Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Viết cho những bình nước '0 đồng' giữa lòng thành phố

Viết cho những bình nước '0 đồng' giữa lòng thành phố

Những năm gần đây, tôi nghe nhiều tin tức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống của người dân Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là 1 trong 6 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Nằm gần đại dương và vành đai xích đạo, dải đất hình chữ S vốn chịu thời tiết khắt nghiệt đang ngày càng phải gồng mình trước những thay đổi thất thường của thiên nhiên.

Nếu như ở những vùng nông thôn, thực trạng thời tiết cực đoan thường xuất hiện dưới dạng thiên tai lũ lụt, gây sụt lún, xói mòn, và thiệt hại thấy rõ về con người, mùa màng… thì ở khu vực thành thị như Sài Gòn, đó là tình trạng nắng nóng kéo dài.

Ảnh: Alberto Prieto.

Bước vào những tháng mùa khô, các cư dân thành phố phải chống chọi với nhiệt độ cao đến phá vỡ kỷ lục lịch sử. Tiết trời oi bức cùng những cơn nắng bể đầu thêm khó chịu khi đặt vào thế trận bê tông hóa của đô thị. Hơi nóng từ mặt đường bốc lên, hòa với khói bụi của xe cộ và mùi ẩm mốc từ những con hẻm chật chội, tạo nên một bầu không khí đặc quánh đến ngột ngạt.

Người ta vội vã tìm đến những quán cà phê, trung tâm thương mại có điều hòa mát lạnh để trốn tránh cái nóng. Những ai có việc phải ra đường đều che chắn kín mít với áo khoác, khẩu trang hay hoody. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để có thể nhanh chóng chạy trời không khỏi nắng.

Ảnh: Cao Nhân.

Như một sự phân hóa vô hình, các đối tượng lao động phổ thông các đô thị là đối tượng phải chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Những công việc như xây dựng, bán hàng rong, chạy xe ôm, hay thu gom rác, khiến họ phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài và đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bộ lao động Việt Nam đã khuyến nghị người lao động với các công việc đặc thù ngoài trời cần nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, đặc biệt là nên thường xuyên bổ sung chất lỏng để chống say nắng và hạ thân nhiệt. Tất cả đều là những lời khuyên khoa học, nhưng cỏ vẻ thiếu xem xét thực tế khi cả các tiêu chí nêu ra — nước và bóng mát — đều là những tiện nghi tưởng chừng bình thường, nhưng xa xỉ đối với người thu nhập thấp.

Muôn hình vạn trạng bình nước và lời nhắn gửi. Ảnh: Cao Nhân, Trinh Nguyễn, Paul Christiansen.

Một sản phẩm nước đóng chai đủ dùng cho cả ngày có thể có giá tương đương với mỗi bữa ăn nhẹ, lại khá nặng nề để mang theo nếu phải di chuyển liên tục. Trong khi đó, các nguồn cung cấp nước uống sạch, miễn phí và tại chỗ lại vô cùng hạn chế, thường chỉ tập trung ở các cơ quan hành chính, sân bay, hay trường học — nơi người ta lại không quá cấp thiết cần nó.

Nhưng may mắn thay, cũng như cách nấm mọc lên ồ ạt từ những ngày mưa, nhiều nguồn nước cây nhà lá vườn đã mọc lên từ những ngày không mưa ở mọi ngóc ngách của thành phố. Ghi dòng chữ thân thiện như “Nước uống miễn phí” hay “Nước mát cho người đi đường,” những chiếc bình inox và xô giữ nhiệt xuất hiện trên vỉa hè như những suối nguồn di động.

Những vị mạnh thường quân không tên. Ảnh: VnExpress.

