Thùng rác, cành cây, biển quảng cáo, bạt che, đồ trang trí Giáng Sinh cũ, bất kỳ nồi niêu, xoong chảo hay muôi vá nào bị bỏ quên trong gian bếp gia đình, thậm chí cả khuôn bánh khọt của một người bán hàng rong: bất cứ thứ gì xài được đều bị cuốn vào cơn sóng đi bão tràn ngập đường phố Sài Gòn tối hôm kia.
Khi tiếng còi kết thúc trận chung kết AFF Cup vang lên, đánh dấu chiến thắng đầy kịch tính của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan, ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tựa như một trận cuồng phong thực thụ, bắt đầu từ những giọt mưa nhỏ rồi chuyển thành sấm chớp, “cơn bão” của người Việt khởi đầu bằng tiếng kèn nhựa, nối tiếp là tiếng kim loại va chạm và tiếng động cơ gầm rú.
Tối vừa rồi, bắt được Grab đi từ quán nhậu ở phường Phạm Ngũ Lão, nơi tôi ngồi xem trận đấu, về nhà tôi ở Phú Nhuận gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng ngay cả khi có thể bắt xe, tôi cũng chẳng dại gì bỏ lỡ cơ hội được hòa mình vào một trong những nét văn hóa hiện đại sôi động nhất của Việt Nam: đi bão.
Giữa biển người phất cờ, hò reo trên những chiếc xe máy tối qua, tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong số đó thực sự là fan bóng đá. Tôi đồ rằng phần lớn dân số Việt Nam ít ai tin tường hết những luật lệ, kĩ thuật đá banh, hay những màn phản công dọc cánh đầy toan tính. Đêm qua, bóng đá chỉ là cái cớ. Thứ được đang lên ngôi ở đây là niềm tự hào dân tộc, là cảm giác gắn kết hòa trong chiến thắng chung của người Việt.
Mới ban ngày, người ta còn dè chừng mấy ông hàng xóm “nằm vùng” chỉ chờ sơ hở để báo cáo kiếm chác từ mấy khoản phạt giao thông vừa tăng ngay đầu năm. Ấy vậy mà đến đêm, những chiếc xe máy cứ thế lao đi, quên hết luật lệ, chỉ để hòa vào dòng người ngập tràn niềm vui. Tài xế chìa tay qua dải phân cách để bắt tay người đi ngược chiều, như thể chẳng còn khoảng cách nào ngăn cản. Đèn đỏ bỗng chốc trở thành sân khấu, nơi vài người hào hứng nhảy xuống đường, dẫn dắt đám đông hô vang khẩu hiệu. Áo quần bị lột phăng, những tấm bảng ngộ nghĩnh viết vội trên bìa carton được giơ cao, lấp lánh trong ánh đèn đường.
“Văn hóa” dường như ngày càng trở thành một khái niệm khó nắm bắt. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tôi thậm chí đôi khi nghĩ rằng nó chỉ là một từ hoa mỹ để quảng bá du lịch hoặc tạo việc làm cho các nhà nghiên cứu.
Có lúc, tôi tự hỏi liệu văn hóa có chỉ đơn giản là những khác biệt nhỏ nhặt, như việc bỏ ruột cá cơm trước khi làm nước mắm. Xét cho cùng, nước mắm Thái Lan và nước mắm Việt Nam đôi khi chỉ khác nhau ở thời gian ủ trong thùng gỗ mà thôi.
Nhưng rồi, những đêm như tối vừa rồi xảy ra — khi cả Việt Nam bùng nổ trong niềm tự hào, tình yêu dân tộc và sự đồng cảm. Những cảm xúc ấy chắc chắn cũng tồn tại ở các quốc gia khác, nhưng không đâu biểu lộ chúng bằng chính những thanh âm, hình ảnh, hương vị và cảm giác độc đáo như ở Việt Nam.
Bạn không cần phải là một người mê bóng đá, nhưng nếu muốn hiểu văn hóa Việt Nam, hãy lên kế hoạch du lịch trùng với các giải bóng đá quốc tế và hy vọng vận may mỉm cười với bạn.
[Ảnh bìa: Người dân ăn mừng sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước đội tuyển Syria trong trận tứ kết Asia Games 2018, chụp bởi Sebastia Galbany.]