Đọc phiên bản Tiếng Anh của bài viết tại Saigoneer.
Rắn hổ mang chúa có lẽ có team truyền thông rất mạnh. Chỉ cần nhìn vào tiểu cảnh trang trí Đường hoa Nguyễn Huệ năm Ất Tỵ là thấy ngay minh chứng: bức tượng đồ sộ nhất, bắt mắt nhất miêu tả hình tượng một chú rắn hổ đang phùng mang, thè lưỡi kiêu hãnh.
Ảnh: Travellive.
Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), hay còn gọi là hổ mang vua, phân bổ khắp các nước châu Á có khí hậu nhiệt đới, từ Đông Ấn đến Indonesia và Philippines. Tuy môi trường sống dàn trải, các quần thể rắn hổ mang không đông và biệt lập. Trái với những câu chuyện dân gian, rắn hổ rất ôn hòa, thường chạy trốn người, cho nên con người và rắn hổ mang rất ít tiếp xúc. Dù vậy, hình ảnh rắn hổ mang có vai trò quan trọng trong văn hóa đại chúng và ngành “du lịch hoang dã” tại Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng, trong cuộc đua diện kiến Ngọc Hoàng trên trời, loài rắn, tuy chậm, nhưng nhanh trí quấn mình vào chân loài ngựa phi nước đại, nên rắn về đích thứ 6 trong 12 con giáp. Chính những thần thoại như thế đã góp phần xây dựng nên hình ảnh loài rắn trong xã hội hiện đại tượng trưng cho sự lươn lẹo, khôn lỏi, khuất tất. Rắn hổ mang chúa, ngược lại, chẳng cần phải xảo trá như thế để được người đời kính nể. Lý do rất dễ hiểu: sợ rắn là một tính trạng đã được trui rèn trong tiềm thức loài người từ thuở hồng hoang. Loài người cổ đại học cách tránh né những sinh vật trườn bò, nhe răng, phồng mang trợn má, và có thể cắn liên tục không ngừng nghỉ, tiêm chất cực độc qua vết răng. Rắn hổ mang chúa là loài rắn có nọc độc dài nhất và một trong những loài rắn nặng nhất trong tự nhiên. Chưa hết, phần mang bành ra nhờ chuyển động của xương sườn linh động, khiến rắn trở nên đáng gờm đối với bất kì ai gây sự. Dù hiền, khi bị đe dọa, hổ mang phồng mang, nhe răng, và rít lên ken két. Những tập tính này tách biệt rắn ra khỏi những giống loài không chân khác, đưa nó nên vị thế một loài thú săn mồi đáng gờm. Ngoài ra, rắn hổ mang chúa còn có thể ăn cả những loài rắn khác, nên chẳng lạ gì khi con người sợ hãi rắn hổ đến thế.

Ảnh: Mongabay.
Khó có thể tìm được tên khoa học của các loài trong thần thoại. Ít truyền thuyết hay truyện cổ Việt Nam nào có mặt loài rắn cho ta đủ manh mối để xác định xem loài rắn bản địa nào có vai trong truyện. Đôi lúc, ta có thể loại suy dựa vào hoàn cảnh và nguồn gốc địa lý, nhưng phần lớn các trường hợp, khi kể chuyện thần thoại, ngụ ngôn, người dẫn chuyện sẽ định đoạt từng chi tiết thêm thắt cho câu chuyện thú vị nhất. Cho nên người ta hay nghĩ ngay đến loài rắn ngoài đời thực nào hấp dẫn thị giác và nom hung tợn nhất — rắn hổ mang nghiễm nhiên trở thành “gương mặt thương hiệu” trong các tranh minh họa cổ tích. Ví dụ như câu chuyện nổi tiếng về “rắn trả thù,” khi xuất hiện trong bài viết giới thiệu về các tục lệ dân gian về rắn, dùng rắn hổ để minh họa, dù tất cả những tục ngữ, thành ngữ đều không nói rõ loài nào. Rắn hổ sinh sống khắp Việt Nam, nên bất kì tác phẩm nào có dính đến rắn, người ta cũng có thể lấy nó ra làm nhân vật chính, từ câu chuyện rắn thần đền Tranh, sự tích con dã tràng, cho đến huyền thoại rắn báo oán trong vụ án Lệ Chi Viên. Gắn liền với những tích truyện đầy màu sắc huyền hoặc, rắn hổ mang cũng mang theo trên mình cái mác loài động vật đáng sợ, đe dọa loài người.
Sự tích con Dã Tràng. Minh họa: Dương Trương.
Chính những mê tín hơi lố bịch về loài rắn hổ độc ác như thế này cũng đóng góp không nhỏ trong sự khai thác tận diệt rắn hổ ở mức độ cấp châu lục, hay thậm chí hành tinh. Chỉ với vài cú nhấp chuột, ta đã có thể tìm được nhiều tour du lịch ở Hà Nội, đặc biệt là những công ty chuyên dắt tour cho khách Tây thích cảm giác mạnh, đến Làng Lệ Mật, khoảng vài kilomet từ trung tâm thủ đô, nơi khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động cùng rắn. Theo truyền thuyết, chàng trai tên Hoàng người Lệ Mật từng chinh phục con thủy quái hình rắn, nên từ đó nơi đây nổi lên với nghề bắt và chế biến thịt rắn. Ngay tại bàn, người phục vụ có thể bắt ngay rắn sống từ lồng, cắt tiết tươi cho khách uống hòa rượu đế, còn quả tim hãy còn đập những nhịp cuối đời trở thành món quà “vơ-đét” cho một du khách may mắn. Sau vài cái cụng ly, bàn tiệc đầy món đặc sản rắn như mì xào rắn, da rắn chiên giòn, và sườn rắn nướng đã được bày ra trước mắt. Nuốt ực ngụm rượu tanh máu, chụp nhanh vài cái selfie với ê hề thịt rắn — du khách đã hoàn thành đủ trải nghiệm “hoang dã” ở Việt Nam, vừa kì bí, vừa man rợ, vừa quá nhanh quá nguy hiểm.



