Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Hơn cả nơi neo đậu tuổi thơ, tiếng dế báo hiệu tương lai ẩm thực bền vững

Tiếng dế. Chỉ cần đọc hai chữ này thôi ta đã nghe văng vẳng trong tâm trí cái âm thanh rinh rích ấy. Tiếng tỉ tê của rung động đêm hè. Con người đã làm bạn với âm thanh dân dã ấy ngay từ thuở hồng hoang. Dần dà, tiếng dế và cả loài dế trở thành nơi neo đậu văn hóa, ký ức, lịch sử, đời sống con người.

Trong tâm khảm người Việt, có lẽ mối liên hệ hằn sâu nhất giữa dế và chúng ta mang hình hài chú Dế Mèn trong tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài. Tác phẩm đã vượt qua khỏi biên giới văn học thiếu nhi để trở thành cái tên kinh điển của văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong văn đàn. Dế Mèn và các bạn đồng hành của mình trải qua biết bao chuyến phiêu lưu trong từng chương sách, từ cuộc chạm trán với vệ sĩ Bọ Ngựa đến chạy trốn khỏi vương quốc Kiến, qua đó học được bao nhiêu bài học về tính nhẫn nại, lòng bao dung, chính nghĩa, đấu tranh chống lại cái xấu. Bài học làm người được xen lẫn trong từng câu từ nghiễm nhiêm đưa tác phẩm vào chương trình phổ thông suốt bao thập kỉ, không ngạc nhiên gì khi Dế Mèn và thế giới thu nhỏ kì diệu của mình cũng hiện diện trên các kệ sách khắp cả nước.

Có lẽ mối liên hệ hằn sâu nhất giữa dế và chúng ta mang hình hài chú Dế Mèn trong tác phẩm Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài, cái tên kinh điển của văn học Việt Nam, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong văn đàn.

Thế giới màu nhiệm của Dế Mèn không đề cập gì đến cách loài dế ngoài đời thực phát thanh. Nhưng thanh âm ấy không khỏi ong ong trong đầu tôi mỗi lần đọc truyện. Vài năm trước, tôi có dịp tham dự một buổi hòa nhạc mang phong cách cổ điển dàn nhạc giao hưởng HBSO từng dựng, lấy cảm hứng từ câu chuyện của Tô Hoài. Ấn tượng từ tối hôm ấy khiến tôi luôn nhớ về tiếng viola thánh thót của anh Phạm Vũ Thiên Bảo mỗi khi nhìn thấy chú dế nào nhảy tanh tách trên cỏ.

Thật ra, cũng là sự trùng hợp khi cách loài dế tạo ra tiếng kêu chẳng khác cách ta dùng đàn có dây làm nhạc là mấy. Dế, cũng như nhiều loài côn trùng khác, gáy bằng cách cọ các bộ phận trên cơ thể với nhau. Dế đực ma sát phần đáy cánh trước thô ráp để phát ra tiếng “réc réc” thường thấy, tương tự như cách ta lướt ngón tay nhanh trên răng lược vậy. Tiếng gáy của dế tạo ra với mục đích thu hút các cô dế cái để duy trì nòi giống, và đồng thời cũng để răn đe dế đối thủ và thiên địch. Những khác biệt giới tính này đầy rẫy ngoài tự nhiên, nên chỉ dế đực mới có khả năng cất tiếng “gáy,” còn dế cái thì câm lặng như nhân vật nữ trong phim Christopher Nolan.

Ta thường nghĩ về tuổi thơ mỗi khi nhớ đến Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, nhưng mối tương quan giữa trẻ em và dế còn đến từ nhiều kỉ niệm thuở nhỏ khác. Suốt những năm tháng nghèo khó, thiếu vắng đồ chơi, đá dế trở thành thú tiêu khiển khó quên của nhiều thế hệ người Việt. Trẻ con ngày ấy thường dành cả buổi chiều rảnh rỗi đào bới đất để tìm cho bằng được chú dế to nhất, dũng mãnh nhất. Sắp nhỏ tụm năm tụm ba lại để “xây” đấu trường cho những chiến binh của mình. Các cuộc "ẩu đả" này  diễn ra vô cùng gây cấn, nhưng may mắn thay, thường không dẫn đến thương vong vì một trong hai đấu thủ đã “cong đít” bỏ chạy.

Ảnh: Tuổi Trẻ.

Cái đẹp bàng bạc màu hoài niệm của trò đá dế tuổi thơ cũng đi vào thi ca, như bài thơ ‘Những ngày xưa thân ái,’ được Phạm Hổ viết năm 1957:

Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt sách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai

Dù không còn phổ biến nơi thành thị, thú vui đá dế vẫn còn hiện diện quanh quẩn miền đồng quê nước ta. Dẫu bây giờ những đứa trẻ ngày ấy đã trở thành người lớn, dùng bàn tay ngày ấy đào dế để đánh máy, để lướt điện thoại, chắc hẳn chúng cũng không khỏi thấy thổn thức khi nghĩ về tuổi thơ dữ dội khi xưa, một thời từng hí hửng quấn tóc quanh chân dế lửa rồi quay mòng mòng để “khích tướng” cho dế đá máu lửa hơn.

