Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Máy tập thể dục công cộng — sản phẩm dành cho trẻ em, người già, và người trẻ thất tình

Tất cả chúng ta đều có những lúc thất tình. Tất cả những lúc thất tình tôi đều chạy bộ. Chạy bộ làm tiêu hao lượng nước trong cơ thể… Thế là chúng ta không còn nước mắt để khóc nữa.

Đây là một trích dẫn mà tôi thuộc nằm lòng từ bộ phim Trùng Khánh Sâm Lâm của đạo diễn Vương Gia Vệ. Lời thoại đến từ nhân vật chính là viên cảnh sát 223 Hà Chí Vũ, người vừa mới bị bạn gái đá đít. Như một cách gặm nhấm nỗi đau, Hà Chí Vũ lao vào những hành động vô tri (điển hình của người vừa mới bị đá đít) như tích trữ dứa đóng hộp sắp hết hạn và chạy vòng quay sân bóng chày cho đến khi ngất xỉu.

Năm 2023, tôi đặt mua một bộ đồ tập và một đôi giày thể thao để bắt mình vận động như phản xạ hiển nhiên của việc chia tay. Tất nhiên tôi thừa biết rằng về mặt sinh học, cơ thể con người có khả năng tái tạo nước mắt một cách liên tục. Nhưng trong giây phút bối rối, tôi muốn tin vào sự lãng mạn hóa của điện ảnh, vì dẫu sau thì cũng chỉ có thể có hai kết cục:

1. Bằng một hiện tượng phi khoa học nào đấy, người tôi thực sự mất hết nước mắt để khóc.

2. Chuyện tập tành giúp tôi khỏe và đẹp hơn, dễ có người yêu mới hơn. Quá hợp lý.

Máy tập công cộng du nhập vào Việt Nam từ năm 2009.

Ngày nay, việc rèn luyện thể lực chưa bao giờ là dễ dàng hơn với người Sài Gòn khi có hàng loạt phòng gym mọc lên, với dịch vụ ở mọi mức giá. Tuy nhiên, tôi không tin tưởng bản thân trước các nguy cơ rình rập như các màn chào sale và gói tập kéo dài hết thế kỷ, đặc biệt là với người có tính thiếu kiên nhẫn như tôi. Để biết mình có đủ kiên trì hay không, tôi cần cho mình một phép thử. Quan trọng là một phép thử miễn phí.

Vậy là sau mỗi giờ làm, tôi lại đi bộ ra bờ kè trên đường Hoàng Sa chỉ cách nhà 5 phút. Tại đây, một loạt máy tập thể dục công cộng được lắp đặt, nào là thiết bị lắc hông, gập bụng, xà đôi, chạy bộ... Theo lý lẽ của tôi, nếu có thể quay tay bằng hai bánh xe sắt cót két trong vòng 1 tháng, chắc hẳn tôi sẽ xứng đáng được trải nghiệm chiếc máy chạy êm ái trong phòng máy lạnh, có thiết bị đo tỉ lệ mỡ cơ thể cùng màn hình iPad để nghe nhạc của idol.

Sau 1 tháng thử thách bản thân, tôi nhận ra phương án dự phòng của mình khác với tưởng tượng. Hệ thống máy tập công cộng quả thật rất đơn giản và không đi kèm tính năng hiện đại nào. Tuy nhiên, mỗi chiếc máy đều được thiết kế với các bài tập thực tiễn, hướng dẫn sử dụng máy được viết bằng ngôn ngữ đơn giản nhất để ai cũng có thể tiếp cận. Và dù dầm mưa dãi nắng 24/7 suốt nhiều năm trời, những lớp sơn vàng, trắng, xanh chỉ tróc đôi chút, còn các khớp nối vẫn hoạt động trơn tru, có chăng là phát ra vài tiếng cót két theo từng cú xoay hông, đạp chân. 

Năm 2009, các viên chức thành phố khi tham quan Singapore và Thái Lan nhận thấy rằng nước bạn luôn trang bị các dụng cụ thể thao miễn phí cho người dân ở không gian công cộng. Ban đầu, mô hình được chúng ta học tập và thí điểm tại 4 công viên lớn, bao gồm Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định, và 23/9. Nhận thấy sự ủng hộ của người dân, mô hình được nhân rộng tại địa phương. Đến tháng 4/2013, cùng với việc hoàn thiện dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc–Thị Nghè, hơn 60 chiếc máy đã được lắp đặt dọc kênh. Nhờ cảnh quan thoáng mát và thiết bị miễn phí, khu vực quanh dòng kênh dần trở thành một phòng gym công cộng, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể lực của người dân ít có điều kiện tiếp cận với những phương án tốn kém chi phí hơn. 

