Kỉ niệm tuổi học trò của tôi với phượng đi theo lối mòn như văn mẫu. Dù đã cố gắng lục tìm trong tiềm thức một mảnh kí ức đặc biệt nào đó khác với hoa phượng, tâm trí tôi vẫn đau đáu tìm về khoảnh khắc được ngồi chơi cùng “crush” dưới tán phượng trong sân trường thuở ấy.
Phượng vĩ là cách người Việt gọi giống thực vật thân gỗ với cái tên khoa học Delonix regia. Ít có loài cây nào có khả năng báo hiệu sự xoay chuyển của dòng thời gian đầy kịch tính như phượng. Hằng năm, vào khoảng tháng 4 đến tháng 6, những cây phượng khắp Việt Nam đem đến bản giao hưởng đầy sắc đỏ ối và tiếng ve kêu rì rầm, như đang gào lên cho mọi người biết rằng mùa hè đã đến ngay bệ cửa. Đối với sắp nhỏ còn mài đũng quần, mùa phượng nở cũng báo hiệu kết thúc năm học và mùa chia tay bịn rịn đối với các lớp cuối cấp. Hàng thế hệ học sinh Việt Nam cứ thế trải qua 12 năm hoa mộng với màu hoa phượng nhuộm thắm từng kỉ niệm với trường lớp. Thế nên, không có gì lạ khi phượng vĩ nghiễm nhiên được xem như gương mặt thương hiệu của mùa hè, tuổi học trò, và những rung động đầu đời.
Đào sâu thêm về nguồn gốc của loài phượng vĩ, chắc nhiều người cũng sẽ ngạc nhiên khi nghe rằng một biểu tượng văn hoa đầy tính Việt như vậy lại chẳng có gốc gác từ nước ta, hay thậm chí châu Á. Nghĩ cho cùng, đó cũng phần nào cho thấy mối lương duyên kì lạ giữa con người và vạn vật xung quanh. Thực vật, chim chóc, rắn rết, và cả nấm mốc kì thực chẳng mấy bận tâm đến đường biên giới mơ hồ trong giao ước loài người, đối với chúng, ở đâu có dinh dưỡng dồi dào, khí hậu “hợp mạng,” nơi đó là nhà. Cũng như lêkima và thanh long, hai tượng đài trong văn hóa Việt nhưng lại đến từ Nam Mỹ, quê nhà của phượng vĩ tọa lạc tại quốc đảo Madagascar thuộc châu Phi. Nhưng kể từ ngày phượng đặt chân đến Việt Nam lần đầu, thổ nhưỡng nước ta hóa ra rất thích hợp để cây phát triển, sinh sôi, làm cho ta mê đắm đến mức đem phượng trồng khắp đất nước.
Phượng vĩ, học sinh lưu ban lâu nhất thế kỉ
Theo nhiều tư liệu lịch sử, chính người Pháp đã đem phượng vĩ, cùng nhiều giống cây cảnh, hoa màu khác, đến Việt Nam vào cuối thế kỉ 19. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, trong quyển bút kí điền dã Hà Nội còn một chút này, đã kể lại câu chuyện đằng sau hành trình Việt Nam tiến của loài cây hoa đỏ châu Phi này. Năm 1889, một năm sau khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của Pháp, chính quyền thuộc địa đã cho xây dựng vườn thực vật tại vị trí làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp gần Hồ Tây. Khu vườn đóng hai vai trò chính: thứ nhất, để nuôi trồng nhiều loại hoa màu phục vụ bữa ăn cho người Pháp mà Việt Nam lúc bấy giờ không có, như xà lách, cà rốt, su hào, súp lơ. Và thứ hai, để thử nghiệm gây giống nhiều giống cây từ khắp thế giới nhằm tìm kiếm các giống phù hợp trồng làm cảnh trên đường phố, công sở, công viên ở Hà Nội.
