Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Bài tụng ca chia tay cụ bàng, 'người hàng xóm' đầu tiên tôi gặp

Bài tụng ca chia tay cụ bàng, 'người hàng xóm' đầu tiên tôi gặp

Tôi đội mưa chạy ra ngoài tầng trệt để hóng chuyện trong tò mò. Trước mắt tôi hiện lên các chú bác nhân viên công ích trong bộ đồng phục xanh, cam, người ướt đẫm vì cơn mưa nặng hạt. Họ đứng vây quanh một chiếc xe cần cẩu, tất cả đều tập trung ánh nhìn về một phía — lên trên. Tôi dõi theo để rồi đứng tần ngần mãi vì cảnh tượng phía trước.

Một sáng trời mưa tầm tã, tôi thức dậy trong biển tạp âm từ tiếng người, tiếng động cơ chồng chéo với một dự cảm không lành. Rất nhiều tiếng ai đó đang la hét ra lệnh cho nhau, những tiếng nứt gãy đứt đoạn vang vọng khắp khu cư xá cũ. Hóa ra, sáng hôm ấy người ta đang chặt cây.

Chính xác là một cây bàng. Một cây bàng với vẻ ngoài già cỗi vô cùng, cao ngút gần tận 5 tầng lầu. Tán cây rộng và đẹp với những cành non đâm chi chít lá, như một chiếc ô xanh tỏa bóng che chắn cho các tòa nhà cũ kỹ cạnh bên và cư dân của chúng.

Trong một thời gian dài, sự tồn tại của cái cây này là một điều bí ẩn đối với tôi. Cách cây vẫn hiên ngang đứng vững trên mảnh đất ở ngay trung tâm thành phố, nơi từng mét vuông đều được quy đổi ra đơn vị tiền tệ. Bước ra ngoài công viên, những thân cây to lớn, cổ thụ như vậy ngày càng hiếm trên phố xá đất chật người đông này.

Nếu phải quy đổi ra tuổi người, tôi sẽ phải gọi cây bàng này là cụ. Tôi biết thế vì thấy cả bộ rễ dày dặn và chằng chịt, những xúc tu vươn dài khiến mặt đất phải rung chuyển và rạn nứt, bám sâu đến mức cuộn tròn những nếp tường gạch bị bỏ hoang xung quanh. Hệ thống ấy nuôi dưỡng thân cây xù xì, lừng lững chọc thẳng đến trời cao, mấp mé rộng hơn cả vòng tay của một người lớn. Có vẻ như “cụ bàng” đã bất di bất dịch ở đây nhiều thập kỷ và chứng kiến thời thế thay đổi toàn bộ môi trường sống của mình — từ một chốn đầm lầy nhầy nhụa ven kênh đến một khu tái định cư nhộn nhịp.

Suốt vòng đời dài đằng đẵng đó, tôi chỉ kịp chia sẻ với cụ được hơn một năm lẻ vài chục ngày. Cụ là người hàng xóm đầu tiên tôi gặp khi chuyển vào một căn hộ gác xép nhìn về hướng Tây, theo lẽ thường sẽ dễ oi bức và ngột ngạt mỗi ban trưa. Nhưng nhờ cây giấu đi, mặt trời có treo cao thì cũng chỉ còn những tia sáng mỏng manh xuyên qua khung cửa sổ, dù chẳng che chắn. Và cụ bàng dần trở thành một phần cuộc sống của tôi tại căn hộ, theo cách này hay cách khác.

Tôi cảm nhận được những chuyển động của mùa khi nghe tiếng tán lá xôn xao, tiếng trái bàng rơi lộp độp lên mái tôn trước những cơn giông kéo về. Tôi nghe tiếng chim sẻ hót lảnh lót trên cành, trong veo như bầu trời vào những ngày nắng đẹp. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp một chú sóc đang gặm bánh mì vụn ngoài ban công, chân tay chú líu ríu phóng vụt vào bụi cây như vừa bị ai đó xâm phạm riêng tư. Những điều nhỏ nhặt khiến tôi cảm thấy rằng nơi mình ở vẫn chất chứa thứ nội hàm gì đấy, chứ không phải chỉ là một lô đất giải tỏa bị xẻ năm xẻ bảy.

Có lẽ vì thế mà tôi chạnh lòng khi chứng kiến từng phần của cây bàng bị khuất phục bởi lưỡi cưa. Thân cây rung bần bật trước đôi tay thoăn thoắt của những người thợ lành nghề.

Đó không phải là lần đầu tiên thôi thấy cảnh tượng giống như vậy. Trên đường đi làm hàng ngày, tôi vẫn thấy các đội công ích cắt tỉa bao cây cối ven đường, nhiều cây trong số đó bị gọt giũa quá tay đến mức trơ trụi. “Sẽ mọc lại thôi,” tôi vẫn hay trấn an bản thân trong đầu để bớt xót xa những nhánh cây nhỏ xụi lơ vừa lìa cành, lá rụng vươn vãi khắp nơi như cơn mưa rào đổ lên mặt đường. Trong nhiều tháng liền, quá trình trao đổi chất yếu ớt của những tế bào thực vật sẽ diễn ra vô cùng chậm rãi, chậm rãi đến mức gần như vô hình trước đôi mắt của người trần, khiến người ta phải nghi hoặc rằng liệu cái cây ấy có thực sự còn sống không, hay đã chết trẻ, để rồi thở phào một cách nhẹ nhõm khi một chúm lá xanh xanh, một mầm non lún phún trồi lên báo hiệu rằng sự sống, dù thoi thóp, vẫn đang tiếp diễn.

