack ấy ra ăn ở một góc ban công ở trong tầm nhìn nhưng ngoài tầm với của tôi. Tôi chẳng thèm đuổi kẻ tòng phạm ra khỏi không gian riêng của mình vì tôi bận chạy đi tìm người giúp, chẳng kịp mặc áo. Khi tôi trở về phòng và dẫn theo một nhân viên khách sạn, hiện trường vụ oanh tạc chỉ còn lại hai dấu vết: vụn bánh macaron vung vãi trên sàn nhà, và lớp kem phủ cheesecake trây trét đầy tấm chăn bông.
Chuyện là như thế, nhưng tôi không giỏi rút kinh nghiệm nên lũ khỉ đã giúp tôi ôn lại bài học cay đắng này. Trong chuyến đi Cần Giờ một thời gian sau đó, một con khỉ khác đã giật túi xách của bạn tôi đang đeo trên vai. Xui cái là chùm chìa khóa xe duy nhất của cô ấy đang nằm trong chiếc túi. Cái dòng linh trưởng tinh ranh ấy chạy ra bìa rừng rồi ngồi nhìn chúng tôi chằm chằm. Tôi đã "nhanh trí" nghĩ ra cách quăng một bịch snack cho con khỉ để dụ nó bỏ cái túi xách quý báu ra và lấy bánh. Nhưng đó gọi là “ảo tưởng sức mạnh” mọi người ạ.
Con khỉ thung dung đi lại nhặt gói bánh bằng một tay, rồi giữ cái túi trong tay kia. Thế là nó vừa có bánh ngon để ăn vừa có túi đẹp để đeo. May thay, có một bác trai nhân từ đã đến giúp chúng tôi. Quá quen với mấy “trò khỉ” của tụi này, bác điêu luyện dùng một chiếc gậy to để bắt tên cướp kia buông chiếc túi ra (nhưng tiếc là bịch snack đã không thể trở về bên tôi).
Trong cả hai vụ án, thủ phạm đều là những con khỉ vàng (Macaca mulatta), một trong những loài linh trưởng phổ biến và khó bảo nhất thế giới. Khỉ vàng thường sống thành đàn với số lượng 30–50 cá thể và có phân chia địa vị rõ rệt trong đàn. Về chế độ ăn, chúng không quá kén chọn: mùa nào thức nấy, kiếm được gì ăn đó, nhìn chung chủ yếu là trái cây, quả hạch, lá cây và côn trùng. Khỉ vàng phân bố khắp Nam Á và Đông Nam Á, và là loài bản địa của miền Bắc Việt Nam và Tây Nguyên. Qua thời gian, chúng đã mở rộng bờ cõi đến một số khu vực khác của Việt Nam, như Cần Giờ, rừng Cát Tiên và đảo Rều ngoài khơi thành phố Hạ Long. Ngoài ra, khỉ vàng cũng duy trì số lượng cá thể ổn định ở Châu Mỹ. Cái tên khỉ “vàng” không xuất phát từ màu lông, mà từ "giá trị vàng" mà chúng đem lại cho của con người.
Khi bạn đọc tin tức về những nghiên cứu khoa học trên linh trưởng, đối tượng nghiên cứu ấy rất có thể là khỉ vàng.
Khi bạn đọc tin tức về những nghiên cứu khoa học trên loài khỉ, đối tượng nghiên cứu ấy rất có thể là khỉ vàng. Trong những loài linh trưởng họ hàng của con người, đây là loài được giới khoa học sử dụng phổ biến nhất. Phần vì chúng dễ sinh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt, phần vì bộ gene của chúng giống gene người đến 93%. Khỉ vàng có đóng góp to lớn trong việc điều chế và sản xuất vắc-xin cho các bệnh như bại liệt, viêm gan A và bệnh dại, cùng với các loại thuốc được dùng trong phòng chống COVID-19 và AIDS.
Ở nước ta, khỉ vàng cũng là một giống thú cưng được nuôi ở nhà riêng, cơ sở kinh doanh, thậm chí là các gánh xiếc thú trước khi những địa điểm này bị đóng cửa vì hành vi ngược đãi động vật. Nói về tình trạng bảo tồn, người bạn lông lá này được phân loại là loài “ít quan tâm.” Tuy chúng ta cần nghiên cứu thêm về khỉ vàng, nhưng xem ra chúng không ở bên bờ vực tuyệt chủng như nhiều loài linh trưởng khác ở Việt Nam.
Chắc chắn câu chuyện của tôi không phải là duy nhất, bởi khỉ vàng không ngán một ai cả! Không khó bắt gặp những mẩu tin như khỉ vàng đột nhập nhà dân hay tấn công người — và ai từng bị khỉ vàng “hành” cũng sẽ đồng tình rằng chúng là cái thứ báo đời! Sự xuất hiện của chúng tại các điểm du lịch giống như sâu bệnh tấn công mùa vàng, như thể thiên nhiên gửi chúng đến để ngăn chặn du khách khai thác thiên nhiên để tìm kiếm trải nghiệm vui vẻ.
Với sự trợ giúp đắc lực của con người, khỉ vàng học được rằng đồ ăn của con người vừa ngon miệng vừa dễ tìm kiếm; chúng nó có toàn quyền kiếm ăn trong thùng rác, nhà cửa và xe cộ không đóng kín cửa, cũng như ngay trên bàn tay chúng ta. Ai đó có thể lập luận rằng con người đang xâm phạm lãnh thổ của khỉ vàng như một cách biện minh cho hành vi của chúng. Nhưng ở miền Nam thì khỉ vàng không phải là loài bản xứ, chúng cũng là dân nhập cư như ai kia mà thôi. Vậy nên nếu có con vật nào đáng bị chửi “khỉ gió,” chẳng phải đó là khỉ vàng hay sao?