Chính quyền tập trung thử nghiệm nhiều giống cây ngoại nhập như vậy với mục đích bảo đảm đường phố luôn được phủ xanh bốn mùa, và các cây cũng rụng lá vào thời điểm khác nhau để giảm việc cho bộ phận vệ sinh. Do đó, phượng vĩ, cọ và xà cừ được nhập từ châu Phi, muồng được chọn từ Nam Mỹ, và hoàng lan được đem về từ Malaysia. Phượng vĩ nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới cầm quyền nhờ nhiều đặc tính nổi trội. Phượng lớn rất nhanh, tán mở rộng, lá nhỏ xanh rì mọc thành hàng như răng lược, giảm thiểu khả năng làm tắc cống rãnh khi rụng. Và đương nhiên, ai có thể không rung động trước những đóa hoa đỏ rực như màu lửa ấy?
Hàng thế hệ học sinh Việt Nam trải qua 12 năm hoa mộng với màu hoa phượng nhuộm thắm kỉ niệm với trường lớp. Thế nên, không lạ khi phượng nghiễm nhiên được xem như gương mặt thương hiệu của mùa hè, tuổi học trò, và những rung động đầu đời.
Phượng vĩ xuất hiện đầu tiên trên những tuyến phố trọng yếu như Rue Paul Bert (Tràng Tiền hiện nay), Rue Kô-Ngü (Cổ Ngư ngày xưa, Thanh Niên hiện nay). Sau đó, nhiều trường theo mô hình giáo dục Pháp đã bắt đầu trồng phượng để lấy bóng mát trong mùa hè miền Bắc oi bức. Phượng vĩ từ từ di chuyển xuống phía Nam sau sự ra đời của nghị định giáo dục năm 1906, ban hành bởi Toàn quyền Đông Dương Paul Beau. Nghị định ra đời cùng bộ quy chuẩn để chỉnh đốn lại hệ thống giáo dục lúc bấy giờ vốn khá bất nhất.
Ngoài các hạng mục về giáo trình, cơ sở vật chất, nghị định cũng ấn định thời điểm bắt đầu năm học vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 5, và yêu cầu các trường phải trồng cây có bóng mát. Thời điểm đó, phượng vĩ đã tung hoành khắp các khuôn viên trường học ở Hà Nội, nên niên biểu mới càng củng cố thêm mối liên kết giữa ngày ra trường và mùa hoa phượng nở. Đốc lý Hà Nội ngày ấy cũng khuyến khích ban giám hiệu các trường trồng phượng, cho nên dần dà những năm sau khi trường Pháp bắt đầu xuất hiện khắp Trung Kỳ, sân trường mới nghiễm nhiên rợp bóng phượng. Đến năm 1912, Hà Nội có 24 học viện tư thì hết 24 đã trồng phượng.
Phượng vĩ, một gương mặt thương hiệu học trò
Cũng như hầu hết các điểm trường thế hệ cha anh, trường trung học cơ sở của chúng tôi năm nào cũng trồng một gốc phượng ngay cổng. Tuy vậy, chiếc cây thuộc loại bé so với chúng bạn, lọt thỏm giữa bồn đất vuông vức lót đá cẩm thạch và dăm ba băng ghế đá. Thật lòng mà nói, tôi và cây phượng sân trường chỉ như “người dưng ngược lối.” Như hai vòng biểu đồ Venn không giao nhau, chúng tôi hiện hữu trong thế giới riêng của chính mình, cho đến một ngày nọ, khi hai vòng tròn ấy bắt đầu xoay lại gần nhau hơn.
Giờ ra chơi sáng hôm ấy, dưới tán phượng loe hoe lá nhưng ngập tràn hoa, “crush” tuổi trẻ của tôi đã hồ hởi dạy tôi cách đá gà bằng hoa phượng. Cô bạn bứt vài nụ phượng chưa hé, cẩn thận bóc hết lớp vỏ ngoài xanh biếc rồi chọn ra vài “chiến kê” từ những cọng nhị hoa e ấp bên trong. Mỗi “chú gà” chọi là một nhị hoa với bao phấn mập tròn đính trên đầu. Hai người chơi móc túi phấn lại với nhau rồi giật mạnh ra thật nhanh, “chú gà” nào mất đầu trước là kẻ thua cuộc. Ngày nay, guồng quay của cuộc sống ít khi nào đưa tôi về với hoa phượng hay những năm tháng hoa mộng ấy nữa, nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác râm ran khi về nhà sau buổi đá gà hôm ấy, thời khắc đánh dấu kỉ niệm đẹp với hoa học trò của chính mình.