Nhưng cây bàng của tôi không có cơ hội đó, nó đã đi đến chặng cuối của cuộc đời. Người ta dỡ từng khúc cây xuống sau mỗi lưỡi cưa sém ngang, thao tác nặng nhọc như thể tháo rời những viên gạch lego trăm ký xếp chồng dính liền nhau. Hầu hết được chở đi trên một chiếc xe rác công ích, để lại duy nhất một gốc cây trụi lơ in hằng tầng lớp thời gian, những vòng cây được nuôi dưỡng bởi năm tháng — đủ lâu để thấy vận mệnh của một dân tộc thay đổi, thấy bao lớp người sinh ra, lớn lên, già đi. Quy luật của cuộc sống là không ngừng vận động và thay đổi, chỉ là đôi lúc sự đổi thay ấy có phần nghiệt ngã. 

Yann Mattel từng viết trong cuốn Cuộc đời của Pi: “Tôi nghĩ rằng, sau cùng, cuộc đời cũng chỉ là một cuộc chia ly. Nhưng gây nuối tiếc nhất, ấy chính là không kịp nói lời từ biệt.”

Sự biến mất của cây bàng già đến như một diễn biến hiển nhiên, trong bối cảnh khi mà không chỉ rất nhiều những cây bàng khác, mà còn cả cây me, cây sao, cây xà cừ quanh thành phố cũng ngã xuống. Một số gục ngã trước sức mạnh của bão tố, để lộ ra phần rễ con cụt lủn, nham nhở rác rưới, bị tỉa xén để tránh đường dây điện và vỉa hè, dù gắng mấy cũng chẳng thể bám trụ. Một số gục ngã trước sức mạnh của máy móc, bị đốn để phòng ngừa những thiệt hại về người về của, hoặc để nhường chỗ cho những công trình nhân tạo.

Sự biến mất của những cái cây diễn ra trong ồn ã và lặng im. Đôi khi, cộng đồng dang tay để níu lấy vòng đời của những cái cây vô tội, nhưng ngày càng thường xuyên hơn, chúng biến mất sau những phiên tòa kết tội chóng vánh — rằng chúng mang nguy cơ tiềm ẩn, rằng chúng chiếm dụng thứ không gian công cộng quý giá nên dành cho một đường tàu, một tòa nhà, một bất-cứ-gì-đó-khác.

“Người ta chặt cây vì sợ trời mưa ạ?” tôi nhiều lần bâng quơ hỏi cô tổ trưởng, anh gửi xe, bác hàng xóm mỗi khi nhìn về khoảng trống lạ lẫm trước nhà mình. Chỉ mãi một tháng sau, thấy đống gạch và bê tông đang chờ được khởi công ở mảnh đất bỏ hoang cạnh bênh, tôi mới ngậm ngùi chấp nhận số phận của cái cây và nỗi buồn của mình — chấp nhận rằng việc chặt cây đôi khi là cần thiết, và buồn bã rằng quê hương mình đã trở thành nơi khắc nghiệt đến mức chẳng thể nào dung thứ cả người và cây — dù đó có từng là một cái cây được con người (và con sóc) rất yêu quý.

Vậy nên, nếu sự chia ly là một hằng số, tôi xin được viết cho cụ bàng và cho cả những cụ, kỵ, bác cây trên các con đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, Nguyễn Bỉnh Khiêm để cuộc từ giã với thành phố này không diễn ra trong lặng lẽ. Và mong rằng, từ những gì còn sót lại, họ trở về với vùng đất mẹ nguyên sơ hơn, lành hơn, nơi mỗi loài sinh vật đều được sống cho trọn vẹn vòng đời dẫu hữu hạn nhưng rực rỡ của mình.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Ao Ta

Tìm về di sản thiên nhiên bên hàng sao cổ thụ tại ao Bà Om

Mỗi lần nhắc đến chò nâu và người họ hàng gần gũi của nó — cây sao — tôi lại dừng lại để ngẫm nghĩ. Những thân cây đồ sộ, trơ trụi vươn cành cao lên trời trước khi bung tán lá rộng lớn vốn có nguồn gố...

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho túi bọc trái cây, 'chiến thần' diệt sâu bọ thầm lặng

Chuột, muỗi, rắn, rết, sâu, bọ và sên: một vùng đất càng trù phú thì lại càng được các đoàn thể, họ hàng nội ngoại của giống loài chuột bọ ưu ái.

in Đời Sống

Máy tập thể dục công cộng — sản phẩm dành cho trẻ em, người già, và người trẻ thất tình

Tất cả chúng ta đều có những lúc thất tình. Tất cả những lúc thất tình tôi đều chạy bộ. Chạy bộ làm tiêu hao lượng nước trong cơ thể… Thế là chúng ta không còn nước mắt để khóc nữa.

Khôi Phạm

in Đời Sống

Thư gửi người lạ mặt đã cùng ta trú mưa dưới dạ cầu ngày ấy

“Đừng trách móc cơn mưa; mưa giản đơn chẳng biết cách rơi về trời đâu.”— Vladimir Nabokov.

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho cửa van thủy lợi, 'kỳ quan' nhân tạo của Đồng bằng sông Cửu Long

Kìa, một chuỗi tòa tháp kín cổng cao tường, nội bất xuất, ngoại bất nhập! Phải chăng đây là thành lũy để cai quản một vùng đất lắm trộm cắp, cướp bóc như phim bom tấn hậu tận thế? Không phải đâu. Đó l...

in Đời Sống

Viết cho những bình nước '0 đồng' giữa lòng thành phố

Những năm gần đây, tôi nghe nhiều tin tức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống của người dân Việt Nam.