Một điều thú vị về bản năng chiến đấu của dế nằm trong chất khí không màu, không mùi nitric oxide (NO), hoạt chất trong não dế đóng vai trò quan trọng để khiến dế quyết chiến hay chạy trốn. Phát hiện khoa học này chỉ là một trong số rất nhiều nghiên cứu trên dế, và tiếng kêu của chúng. Khoa học giờ đã tìm hiểu tường tận lý do loài dế tiến hóa nên tiếng gáy, cách chúng dựa vào địa hình nơi sống để khuếch đại âm thanh, và cả lượng năng lượng cần thiết để dế kêu. Nhờ vào kích thước cơ thể nhỏ và tính dễ nuôi của dế, loài côn trùng này đã và đang được ứng dụng trong nghiên cứu trong rất nhiều lĩnh vực có ích cho con người và các sinh vật khác, chẳng hạn như trong nghiên cứu di truyền, tế bào gốc, quá trình phát triển của hệ thần kinh, v.v.

Ảnh: Michael Tatarski.

Lý do tiên quyết nhất khiến loài dế có mặt khắp các khía cạnh nghiên cứu khoa học rất đơn giản: dế có giá trị kinh tế cao. Trong những năm gần đây, dế bắt đầu được khai thác như một nguồn lương thực tiềm năng, giàu đạm nhưng thân thiện với môi trường hơn nhiều so với thịt bò, heo, gà. Nhiều công ty Việt đang đi đầu trong tiến trình nuôi dế, điều chế bột protein công nghiệp từ côn trùng, hay thậm chí dế còn được chế biến “nguyên con” thành đồ nhắm đóng bịch xóc gia vị wasabi hay trứng muối. Team Saigoneer cũng có dịp thử qua loại snack mới này — một trải nghiệm nghe “tiếng dế” qua tiếng nhai snack rôm rả. Nhưng thật tình mà nói, trải nghiệm này cũng gây chia rẽ nội bộ chúng tôi, vì mỗi người có cảm nhận khác nhau: “ngai ngái,” “nghe mùi đất,” hay “nghe như mùi rơm.”

Ảnh: Alberto Prieto.

Rốt cuộc, tiếng dế kêu khiến bạn đọc nghĩ đến khía cạnh nào của cuộc sống? Lòng nhẫn nại, tính phiêu lưu, hay lòng hào hiệp trượng nghĩa trong văn Tô Hoài? Những ngày thơ bé đá dế? Một nguồn đạm thay thế thú vị? Hay thậm chí là giây phút “hơi quê” khi đùa mà không ai hưởng ứng? Cũng có thể là tất cả hay không lựa chọn nào cả — và dẫu vậy, cũng không sao. Có lẽ ta không nên gán cho những chú dế trách nhiệm phải gánh vác cái tôi quá rộng và ý niệm văn hóa vĩ mô của con người, mà nên để chúng được thỏa thích gáy vang như chính bản ngã giản đơn, mộc mạc của mình.

Bài viết liên quan

in Natural Selection

Đom đóm: Vụt sáng để rồi dần biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam

Như chính sự tồn tại của mình, loài đom đóm vụt sáng để rồi biến mất trong kho tàng dã sử Việt Nam.

Khôi Phạm

in Văn Nghệ

Nỗi buồn hoa phượng: Từ 'nàng thơ' thi ca đến bi kịch của một tượng đài

Kỉ niệm tuổi học trò của tôi với phượng đi theo lối mòn như văn mẫu. Dù đã cố gắng lục tìm trong tiềm thức một mảnh kí ức đặc biệt nào đó khác với hoa phượng, tâm trí tôi vẫn đau đáu tìm về khoảnh khắ...

Paul Christiansen

in Natural Selection

Tiên sư cái phường khỉ vàng, thành viên 'báo đời' nhất họ linh trưởng

“Bộ tưởng mình ngu lắm hay gì?” — Đầu tôi lập tức “nhảy số” khi thấy tấm biển treo trên cửa phòng khách sạn của mình ở Đà Nẵng.

Paul Christiansen

in Văn Nghệ

Viết cho tượng 12 con giáp — niềm vui bất tận của tôi mỗi dịp Tết về

Cứ mỗi mùa Tết đến, mạng xã hội Việt Nam trở nên xôm tụ khi mọi người khắp đầu cầu đất nước bắt đầu chia sẻ hình chụp tượng linh vật năm mới quê mình. Ngồi ngắm nghía tượng trên mạng cùng team Saigone...

Paul Christiansen

in Di Sản

Bưu điện Thành phố, Benjamin Franklin, và niềm tự hào nước Mỹ xa phương

Không khó để tìm thấy hiện thân của văn hóa Mỹ ở Sài Gòn.

Paul Christiansen

in Natural Selection

Chuyện đời thương tâm, cô độc trăm năm của cụ rùa hồ Gươm

Ai cũng đã từng nghe sự tích về cụ rùa ở hồ Hoàn Kiếm.