Các bước làm bướm phượng
Đối với hàng thế hệ học sinh nghèo Việt Nam, ngồi ép bướm phượng là cách làm đồ lưu niệm vừa túi tiền nhất, chẳng cần vật liệu gì đắt tiền ngoài vài đóa phượng rơi trên đất và chút khéo tay. Khi ép xong, bướm phượng là món quà giản đơn giấu mình trong trang vở, sẵn sàng cất cánh bay ra vào ngày nào đó trong tương lai khi ta vô tình lật giở lại, cũng bạc màu như kí ức về ngày nó ra đời. Phượng vĩ đúng là người bạn đích thực của sinh viên vì cánh phượng cũng có thể dùng nấu món ăn dân dã như gỏi hoa phượng, hay canh chua hoa phượng, với vị chua chua, chát chát tự nhiên.
Về phần tôi, tôi tự cảm thấy an yên với kỉ niệm “đẹp như văn mẫu” của mình với phượng, nhưng không mấy ai cũng có diễm phúc được như vậy. Mối lương duyên của nhạc sĩ Thanh Sơn với phượng, ngược lại, đầy niềm đau ly biệt. Ông sinh ra và lớn lên tại Sóc Trăng vào thập niên 1940 trong một gia đình 12 anh em. Năm 13 tuổi, nhạc sĩ học chung lớp với một cô bé đặc biệt mang cái tên cũng đặc biệt không kém: Nguyễn Thị Hoa Phượng. Phượng chuyển trường về Sóc Trăng sau khi ba cô, một công chức, được thuyên chuyển từ Sài Gòn.
“Hai đứa học chung được hơn một năm tình cảm đang dần trở nên thắm thiết thì bất ngờ mùa hè năm sau Hoa Phượng cho biết gia đình cô đã được điều chuyển về lại Sài Gòn,” nhạc sĩ Thanh Sơn kể. “Trước ngày chia tay, Hoa Phượng có tìm gặp tôi nơi sân trường để nói lời từ biệt. Hai đứa buồn xo, chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng nhìn nhau.” Khi ông hỏi xin địa chỉ để giữ liên lạc, thì Hoa Phượng cúi xuống nhặt một cánh hoa phượng, dúi vào tay ông: “Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em.” Họ bặt tin nhau từ ấy.
Sau này, thời thanh niên, chàng trai trẻ Thanh Sơn lên Sài Gòn sinh sống và may mắn gầy dựng được sự nghiệp viết nhạc khá thành công. Mùa hè năm 1963, một lần đi ngang sân trường đầy hoa phượng rụng đỏ rực khiến ông nhớ lại người bạn thuở nhỏ và cuộc phân ly năm ấy, nên ông đã chắp bút trải lòng mình trên trang giấy. Nỗi lòng ấy trở thành lời bài hát ‘Nỗi Buồn Hoa Phượng,’ bản tình ca thành công nhất sự nghiệp Thanh Sơn và cũng là “vai phụ” rực rỡ nhất của hoa phượng trong văn hóa đại chúng Việt Nam, khiến loài hoa học trò trở thành hình tượng bolero trong mắt người Việt. Bài hát tuy được biết đến lần đầu tiên qua giọng hát bất hủ của Thanh Tuyền, nhưng ngày nay ‘Nỗi Buồn Hoa Phượng’ của Thanh Sơn đã trở thành nỗi buồn của mọi người qua thùng karaoke trong từng ngõ hẻm.