Ảnh: Life Part 2 & Beyond.
Suy cho cùng, ta cũng không nên tin răm rắp những gì xem được trên mạng. Trong khi du khách ố á vì ngạc nhiên, đối với nhà hàng, đây chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” được biểu diễn vài lần một đêm, bình dân như quán ốc. Các chú rắn xấu số cũng hiếm khi là rắn hổ. Vài giống rắn phổ biến hơn cũng có mặt trong thực đơn, và nhiều lúc người ăn khó có thể phân biệt được rắn hổ mang chúa giữa một rừng những 38 loài rắn hổ khác — thật ra rắn hổ mang chúa thậm chí cũng không phải là rắn hổ nguyên thủy, nhưng đây là cuộc lạm bàn cho dịp khác. Dẫu vậy, nếu muốn thử rắn hổ mang chúa, khách có thể dặn trước. Trong một tập phim giới thiệu du lịch Việt Nam thực hiện năm 2002, cố đầu bếp-người dẫn chương trình Anthony Bourdain đã tự mình nếm thử rắn hổ mang trong chuyến ghé thăm quán nhậu Sài Gòn. Đối với Anthony, và có lẽ nhiều du khách khác đến Lệ Mật, họ trải nghiệm không phải vì khát máu hay thèm rắn — vốn cũng không quá ngon lành so với các món sơn hào hải vị khác — mà để thỏa mãn cảm giác được chinh phục một “tượng đài” chết người của thế giới tự nhiên. Chinh phục được rắn hổ mang chúa, họ cho thế giới biết rằng mình chịu chơi, quả cảm thế nào giữa chốn rừng rú ngoại quốc.
Video từ YouTube.
Khát khao được phô bày trải nghiệm độc lạ, chinh phục tự nhiên này cũng chính là lý do vì sao ta hay thấy nhan nhản trong quầy lưu niệm hàng tá chai rượu vàng vọt đựng rắn hổ ngâm. Tất nhiên lắm lúc đó không phải là rắn hổ mang thật, vì người bán hoàn toàn có thể dùng tiểu xảo, ngụy trang những loài rắn cỏ khác thành hổ mang bằng cách “mông má” phần xương cổ cho giống đang phồng mang. Chưa kể, nồng độ cồn cao trong rượu đế vô hiệu hóa các protein hoạt chất quý trong nọc rắn. Nhưng ít ai mua rượu rắn quan tâm lắm đến những vấn đề này, vì người ta chỉ mua về chưng cho bề thế thay vì dùng hàng ngày.

Ảnh: South China Morning Post.
Tuy nhiều du khách rất thích thú khi được chiêm ngưỡng bầu rượu rắn, cách làm này không phải được phát minh cho mục đích du lịch, mà chính là cho một bộ phận người Việt — nhất là khách trung niên, hay khách sống ở vùng tiệm cận thành phố — vì người ta tin rằng rượu rắn có công dụng bồi bổ sức khỏe nhờ tính ấm. Rượu rắn vì thế được gán cho một danh sách dài “bách bệnh” như thấp khớp, viêm khớp, đau lưng, phong, chảy mồ hôi, rụng tóc, khô da, viễn thị, mệt mỏi, cúm, cảm sốt, và cả đau nửa đầu. Đương nhiên, cũng như hằng hà sa số những bài thuốc khác có nguồn gốc động vật, nhiều đàn ông Việt cũng tin rằng dùng rượu rắn sẽ giúp họ có chỗ đứng vì cứng chỗ đó.