Không giống như nhiều loài động-thực vật bản địa khác như thạch sùng, đom đóm và lêkima, văn hóa Việt Nam không có nhiều truyện cổ tích hay tác phẩm văn học về khỉ vàng. Thậm chí chúng cũng không xuất hiện nổi bật trong văn hóa đương đại (Chắc không ai dám đề xuất thiết kế trang phục dân tộc cho Miss Grand lấy cảm hứng từ lũ này đâu đúng không). Theo suy luận sắc bén của tôi, hình ảnh khỉ vàng không có chỗ đứng trong văn hóa đại chúng là do chẳng có ai từng tiếp xúc với khỉ vàng mà muốn lưu lại kỷ niệm đó, hay được gợi nhắc về chúng khi đang vui thích thưởng thức âm nhạc và hội họa.
Khỉ vàng có bản tính hung dữ, tàn bạo, ranh mãnh và rất dễ bị kích động.
Khỉ vàng có bản tính hung dữ, tàn bạo, ranh mãnh và rất dễ bị kích động. Mỗi đàn khỉ đều phân chia địa vị rõ rệt và chúng dùng các biện pháp bạo lực để áp đặt trật tự ấy. Các mối quan hệ trong đàn đều mang tính trao đổi vì lợi ích. Đối với chúng, toàn bộ cuộc sống đều xoay quanh việc sinh tồn và duy trì nòi giống; vì thế, chúng phải trở nên xảo trá để bắt nạt kẻ khác. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng lo ngại nhất về loài khỉ không phải là hành vi của chúng mà là sự tương đồng giữa chúng với loài người.
Có thể nói khỉ vàng đại diện cho những tính xấu của con người: bài ngoại, háu ăn, trộm cắp, lừa lọc để tiến thân, lợi dụng những người yếu thế hơn mình, ham thích xâm chiếm vùng đất mới và đàn áp các loài bản địa. Có lẽ, điều này không đáng ngạc nhiên bởi vì loài người và loài khỉ có chung một tổ tiên không xa, điểm khác biệt chỉ là xã hội chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để thiết lập các tín ngưỡng, phong tục và truyền thống nhằm kiểm soát bản năng động vật của mình.
Tuy nhiên, tôi dám hỏi bất kỳ ai chứng kiến hành vi hung ác vô lý trong cộng đồng khỉ vàng mà không giật mình nhìn lại những người xung quanh mình, hay nhìn lại “con khỉ vàng” đang ẩn nấp bên trong mình.
Nhưng may may mắn làm sao, con người và khỉ vàng vẫn có một số khác biệt sâu sắc. Theo các nhà khoa học, khỉ vàng không có khả năng biểu hiện, hay thậm chí không cảm nhận, được niềm vui. Hơn nữa, tập tính xã hội của khỉ chỉ hướng dẫn chúng nhận biết mối đe dọa và phục tùng khỉ chúa, chứ không khuyến khích hình thành các giao tiếp phức tạp hơn. Chẳng hạn, chúng không biết kể chuyện, nhưng con người thì biết. Vì vậy, hãy cho phép tôi được kể câu chuyện sau:
Sau cuộc đụng độ với hai con khỉ vàng ấy, tôi “tuột mood” không phanh. Tôi tức giận trước trật tự vốn có của thế giới và chán nản với bản năng xảo trá của giống loài tiền thân loài người, tiện thể tôi hờn luôn cả thói bội bạc mà người đời khó tránh khỏi. Niềm an ủi của ngày hôm đó là khách sạn đã thay tấm trải giường cho tôi. Nhưng tối hôm ấy, có tiếng sột soạt trên tán cây. Lúc đầu, tôi đoán đó lại là một toán cướp khỉ vàng khác giống như ban sáng.
Nhưng khi nhìn ra cửa sổ, tôi gặp một gia đình voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng ăn lá cây có nguy cơ tuyệt chủng. Thật cảm kích làm sao khi được chào đón dáng vẻ duyên dáng ấy thay vì mấy con khỉ ghẻ lở gầy còm. Cả gia đình đang ngồi yên trên cây, cách ban công phòng tôi vài mét. Phong thái điềm tĩnh, ánh mắt sâu lắng và dường như đang ngẫm nghĩ điều gì đó, toàn thân chúng toát lên một cảm giác rất khoan thai, hoàn toàn trái ngược với ai kia. Chúng chậm rãi chuyền từ cành cây này sang cành cây khác mà không phát ra tiếng cằn nhằn hay mắng nhiếc, chứ đừng nói đến tiếng hú hét không ngớt mà người ta thường nghe thấy từ mấy kẻ bát nháo nọ.
Gia đình voọc không hề thể hiện ý định xâm chiếm không gian của tôi, mà chỉ thỉnh thoảng nhìn về phía này để dò xét xem tôi có đang đe dọa chúng hay không. Voọc mẹ ôm con mình vào ngực khi len lỏi qua đám lá. Suốt thời gian ấy, tôi chưa một lần thấy nó giành ăn với đứa con nhỏ như người ta vẫn nói. Xem ra cái thói ấy chỉ phổ biến ở những kẻ mà ai cũng biết là ai. Sau khi cả nhà đã “căng da bụng, chùng da mắt,” chúng âm thầm di chuyển lên núi, chỉ để lại âm thanh xào xạc phát ra từ tán cây và dần tan vào thinh không như tiếng chuông chùa trước giờ niệm kinh.
Nếu con người có thói quen cư xử như khỉ vàng, thì ta cũng có thể thay đổi để chọn phong thái sống như voọc chà vá chân nâu, phải không?