Từ yêu đến sợ
Đến thập niên 2020s, vai trò của hoa phượng trong văn hóa trường học và tình cảm học trò dường như một tượng đài không thể kéo đổ, nhưng ít ai ngờ rằng tình cảm con người-hoa phượng đang trên bờ vực nguội lạnh. Đó là một buổi sớm mai như bao ngày khác, đúng 3 năm trước, vào ngày 26 tháng 5 năm 2020, tại trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Cổng trường vào lúc 6 giờ sáng là bản hòa âm đầy thanh sắc hỗn độn tiếng xe máy của ba mẹ đưa con đi học, của tiếng rao quà sáng, và tiếng í ới gọi nhau của con nít. Từng tốp học trò đang túm nụm quanh gốc phượng trong sân trường ăn sáng thì bỗng nhiên thân cây gãy rồi ngã rạp ra sân, cuốn theo mọi thứ dưới tán lá. Tai nạn không ai ngờ làm 18 người phải nhập viện, đau lòng hơn cả, một em học sinh lớp sáu đã không qua khỏi.
Trong quá trình dọn dẹp tàn tích của cây phượng, nhà trường mới phát hiện ra rằng thân cây đã mục ruỗng từ lâu, mặc dù cành lá vẫn xanh tốt bên ngoài. Mỗi mùa mưa đến, chuyện phượng ngã đổ gây thương vong cũng rất thường hay xảy ra khắp các tỉnh thành, như Huế, Biên Hòa, Sóc Trăng, v.v. Sau vụ việc đau lòng, nhiều chuyên gia kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị đã lên tiếng cảnh giác ngành giáo dục về mối nguy hiểm chực chờ đằng sau việc trồng phượng trong sân trường nhưng chăm sóc không đúng cách. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Đặng Văn Hà thuộc Đại học Lâm nghiệp, nhận xét phượng tuy gắn liền với tuổi học trò nên thường được chọn làm cây bóng mát trong trường học, nhưng không phải lựa chọn an toàn về lâu về dài.
Theo Tiến sĩ Hà, phượng vĩ lớn nhanh, nhưng thân và cành mềm rất dễ bị mục ruỗng. Rễ phượng ăn nổi nên mỏng manh, dẫn đến nhiều vấn đề về gốc rễ khi cây già. Với tuổi thọ ngắn chỉ tròm trèm 30 năm, “nhiều khi không cần mưa bão, cây cũng dễ dàng bật gốc bởi bộ rễ bị hỏng quá nhiều.” Ngoài những đặc tính sinh học, cách trồng cũng là một trong những nguyên nhân chính làm phượng dễ đổ. Bị bó buộc trong “ngục tù” bê tông với diện tích đất ít ỏi, rễ cây không đủ không gian để bám dính tạo thế vững vàng. Tiến sĩ cho rằng cũng có cách đưa phượng vào trường học an toàn, nhưng công nhân viên phải theo dõi sức khỏe cây và tiến hành tỉa cành thường xuyên vào mùa mưa bão.
Có cẩn thận thế nào, thì hậu quả của tai nạn trường Bạch Đằng cũng gây nên nhiều đau thương, cho cả gia đình nạn nhân và loài phượng: khắp mọi miền, ban giám hiệu nhiều trường ngay lập tức tiến hành chặt bỏ, tỉa cây rốt ráo vì sợ lịch sử lặp lại. Từ tượng đài tuổi học trò, nhiều cây phượng cổ thụ giờ chỉ còn là những khúc gỗ nằm sõng soài trên sân chờ khiêng đi đổ. Khi bi kịch xảy ra, con người ta thường tìm đến việc đổ lỗi để phần nào nguôi ngoai cảm giác bất lực, xoa dịu nỗi đau buồn như cắt vào da thịt. Tôi không trách ban giám hiệu phải làm mọi thứ vì sự an toàn của học sinh trường mình, và tôi cũng không trách cây phượng đã cố gắng cầm cự trước sự bào mòn của thời gian, nhưng không thành. Lại một lần nữa, đứng trước thế giằng co không hồi kết giữa con người và tự nhiên, tôi chẳng thể nào nghĩ được lời kết êm đẹp cho bài viết về hoa phượng này. Có lẽ, không phải những vương vấn tuổi hoa niên, mà đây chính là ý nghĩa thật sự đằng sau cái gọi là nỗi buồn hoa phượng.