Hầu hết những sản phẩm điều chế từ động vật quý hiếm đều không được khoa học chứng minh có tác dụng y học, và chỉ được người ta truyền miệng nhau dựa trên niềm tin mù quáng rằng cái gì càng quý, càng đắt tiền thì càng có hiệu lực. Tuy nhiên, nọc rắn — bao gồm cả rắn hổ — thật sự có ích cho nghiên cứu y sinh. Các nhà khoa học đã và đang tìm hiểu cách sử dụng hoạt chất có trong nọc rắn để tạo ra thuốc kháng viêm và các biện pháp khống chế tế bào ung thư.
Dù không đem lại hình ảnh đẹp cho Việt Nam, kỹ nghệ bắt và thịt rắn kèm theo hàng tá các thứ rượu hỗn tạp khác ít nhất cũng tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương. Làng Vĩnh Sơn ở Vĩnh Phúc, nơi được mệnh danh là làng chăn nuôi rắn hổ lớn nhất nước ta, là một ví dụ. Tầng lớp nông phu ở đây chuyển canh tác, mở trang trại rắn khi quần thể rắn tự nhiên bị thu hẹp do săn bắt quá mức. Nhờ tập trung vào phát triển ngành thuốc Nam và các sản phẩm từ rượu, dân làng thu về 100 tỉ đồng vào năm 2024 từ việc nuôi rắn, bán trứng và con giống. Săn bắt rắn hổ là trái pháp luật, theo luật Việt Nam và cả quốc tế, nhưng chăn nuôi rắn được coi là hoạt động kinh tế mũi nhọn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, theo Báo Gia Lai, trong chuyến thăm trại rắn vào năm 1983, cũng khuyến khích người làng Vĩnh Sơn duy trì và phát triển nghề nuôi rắn để nâng cao đời sống và hỗ trợ cho y tế, nghiên cứu khoa học.

Thợ săn rắn ở miền Tây. Ảnh: Roads and Kingdoms.
Buồn thay, nạn săn bắt rắn hổ mang chúa chui vẫn đầy rẫy ở Việt Nam, dù đây là công việc vừa nguy hiểm, vừa gian khổ, vừa trả lương thấp. Rắn họ bắt được sẽ được tiêu thụ ở các lò ngâm rượu, quán nhậu, cả để lấy nọc làm thuốc, và thậm chí để tuồn cho các trại nuôi nhốt. Nạn săn lậu, rốt cuộc, cũng có gốc rễ từ cái đói nghèo, và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, vì người ta thường đi săn lậu khi không còn cách nào khác để kiếm cơm.
Nói đi thì cũng phải nói lại, nhân Tết Ất Tỵ, có lẽ đôi lúc ta cũng nên trân trọng rắn hổ mang chúa vì chính nó, thay vì những lợi ích nó đem lại cho con người hay vì tấm màn huyền hoặc của cổ tích. Rũ bỏ đi thần thoại và mê tín, nỗi sợ và miệng lưỡi người đời, rắn hổ mang thật sự là một mẫu vật hoàn hảo của tạo hóa, thuôn dài, luồn lách dưới cây lá, chiếc mang phập phồng. Chỉ mới nghe tiếng cành gãy đâu đây, mà thoắt cái, rắn ta đã lủi đi mất, nhẹ nhàng như làn gió. Rắn hổ mang chúa không thích sự chú ý, nhất là trong mùa sinh sản, vì rắn hổ có tình mẫu tử rất tuyệt vời.

Đa số các mẹ rắn thuộc các loài khác không ở lại lâu quanh trứng sau khi đẻ, nhưng một số ít loài, bao gồm rắn hổ và trăn, sẽ gắng sức bảo vệ và ấp trứng. Rắn hổ mang mẹ còn đưa công tác chăm sóc con lên tầm cao mới bằng việc dùng nhánh cây, đất để đắp tổ thành gò cao. Địa điểm xây tổ được chọn lựa kĩ càng dựa trên những tiêu chí về ánh sáng, nhiệt độ, và độ thông thoáng. Rắn cái sinh ra khoảng 20 đến 40 trứng trong chiếc tổ chống thấm, và canh gác suốt 4 tháng cho đến khi trứng nở. Người ta ít khi nào nghĩ đến bản năng làm mẹ ấm áp mỗi khi nói đến rắn hổ mang, nhưng tôi nghĩ, đã đến lúc ta thay đổi cách nhìn đối với rắn hổ.
Saigoneer là một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam. Chúng tôi kể những câu chuyện đương đại vừa mang giá trị giáo dục vừa mang tính giải trí. Với Saigoneer, bạn sẽ thấy những bài nghiên cứu được đầu tư công phu viết về nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và cả những video về gánh hàng rong ẩn sâu trong ngõ nhỏ.
Chúng tôi chào đón tất cả những ngòi bút tự do có ý tưởng độc đáo muốn cộng tác cùng Saigoneer. Ban biên tập ưu tiên các cây viết yêu thích hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực: âm nhạc, nghệ thuật, thời trang, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực, công nghệ và phim ảnh.
Các bạn vui lòng điền vào "pitch form" này để phác thảo ý tưởng chính cho đề tài bạn muốn khai thác, cùng với một số bài viết bạn đã thực hiện và gửi email về contribute@saigoneer.com với tiêu đề "Freelance Pitch".
Thân ái,
Saigoneer