Người Việt thường có tâm lý “của rẻ là của ôi.” Các tiện ích công cộng ở Việt Nam, từ nhà vệ sinh đến xe buýt, vốn đã không được đánh giá cao về chất lượng. Thế nhưng thành công của của các máy tập công cộng lại ít được nhớ đến, nói chi tuyên dương. Có lẽ vì máy tập công cộng chủ yếu thu hút người lao động thu nhập thấp, người cao tuổi, v.v. — những đối tượng ít tiếng nói và ít lựa chọn — mà một suy nghĩ đã vô tình hình thành trong tâm thức công chúng, rằng đây là lựa chọn dành cho người không có lựa chọn nào khác. Nhưng mà vậy thì đã sao, nếu nó là một lựa chọn rất tốt? 

Người dân sử dụng máy tập thể dục vào buổi sáng ở khu vực gần chân cầu Điện Biên Phủ.

Đúng như dự đoán, tôi đã ngừng tập thể dục bên bờ kè sau 1 tháng. Không phải vì máy tập không tốt, mà vì việc ngồi dưới những tán cây xanh, ngắm người (và chai lọ trôi nổi) qua lại trong lúc thở hì hục, bằng một cách nào đó đã tác dụng chữa lành. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa, dẫu vẫn đổ mồ hôi đều đều. Dẫu vậy, mỗi sáng đi làm trên đường Hoàng Sa, tôi vẫn vui trong lòng khi thấy các cỗ máy được sử dụng, biết ơn vì những cỗ máy vẫn thầm lặng đội nắng đội mưa, chờ đợi để phục vụ tôi và tất cả những con người xa lạ khác. Nếu có bao giờ làm quảng cáo cho các máy tập thể dục công cộng, tôi sẽ thì thầm một dòng khuyến cáo thật nhanh: “Sản phẩm này phù hợp cho trẻ em, người cao tuổi, và cả người trẻ thất tình.”

Bài viết liên quan

Khôi Phạm

in Đời Sống

Bún chả Obama và bờ kè Trudeau: Tản mạn về công du và vì sao kênh Nhiêu Lộc không nổi tiếng

Dù là đối với nguyên thủ quốc gia, nghệ sĩ K-pop, hay bất cứ vị khách quốc tế vô danh nào đó trên đường, câu đầu tiên mà người Việt thường hỏi đối phương là “bạn thích món ăn Việt nào nhất?” Đủ thấy r...

in Ăn

Hẻm Gems: Bánh flan 8 nghìn, menu 4 món, và sự lãng mạn 0 đồng

Không veston, không cà vạt, chỉ tiền lẻ trong túi là đã đủ cho một buổi hẹn dưới ánh hoàng hôn.

Paul Christiansen

in Văn Chương

Ngồi quán Lão Hạc Cafe, nghĩ về truyện ngắn 'Lão Hạc' và lòng biết ơn

Được Nam Cao viết năm 1943, câu chuyện giờ đây được xếp vào hàng kinh điển của văn học hiện thực; một phong cách nổi bật giữa thế kỉ 20. Giá trị nghệ thuật của ‘Lão Hạc’ đã được bao đời độc giả thừa n...

in Đời Sống

Viết cho những bình nước '0 đồng' giữa lòng thành phố

Những năm gần đây, tôi nghe nhiều tin tức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống của người dân Việt Nam.

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Em đi chơi thuyền, từ Thảo Cầm Viên, trên kênh Nhiêu Lộc

Sẽ thế nào nếu vào một chiều Sài Gòn, cuộc đời bạn biến thành thước phim indie?

Khôi Phạm

in Đời Sống

Thư gửi người lạ mặt đã cùng ta trú mưa dưới dạ cầu ngày ấy

“Đừng trách móc cơn mưa; mưa giản đơn chẳng biết cách rơi về trời đâu.”— Vladimir Nabokov.