Đó là một hệ thống vận hành trên nguyên tắc “ai thừa thì tặng, ai cần thì lấy.” Những vị mạnh thường quân tốt bụng lắp đầy trạm của mình bằng trà đá, nước lọc, đôi khi là bánh trái, còn những người lao động thiếu điều kiện có thể ghé qua để giải nhiệt, giải khát mà không tốn chi phí nào. Không ai cảm ơn, không ai quan sát, nhưng hàng nghìn sự trao gửi thầm lặng đã diễn ra như vậy mỗi ngày.

Thực hành này vốn không mới. Ở những miền quê Nam Bộ ngày xưa, các cư dân đã có thói quen dựng chòi lá, lu nước và gáo dừa cán tre dọc đường sá. Khách bộ hành hay hàng xóm láng giềng ai cũng có thể ghé vào nghỉ ngơi và giải khát. Chiếc lu nay có thể đã bị thay thế bởi những chất liệu hiện đại hơn, nhưng sự hào sảng người dân địa phương lại ngày càng được nhân rộng.

Những lu, chum, vại nước ngày xưa được dùng để hứng nước mưa để sinh hoạt cũng như tiếp sức cho khách bộ hành. Ảnh: Phụ Nữ Online.

Trước tình hình nắng nóng khắc nghiệt, chính quyền thành phố đang thí điểm nhiều trụ nước công cộng để có thể phục vụ thêm nhiều nhóm đối tượng trong xã hội. Nhưng cho đến lúc đó, chiếc bình không tên sẽ tiếp tục di sản của mình: tiếp nước và tiếp sức để bao cuộc mưu sinh đỡ nhọc nhằn hơn.

Bình nước tiếp sức cho người lao động phải di chuyển nhiều ngoài trời. Ảnh: Dân Trí.

Bài viết liên quan

in Đời Sống

Máy tập thể dục công cộng — sản phẩm dành cho trẻ em, người già, và người trẻ thất tình

Tất cả chúng ta đều có những lúc thất tình. Tất cả những lúc thất tình tôi đều chạy bộ. Chạy bộ làm tiêu hao lượng nước trong cơ thể… Thế là chúng ta không còn nước mắt để khóc nữa.

Khôi Phạm

in Đời Sống

Thư gửi người lạ mặt đã cùng ta trú mưa dưới dạ cầu ngày ấy

“Đừng trách móc cơn mưa; mưa giản đơn chẳng biết cách rơi về trời đâu.”— Vladimir Nabokov.

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho cửa van thủy lợi, 'kỳ quan' nhân tạo của Đồng bằng sông Cửu Long

Kìa, một chuỗi tòa tháp kín cổng cao tường, nội bất xuất, ngoại bất nhập! Phải chăng đây là thành lũy để cai quản một vùng đất lắm trộm cắp, cướp bóc như phim bom tấn hậu tận thế? Không phải đâu. Đó l...

in Màn Ảnh

Viết cho giọng thuyết minh phim bộ Hàn Quốc, âm thanh 'lo-fi' của tuổi thiếu niên

Lúc còn nhỏ, nhà tôi có một chiếc TV trong tình trạng dở dở ương ương, đôi lúc ngồi xem thì màn hình bỗng dưng tối đen, mặc dù âm thanh thì vẫn nghe được như thường. Để khắc phục, nhà tôi phải tắt đi ...

Paul Christiansen

in Đời Sống

Viết cho túi bọc trái cây, 'chiến thần' diệt sâu bọ thầm lặng

Chuột, muỗi, rắn, rết, sâu, bọ và sên: một vùng đất càng trù phú thì lại càng được các đoàn thể, họ hàng nội ngoại của giống loài chuột bọ ưu ái.

Khôi Phạm

in Văn Hóa

Nắng mưa trên xe đẩy trái cây, món ăn vặt lâu đời nhất nhì Sài Gòn

Thế giới tự nhiên kỳ diệu rất phong phú những cách thu hút ánh nhìn: công đực xòe chiếc đuôi cánh quạt lung linh, từng chiếc lông vũ họa tiết đôi mắt như lúng liếng mời chào công cái; bạch tuộc đốm xa...